Trong tình hình rối ren của đất nước mình, Han Kang gần đây đã có một cuộc trò chuyện với The Guardian về các cuộc biểu tình trên đường phố Seoul, hành trình khám phá quá khứ tàn khốc của quê nhà và cảm giác đặc biệt khi giành được giải Nobel Văn chương.
Chiến thắng vang danh đất nước
Vào ngày 10/12 năm ngoái, khi vừa ăn tối xong với cậu con trai 24 tuổi tại nhà riêng ở Seoul, tiểu thuyết gia - nhà thơ Han Kang đã nhận được một tin tức vô cùng chấn động. Bà cho biết khi ấy họ đang thảo luận nên dùng loại nào: trà bạc hà, trà quả mọng hay trà hoa cúc thì điện thoại reo. Đó là cuộc gọi của Viện Hàn lâm Thụy Điển tại Stockholm để thông báo bà chính là chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương. Suy nghĩ đầu tiên của bà là kiểm tra tin tức để xem rằng nó có thật hay không, bởi ở tuổi 54, bà vẫn còn “trẻ” so với những người từng có vinh dự. Khi ấy bà không thể gọi được cho ai vì điện thoại bùng nổ tin nhắn. Bà tắt chuông và cùng con trai quay lại dùng trà. Cuối cùng họ chọn trà hoa cúc. Nhớ lại bà chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ chúng tôi cần bình tĩnh lại. Đó là buổi tối rất, rất yên bình".
Thế nhưng bên ngoài ngôi nhà thì tác động ấy không hề lặng lẽ. Các cuộc họp của chính phủ đã bị gián đoạn để chúc mừng bà. Các nhà in làm việc hết công suất để đảm bảo nhu cầu về sách còn mạng xã hội thì như bùng nổ với những trích dẫn được đăng tải lại. Bà cho biết bản thân chưa từng chuẩn bị cho một thứ như “địa vị mới của anh hùng dân tộc”. Bà bộc bạch thêm “Quá nhiều chú ý thì không thật sự tốt cho một nhà văn. Người sáng tạo cần phải dạo bước để nội tâm mình có thể lắng lại”.

Han Kang
Mặc một chiếc áo len xám dày và mái tóc có nhiều vệt bạc, Han Kang tỏa ra cảm giác điềm tĩnh trên nền tảng Zoom. Dù ở Seoul lúc này mặt trời đã lặn, nhưng căn nhà gỗ có mái hiên cao như đang níu giữ ánh sáng cuối ngày. Bà đã li hôn với một giáo sư – nhà phê bình văn học và hiện sống với con trai mình. Trên màn hình, khung cảnh đằng sau không tiết lộ điều gì: không có vật dụng viết lách, giá sách hay là ảnh chụp.
Được biết sau khi từ bỏ công việc dạy viết sáng tạo tại Học viện Nghệ thuật Seoul vào năm 2018, thì bà và con trai mình đã cùng điều hành một hiệu sách nhỏ khoảng 10 mét vuông tên Onulbooks ở cuối một con hẻm nhỏ ở trung tâm thành phố. Bà kể nơi này không kiếm được mấy, nhưng bà thích tuyển chọn và sắp xếp sách với các gợi ý viết tay. Bà tận hưởng nơi đây từ lúc bật đèn mở cửa đến khi tắt đèn vào cuối mỗi buổi. Han Kang cho biết: “Đó như một chốn bí mật của bản thân tôi”. Nhưng từ mùa thu năm ngoái, khi nhiều độc giả đến đây khám phá, nó đã không còn như trước. Hiện, bà đã giao lại quyền điều hành cho người quản lí của mình.
Bạo lực từ viết đến đọc
Có vẻ như thật khó tin nhà văn có cách nói chuyện nhẹ nhàng và điềm tĩnh này lại là tác giả của những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc. Bà nói: “Tất cả tiểu thuyết của tôi đều là biến thể xoay quanh chủ đề bạo lực". Là người ghi chép hàng đầu về “thế kỉ 20 đẫm máu” của Hàn Quốc, bà được coi là người phát ngôn lương tâm của đất nước mình, trong đó nổi tiếng nhất là Bản chất của người (2016) và cuốn sách mới We Do Not Part vừa được chuyển ngữ tiếng Anh. Cuốn sách này lấy trọng tâm là cuộc phản đối chống lại thiết quân luật tương tự như cuốn trước đó, nhưng có bối cảnh là hòn đảo Jeju sau Thế chiến thứ Hai. Được biết có hơn 30.000 cư dân đã bị sát hại. Không quá khó thấy tuy lên tiếng vì những chấn thương quốc gia, nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng phổ quát. Văn chương của bà không chỉ là để kể lại, mà còn gợi ra một sự đồng cảm mang tính sâu sắc.
Kể từ khi xuất bản cuốn sách đầu tiên cách đây 3 thập kỉ, bà đã "cố gắng mò mẫm để tìm cây cầu bắc qua vực thẳm sâu hoắm giữa man rợ và phẩm giá" như đã từng nói trong một bài luận. Một trong những điều kì diệu nhỏ bé trong tác phẩm hư cấu của bà là cách mà sự tàn bạo, đau khổ tồn tại song hành cùng sự dịu dàng, vẻ đẹp cũng như song đề về nỗi kinh hoàng và niềm hi vọng.
Chia sẻ về cuốn sách mới, Han Kang cho biết việc lấy bối cảnh vào mùa đông khủng khiếp năm 1948 khi 1/10 dân số của đảo Jeju bị giết chỉ trong 3 tháng không hề xuất phát từ ý chí cá nhân. Nó cũng có một mạch truyện nói về tình cảm mẫu tử đặc biệt như Người ăn chay. Mặc dù cũng có những nổi kinh hoàng, nhưng We Do Not Part nhìn chung lại khá dễ chịu. Han Kang cho biết: “Tuy nói về những vấn đề đau đớn và nặng nề, nhưng tôi muốn giải quyết nó một cách mềm mại và nhẹ nhàng nhất như những bông tuyết hoặc ánh nến lung linh đưa bóng trên tường hoặc chiếc lông vũ của loài chim vậy”.
Là con giữa trong hai anh em trai, Han Kang lớn lên ở thành phố Gwangju trong một ngôi nhà đầy sách cũng như nỗi buồn. Ở tuổi 12, bà đã phát hiện ra một tập sách chứa nhiều khoảnh khắc vô cùng ám ảnh. Nữ tác giả chia sẻ chính tấm ảnh một hàng dài người dân xếp hàng để truyền máu cho người bị thương đã làm bản thân “tỉnh ngộ” bởi sự đối nghịch giữa cái tàn bạo cũng như nhân tính. Bà nói “Khi còn rất nhỏ, bạo lực khiến tôi cảm thấy đau đớn. Và khi có một chỗ đau trên cơn thể người, bạn phải chạm vào, bạn phải kiểm tra và cảm nhận nó”.

Tiểu thuyết mới nhất được chuyển ngữ sang tiếng Anh của Han Kang.
Đối với Han Kang, viết là đau khổ. Trong diễn từ nhận giải Nobel Văn chương, bà đã viết rằng: “Khi tôi sáng tác, cơ thể của tôi như cũng phản ứng. Bởi khi quyết viết về những nỗi đau của đất nước mình, làm sao tôi lại có thể ngây thơ một cách trắng trợn rằng mình sẽ sớm trốn tránh được nỗi đau ấy?” Điều đó có thể nhìn thấy ở nhân vật Kyungha, một bản ngã khác của Han Kang trong We Do Not Part, khi cô đã không thể ngủ hoặc ăn thứ gì, song song với đó là cơn đau đầu, đau bụng khủng khiếp. Han Kang cho biết mình cũng mắc chứng đau nửa đầu suy nhược từ nhỏ và giống như Kyungha, đã trải qua “nỗi đau về tinh thần và thể xác cực độ” khi viết Bản chất của người. Cô nói “Tôi phải cho các nhân vật mượn da thịt, mượn cảm giác để tái dựng được chính nỗi đau ấy.”
Nữ nhà văn cho biết chứng đau nửa đầu mang lại cho cô cảm giác khiêm nhường và lòng đồng cảm cần thiết để trở thành một nhà văn bởi như cô nói “con người vốn rất mong manh”. May mắn thay, cơn đau đầu đã trở nên ít nghiêm trọng hơn từ khi mà bà cắt giảm bớt caffeine trong thời kì phong tỏa. Vài năm trước, khi đang viết Người ăn chay, một cơn đau khớp bí ẩn đã khiến cho bà không thể gõ phím. Bà đã viết tay 2/3 đầu tiên nhưng chỉ có thể hoàn thành phần cuối bằng cách gõ phím thông qua hai cây bút bi. Cuối cùng, đôi tay của bà đã hồi phục lại nhưng Han Kang sợ mình sẽ không thể viết được lần nào nữa.
Sau khi Bản chất của người được xuất bản, bà rất ngạc nhiên khi phát hiện ra có một lượng lớn độc giả cũng cảm thấy đau đớn khi đọc tiểu thuyết. Bà muốn biết lí do tại sao. “Một ngày nọ, tôi tự nhủ, có lẽ vì tình yêu dành cho nhau mà người ta cũng thấy đau đớn trước mọi bằng chứng về bạo lực, sự tàn bạo và việc hạ thấp nhân phẩm con người. Đó là khởi đầu để tôi viết nên We Do Not Part”. Bà nói lần đầu tiên được nghe về cuộc nổi loạn Jeju là vào độ tuổi 20, khi thuê một studio nhỏ trên đảo để từ bỏ việc viết báo và chuyển sang làm nhà văn toàn thời gian. Một ngày nọ, khi giúp bà chủ nhà lớn tuổi mang một bưu kiện nặng đến bưu điện, bà đã dừng lại, chỉ vào bức tường và nói rằng đây là nơi mà nhiều dân đảo đã bị hành quyết. Năm 2018 bà trở lại và dành 2 năm đi đi lại lại giữa Jeju và Seoul. Đi bộ quanh bờ biển hoặc trong rừng, bà "cảm nhận được thời tiết Jeju” và thấy bản thân "ngày càng gần hơn" với câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình. "Tôi có thể cảm nhận được cảm xúc của họ".
Nói về vai trò của mình với vận mệnh đất nước, Han Kang cho viết “Tôi chỉ là một nhà văn. Tôi không muốn bị ảnh hưởng hoặc ngừng viết lách chỉ vì giải thưởng. Năm nay tôi đã 54, vì vậy hi vọng còn nhiều thời gian để tiếp tục viết". Bà tiết lộ gần đây mình đã hoàn thành phần cuối của “bộ ba mùa đông” gồm ba "câu chuyện rất kì lạ" lấy bối cảnh ở Seoul đương đại và là những tác phẩm đi kèm với Trắng ra mắt trước đó.
Bà cũng chia sẻ khi viết mình sống cuộc đời “rất có kỉ luật”. Bà đi ngủ sớm, viết từ sáng sớm. Bà cũng dành nhiều thời gian để dạo bước trên những tuyến đường yêu thích, gồm “những con phố nối liền, những con hẻm và ngọn núi nhỏ”. Bà nói thêm “Tôi đặc biệt thích cảm nhận những thay đổi nhỏ mỗi ngày của khu rừng ". Kết thúc phỏng vấn, Han Kang cho biết: “Điều quan trọng nhất của We Do Not Part đó là tình yêu chứ không phải là bạo lực. Đúng là tôi viết về các vụ thảm sát, về sự hạ thấp nhân phẩm và hành động tàn bạo, nhưng lớn hơn thế tôi muốn gợi lên tình yêu. Khi thời gian trôi đi, tôi lại thấy mình ngày càng đến gần được với ánh sáng.”
NGÔ MINH dịch theo bài viết của The Guardian
VNQD