Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Lạng Sơn ngày thu đẹp lạ thường, những nóc nhà sàn cổ san sát lẩn khuất sau dãy núi chân mây, thảm lúa xanh rì ngút tầm mắt. Làn gió heo heo quyện mùi hăng nồng của đất sét vừa xén lên từ thung lũng trào ngược vào mũi cay xè. Dọc bên đường, lán trại luôn thấp thoáng bóng người hối hả. Những đôi tay thoăn thoắt nhào, cắt thuần thục từng vuông đất nhỏ. Những vuông đất được tách ra khỏi khuôn xếp chồng ngay ngắn thành hàng để gió núi hong khô chờ đưa vào lò nung. Cả làng chỉ ngói và ngói. Bên vệ đường vài người đang dỡ những công đất, nện thành đống. Chàng thanh niên cời thêm củi làm lò ngói sáng rực làng quê. Chiếc xe thùng nổ máy rình rịch như thúc giục mọi người nhanh tay hơn khi xếp ngói lên xe. Làng nghề ngói âm dương thủ công xã Quỳnh Sơn hàng trăm năm tuổi luôn trong không khí rộn rã giữa thời đại công nghệ phát triển mỗi khi vào mùa. Quỳnh Sơn lẩn khuất sau dãy núi, chân mây với lớp lớp nhà sàn cổ lợp bằng ngói âm dương.
Trải qua bao thăng trầm có lúc tưởng chừng nghề thủ công này đã mai một bởi sự ra đời của tấm lợp Pro xi măng, mái tôn.
Ngói âm dương còn có tên gọi là ngói máng, được làm bằng đất nung nên rất bền và mát, đồng bào dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn và các tỉnh lân cận rất ưa chuộng. Ngói được làm thủ công sản lượng không cao, nên luôn có đơn đặt hàng trước khi ra lò.
Để ra đời được viên ngói tốt phải trải qua rất nhiều khâu đoạn. Đất sét được mua từ huyện Bình Gia, có độ dẻo và bền cao. Người dân thử đất bằng cách làm ngói mẫu, nếu đạt tiêu chuẩn mới làm đại trà.
Việc làm mịn và dẻo đất giúp cho ngói có độ gắn kết.
Trước khi tạo hình cho ngói, khuôn được phủ một lớp tro bếp mịn, việc này làm cho ngói sau khi vào khuôn được bóc tách dễ dàng và có bề mặt mịn đẹp.
Mặt cong của viên ngói cũng được tạo khuôn từ đất một cách khéo léo sao cho các hàng giống nhau để khi lợp không bị vênh.
Kinh nghiệm của người thợ rất quan trọng trong việc đưa ra thị trường sản phẩm tốt.
Người dân chủ động nguyên liệu tránh việc khan hiếm khi vào mùa.
Làm sạch đất bằng cách thái nhỏ, loại bỏ những hạt sạt sau đó ủ nước 20 ngày. Làm sạch đất sẽ giúp cho ngói nung chín đều, không bị rỗ.
Quy trình làm ngói âm dương mất từ ba đến bốn tháng nên mỗi lò hàng năm chỉ làm được hai đến ba lượt.
Một lò nung như thế này chứa từ 40 đến 60 nghìn viên ngói. Ngói được nung liên tục trong vòng 10 đến 12 ngày, sau đó hạ lửa, chờ nguội để đưa ra thị trường. Mặc dù làm ngói cực nhọc mất thời gian, nhưng giá mỗi viên thành phẩm cũng chỉ 1.600 đồng.
Làng ngói âm dương Quỳnh Sơn với việc đưa đất nung đỏ mái nhà sàn đã tạo nên diện mạo truyền thống góp phần giữ vững bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao Tây Bắc.
Tổ chức trang: Giang Phương
Thực hiện: Vũ Thành Duy