Cuốn sách nói về sự dịch chuyển của thời gian và con người trên các vùng địa lí, mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, tôn giáo, chính trị và tính dục, đặt câu hỏi về các chân lí thường trực, cái chết song hành với sự sống.
Khó để đoán định được các khoảng thời gian trong cuốn sách này, thời gian tiếp diễn hay đã bị cắt đứt? Qua những mô tả Olga, mình nhận thấy dường như thời gian trong cuốn sách có mối quan hệ với những chuyển động. Ví dụ, trong này có câu chuyện về một vụ mất tích, những nhân vật trong câu chuyện này không ngừng di chuyển và tìm kiếm, đi lại giữa các kí ức được tái tạo và hiện tại tiếp diễn một cách u ám; ám ảnh về cái chết và sự mất mát chỉ ập đến cùng thời gian khi họ ngừng lại - thời gian đã thoát khỏi vòng kiểm soát của chuyển động. Một câu chuyện khác, về một người lái tàu, sự dịch chuyển của anh ta bị cản lại bởi lộ trình và những quy tắc trên chiếc thuyền mới: thời gian xuất hiện và tiếp tục dòng tuyến tính của nó, ta có thể thấy anh ta đang già đi và rơi vào cảnh quẫn trí. Điều này chỉ ngừng lại khi anh ta quyết định thay đổi lộ trình chuyến tàu và đi tới nơi khác, thoát khỏi hòn đảo kia cùng với mọi người. Chuyển động nhưng chuyển động bằng cách nào, làm sao ta có thể thật sự trốn thoát và chống lại cái ác thông qua chuyển động? Chuyển động có thể được thực hiện trong sự mơ hồ không chủ đích hay có là chủ đích sẵn có, như một cách để định hình căn tính cá nhân.
Trong cuốn tiểu thuyết phân mảnh này, Olga phủ nhận cái gọi là “trật tự đông cứng”, cầm cố và giam giữ con người trong ảo tưởng về vòng thời gian trùng lặp miên viễn và sự đàn áp của các thiết chế; qua lời của một “Bieguni”, kêu gọi mọi người hãy di chuyển. Chính con người, chứ không phải ai khác, trong khi chuyển động đã tạo ra cái cố định: bản đồ, quốc gia, sổ lưu trữ, các thiết chế xã hội… nhưng giờ những cái cố định ấy lại quay lại kiểm soát sự chuyển dịch của chính ta. Ta bị cầm cố trong cái cố định, dù rõ là ta có thể phá dỡ hay xoá mờ nó đi: “Nơi làm tôi bị tổn thương tôi xóa khỏi tấm bản đồ của mình. Những địa điểm mà tại đó tôi trượt chân, bị ngã, nơi tôi bị đánh, bị chọc tức, bị đau đớn đã không còn tồn tại trên bản đồ.”
“Với ai đó không biết từ đâu đến thì mỗi chuyển động của anh ta đều là trở về, bởi chẳng cái gì lôi cuốn mình mạnh như một chỗ trống”, câu trích này khiến tôi liên tưởng tới một vấn đề của con người thời đại này: dễ cảm thấy lạc lối, bơ vơ vì không biết đâu là nơi mình thuộc về.
Tên sách: "Bieguni, những người không ngừng chuyển động"
Tác giả: Olga Tokarczuk
Thể loại: Tiểu thuyết
Đơn vị xuất bản: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam
@_satohsai (Thông tin từ Nxb Phụ nữ Việt Nam, tiêu đề do VNQĐ đặt)
VNQD