Cửa sổ văn nghệ

Ra mắt phim “Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa”

Thứ Bảy, 19/12/2020 18:22

 Ngày 20/12/1964, số báo Giải phóng đầu tiên đã xuất hiện trong vùng giải phóng, rồi được chuyển tới vùng ven, đưa lên Phnôm Pênh ra Hà Nội và đưa bí mật vào Sài Gòn. Với 12 năm hoạt động, báo Giải phóng đã phát hành 375 số báo trong điều kiện đặc biệt khó khăn, hiểm nguy.

Ngày 18/12/2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Đại Đoàn kết và báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức trưng bày chuyên đề và ra mắt phim Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa.

Không gian trưng bày chuyên đề và ra mắt phim Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa.

Sự kiện được tổ chức nhân kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và kỉ niệm 56 năm ngày báo Giải Phóng ra số đầu tiên. Đến dự sự kiện có Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nhà báo Hồ Quang Lợi, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam - nhà báo Trần Thị Kim Hoa. Đặc biệt có sự tham dự của 4 nhà báo nguyên phóng viên báo Giải phóng: Thái Duy, Cao Kim, Nguyễn Hồ và Phương Hà.

Bộ phim tài liệu Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sản xuất, có nhiều tư liệu được công bố lần đầu.

Qua kí ức của các nhân chứng là những lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của báo Giải Phóng, người xem thấy được một lịch sử rất đáng tự hào của tờ báo, góp một phần không nhỏ vào chuyển biến của tình thế cách mạng miền Nam, vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cùng lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam trao quà lưu niệm cho các cựu nhà báo.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, báo Giải phóng chỉ tồn tại 12 năm nhưng từng con chữ thấm máu góp phần không nhỏ vào sự nghiệp thống nhất đất nước năm 1975. Đây là một tờ báo anh hùng dù chưa được phong anh hùng. Lịch sử báo chí Việt Nam sẽ định vị lại, dành một vị trí xứng đáng cho tờ báo này.

Nói về sự ra đời của bộ phim tài liệu Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa, nhà báo Nguyễn Hồ - chủ biên bộ phim chia sẻ: Bộ phim này đề cập đến những sự kiện nóng và những tư liệu, kí ức, hiện vật mình có để chứng minh là sự kiện nói trong ngày hôm nay là hoàn toàn có thật. Rất may bộ phim có sức thuyết phục với những người xem phim, đây mới chỉ là bước đầu. Nếu có điều kiện tốt hơn thì chúng ta sẽ còn trở lại lịch sử một tờ báo với nhiều khía cạnh và những lĩnh vực khác để người xem có thể thấy đầy đủ hơn lịch sử của một tờ báo ở trong giai đoạn lịch sử từ chiến tranh chuyển sang thống nhất đất nước.

Cũng phải nói thêm rằng, để thực hiện bộ phim về báo Giải phóng theo đặt hàng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhóm làm phim của nhà báo Nguyễn Hồ rất vất vả và kiên trì trong điều kiện kinh phí eo hẹp, tư liệu không nhiều, thời gian đã cách xa tới nửa thế kỉ.

Nhà báo Thái Duy nay đã 96 tuổi, xúc động xem lại những tờ báo Giải phóng trưng bày tại sự kiện

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ: Không ai, không điều gì bị quên lãng, bằng những kí ức được tập hợp, lưu giữ và khai thác của chính những người trong cuộc. Phim trước hết nhằm phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ và những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất, và sau nữa là nhắc nhớ, gìn giữ những những giá trị của một tờ báo yêu nước mà cha ông để lại, để thế hệ hôm nay thêm biết ơn, trân trọng lịch sử, quá khứ...

Cũng tại sự kiện, các nhà báo nguyên là phóng viên báo Giải phóng đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về năm tháng tác nghiệp dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù.

TÙNG PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)