Là một Thạc sĩ nghiên cứu Nông học tốt nghiệp Đại học Doshisha rẽ nghiệp văn chương, tác giả Tomihiko Morimi sớm giành được thành công rực rỡ ngay với giải thưởng Tiểu thuyết kì ảo Nhật Bản năm 2003 cho tiểu thuyết Tháp mặt trời. Từ đó tới nay, Tomihiko Morimi vẫn luôn sáng tác bền bỉ trên mảnh đất văn chương kì ảo. Tác phẩm ông viết lên vừa chứa đựng nền tảng văn hóa và kiến thức tự nhiên, xã hội phong phú, vừa ẩn chứa sự sáng tạo huyền thoại mạnh mẽ. Mà tiểu thuyết Truyền kì phòng bốn chiếu rưỡi – The Tatami Galaxy chính là một trong những tác phẩm mang trọn vẹn những đặc điểm đó trong sáng tác của Tomihiko Morimi.
Tại khu trọ Shimogamo Yuusuisou ở khu Shimogamo Izumigawa, trong căn phòng bốn chiếu rưỡi tatami có một sinh viên năm ba đã từng mang theo giấc mơ về cuộc sống đại học màu hồng. Giấc mơ ấy sớm tan biến ngay từ năm nhất đại học, theo tháng ngày cậu giao du với gã bạn xấu bụng Ozu cùng ông thầy, sư phụ Higuchi kì quặc, bí ẩn của gã. Cuối cùng để lại trong cậu sinh viên năm ba kia, một cái “tôi u tối” cùng những câu chuyện Truyền kì phòng bốn chiếu rưỡi qua hàng loạt không gian khác biệt.
CẤU TRÚC LẶP
Gồm bốn chương truyện tương ứng với bốn “truyện kể”, mỗi truyện kể có một nội dung khác nhau nhưng đều gặp nhau ở những điểm chung trong cách tác giả mở đầu, kết thúc về một phần năm tháng đại học đáng quên của nhân vật “tôi”. Mà sự đáng quên đó, dưới góc nhìn của “tôi” xuất phát từ chính người bạn thân “nối khố”, cũng là kẻ cậu coi như “kẻ thù”, kẻ mà cậu nhận định có thể “lấy bất hạnh của người ra làm đồ nhắm ăn gọn ba chén cơm”, một kẻ “tuy học cơ điện tử bên khoa công nghệ, nhưng y lại ghét cả điện cơ, điện tử lẫn công nghệ”, tên Ozu.
Và tất cả đời sống nơi khuôn viên, giảng đường, với những con người nơi đại học “tôi” theo học; đều như thu trọn vào không gian những căn phòng bốn chiếu rưỡi thuộc khu trọ Shimogamo Yuusuisou. Hết thảy những giao điểm đó, tạo nên cấu trúc lặp cho tiểu thuyết Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi. Khi mà nội dung chương truyện có thể khác nhau, song kết quả cuối cùng, vẫn đều như thu chung về một mối. Và đó có lẽ cũng góp phần tạo nên cả cấu trúc đầu cuối tương ứng, làm tác phẩm này trở nên tựa một thước phim điện ảnh tạo lập theo hình thức dựng phim song song vậy.
Nhưng dù có cùng trong một cấu trúc lặp, các không gian tương đồng liên tục xuất hiện trở đi trở lại tới mức tưởng chừng nhàm chán thì ở mỗi chiều không gian tác phẩm, các sự kiện riêng biệt vẫn diễn ra. Nơi đó, có một “tôi” là thành viên câu lạc bộ điện ảnh Misogi và cũng là một chuyên gia phá bĩnh tình yêu theo sự lôi kéo, dụ dỗ của Ozu. Nơi đó, có một “tôi” tham gia vào cuộc chiến tự ngược truyền nhân - truyền nhân kì lạ khi trở thành “đệ tử” của sư phụ Higuchi và nhận ra, như thế bản thân cũng sẽ trở thành “sư đệ” của Ozu. Nơi đó có cuộc sống ngọt ngào khi tôi gia nhập câu lạc bộ bóng mềm Honwaka và nhận ra, sự “ngọt ngào” kia, một phần nhờ vào Ozu cùng sự thân thiết mà gã dành cho anh. Nơi đó có chuyến du hành tám mươi ngày vòng quanh phòng bốn chiếu rưỡi của một “tôi” gia nhập Tổ chức bí mật “Quán ăn Phúc Miêu” để rồi cay đắng nhận ra sự thật đằng sau chữ “bí mật” kia vô nghĩa thế nào.

Ảnh minh hoạ.
Hàng loạt “hiện thực” hiện hữu trên trang sách, trong căn phòng vỏn vẹn bốn chiếu rưỡi về cuộc đời “tôi” với những “nếu” - “thì” xoay quanh giả định không thể trở thành sự thật ở chiều không gian này, nhưng lại là hiện thực ở chiều không gian khác. Và dù khác biệt đến thế, thì căn phòng bốn chiếu rưỡi vẫn ở đó, “tôi” vẫn sẽ trở thành một sinh viên năm ba như hiện tại.
Những sự việc trùng lặp tựa nút thắt giao điểm nối bốn chiều không gian khác nhau về chung một mối trong câu chuyện Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi. Và về chung một con người, đó là một “tôi” với đầy những bất mãn khi giấc mơ cuộc sống đại học màu hồng ngày một xa vời trong khi bản thân vẫn đang sống một cuộc đời vô vị và làm những chuyện vô nghĩa, nhàm chán đến nhường nào.
KHÔNG GIAN ĐA CHIỀU MỞ RỘNG
Trong những vòng lặp tưởng chừng vô tận của các sự kiện trở đi trở lại với cá nhân con người sống dưới mái nhà căn phòng có diện tích bốn chiếu rưỡi kia; không gian tiểu thuyết Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi vừa có sự vận động lặp lại, cũng vừa có sự biến thiên, mở rộng ứng với từng biến số cuộc đời “tôi”.
Trước hết, cuốn tiểu thuyết được mở ra trong một dạng thức không gian hẹp, thứ không gian “bên trong” thuộc về cá nhân nhân vật trung tâm tác phẩm, “tôi”, thanh niên đại học năm ba điển hình trong xã hội Nhật Bản: sống trong bốn bức tường một căn phòng nhỏ hẹp, có những thú vui và cả cách thức giải quyết vấn đề sinh lí một cách bình thường. Để rồi từ không gian hẹp thuộc về cá nhân đó, không gian tác phẩm mở rộng theo chiều cao khi ngay phía trên phòng bốn chiếu rưỡi “tôi” sống, là một phòng bốn chiếu rưỡi khác, phòng của “sư phụ Higuchi”, một gã đàn ông hành tung bí ẩn, tương truyền là “đàn anh” thuộc khóa trên của “tôi”, cũng là “sư phụ” của tên bạn xấu bụng Ozu. Để rồi, không gian tác phẩm mở rộng theo chiều xa, vượt thoát khỏi tòa nhà có hàng dãy căn phòng bốn chiếu rưỡi “tôi” sống đến ngôi trường “tôi” đang theo học, đến bờ sông diễn ra các hoạt động câu lạc bộ, đến quán ramen Mèo kì bí, đến căn nhà của đàn anh khóa trên… Nhưng dù mở rộng đến phía không gian hữu hình nào chăng nữa, thì đó cũng là những vùng không gian hết sức thân thuộc, bình dị thuộc về đời sống con người, thuộc về thế giới chân thực này.
Không gian phát triển theo chiều cao, mở rộng theo chiều xa, rồi không gian phân hóa thành hàng loạt thế giới song song, khi những giả định khác về lựa chọn ngày mới bước chân vào trường đại học của “tôi” trở thành hiện thực. Người đọc đứng ở vị trí điểm nhìn toàn tri có thể dễ dàng nhận ra vòng lặp trong những thế giới song song đó, chỉ có cá nhân con người sống trong các chiều không gian kia là không nhận ra ở mỗi thế giới, đều có một bản thể “tôi” khác tồn tại, sống qua ngày với lựa chọn của bản thân dẫu “cái tôi” có chối bỏ hiện thực thế nào chăng nữa.
Cuối cùng, khoảng không xa rộng, những chiều thế giới song song, tất thảy đều thu về vùng không gian bản thể cá nhân con người, không gian “cái tôi”. Để rồi không chỉ người đọc nhận ra, Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi, bên cạnh những việc oái oăm xảy đến liên tiếp trong cuộc đời bình thường của một sinh viên bình thường; câu chuyện này còn chứa đựng sự ý thức và tự nhận thức sâu sắc của con người. Rằng lựa chọn hướng đi cho cuộc đời thôi là chưa đủ, mà đích đến ra sao, còn phụ thuộc cả vào cách bản thân đối diện và sống với lựa chọn của chính mình.
Như đời sống ẩn chứa hàng loạt dãy phòng bốn chiếu rưỡi khác nhau, bước vào căn phòng nào, là chọn lựa cuộc đời của mỗi người vậy.
"TÔI” TRONG NHỮNG THẾ GIỚI SONG SONG
Được tạo lập qua ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn trần thuật đặt vào nhân vật trung tâm xưng “tôi”, tự thuật lại những gì bản thân đã trải qua, tiểu thuyết Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi - The Tatami Galaxy vừa chứa đựng những yếu tố hiện thực trong cuộc đời một sinh viên đại học năm ba bình thường; vừa chứa đựng yếu tố kì ảo đặc trưng thuộc về phong cách sáng tác của tác giả Tomihiko Morimi.
Hiện thực bởi dù cuộc sống đại học kia, với tôi có “đáng quên” hay “hỏng bét” thế nào chăng nữa, ở đó vẫn chứa đựng những nét trong trẻo đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Trong tình cảm thầm kín anh dành cho cô thiếu nữ Akashi, trong tình bạn đầy duyên nợ giữa anh với “thằng bạn xấu” Ozu, trong những xúc cảm vụng về khi tiếp xúc với người khác giới, hay như cả trong những mơ mộng lẫn niềm tin vào “cái tôi” cá nhân có năng lực…
Hiện thực đó, hiện hình giữa những yếu tố kì ảo: đàn ngài phát sinh dị thường từ một ngôi đền xa, sự biến mất kì bí của sư phụ Higuchi cùng với đàn ngài đó, con gấu Mochiguma tưởng chừng đã mất của Akashi cứ vậy xuất hiện hết lần này đến lần khác, những thế giới song song cùng sự kéo dài vô tận của những căn phòng bốn chiếu rưỡi “tôi” đã đi qua suốt tám mươi ngày… khiến câu chuyện mang màu sắc “truyền kì” hay một dạng “truyền thuyết đô thị” vậy.
Nhưng dù là hiện thực hay kì ảo, Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi - The Tatami Galaxy vẫn là câu chuyện hướng đến đời sống thực tại và tương lai còn chưa hiện hữu song có thể đổi thay trước mắt.
“Dù tôi không thể ôm khư khư cái tôi trong quá khứ, hay không thể nhìn nhận những sai lầm đã qua một cách tích cực, thì cũng có thể sẵn lòng nhìn mọi thứ với con mắt khoan dung đôi chút.”
Bởi “Vận mệnh của tôi sẽ thay đổi chỉ dựa vào những quyết định rất nhỏ nhoi. Vì mỗi ngày, tôi có vô số quyết định lựa chọn khác nhau, nên sinh ra vô số vận mệnh. Vô số thằng tôi sẽ sinh ra. Vô số phòng bốn chiếu rưỡi sẽ sinh ra.”
Nên “tôi”, trong bất cứ vũ trụ nào, luôn chẳng hề cô độc. Và “tôi” trong bất cứ vũ trụ nào, dù chỉ đang “tồn tại”, cũng đã luôn khao khát giao hòa với con người, khao khát yêu và được yêu như thế.
MỌT MỌT
VNQD