Từ ngày 29/09/2024 đến ngày 17/11/2024, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) giới thiệu triển lãm cá nhân “ĐẤT – EARTH” với hơn 70 tác phẩm hội họa trừu tượng mang dấu ấn thử nghiệm độc đáo của họa sĩ Lý Trực Sơn, một trong những tên tuổi gạo cội của nền mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Lý Trực Sơn
Triển lãm ĐẤT tập hợp 71 tác phẩm mới nhất của họa sĩ Lý Trực Sơn, hầu hết được thực hiện trong ba năm, từ cuối 2022 đến 2024, đặc biệt trong đó có đến 16 bức tranh khổ lớn với kích thước 4,2 m x 2,1 m. Sau những thành công trên chất liệu sơn mài và giấy Dó, triển lãm lần này là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Lý Trực Sơn, đúc kết thành quả mười năm lao động nghệ thuật miệt mài để tìm kiếm một chất liệu ngôn ngữ mới.
Với hoài bão và khát vọng kiếm tìm một ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt hoàn chỉnh, Lý Trực Sơn đã tiếp thu tinh thần của nghệ thuật Phương Tây, từ tư tưởng tiền Phục Hưng, ngôn ngữ nghệ thuật của Tapies, Rothko, Giacometti, Uecker đến tinh hoa của văn hóa Phương Đông, từ những họa tiết dân gian, tạo hình thời Lý-Trần đến thử nghiệm với những chất liệu tự nhiên nguyên sơ như đất, đá, cát, cây cỏ và các chất liệu tự nhiên khác. Ông cho rằng ngôn ngữ trừu tượng đã bắt nguồn từ thời nguyên thủy và mong muốn nắm bắt, lưu giữ phần nào đó vẻ bí hiểm của thời gian, không gian mà ông hiện hữu.
Không gian triển lãm
Giã từ chất liệu sơn mài – sơn ta, ngôn ngữ tạo hình truyền thống đã gắn với tên tuổi của mình, giã từ chất liệu giấy Dó linh hoạt đã theo ông trong suốt những năm tháng rong ruổi nơi xa xứ, ĐẤT là một cuộc hữu duyên từ chất liệu, không gian, thời gian, ngôn ngữ sáng tác, đến tâm thế và tinh thần nghệ thuật của họa sĩ Lý Trực Sơn.
Các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm phản ánh suy tư của Lý Trực Sơn về một lối vẽ trừu tượng, một cách tiếp cận văn hóa đa tầng. Thay vì cố gắng cắt nghĩa các tạo hình trong tranh, triển lãm mời gọi người xem bước vào một trạng thái nhập định và chiêm nghiệm về lực hút huyền bí từ vô thức đã chỉ dẫn cho những sáng tạo của người nghệ sĩ hay sự hiện hữu vật lý từ cơ thể, chất liệu mà Lý Trực Sơn đã chắt lọc và kiến tạo nên vũ trụ của riêng mình.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, VCCA cũng sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm đa dạng và hấp dẫn như tọa đàm nghệ thuật, tour tham quan triển lãm nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Triển lãm ĐẤT mở cửa đến hết ngày 17/11/2024 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tác phẩm Hòa sắc phấn màu 3 và Không đề 5, chất liệu tổng hợp, kích thước 1,4m x 2m, sáng tác năm 2024
Tác phẩm Cửa thiền (Zen Gate) 1, chất liệu tổng hợp, kích thước 4,2m x 2,1m, sáng tác năm 2024
Tác phẩm Lam và trắng, chất liệu tổng hợp, kích thước 4,2m x 2,1m, sáng tác năm 2024
Thông tin nghệ sĩ
Họa sĩ Lý Trực Sơn sinh năm 1949 tại Thừa Thiên Huế, Việt Nam trong một gia đình trí thức nề nếp và gắn bó với cách mạng. Ông từng giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau khi tốt nghiệp tại đây vào năm 1979. Trong cuộc đời bôn ba trôi nổi sôi động của mình ông từng đi bộ đội, du học tại Pháp (theo học bổng của chính phủ Pháp tại trường École Nationale Supérieure des Beaux-arts, Paris) và sinh sống sáng tác nhiều năm tại Châu Âu (1989 – 1998).
Lý Trực Sơn sáng tác trên nhiều chất liệu bao gồm sơn mài, giấy Dó, sơn dầu và chất liệu tổng hợp. Các sáng tác của ông song hành cùng những biến đổi chính trị xã hội thời cuộc và những chuyến đi. Ông đồng sáng lập nhóm Sơn Ta và là một thành viên tích cực của nhóm (2013 – 2018). Mục tiêu của nhóm Sơn Ta là tìm tòi, phát triển ngôn ngữ riêng cho sơn mài thành một ngôn ngữ tạo hình độc đáo tiếp nối Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Một số triển lãm nổi bật của ông bao gồm Chốn này (2009), Không vô can và Ballad biển đông (2010), Biennale nghệ thuật quốc tế Beijing lần thứ 5, Trung Quốc (2012), Tố Nữ Dân Ca (2015), Đất và Dó (2017). Các tác phẩm của ông nằm trong nhiều bộ sưu tập cả trong và ngoài nước như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Prague (National Gallery Prague) và một số bộ sưu tập tư nhân.
PV
VNQD