Sách về nhà số 4

Câu chuyện ngột ngạt nhưng ấn tượng của Mishima Yukio

Chủ Nhật, 23/08/2020 06:02
Mishima Yukio là một tượng đài của văn học Nhật, một trong sáu đại tác gia trụ cột của văn học Nhật, điều ấy thì người Nhật nào cũng biết. Có điều hình như ngay cả đối với người Nhật cũng rất ít người có thể đọc được những tác phẩm gốc của ông. Nó quá khó hiểu đối với giới bình dân, người ta thường đọc nó qua sách diễn giải, tức là sách đã được dịch sang tiếng Nhật hiện đại và làm cho dễ hiểu đi. Tuy vậy không thể phủ nhận tài năng của Mishima. Một thiên tài kì lạ và hiếm có trong một xã hội Nhật đầy quy tắc, đầy định kiến. Ngay cả cách ông chết cũng khiến nhiều người cảm thấy rúng động dù sự việc đã xảy ra hơn 50 năm rồi.
“Khao khát yêu đương” là câu chuyện của Etsuko, một phụ nữ trẻ goá chồng, chuyển về biệt thự ở nông thôn sống cùng bố chồng và người nhà của chồng, sau đó thì có mối quan hệ bất chính với bố chồng, rồi phải lòng cậu thanh niên làm vườn trong nhà. Cuối cùng dẫn đến cái chết của cậu trai trẻ và một kết thúc không thể nghệ thuật hơn cho chính Etsuko. Những tình huống diễn ra khá xoắn não và một khả năng sử dụng ngôn từ vô cùng điêu luyện, đọc xong tác phẩm có màu sắc rất u ám và nhiều ẩn ức này, cảm giác đọng lại chính là một tác phẩm đẹp. Đẹp từ những câu văn mô tả phong cảnh vùng quê Osaka, đẹp từ cách miêu tả nỗi đau thương đến tận cùng và lòng ghen tuông cuồng nhiệt của một người đàn bà chịu nhiều cay đắng trong đời. Đẹp cả những đoạn trào phúng về người cha chồng gốc gác nông dân. Một tác phẩm tuy không dài nhưng rất ấn tượng.
Tôi vốn say mê thứ văn học nhiều ẩn ức, một thứ văn chương tăm tối và tuyệt đẹp, văn học Nhật lại nở rộ những tác phẩm và những tác gia như vậy, trong số đó Mishima Yukio lại là đại diện tiêu biểu nhất. Bởi thế những tác phẩm của Mishima Yukio thu hút tôi ngay từ những trang đầu tiên. Trong sự nghiệp dày dặn của ông có thể nói, “Khao khát yêu đương” chính là tác phẩm dịu dàng nhất, buồn bã và đàn bà nhất, đến mức khi dịch đến những đoạn Etsuko định uống thuốc độc tự tử, Etsuko yêu không khí đầy mùi thuốc sát trùng tại bệnh viện, Etsuko tặng tất cho người mình thầm yêu… tôi vô thức thốt lên: sao lại có người khổ sở đến mức này, sao một tác giả nam giới lại có thể miêu tả sống động nội tâm phụ nữ đến mức này? Tôi tin rằng, khi bạn đọc “khao khát yêu đương” cũng ít nhiều cảm nhận được những gì tôi đã cảm thấy. Nếu như thế, với vai trò là một dịch giả, tôi vô cùng hạnh phúc.
“Khao khát yêu đương” mang đầy đủ đặc trưng của phong cách văn chương Mishima Yukio, bút pháp tự do, mởi mẻ, ngôn từ nồng nhiệt, cảm nhận tinh tế và ít nhiều mang theo những dự cảm. Cứ như một người bạn Nhật của tôi đã nói, mọi thứ trong tiểu thuyết của Mishima đều cho thấy sự kiện tự sát gây rúng động dư luận của ông hơn năm mươi năm trước đây, suy cho cùng là một kết cục tốt đẹp với riêng ông, đã được ông định sẵn từ lâu.
Sách do Tao Đàn in và phát hành.

Dịch giả PHẠM PHƯƠNG

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)