Những ghi chú cung cấp câu chuyện chân thực về cuộc sống, công việc cũng như mối quan hệ phức tạp của Joan Didion và con gái mình sẽ được xuất bản vào tháng 4 tới đây dưới dạng cuốn sách mang tên Notes to John.
Vào tháng 12/1999, khoảng vài tuần sau sinh nhật lần thứ 65 của mình, Joan Didion bắt đầu viết nhật kí sau các buổi gặp gỡ với bác sĩ tâm thần. Trong khoảng một năm sau đó, bà đã ghi chép lại những cuộc trò chuyện này, bao gồm những cuộc đấu tranh với chứng lo âu, tội lỗi và trầm cảm. Ngoài ra mối quan hệ đôi khi căng thẳng với con gái nuôi và những suy nghĩ về công việc, di sản của bản thân cũng được nhắc đến.
Sau khi qua đời vào năm 2021, ba người ủy thác văn học của bà đã tìm thấy cuốn nhật kí khi đang sắp xếp giấy tờ của bà tại căn hộ ở Manhattan. Có 46 ghi chép được chứa trong một thư mục không có nhãn dán, được ghi chú gửi cho chồng bà là John Gregory Dunne – người qua đời vào năm 2003.

Tác giả Joan Didion.
Didion không để lại bất cứ hướng dẫn nào về cách xử lí những cuốn nhật kí sau khi tạ thế, và cũng không ai từng làm việc, cộng tác với bà biết được nó từng tồn tại. Thế nhưng những người được bà ủy thác gồm người đại diện văn học Lynn Nesbit và hai biên tập viên lâu năm Shelley Wanger, Sharon DeLano đã nhận thấy rằng Didion đã lưu trữ chúng theo thứ tự thời gian. Những ghi chú này tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh, có vẻ riêng tư và không bị “tự kiểm duyệt” như những tác phẩm mà bà chuẩn bị cho ra đời.
Vào ngày 22/4 tới, cuốn nhật kí này sẽ được Knopf xuất bản dưới dạng cuốn sách dày 208 trang. Ngoài việc sửa lỗi đánh máy và thêm chú thích cho các ngữ cảnh, những trang sách này sẽ được đưa ra ánh sáng gần như chính xác so với bản thảo khi được tìm thấy. Công chúng và giới học giả cũng có thể thoải mái tiếp cận cuốn nhật kí gốc như một phần của kho lưu trữ Didion và Dunne mà Thư viện Công cộng New York sẽ mở công khai vào ngày 26/3/2025. Như vậy Notes to John sẽ đánh dấu lần đầu tiên Didion xuất bản tác phẩm từ khi bà ngừng sáng tạo vào năm 2011 - một thập kỉ trước khi qua đời.
Jordan Pavlin, đại diện của nhà xuất bản và là tổng biên tập của Knopf, cho biết cuốn sách lần này là “một bản ghi chép sâu sắc và cảm động về một cuộc đời hoạt động trí tuệ dữ dội”. Ông cũng gọi đây là một câu chuyện chân thực và đầy nhạy cảm từ một nhà văn có ý thức sâu sắc về hình ảnh của mình trước công chúng. Pavlin nói thêm: “Nó lấp đầy những khoảng trống lớn trong hiểu biết của chúng ta về suy nghĩ của bà ấy. Nghệ thuật của Didion luôn có một phần sức mạnh từ cả những gì bà ấy tiết lộ cũng như che giấu. Notes to John độc đáo ở chỗ nó không che giấu bất cứ điều gì”.

Cuốn sách đặc biệt là những trang nhật kí của Joan Didion sắp sửa ra mắt.
Việc công bố những ghi chú điều trị tinh thần thành một tác phẩm văn học cũng đang vấp phải nhiều luồng ý kiến, xoay quanh việc nếu còn sống, liệu Didion có chấp nhận cho hành động này không. Theo đó điều kì lạ là việc sắp xếp các giấy tờ cẩn thận và lưu trữ trong một chiếc tủ nhỏ cạnh bàn làm việc cho thấy bà đã dự đoán được ngày nào đó chúng sẽ được tập hợp trong kho lưu trữ và được công chúng và các học giả tìm hiểu công khai. Thế nhưng bà lại không nói với người đại diện hay bất cứ ai về cách xử lí hay tự cho ra mắt thời gian trước đây.
Dẫu thế khi còn sống, bà vẫn thỉnh thoảng bày tỏ sự không hài lòng khi các cơ quan và phía quản lí muốn cho ra mắt tác phẩm cuối cùng nào đó trái với ý muốn tác giả. Trong một bài luận năm 1998 xoay quanh việc phát hành một cuốn tiểu thuyết sau khi qua đời của Ernest Hemingway - nhà văn mà bà thần tượng, Didion đã coi đây là hành động phản bội mong muốn của người viết chúng.
Trong suốt cuộc đời và thậm chí cả khi qua đời, Didion vẫn là một nhân vật bí ẩn, được tôn sùng vì thái độ hoài nghi, khó nắm bắt với thứ văn xuôi sắc sảo, sâu sắc. Bà trở nên nổi tiếng khi ghi chép lại những biến động văn hóa của những năm 1960 và 1970 có tính đột phá trong những tác phẩm như Slouching Towards Bethlehem và The White Album.
Bà viết rất nhiều và thường cũng với cảm xúc lạnh lùng về bản thân mình. Bà đã tiết lộ những cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần vào thời điểm mà không nhiều người cởi mở về vấn đề này. Cụ thể vào năm 1968 trong The White Album, bà đã mô tả những cơn chóng mặt, buồn nôn khiến mình thấy mất phương hướng. Sau này trong sự nghiệp của mình, bà đã khám phá hậu quả của những bi kịch cá nhân. Trong cuốn hồi kí đình đám The Year of Magical Thinking (tựa Việt: Trở về từ địa ngục), bà đã mô tả cú sốc và sự xáo trộn mà bản thân cảm thấy sau cái chết đột ngột của chồng vào năm 2003.
Cuốn sách sau đó được tiếp nối bằng cuốn hồi ký thứ hai Blue Nights mô tả nỗi đau sau khi cô con gái nuôi Quintana Roo Dunne, người mắc chứng nghiện rượu, qua đời năm 2005 ở tuổi 39 vì viêm tụy cấp. Trong đó Didion đã viết về nỗi lo lắng của bà về thiên chức làm mẹ và tuổi già, cũng như nỗi sợ rằng việc viết lách không còn đến với bà dễ dàng như trước đây nữa.
Theo lời của người ủy thác và nhà xuất bản của bà, Didion cũng đề cập đến nhiều chủ đề tương tự trong cuốn nhật kí sắp sửa trở thành Notes to John này. Trong đó bà đã ghi chép về những buổi trị liệu cảm xúc, việc nhận con nuôi, tình trạng nghiện rượu và sự phức tạp trong mối quan hệ của bà với Quintana. Không dừng ở đó, bà cũng tiết lộ những cuộc trò chuyện về thời thơ ấu và mối quan hệ xa cách của bà với cha mẹ mình, những khó khăn khi viết và những suy ngẫm của bà về di sản văn học của bản thân. Didion cũng đề cập trực tiếp đến Dunne trong các ghi chú và nhắc đến những cuộc trò chuyện mà bà đã có với ông về các buổi trị liệu này.
Khi Didion qua đời vào tháng 12/2021 ở tuổi 87, bà đã để lại nhiều tài liệu về cuộc đời và công việc. Kho lưu trữ của bà, cùng với người chồng quá cố Dunne, đã được lưu trữ tại Thư viện Công cộng New York trong 354 hộp, bao gồm ảnh, thư, tài liệu nghiên cứu, thực đơn tiệc tối, sổ ghi chép, bản thảo và tài liệu gia đình.
Paul Bogaards, người phát ngôn của Didion Dunne Literary Trust – nơi quản lí di sản của bà - cho biết hiện tại không có kế hoạch công bố thêm tài liệu nào nữa từ kho lưu trữ, mặc dù sẽ mất thời gian để đánh giá hết. Ông nói thêm Notes to John là “một đóng góp vô cùng quan trọng, mang đến những góc nhìn mới về tác phẩm của Didion sau khi qua đời. Nó đứng riêng như một câu chuyện độc lập và không có gì tương tự như vậy trong kho lưu trữ của bà ấy nữa.”
Joan Didion sinh năm 1934 tại Sacramento, California và làm việc như một nhà báo trước khi xuất bản tiểu thuyết đầu tay Run River vào năm 1963. Bà tiếp tục viết thêm 4 cuốn sau đó, nhưng nổi tiếng nhất với các tiểu luận. Trong đó hồi kí Trở về từ địa ngục đã giành được Giải Sách quốc gia cho thể loại phi hư cấu vào năm 2005. Năm 2013, bà được cựu tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương Nhân văn Quốc gia và cùng năm đó giành giải Thành tựu trọn đời của Hiệp hội văn bút Hoa Kì.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The New York Times
VNQD