Hành trình đến cổng thiên đường

Thứ Tư, 11/01/2023 10:54

Nếu Thế hệ Beat từng có Trên đường của Jack Kerouac như bản tuyên ngôn cho tuổi trẻ “live fast, die young, have fun”, thì Phía Tây có đàn hưu cao cổ cũng là một cuốn sách vô cùng cần thiết cho ngày hiện tại. Thông qua hành trình vô tiền khoáng hậu, tác giả Lynda Rutledge đã viết nên một câu chuyện vô cùng nên thơ, và thông qua đó cũng cho thấy một quãng lịch sử có phần đen tối của nước Mĩ hiện đại.

Câu chuyện xoay quanh Woody Nickel – cụ ông giờ đã 105 tuổi, khi nghe tin loài hươu cao cổ sắp sửa tuyệt chủng bỗng nhiên “tỉnh dậy” và nhớ lại cuộc hành trình những năm 1930 của mình. Ở thời gian đó, Woody mới 18 tuổi và đã đảm nhận chở hai chú hươu “vượt bão” từ New York đến San Diego mà không hề biết chuyến đi lần này sẽ làm thay đổi đời mình mãi mãi.

HÀNH TRÌNH “VƯỢT BÃO”

Cũng như Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của Delia Owens, Phía Tây có đàn hươu cao cổ được Lynda Rutledge viết ra dựa trên sự kiện có thật. Theo đó vào năm 1999 khi đang sục sạo trong kho lưu trữ của sở thú San Diego, bà đã phát hiện một mẫu cũ ghi chép về một sự kiện thuộc dạng “chấn động” vào năm 1938, khi hai con hươu cao cổ đầu tiên được chở đến California. Tuy khơi gợi nhiều tưởng tượng, thế nhưng ghi chép về cuộc hành trình không hề tồn tại, từ đó câu chuyện về 3 con người: chàng thanh niên mồ côi, cô kí giả Tóc Đỏ và Ông Già (1) sở thú đã được dựng lên.

Mang theo đặc trưng của những tiểu thuyết hành trình – phiêu lưu, tác phẩm này cũng có những cuộc gặp gỡ kì lạ và rồi sẽ tạo nên chuyến đi không thể nào quên. Có thể nói Lynda đã tạo nên một cuốn sách thấm đầy hơi thở Dickens, với các nhân vật có phần bất hạnh tự tìm lại mình qua các chuyến đi cũng như những người bên cạnh. Liệu một cậu chàng 17 tuổi quen thói trộm cướp, dối trá có thể học gì từ một lão già xù xì, lạnh lẽo; hay cô thiếu nữ bỏ chồng sẽ tìm thấy gì trong hành trình này? Chính từ mảnh ghép có phần bất hảo cũng như thiếu sót, mà cuộc dịch chuyển về hướng phía Nam đã được bắt đầu.

Hành trình của hai sinh vật đến từ châu Phi cũng nhập chung lại với những giấc mơ còn chưa thành hình. Ở tiểu thuyết này bằng cách đặt bối cảnh vào “Thập niên 30 Dơ bẩn”, Lynda đã có rất nhiều sáng tạo khiến cho cuốn sách có chiều sâu và trở nên có nhiều lớp lang. Những năm tháng ấy thuộc về thời kì của Chùm nho phẫn nộ, Của chuột và người… từ Steinbeck, và cũng tương tự, bi kịch của Woody cũng không thoát khỏi vùng Texas đầy nắng, bụi, sa mạc và người cha nam tính độc hại.

Nhà văn Lynda Rutledge

Đó là thời kì của những bi kịch, khi cơn bão New England được đánh giá là mạnh nhất lịch sử quét qua nước Mĩ, và cũng là khi từng nông dân một trên đà xóa sổ bởi việc thiếu đất cũng như hàng ngàn lượng cát tràn vào phổi họ. Câu chuyện Woody bắt nguồn từ đây, và ta thấy rõ những sự thô tục cũng như xù xì của người nông dân, những người chịu đựng hết mọi nỗi lo. Từ việc mất cha, mất mẹ, mất cả em gái cũng như gia đình… cậu chàng 18 tuổi nhảy tàu đến tận New York để mơ về miền đất hứa, mà không hề biết khát khao về vùng đất của “sữa và mật”, của bọn hươu cao cổ - sinh vật của vườn địa đàng, sẽ yểm bùa chú và cuốn mình đi.

Chỉ vì những bao tải táo, một chút miếng ăn… mà số phận người có thể thay đổi. Đúng như Woody trần thuật trong tác phẩm này, trong suốt thời Đại Khủng hoảng, bị đói chính là trạng thái tồn tại cơ bản nhất. Và khi những người ở vùng Cáng Xoong Texas đã giết hết sạch từng đám vật nuôi, người dân ở vùng đất ấy chỉ còn có thể “ăn cầy thảo nguyên, rắn đuôi chuông và nấu súp bằng cỏ lăn”. Tuy chỉ thoáng qua câu chuyện của một nhân vật, thế nhưng bi kịch và nỗi ám ảnh vẫn mãi trường tồn là thứ khiến cho người đọc nhớ nhất trong tác phẩm này.

Từ trong chuyện buồn của một nhóm người, Lynda Rutledge cũng chuyển sang cô nàng Tóc Đỏ - một người phụ nữ khát khao chuyển dời lịch sử. Là người tiên phong, vị nữ kí giả mơ mộng bản thân có sức ảnh hưởng, và sẽ là người phụ nữ tiếp theo được nhận vào tạp chí Life. Khát khao vươn lên của người phụ nữ thể hiện ở sự hoang dã, khi tự lái xe trên chuyến hành trình dài đến 12 ngày, mặc cho “đạo luật đàn ông” cấm việc phụ nữ đã có gia đình đi ra khỏi bang với người nào khác không phải chồng mình. Rutledge cho thấy một sự phản kháng mạnh mẽ từ trong giới nữ, và sẽ hội tụ lại cùng đặc tính hoang dã.

Vấn đề sắc tộc ở giai đoạn này cũng sẽ xuất hiện trong Phía Tây có đàn hươu cao cổ. Phân biệt màu da và những hệ lụy của nó vẫn còn trường tồn và đầy dai dẳng trong thời gian này. Lynda Rutledge thông qua một chuyến hành trình có một không hai đã khai thác được những câu chuyện mới, những sự xuất hiện mà rất có thể ta không tìm thấy ở đâu những đẹp đẽ này. Từ việc bé con Ong Mật sậm màu như chủng tộc mình yêu thích những con hươu cao cổ cho đến “Thị trấn Mặt trời lặn” không cho phép người da màu ở ngoài sau lúc trời tối… được tái hiện một cách nhẹ nhàng mà không lên gân, mang lại một sự hòa quyện về với hoang dã.

DÒNG MÁU HOANG DÃ

Và bởi vì sao những cá tính đó, những con người đó, những bối cảnh đó… lại có thể cùng xuất hiện trong cuộc hành trình tưởng như không thể xảy ra? Có thể lí giải là bởi tồn tại một sự hòa hợp, một niềm cảm thức từ trong bản ngã và những thứ gen nguyên thủy con người từng có, khi cùng chung sống và cùng sẻ chia với những loài thú này. Cũng như Ông già Riley đã nói, chúng ta đều là những loài “sư tử hai chân”, nên cũng xuất hiện những sự thương xót, hoặc là giao tiếp một cách vô cùng thấu hiểu với các loài vật.

Những tiếng van vỉ của những chú hươu cao cổ, những sự quyến luyến cái cổ dài ngoằng… dành cho “cậu trai sói hoang” hay “sói cỏ gầy còm”, và cũng dành cho cô nàng Tóc Đỏ khát khao được chạm vào chúng… đã cho thấy rằng thế giới giờ đây ngập tràn bất hạnh, và con người ta cần đến phép màu của thiên nhiên để biết bí mật của cuộc sống này và cảm nhận chúng thông qua động vật.

Cuốn sách Phía tây có đàn huơu cao cổ.

Cũng như Mắt Diều Hâu – người chém nai trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Người cuối cùng của bộc tộc Mohican, một sự gắn kết, chữa lành cũng như xoa dịu đã được lan truyền từ những loài vật đến với con người. Xét về bản chất, loài người vẫn mới xây nhà, ở trong đô thị… chỉ một quãng ngắn so với thời khắc chạy đồng cũng như vui đùa cùng những chú hươu. Cổng thiên đường của Woody, khát khao được chạm vào những sinh vật của nàng Tóc Đỏ… không còn là một cảm thức bảo vệ động vật, đến gần thiên nhiên, mà đó là được trở về cùng với bản thể, với con người thật, với sự hoang dã ta từng sở hữu, để được tự do làm hết mọi thứ, trước khi bi kịch và những thứ khác đã kịp ập đến.

Và quan trọng hơn: “từ bỏ được nỗi thống khổ cũng cần trái tim”, nên Phía Tây có đàn hươu cao cổ chính là một điểm tham chiếu, là tòa hải đăng để mỗi con người đưa ra lựa chọn cho mình. Đó là Woody và giấc mơ Cali mà hai con thú đã như ơn trên mời gọi anh đến, là Tóc Đỏ với khát khao nhưng cũng là một ẩn ức tự giải thoát mình, và là Ông Già – người đã kinh qua “mèo mập trọc phú”, thanh niên trộm cướp cũng như đoàn xiếc tàn bạo… để chọn lựa cho mình định mệnh duy nhất, là đến gần hơn với những con vật.

Như Woody nói: “Nếu nhà không phải là cội nguồn của mình mà là nơi mình muốn ở lại, vậy thì chiếc xe đầu kéo, Ông Già và tụi hươu cao cổ còn hơn cả nhà nữa – và hơn cả gia đình – hơn bất cứ mái ấm nào mà chú từng có. Đối với một thằng mồ côi cù bơ cù bất, nhà này có vẻ hết sức xứng đáng để mà níu giữ bằng cả hai tay”. Phía Tây có đàn hươu cao cổ là một hành trình thật dài không chỉ qua lịch sử Mĩ những năm 30, mà còn là chuyến hành hương tìm kiếm hạnh phúc, từ những nhỏ nhặt xung quanh cùng với tự do được làm những gì mình thích.


1. Tóc Đỏ, Ông Già, Ong Mật… là tên của những nhân vật được tác giả gọi theo đặc trưng ngoại hình.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)