Lào Cai được biết đến là vùng cây dược liệu lớn của cả nước, tuy nhiên, để biến thế mạnh này thành chính sách phát triển kinh tế xã hội thì phải có một quá trình, với sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như sự đồng hành của các cấp lãnh đạo. Một mô hình được cho là thành công, mang lại sinh kế cho bà con người H’Mông, làm thay đổi tư duy làm ăn của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, đó là mô hình trồng cây dược liệu actiso. Đến nay, diện tích trồng actiso của tỉnh đã lên đến trên 150 héc ta, chủ yếu ở thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà. Số hộ người H’Mông tham gia trồng loại cây này lên đến 87%, nhiều hộ nhờ trồng cây actiso đã thoát nghèo, làm chủ cuộc sống, xây dựng quê hương đổi mới. Quá trình ấy được gói gọn trong vòng mười năm trở lại đây, khi Công ti Traphaco Sa Pa chủ trương mở rộng vùng dược liệu actiso, được UBND tỉnh ủng hộ, coi đây là hoạt động hướng đến đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số để cải thiện, nâng cao cuộc sống cho họ. Tỉnh đã chỉ đạo 4 nhà cùng vào cuộc. Đó là: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà kinh doanh và Nhà nông. Sự đồng bộ trong chỉ đạo, triển khai thực hiện đã cho kết quả tốt, làm thay đổi bộ mặt của địa phương. Nhiều hộ người H'Mông nhờ trồng cây actiso đã được tiếp cận với khoa học kĩ thuật, làm quen với việc sản xuất hàng hóa thay vì trồng cấy theo thói quen phục vụ cuộc sống chính mình đã ăn sâu vào tâm thức. Anh Thào A Từ, sinh năm 1981, ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa là người gắn bó với cây actiso từ năm 2012, khi huyện Sa Pa bắt đầu phát động trồng loại cây dược liệu này. Bây giờ thì anh đã quá quen với nó. Cây actiso đã cho gia đình anh cái ăn cái mặc, ngoài ra còn có phần tích lũy gần một tỉ đồng. Năm 2020, số tiền thu từ actiso của gia đình anh đã lên tới cả trăm triệu đồng. Nhận xét về ưu thế của loại cây này, anh Từ cho biết: Không mất công nhiều như trồng lúa, nguồn thu lại thường xuyên vì mỗi tháng có thể hái lá một lứa. Từ khi trồng đến khi được thu hoạch là 3 tháng, sau đó có thể thu hoặc rả rích 5-6 tháng mới hết Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, từ một loại cây chỉ để “trồng cho vui”, giờ đây actiso đã trở thành một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế của người H’Mông Lào Cai. Mô hình trồng và phát triển diện tích cây actiso cũng được đánh giá là mô hình hiệu quả trong chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ngoài lá bán cho công ti Traphaco thì thân cây, củ, thậm chí là cả rễ đều có thể bán ra thị trường để phục vụ ngành dược liệu, như vậy là không phải bỏ thứ gì. Năm đầu nhà anh Thào A Từ trồng 2000 mét actiso, rồi lên 4000 mét vuông, và hiện tại diện tích trồng actiso của gia đình anh là 6000 mét vuông. “Một tấn lúa thu về đầu tư tốn kém hơn, công chăm sóc vất vả hơn nhưng chỉ có giá tầm 7 triệu đồng, trong khi một tấn actiso có giá trị khoảng 35 triệu”, anh Má A Sung ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa phân tích để nói về lí do chuyển đổi từ cây lúa sang cây actiso của gia đình anh và nhiều hộ nông dân người H’Mông khác. Trước đây, ngày nông nhàn, anh Sung đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, còn giờ đây, vào vụ thu hoạch cao điểm, anh còn phải thuê thêm người làm mới kịp cắt lá actiso cho đúng lứa. Cây actiso từ chỗ giúp bà con H’Mông thoát nghèo đã thành cây có thể làm giàu, quan trọng hơn là đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ từ chỗ sống khép kín và làm ăn manh mún, chỉ lo cho cuộc sống thường nhật đã từng bước làm quen và áp dụng các kĩ thuật canh tác mới để sản xuất hàng hóa trên đồng đất của ông cha. Hộ gia đình anh Má A Sung cũng là hộ trồng cây actiso với diện tích lớn ở phường Hàm Rồng hiện nay. Cả thung lũng trước nhà bạt ngàn những ruộng actiso. Cũng nhờ cây actiso mà gia đình anh đã khấm khá, các con được ăn học tử tế, theo cái chữ về xuôi. Năm 2020 này, con trai thứ ba của anh, cháu Má A Thái đã thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị trong niềm vui chung của gia đình và thôn bản. Được chứng kiến buổi lễ mừng cơm mới, cũng là buổi mừng con trai thi đỗ đại học của anh và gia đình, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của cuộc sống những gia đình người H’Mông nơi đây. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn, sự vào cuộc của “4 nhà” như sau: “Về phía nhà nước, chúng tôi tham mưu với tỉnh để hệ thống chính trị cấp xã, huyện vào cuộc. Nhà nông là bà con, được vận động đúng hướng, hiệu quả, cán bộ đi trước làng nước theo sau. Nhà khoa học phía Công ti Traphaco lo về giống và quy trình chăm sóc sao cho cây đạt hàm lượng dược liệu cao nhất, chất lượng tốt nhất. Còn nhà kinh doanh của Traphaco lo thị trường, đầu tư giống và vốn cũng như cam kết thu mua”. Trong đó, đầu ra cho sản phẩm là quan trọng nhất, giải quyết được đầu ra mới ổn định và phát triển được. Do đặc tính của lá actiso, nếu không sơ chế thành nguyên liệu ngay, vận chuyển đi xa sẽ bị thối nát, hỏng cũng như giảm hàm lượng dược liệu, tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện cấp đất và miễn thuế một số năm cho doanh nghiệp để lắp dây chuyền sơ chế lá actiso tại TP Lào Cai, giải quyết ổn định đầu ra của việc thu thu mua nguyên liệu cho bà con. Anh Nguyễn Tiến Thành, hiện là Bí thư Đảng ủy phường Ô Quy Hồ, thị xã Sa Pa, vốn là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sa Pa trước đây nhớ lại: Ban đầu, khi Công ti Traphaco Sa Pa phối hợp với UBND huyện triển khai trồng actiso, nhiều ý kiến cho rằng chỉ người Kinh mới làm được, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm để đưa loài cây này về với đồng bào dân tộc H’Mông. Huyện cũng trích từ ngân sách hỗ trợ mỗi hộ trồng actiso 12 triệu đồng/héc ta. Kết quả là đến nay chúng tôi đã thành công. Toàn thị xã Sa Pa hiện đã mở rộng trồng 150 héc ta actiso, trong đó số hộ người H'Mông chiếm 87%. “Trước đây bà con quan niệm, trồng sắn trồng ngô thì dù có ế không ai mua thì con ngựa, con gà, con lợn còn ăn được, trồng cây dược liệu mà không ai mua thì mất trắng, biết đổ đi đâu. Bởi thế, khi huyện Sa Pa trước đây chủ trương mở rộng vùng dược liệu acitso (để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thuốc bổ gan Boganic đang có thị trường tiềm năng lớn) đã gặp phải rào cản lớn nhất này. Chúng tôi là những người vừa vận động bà con vừa đi đầu hưởng ứng. Sau một thời gian thử nghiệm bà con đã tin tưởng làm theo”, anh Giàng A Xàng, Bí thư Đảng ủy phường Hàm Rồng cho biết. Anh Xàng nói thêm: “Chúng tôi làm nông nghiệp từ nhiều đời nay, nhưng làm giàu từ cây lúa cây ngô là rất khó, chỉ từ khi trồng cây actiso mới làm được”. Nhớ về những ngày đầu lăn lộn cùng cây actiso trên đất Lào Cai, anh Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ti Traphaco Sa Pa - đơn vị chủ đề án mở rộng vùng dược liệu actiso nhớ lại: Một mặt công ti vận động, kí kết hợp đồng thu mua với bà con, một mặt, hỗ trợ bà con giống cây, cam kết bao tiêu sản phẩm. Công ti cũng có chính sách ứng kinh phí cho bà con người H’Mông, sau khi trồng cây cho thu hoạch sẽ trừ vào sản phẩm thu mua, từ đó, tạo sự yên tâm để bà con chuyên canh loại cây này. Từ sự vào cuộc của “4 nhà”, sau mười năm, mô hình trồng cây dược liệu actiso tại Lào Cai đã cho kết quả tốt đẹp, giờ đây, du khách tham quan Sa Pa có thể gặp những triền hoa actiso tím biếc núi rừng, như điểm tô cho nét đẹp vùng cao và sự ấm no trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY Thực hiện: HÀ THẾ |