Tôi đã vài lần nói về Thomas Bernhard và những cuốn sách của ông nhưng niềm ưa thích chưa hề suy giảm. Vì sao, vì hàng ngày chúng ta gặp những trang văn chương rất giống nhau, rất hiền lành, ngoan ngoãn thì Thomas Bernhard nổi lên như một tiếng nói khác biệt và cá tính. Thú thật lần đầu đọc cuốn “Diệt Vong” tôi vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Một mạch văn xuyên suốt gần năm trăm trang sách mà tuyệt nhiên không có một dấu chấm nào. Giữ cho trang văn liền thành một khối đã khó, tạo ra một ấn tượng đậm đặc về tổ quốc, gia đình mình với những lời lẽ thẳng thừng càng khó hơn.
Thomas Bernhard đã từng bị nước Áo không ưa vì ông đã dám nói những tật xấu của tổ quốc mình nhưng có thể chính điều ấy khiến cho ông vĩ đại và khác biệt. Điều xấu của nước Áo là sự theo lùa chủ nghĩa phát xít, là thói đạo đức, trưởng giả nhạt nhẽo. Thomas Bernhard đã nói thẳng, nói thật không khoan nhượng và thời gian càng lùi xa, người ta càng thấy ông nói đúng. Rất may, nước Áo đã khoan dung hơn với người con của đất nước mình và những lời nói thẳng của Thomas Bernhard cũng chỉ để cho quê hương tốt đẹp hơn, mặc dù nhà văn đã từng chịu vô số hệ luỵ với phong cách thẳng băng không khoan nhượng của mình.
Giờ thì bình tĩnh hơn người ta đã coi Thomas Bernhard là một trong những nhà văn Đức ngữ quan trọng nhất của thế kỉ XX kể từ sau thời Thomas Mann và “Diệt Vong” chính là cuốn sách lớn và nổi tiếng nhất của ông. Nhà văn nói gì trong cuốn tiểu thuyết “ghê gớm” này? Cuốn sách bắt đầu từ việc nhân vật chính được báo tin mẹ mất và trở về chịu tang. Từ đó anh ta kể lại nỗi xấu hổ của nước Áo thời phát xít và những thói xấu của gia đình quý tộc trưởng giả điển hình. Mọi thứ được bóc tách dần dần, hào quang rơi rụng hết và lộ ra cuối cùng toàn là những thứ xấu xa, đê tiện. Nhân vật đã kiên nhẫn thuật lại bản tường trình về gia đình và tổ quốc suốt mấy trăm trang không biết mệt mỏi. Và cái kết thật bất ngờ, loé sáng lên giữa bầu trời tối tăm…
Trong khi chúng ta vẫn than phiền về những cuốn tiểu thuyết nhàn nhạt giống nhau thì có thể “Diệt Vong” là một “khúc xương” rất lớn, thách thức nhưng đầy hấp dẫn. Cuốn sách từng được nhận giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn Hà Nội năm 2018, người dịch là Hoàng Đăng Lãnh, anh trai nhà văn Bảo Ninh.
Nhà văn UÔNG TRIỀU
VNQD