Thợ xăm ở Auschwitz dựa trên lời kể trực tiếp của một người sống sót thoát khỏi trại tập trung Auschwitz - Lale Sokolov, một người Do Thái ở Slovakia, bị ép phải xăm dãy số lên cánh tay của hàng nghìn tù nhân đến trại. Ở trại tập trung, Sokolov đã gặp một cô gái tên Gita Furman, và họ yêu nhau. Đây là một câu chuyện khác thường, thậm chí là so với những câu chuyện về Holocaust nói chung - nó cảm động, thẳng thắn và nâng cánh cho tâm hồn, và dĩ nhiên nó là một cánh cửa sổ để nhìn vào sự kiện khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử loài người.
Ở nơi mạng sống luôn luôn treo đầu sợi tóc, có thể chết bất cứ lúc nào chẳng vì lí do gì, những tù nhân như Lale, Gita và nhiều người khác vẫn luôn cố gắng giữ vẹn phẩm giá của mình, mong mỏi một ngày kia sẽ thoát khỏi địa ngục để trở về cuộc sống bình thường, sống như một con người. Trong nghịch cảnh, tình yêu vẫn nảy sinh và trở thành động lực để họ chiến đấu. Trong cảnh then chốt của tiểu thuyết, Lale lần đầu gặp Gita khi bà đứng ở đầu hàng chỗ ông, còn ông phải ấn mũi kim vào cánh tay trái bà rồi bắt đầu xăm bốn chữ số: 4, rồi 5 - 6 - 2. Đôi mắt bà đầy sợ hãi. Bà mấp máy môi định nói nhưng ông “suỵt” bà. Rồi khi đã xăm xong, ông giữ cánh tay bà lâu hơn cần thiết, nhìn vào mắt bà và nhoẻn miệng khẽ cười. Bà cũng cười khẽ đáp lại. Thời khắc quyết định đó kéo theo mọi sự.
Độc giả yêu Thợ xăm ở Auschwitz bởi nó dựa trên một câu chuyện có thật. Đó là câu chuyện của hai người bình thường, sống trong một thời đại khác thường, bị tước đoạt không chỉ tự do của mình mà còn cả nhân phẩm, tên họ và nhân dạng. Cuốn sách ra đời hơn 70 năm sau những sự kiện nó thuật lại, và nó nhắc nhở chúng ta rằng có rất nhiều câu chuyện sẽ mãi mãi không bao giờ được kể. Nó cũng nhắc chúng ta nhớ rằng trong số nạn nhân lớn đến không thể tưởng tượng nổi của Holocaust, mỗi người là một cá nhân với một câu chuyện độc nhất vô nhị.
Sokolov ngoài đời thực là thợ xăm ở Auschwitz, ông đã gặp Gita Furman ở đó. Hai người kết hôn vào tháng Mười năm 1945 rồi về sau chuyển đến định cư ở Melbourne, Úc và có một con trai. Cuộc sống của họ sau này đã đủ đầy, với con cái, bạn bè, kinh doanh thành công, tất cả được nâng đỡ bằng một tình yêu mà không một khó khăn nào có thể phá vỡ. Morris đã phỏng vấn Sokolov suốt vài năm trước khi ông qua đời năm 2006. Quá trình phỏng vấn không hề dễ dàng, phải mất khá nhiều thời gian Sokolov mới sẵn sàng dấn sâu vào việc xem xét lại mình, chia sẻ nỗi sợ rằng mình bị xem là đồng lõa của Đức quốc xã (do đã giúp Đức quốc xã thực hiện công việc xăm số lên tay tù nhân). Ban đầu Morris định viết một kịch bản phim về cuộc đời ông. Về sau bà quyết định biến kịch bản ấy thành một tiểu thuyết.
Nếu độc giả đã từng rơi nước mắt khi đọc Chú bé mang pyjama sọc, Có được là người, Nhật ký Anne Frank hay Danh sách của Schindler, những kiệt tác văn chương viết về Lò Thiêu, thì một chỗ trên giá sách chắc chắn nên dành cho Thợ xăm ở Auschwitz, một tường trình về tình yêu vượt qua nghịch cảnh. Như Lale đã nói, ông sống cuộc đời mình với phương châm, “Nếu bạn còn thức dậy vào buổi sáng, thì đó là một ngày tốt lành”, còn Gita thì bảo với con trai mình rằng, “Khi người ta đã sống bao nhiêu năm trong hoàn cảnh chẳng biết 5 phút sau mình có chết hay không thì chẳng có gì mà người ta không thể xử lí được. Miễn là chúng ta vẫn còn sống và khỏe mạnh, mọi thứ sẽ ổn cả thôi.”
Heather Morris (sinh năm 1953) là nhà báo và nhà văn người New Zealand. Tác phẩm Thợ xăm ở Auschwitz của bà đã đoạt giải thưởng Audie năm 2019 dành cho văn chương hư cấu, và lọt vào danh sách bestseller của New York Times năm 2019 với lượng bán ra trên một triệu bản.
VNQĐ (Thông tin từ Nhã Nam)
VNQD