Phân nửa người Úc đang bị xao nhãng khỏi việc đọc sách

Thứ Bảy, 22/02/2025 10:11

Nghiên cứu mới từ Đại học Monash (Úc) đã chỉ ra rằng cả người đọc và người không đọc đều muốn đọc nhiều hơn nhưng lại gặp khó khăn do xao nhãng, không có động lực hoặc thậm chí là không thể chọn được tác phẩm phù hợp.

Khi Rosann Filiponne đeo tai nghe để nghe sách nói khi đi dọc bãi biển gần nhà ở Mornington, bà hi vọng bản thân sẽ không bị phân tâm: "Tôi đã cố gắng lắng nghe câu chuyện nhưng rồi lần nào cũng bị phân tâm bởi những chú chó. Tôi phải dừng lại để vuốt ve chúng!" Giáo viên tiểu học 63 tuổi đã nghỉ hưu này là một người ham đọc sách từ nhỏ và muốn đọc nhiều hơn nữa ngay bây giờ đây, nhưng lại gặp phải khó khăn trong việc tập trung. Ngoài ra chiếc cổ đau đớn khiến bà gặp nhiều khó khăn trong việc cúi đầu đọc sách trong thời gian dài. Vì vậy, bà đã chuyển sang sách nói, nhưng hình thức đó cũng khá khó khăn.

Bà cho biết “Khi vừa đi vừa nghe, tôi bị phân tâm bởi rất nhiều thứ, từ những chiếc lá, cây cối cho đến những chú chim nhỏ… Trên giường cũng chẳng khá hơn, tôi cứ gật gà gật gù vậy là 3 chương đã kịp trôi qua”. Bà cũng cho biết trong một đời sống “lí tưởng”, mình sẽ đọc sách mỗi ngày: “Tôi đã nghỉ hưu vì vậy không có lí do gì để nói cuộc sống quá bận rộn cả. Nhưng để bắt đầu đọc sách hoặc nghe sách nói thì lại không mấy dễ dàng.”

Nghiên cứu gần đây cho thấy gần 30% người Úc không đọc hoặc nghe một cuốn sách nào trong một năm.

Rosann là một trong số hàng ngàn người Úc đang cố gắng quay lại với việc đọc sách như một hoạt động giải trí. Nhưng họ cũng đang gặp phải những rào cản lớn: từ bị mất tập trung, không có tâm trạng... cho đến bị cuốn hút vào việc lướt web, mạng xã hội hoặc không có thời gian, không thể tìm thấy cuốn sách hấp dẫn được mình...

Theo nghiên cứu mới từ Đơn vị nghiên cứu hành vi BehaviourWorks Australia thuộc Đại học Monash và Tổ chức phi lợi nhuận Australia Reads, thì người Úc có "khoảng cách giữa ý định và hành vi". Điều này có nghĩa là chúng ta muốn đọc nhưng rồi lại có rất nhiều rào cản ngăn việc đọc ấy.

Tiến sĩ Breanna Wright, một nhà khoa học về hành vi tại Đại học Monash, cho biết: “Cảm giác không có hứng thú ảnh hưởng rất lớn đến việc chúng ta có đọc sách trong thời gian rảnh hay không. Chẳng hạn, chúng ta có thể cảm thấy mình đọc rất nhiều khi thư nhàn. Nhưng nếu là người phải làm việc từ sáng đến chiều, thì việc đọc sách giờ mang nhiều nỗ lực hơn so với thời gian mà bạn nhàn nhã”.

Máy đọc sách có thể cải thiện tình hình về sự xao nhãng khi đọc sách.

Tỉ lệ đọc sách để giải trí ở Úc hiện đang giảm xuống đến mức đáng báo động giống như nhiều quốc gia khác. Khảo sát của Tổ chức Creative Australia gần đây cho thấy gần 30% người Úc không đọc hoặc nghe một cuốn sách nào suốt một năm qua. Năm 2023, có báo cáo cho rằng tỉ lệ đọc sách của thanh thiếu niên giảm 7% khi so sánh với dữ liệu năm 2017. Nghiên cứu từ Đại học Deakin về việc đọc sách ở thanh thiếu niên và Khảo sát đọc sách của Úc năm 2021 cũng mang đến những kết quả tương tự.

Ngoài ra, nghiên cứu do BehaviourWorks thực hiện khi khảo sát 1.622 người Úc trên 16 tuổi cũng đã phát hiện chỉ có dưới 50% người Úc thường xuyên đọc sách để giải trí so với 80% người chọn xem phim hoặc TV để khuây khỏa. Cả người đọc (54,9%), không đọc (49,8%) và đã đọc ít nhất một cuốn trong 12 tháng qua đều báo cáo rằng bản thân đọc ít hơn dự định. Chỉ có 17% ​​người đọc liệt kê đó là sở thích mà họ dành nhiều thời gian nhất.

Nghiên cứu của Monash đã xác định sáu loại độc giả: độc giả ham đọc - những người không gặp rào cản nào khi đọc (22,4%); độc giả nỗ lực - những người vật lộn với sự mất tập trung để đọc (30,6%); độc giả mơ hồ - những người đọc không thường xuyên và không ưu tiên việc đó (14,8%); độc giả có tham vọng - những người muốn đọc nhiều hơn nhưng lại vật lộn với sự mất tập trung, không có động lực hoặc thời gian (14,7%); độc giả bỏ đọc - những người từng đọc nhiều hơn nhưng giờ đã mất hứng thú, không có động lực hoặc thời gian (7,1%); những người không đọc và không quan tâm (10,4%). Một số điểm khác biệt đã xuất hiện trong các nhóm này - ví dụ, độc giả ham đọc có nhiều khả năng thích tiểu thuyết trinh thám và sử dụng thư viện nhiều hơn.

Wright cho biết: “Rào cản chủ yếu ngăn độc giả đọc là các ưu tiên cạnh tranh khi nói đến giải trí. Vì vậy, chúng ta cần làm cho sách dễ đọc, dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn. Điều này cũng giống với việc chọn một cuốn sách sao cho độc giả thật sự hứng thú cũng như khi họ đang xem TV”.

Ngoài những cuốn sách ngắn hơn, dễ đọc hơn, các nghiên cứu này cũng đề xuất những giải pháp khác, bao gồm tập trung vào sự thích thú mà một cuốn sách mang lại thay vì căng thẳng để xem nó có gây ấn tượng với bản thân không. Một phương pháp khác cũng được đề xuất là nếu không biết phải chọn cuốn nào phù hợp với bản thân, độc giả hãy tìm đến các dịch vụ đăng kí sách, phương tiện truyền thông – mạng xã hội, thủ thư hoặc người bán sách để được tư vấn. Ngoài ra, nếu máy đọc sách điện tử phù hợp hơn, thì đừng ngại ngần dùng nó thay cho sách giấy.

Wright nói: “Hãy nghĩ xem chúng ta thường xuyên cầm điện thoại trên tay hay để nó trong túi xách như thế nào, thì giờ hãy thử thay thế những thiết bị công nghệ ấy bằng một cuốn sách. Hãy luôn đặt một cuốn sách ở gần hoặc mang theo sách khi di chuyển bằng tàu điện ngầm hay đi đến bất cứ đâu. Ngoài ra cũng hay bố trí một chồng khác ở những nơi dễ thấy trong nhà, gần giường ngủ hoặc phòng khách”.

Chloe Warburton, 37 tuổi, tự mô tả mình là "một người đọc sách hàng ngày". Thể loại mà cô yêu thích là kinh dị, tội phạm, tâm lí li kì, khoa học viễn tưởng và kì ảo. Cô cho biết sở dĩ bản thân vẫn giữ được niềm ham thích đọc sách vì có những “mọt sách” là bạn bè cùng mình duy trì thói quen này, bởi nếu không thì việc đến văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày đã cản trở nó. Chloe cho biết: “Có những ngày tôi thấy mình thực sự phải thúc đẩy bản thân để dành thời gian cho việc đọc sách. Nhưng cũng có ngày chỉ việc lướt web và mạng xã hội thôi cũng hấp dẫn hơn cầm một cuốn sách".

Cô cũng cho biết chính việc mua một máy đọc sách điện tử đã giúp ích cho mình: "Tôi phát ngán khi cầm trong tay một cuốn sách nặng. Thử nghĩ khi một cuốn sách mà bạn yêu thích dày đến 700 trang thì niềm hứng thú chắc chắn cũng sẽ không còn nữa nếu so với sự bất tiện mà trọng lượng và việc chiếm diện tích của nó mang lại. Máy đọc sách điện tử thực sự đã tạo ra sự khác biệt lớn đối với tôi, nhiều hơn tôi nghĩ". Cô cũng đưa ra lời khuyên: “Đừng đặt kì vọng vào bản thân về những gì bạn nên đọc. Chỉ cần đọc thứ khiến bạn vui thôi.”

Anna Burkey, người đứng đầu tổ chức Australia Reads cho biết nghiên cứu của Monash là "rất giá trị" vì nó phản ánh giá trị mà hầu hết người Úc coi trọng khi đọc sách, ngay cả khi họ phải vật lộn để làm điều đó. "Nhìn chung, chúng ta yêu sách. Chúng ta chỉ cần một chút trợ giúp để đưa việc đọc sách trở thành thói quen hàng ngày, bởi nó có nhiều lợi ích đáng kể trong thời đại này. Nó giúp chúng ta hiểu bản thân và những người xung quanh hơn. Nó cũng góp phần giúp giảm căng thẳng và tôi tin rằng những người thích đọc thậm chí còn sống lâu hơn”.

NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The Guardian

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)