Ra rạp từ ngày mùng 10 Tết âm lịch 2025, bộ phim mang màu sắc kinh dị “Đèn âm hồn” của đạo diễn kiêm biên kịch Hoàng Nam nhanh chóng trở thành một hiện tượng với doanh thu tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 98,5 tỉ đồng theo số liệu từ Đơn vị Phòng vé độc lập (Box Office Việt Nam). Tuy nhiên, bộ phim cũng rơi vào những tranh cãi xung quanh vấn đề chất lượng.
Chưa tôn vinh được văn hóa Việt
Viết trên Facebook cá nhân và trả lời phỏng vấn trên truyền thông, đạo diễn Hoàng Nam nhiều lần khẳng định bộ phim thực hiện nhằm để tôn vinh văn hóa Việt, giới thiệu cho khán giả biết đến và cảm nhận về cảnh đẹp và phong tục Việt Nam. Đạo diễn cũng cho biết bộ phim cài cắm triết lí chính mình đúc kết được, rằng chúng ta phải sống tốt để ông bà dưới âm thế không phiền lòng và mong nhận được phản hồi từ phía những người trong nghề, những chuyên gia, nhà phê bình.
Như vậy có thể thấy ý tưởng và mục đích làm phim của đạo diễn Hoàng Nam khá cụ thể và đầy thiện chí. Thời gian gần đây xuất hiện một số phim kinh dị Việt Nam lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian của người Việt. Việc các dòng phim lịch sử, cổ trang, trinh thám, tiểu sử… của Việt Nam khai thác chất liệu từ văn hóa dân tộc không còn là điều mới mẻ. Song với dòng phim kinh dị thì chưa thật chú ý việc khai thác này. Đa phần phim kinh dị Việt Nam từ trước đến nay được làm theo hơi hướng phương Tây hay remake (làm lại) từ kịch bản nước ngoài. Do vậy,vviệc khai thác chất liệu văn hóa dân tộc là một hướng đi mới rất đáng khuyến khích. Thế nhưng khai thác chất liệu văn hóa dân tộc thế nào cho phù hợp, đúng cách, không gây phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục là một vấn đề cần lưu ý. Song điều quan trọng nhất, vẫn là khai thác thế nào để có một kịch bản hay, một bộ phim có chất lượng tốt, thu hút khán giả đến rạp.

Poster bộ phim "Đèn âm hồn".
Với mục tiêu tốt đẹp như vậy, tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện bộ phim “Đèn âm hồn”, đạo diễn kiêm biên kịch Hoàng Nam đã để lộ ra những “hạt sạn” khiến cho nhiều khán giả yêu điện ảnh thất vọng. Kịch bản phim thiếu tính logic trong nhiều chi tiết, tình tiết, đồng thời cũng thiếu hụt những điểm nhấn, cao trào để tạo ra những mâu thuẫn, kịch tính trong phim. Cho nên về mặt nội dung, phim được xếp vào thể loại kinh dị nhưng không hề có những cảnh cao trào, gây sốc, cũng không có bầu không khí rùng rợn, chi tiết giật gân.
Tuy vậy, với ý tưởng tôn vinh văn hóa dân tộc Việt thì bộ phim “Đèn âm hồn” cũng đã hiện thực hóa dược phần nào với những ngoại cảnh quay đẹp, đặc biệt là cảnh thiên nhiên và trang phục truyền thống mang hơi hướng đồng bằng Bắc Bộ. Còn những chi tiết mà đạo diễn Hoàng Nam tự hào là diễn tả được nét đẹp thuần văn hóa Việt như: cảnh bóng đè, ma dẫn người đi giấu vào bụi tre, nhét rọ thả trôi sông người phụ nữ chửa hoang, cảnh quất cành dâu tằm trừ tà… như trả lời phỏng vấn trên truyền thông thì đó chỉ là khai thác chất liệu để tăng kịch tính cho phim, không phải là sự tôn vinh văn hóa Việt.
Cũng chính vì sự không rõ ràng và sự hiểu biết thấu đáo về văn hóa Việt, nên bộ phim “Đèn âm hồn” có những cảnh lên đồng mang hơi hướng ảnh hưởng bộ phim Hàn Quốc “Exhuma: Quật mộ trùng ma”, cảnh xuất hồn du hành đến âm phủ na ná như loạt phim “Insidious” (Quỷ quyệt) của Mỹ - Canada hợp tác sản xuất. Đạo diễn dàn dựng cho màu phim u ám, phù hợp với phim kinh dị, nhưng màu phim chỉ lại nghiêng về phía tối tăm và nhợt nhạt, không thấy rõ chất u ám, huyền bí.
Kịch bản phim “Đèn âm hồn” có nội dung khá đơn giản. Lấy cảm hứng từ truyện “Người thiếu phụ Nam Xương” trong tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ thời trung đại, đạo diễn kiêm biên kịch Hoàng Nam xây dựng nhân vật Vũ Thị Thương (Diễm Trang đóng) có người chồng đi lính phương xa. Để an ủi con trai nhỏ tên Lĩnh (bé An Bình đóng), Thương hay chỉ chiếc bóng trên tường bảo đó là cha của bé Lĩnh. Một ngày nọ, bé Lĩnh nhặt được một chiếc đèn có khả năng triệu về linh hồn ở cõi âm. Rồi chồng Thương là Lưu Đinh (Phú Thịnh đóng) trở về và vì nghe lời con trai, nên hiểu lầm Thương có người đàn ông khác và tấn bi kịch bắt đầu. Bên cạnh đó có hai nhân vật là cô đồng Liễu (Hoàng Kim Ngọc) và cậu Hường (Tuấn Mõ) là bộ đôi giúp dân làng trừ tà ma. Hai tuyến nhân vật này phát triển song song, kèm theo một số nhân vật phụ khác. |
Nhiều chi tiết mâu thuẫn
Mở đầu phim, cậu bé Lĩnh nhặt được một cái đèn, sau theo lời cô đồng Liễu mới biết đây là đèn âm hồn, một cái đèn nếu thắp lên thì gọi hồn ma về dưới dạng một cái bóng. Tuy nhiên suốt trong nhiều cảnh phim, khán giả không hiểu bộ phim nói về một cái bóng hay là về hồn ma. Cô đồng Liễu thì bảo là bóng, còn các cảnh trong phim thì lại là nhân vật bị hồn ma nhập vào xác, đồng thời lại cũng có cảnh nhân vật Thương bị bóng đè.
Bộ phim có những phân đoạn chuyển cảnh nhanh, không mang tính logic, từ trạng thái tâm lí nhân vật cho đến bối cảnh, đồng thời có những lỗi nội dung rất dễ nhận thấy. Trong phim có cảnh trẻ em đi rước đèn đêm trung thu thứ nhất, ngay sau đó có cảnh mấy người lớn đi rước đèn trong đêm trung thu thứ hai. Như vậy rằm tháng tám có hẳn hai đêm trung thu. Có ba anh chàng thanh niên đi rước đèn ở… nghĩa địa, mà mục đích rước đèn là để đạo diễn sắp xếp cho hồn nhập xác. Bộ phim có không ít cảnh đạo diễn sắp xếp gượng ép như vậy để kéo mạch phim ra và cũng không ít đoạn lê thê quá mức, tạo cảm giác buồn ngủ, chẳng hạn như đoạn Đinh xuất hồn đi xuống cõi âm tìm vợ.
Bộ phim “Đèn âm hồn” còn mắc một nhược điểm cố hữu như nhiều phim Việt khác là thay vì dùng ngôn ngữ điện ảnh, hành động, biểu cảm của nhân vật… thì lại dùng lời đối thoại của nhân vật để giải thích mâu thuẫn hay thúc đẩy mạch phim diễn tiến. Cô đồng Liễu trong phim nói khá nhiều để giải thích nọ kia, trong khi hoàn toàn không cần thiết và có thể dùng hành động thay thế. Chẳng hạn, cô đồng Liễu cứ lặp lại nhiều lần câu nói: “Đưa cây đèn cho tôi” và giải thích lòng vòng về tác dụng của cây đèn, tạo cảm giác ức chế cho khán giả.

Cảnh trong phim "Đèn âm hồn".
Tạo hình nhân vật cũng là một điểm trừ của phim với sự hóa trang khá sơ sài, làm cho khán giả không thấy sự kinh dị, mà lại gây cười. Trang phục nhân vật theo kiểu truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ, toàn bộ nhân vật toàn nói giọng Bắc, cảnh quay là cảnh miền Bắc, bối cảnh là ngày xửa ngày xưa, riêng có gia đình Đinh – Thương nói giọng miền Nam, tạo cảm giác không ăn khớp với bối cảnh và môi trường sống trong phim.
Bị chê song doanh thu vẫn chất ngất?
Tại sao bị chê nhiều nhưng “Đèn âm hồn” vẫn có doanh thu tốt?
Đạo diễn Hoàng Nam xuất thân là một YouTuber với một kênh chuyên về khám phá chuyện tâm linh, kinh dị, có lượng người theo dõi lớn. Đó là lượng khán giả sẵn có nên khi nghe nói về bộ phim đầu tay của anh, nhiều khán giả tò mò đi xem để ủng hộ.
Bản thân bộ phim ra rạp và ngày mùng 10 Tết âm lịch, né được những bộ phim chuyên làm để chiếu dịp Tết. Mặt khác, nhiều khán giả cũng chán ngán những tên tuổi nhiều năm qua thống trị rạp chiếu phim ngày Tết và họ dành cho tân binh điện ảnh sự quan tâm.

Diễn viên Quang Tèo trong vai Ông Mõ làng.
Báo chí truyền thông cũng ưu ái dành cho bộ phim “Đèn âm hồn” nhiều bài viết, dù là khen hay chê, đề cập chuyện hậu trường, thì cũng góp phần quảng bá cho bộ phim.
Mặc dù đạo diễn Hoàng Nam nhiều lần khẳng định trên báo chí và Facebook cá nhân là không có tiền làm truyền thông và bị chèn ép, nhưng nếu tìm hiểu trên mạng xã hội, bộ phim “Đèn âm hồn” có một chiến dịch truyền thông trên mạng khá rầm rộ. Do vậy, nhiều khán giả đi xem phim “Đèn âm hồn” theo những lời quảng bá, lời khen trên mạng xã hội.
Bản thân đạo diễn Hoàng Nam cũng tự tạo ra sóng dư luận để cho mọi người chú ý đến phim của mình hơn, với những lời tố cáo, yêu cầu chính quyền vào cuộc, thanh minh không đạo nhái phim, v.v… Tuy nhiên, dùng truyền thông mạng xã hội thì phải tỉnh táo và biết điểm dừng, biết những giới hạn, nếu không thì đó là con dao hai lưỡi.
Nếu tiếp tục khai thác yếu tố văn hoá Việt để làm phim thì có lẽ đạo diễn nên học hỏi thêm về kiến thức văn hóa Việt nhiều hơn nữa.
HÀ THANH VÂN
VNQD