. LÊ THỊ DƯƠNG
Phim truyền hình thường không có được lợi thế về truyền thông như phim truyện điện ảnh (do đặc thù dung lượng, phương tiện trình chiếu). Nhưng mấy năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam đã chứng tỏ được vị trí trong đời sống tinh thần của người Việt, với phạm vi khán giả ngày càng mở rộng về không gian (nông thôn, thành thị), lứa tuổi, trình độ... Thực tế cho thấy, đã có những bộ phim truyền hình Việt Nam gây sốt và duy trì được sức hút từ đầu đến cuối như Người phán xử (2017), Về nhà đi con (2019), Cuộc đời vẫn đẹp sao (2023)...
Dưới đây là thống kê của chúng tôi về các bộ phim truyền hình được chiếu vào khung giờ vàng trên các kênh VTV1, VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam năm 2024.
Trên kênh VTV1 có các phim: Lỡ hẹn với ngày xanh (đạo diễn Trần Hoài Sơn), Những nẻo đường gần xa (đạo diễn Nguyễn Mai Hiền), Hoa sữa về trong gió (đạo diễn Bùi Tiến Huy), Không thời gian (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và Nguyễn Đức Hiếu).
Trên kênh VTV3 có các phim: Chúng ta của 8 năm sau (phần 2) (đạo diễn Bùi Tiến Huy), Trạm cứu hộ trái tim (đạo diễn Vũ Trường Khoa), Mình yêu nhau bình yên thôi (đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh), Vui lên nào, anh em ơi (đạo diễn Vũ Minh Trí), Gặp em ngày nắng (đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu), Người một nhà (đạo diễn Trịnh Lê Phong), Sao Kim bắn tim sao Hỏa (đạo diễn Bùi Quốc Việt), Đi giữa trời rực rỡ (đạo diễn Đỗ Thanh Sơn), Độc đạo (đạo diễn Phạm Gia Phương - Trần Trọng Khôi), Đi về phía lửa (đạo diễn Trần Thanh Huy), Tuổi trẻ giá bao nhiêu (đạo diễn Nguyễn Đức Nhật Thanh).
Số lượng phim truyền hình trong một năm theo thống kê trên là khá nhiều. Đó là chưa kể các phim được chiếu trên đài truyền hình địa phương hoặc trên các nền tảng khác. Trước hết về đề tài, nếu chỉ căn cứ vào tên phim, khán giả cũng đã có thể phần nào hình dung được nội dung mà nhà làm phim khai thác. Cũng như phim điện ảnh, năm 2024, các phim truyền hình về đề tài về tình yêu, khởi nghiệp, tuổi trẻ, tình cảm gia đình chiếm vị trí “độc tôn”, đặc biệt câu chuyện của tuổi thanh xuân tươi đẹp luôn là đề tài dễ dàng chinh phục được đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ.
Nhiều bộ phim thông qua câu chuyện nghề nghiệp, tình cảm của các bạn trẻ đã truyền tải nguồn năng lượng tích cực đến người xem. Chẳng hạn Lỡ hẹn với ngày xanh đề cập đến công việc kiến trúc, với những kiến trúc sư tài năng, đầy nhiệt huyết như Duyên, Hiệp. Bộ phim cho thấy, trên hành trình của mỗi người, luôn đầy chông gai thử thách, nhưng không vì thế mà người trẻ bỏ cuộc. Họ vẫn kiên trì theo đuổi đam mê, không ngừng học hỏi, không ngại trải nghiệm. Và món quà dành cho sự nỗ lực của họ chính là những người bạn mới, những bài học quý báu cùng niềm vui khi được đóng góp cho quê hương.
Cũng với mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình, ba người bạn đồng niên Thắng (Thái Sơn), Tiến (Anh Đức) và Hưng (Tô Dũng) trong bộ phim Vui lên nào, anh em ơi đã phải trải qua hành trình khởi nghiệp vô cùng gian nan. Sau nhiều lần liên tiếp va vấp, liên tiếp thất bại, họ tự nhận thấy những thiếu sót của mình, và cũng nhận ra tình cảm của những người xung quanh, nhất là của những người phụ nữ luôn cận kề và đồng hành với họ. Với lối kể chuyện vừa dí dỏm vừa nhẹ nhàng, bộ phim của đạo diễn Vũ Minh Trí đã đem lại cho khán giả những tiếng cười vui vẻ nhưng không kém phần sâu lắng.
Về đề tài tình yêu, tình cảm gia đình, Gặp em ngày nắng là một trong những bộ phim được khán giả màn ảnh nhỏ năm 2024 yêu thích với nội dung xoay quanh một câu chuyện tình khởi nguồn từ dịch vụ “thuê” người yêu về ra mắt gia đình dịp Tết. Nhân vật chính là Huy - một chàng trai đang bị gia đình thúc giục kết hôn và Phương - một cô gái tuy cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng luôn mạnh mẽ, giàu nghị lực. Từ chỗ kết nối bằng một bản hợp đồng tình yêu, họ dần dần thấu cảm và gắn bó với nhau thực sự. Qua câu chuyện trớ trêu này, bộ phim còn đề cập đến các vấn đề khác khá phổ biến trong những gia đình nhiều thế hệ chung sống: như sự xung đột giữa tư tưởng cũ - mới, mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại.
Cùng với các phim về tuổi trẻ, phim về tình cảm gia đình mà vai chính là những người lớn tuổi như Hoa sữa về trong gió cũng có sức hút riêng. Đúng như nhan đề, bộ phim này đem lại cảm giác bâng khuâng, hoài niệm, gợi nhắc về nét đẹp đặc trưng của Hà Nội. Chuyện phim kể về bà Trúc, một cán bộ về hưu, chồng mất sớm, ở vậy nuôi hai người con là Hiếu và Thuận trưởng thành. Tưởng rằng bà đã ở vào độ tuổi được thảnh thơi, nhưng rồi những lo toan về công việc, cuộc sống, hạnh phúc của các con cháu lại vẫn khiến bà lao tâm khổ tứ. Dường như ai cũng có thể thấy được phần nào bóng dáng của bà, của mẹ mình qua hình ảnh của bà Trúc.
Đây là một trong số ít bộ phim truyền hình của năm 2024 đi sâu vào khai thác đời sống và thế giới nội tâm của những người lớn tuổi như ông Tùng, bà Cúc, bà Mai, bà Trúc. Họ gắn bó với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ với nhau bằng sự từng trải, qua đó đem lại cảm xúc lắng đọng cho bộ phim. Một điểm cộng nữa cho Hoa sữa về trong gió là nhà làm phim đã lựa chọn được những bối cảnh rất Hà Nội, từ những ngõ phố nhỏ bé đến hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây rộng lớn, từ những cửa hàng phố xá tấp nập đến những gánh hàng hoa bình dị, đem đến cho công chúng những khoảnh khắc tận hưởng nhẹ nhàng, thư thái.
Phim truyền hình về đề tài hình sự cũng luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khán giả, điều này được minh chứng qua thành công của nhiều bộ phim trước đó như series Cảnh sát hình sự, Người phán xử, Mê cung, Bão ngầm... Dù có ý kiến cho rằng phim hình sự Việt đang lọt thỏm trong rừng phim tình cảm gia đình, nhưng thể loại này không hề “lép vế” về mặt nội dung, thậm chí có những bộ phim đã đóng máy nhưng khán giả vẫn tiếc nuối và mong chờ sẽ được đón xem phần 2, như trường hợp Độc đạo.
Độc đạo lấy đề tài về cuộc chiến chống ma túy tại các tỉnh vùng biên, ca ngợi hình tượng của người chiến sĩ công an. Mặc dù đề tài này hoàn toàn không mới, nhưng bộ phim đã tạo nên một dấu ấn riêng biệt không chỉ của phim truyền hình năm 2024 mà còn của phim hình sự Việt Nam nói chung với kịch bản chắc tay, hấp dẫn cùng dàn diễn viên từ chính đến phụ đều xuất sắc. Độc đạo ghi điểm qua từng tập phim bởi tiết tấu nhanh, tình huống kịch tính, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thậm chí theo thống kê, mỗi tập phát sóng của bộ phim này luôn thu hút lượng người xem với rating (tỉ suất người xem) trung bình 4,8 - 4,9%, luôn nằm vị trí đầu bảng chương trình truyền hình thời điểm phát sóng; những đoạn clip cắt từ phim khi đăng trên các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng triệu view. Điều đáng nói là bên cạnh tính chính luận cùng những pha đấu trí gay cấn, Độc đạo còn có những phân đoạn diễn tả chiều sâu nội tâm của nhân vật hoặc những tình huống hài hước đời thường. Sự kết hợp cùng lúc nhiều yếu tố trong một bộ phim như vậy cùng lối kể chuyện biến hóa, khiến cho Độc đạo trở thành tác phẩm đa màu sắc và được đánh giá cao trên nhiều phương diện.
Lên sóng vào cuối năm 2024, Không thời gian là dự án lớn nhất năm với 60 tập phim có sự tham gia hùng hậu của nhiều lực lượng, triển khai theo nhiều tuyến nhân vật, cấu trúc phim đan xen giữa câu chuyện quá khứ và hiện tại. Đây là tác phẩm hướng tới chào mừng kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Bối cảnh ở thời quá khứ gắn với câu chuyện của Nậm, một chiến sĩ, bác sĩ tài giỏi, luôn hết mình với công việc. Bối cảnh ở thời hiện tại xoay quanh câu chuyện của trung tá Lê Nguyên Đại và đồng đội. Dù ở thời chiến hay thời bình, những người lính bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn sẵn sàng trước mọi nhiệm vụ, không nao núng trước thử thách của thiên tai, địch họa. Đó chính là sự tiếp nối truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân. Không chỉ khắc họa hình ảnh người lính, bộ phim còn tái hiện một cách sống động và chân thực đời sống của nhân dân qua các thời kì khác nhau. Tình cảm quân dân dù ở bối cảnh nào cũng bền chặt, sâu nặng, trở thành nguồn cảm hứng lớn cho văn học và điện ảnh.
Hình ảnh những người lính thời bình tiếp tục được tái hiện cụ thể qua phim Đi về phía lửa. Bộ phim này kể về cuộc sống, chuyện nghề của những người lính cứu hỏa luôn sẵn sàng đương đầu với nguy hiểm trong công việc. Nhưng phía sau tấm áo của những người hùng, họ lại trở về nhịp sống đời thường với mọi buồn vui, khổ đau, hay hạnh phúc như tất cả những người bình thường khác.
Một cảnh trong phim Đi giữa trời rực rỡ
Như vậy, phim truyền hình năm 2024 tập trung vào ba mảng đề tài lớn nêu trên. Đây cũng là những đề tài phù hợp với đặc trưng của thể loại phim truyền hình vốn mang hơi thở của đời sống hằng ngày. Có thể nói không quá rằng, đây là thời của phim truyền hình, vì chưa bao giờ như hiện nay, phim truyền hình được quan tâm và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như vậy. Đối tượng khán giả của phim truyền hình trước kia chủ yếu là những người lớn tuổi, là các bà các chị nội trợ thì nay thu hút rất nhiều khán giả trẻ. Sự phát triển mạnh mẽ của đề tài tình yêu, gia đình cũng là một trong những “chiến lược” của các nhà làm phim nhằm đáp ứng được thị hiếu thẩm mĩ của đối tượng khán giả trẻ này. Nếu phim điện ảnh làm nên tên tuổi của nhiều ngôi sao, thì phim truyền hình cũng không kém cạnh khi mấy năm gần đây, xuất hiện nhiều gương mặt diễn viên phim truyền hình được công chúng yêu mến. Vậy nguyên nhân nào đem lại sự khởi sắc của phim truyền hình trong mấy năm gần đây? Theo chúng tôi, câu trả lời có thể quy về bốn yếu tố sau:
Thứ nhất, về phương thức trình chiếu, trước đây nói đến phim truyền hình thường người ta chỉ nghĩ đến các bộ phim được phát trên các kênh sóng của đài truyền hình, chủ yếu là VTV1 và VTV3. Nhưng hiện nay, sự phát triển vũ bão của phương tiện truyền thông, không chỉ cho phép các nhà làm phim thể hiện được nhiều câu chuyện, nhiều đề tài, mà ngay cả hình thức chiếu phim cũng đã có những đột phá đáng kể. Họ có thể xem phim truyền hình trên màn ảnh nhỏ truyền thống hoặc bỏ chi phí để xem phim bộ độc quyền được đầu tư như điện ảnh trên các ứng dụng, nền tảng trong và ngoài nước. Năm 2024, phim Mẹ ác ma, cha thiên sứ (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) phát sóng trên Truyền hình K+ cũng được xem là một tác phẩm thành công. Bộ phim với dung lượng nhỏ nhắn (22 tập) đem đến thông điệp các nhân vật “ngồi xuống kể tổn thương trong lòng”, mỗi người hãy bớt cái tôi của mình lại, quan tâm đến những người thân của mình hơn. Như vậy các mối quan hệ trong gia đình (mẹ chồng - nàng dâu, vợ - chồng, cha mẹ - con cái) sẽ trở nên chặt chẽ hơn nhờ sự thấu hiểu và bao dung.
Thứ hai, quyền lực của khán giả. Một thực tế dễ nhận thấy là trên các diễn đàn mạng xã hội, sự chú ý của công chúng không chỉ dành cho phim truyện điện ảnh mà đã mở rộng sang phim truyền hình. Với những bộ phim “hot” chiếu trên giờ vàng, cứ sau một tập phát sóng lại là hàng loạt bài viết, bình luận. So với kiểu làm phim truyền thống, phim hoàn thiện rồi mới trình chiếu thì nay phim truyền hình có thể thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu” (vừa quay vừa phát sóng). Điều này đã góp phần gia tăng “quyền lực” cho khán giả, khi thông qua các ý kiến bình luận, họ trở thành một phần của quy trình sáng tạo bộ phim, tức ý kiến của khán giả có thể ít nhiều tác động đến kịch bản. Đã có những trường hợp, bộ phim đang phát sóng được điều chỉnh kịch bản ở các tập tiếp theo. Đây cũng là một dạng thuộc phương thức “tham dự” của người tiếp nhận được Marie-Laure Ryan nói tới trong nghiên cứu về “những nền tảng lí thuyết của tự sự xuyên phương tiện”(1), tức người tiếp nhận trở thành một nhân vật tích cực trong câu chuyện và thông qua tác nhân của mình, anh ta hay cô ta đóng góp để tạo ra cốt truyện.
Hai yếu tố nói trên vừa tạo động lực vừa gây áp lực cạnh tranh cho phim truyền hình vì sự gia tăng quyền lực ở khán giả cùng sự phát triển của các loại phương tiện trình chiếu giúp cho họ có nhiều lựa chọn hơn. Do vậy các bộ phim truyền hình cũng phải đầu tư hơn về nội dung, diễn viên, bối cảnh.
Thứ ba, đề tài phim truyền hình ngày càng đa dạng. Các phim khai thác đề tài tuổi trẻ, tình yêu, khởi nghiệp đem đến nguồn năng lượng “chữa lành” tích cực ngày càng được quan tâm. Bên cạnh đó, phim chính luận, hình sự cũng thể hiện được khả năng nắm bắt sự chuyển động của đời sống xã hội, do vậy, phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ của công chúng đương đại.
Thứ tư, chiến lực truyền thông đối với phim truyền hình cũng được chú ý nhiều hơn trước. Việc tổ chức các buổi họp báo, các chương trình giới thiệu phim trên nhiều phương tiện có tác dụng không nhỏ trong việc thu hút sự chú ý của khán giả.
Trở lại với phim truyền hình năm 2024, nhìn một cách khái quát, có thể thấy tình trạng mất cân đối trong kịch bản phim (tức phần mở đầu có thể vô cùng thu hút, nhưng càng về sau càng lộ nhiều điểm yếu) đã được khắc phục rõ rệt. Nhưng vẫn còn những tác phẩm chưa bứt ra được khỏi tình trạng này. Đi giữa trời rực rỡ là một ví dụ điển hình. Khoảng 10 tập đầu, lấy bối cảnh một bản làng ở vùng núi phía Bắc, với những gương mặt diễn xuất đầy triển vọng, bộ phim này đã “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn, thậm chí được dự báo sẽ là hiện tượng bùng nổ của phim truyền hình 2024. Nhưng càng về sau, bộ phim càng “đuối” khi kể chuyện thiếu trọng tâm, cách giải quyết tình huống khiên cưỡng, motif dễ đoán, nội dung dàn trải, khiến cho người xem mệt mỏi và tỏ ra băn khoăn về khả năng phát triển của kịch bản. Cuối cùng bộ phim dừng lại ở tập 58 (ít hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu là 110 tập), các nhân vật hầu như chưa ai đạt được mục tiêu gì trong hành trình của mình. Đây rõ ràng là một cái kết vội vàng, còn rất nhiều vấn đề được đặt ra trước đó vẫn bỏ ngỏ. Đi giữa trời rực rỡ thực sự là một trường hợp đáng tiếc bởi ngay từ vạch xuất phát, bộ phim này đã mau chóng giành được nhiều lợi thế, đặc biệt là sự ủng hộ của khán giả. Tuy vậy, không thể không ghi nhận “làn gió mới” mà bộ phim mang đến cho không khí phim truyền hình năm 2024. Đó là bối cảnh vùng cao vô cùng phóng khoáng, tươi đẹp gắn với hình ảnh đồng bào Dao hồn nhiên, chất phác. Việc xây dựng hình ảnh nhân vật nam chính nữ chính ban đầu cũng khá thành công, đem lại ấn tượng hoàn toàn khác biệt so với các kiểu nhân vật trong phim truyền hình từ trước đến nay.
Nhìn chung, năm 2024, phim truyền hình Việt Nam vẫn duy trì thành công với mạch đề tài quen thuộc về gia đình, tuổi trẻ, tội phạm. Phần lớn các bộ phim năm nay chọn bối cảnh thành thị, nội dung mang xu hướng “chữa lành”, đặc biệt với Độc đạo và dự án Không thời gian, mảng phim về lực lượng vũ trang nhân dân thực sự đã chiếm được cảm tình của số đông khán giả. Đáng nói, phim truyền hình đang ngày càng có sự đầu tư chỉn chu về mặt bối cảnh, qua đó giới thiệu được nhiều cảnh sắc vùng miền tươi đẹp của đất nước. Nét tươi mới của Đi giữa trời rực rỡ cũng cho thấy sự thay đổi bối cảnh đã đem lại cho công chúng những trải nghiệm và cảm xúc mới mẻ, thú vị. Đây cũng là một trong những gợi mở đối với các nhà làm phim để họ tiếp tục khai thác những câu chuyện mới trên nền những không gian mới.
Các nhà nghiên cứu phim truyền hình Trung Quốc từng nhận định: thời đại đọc sách và thời đại internet đều thuộc về cá nhân, nhưng chỉ có thời đại tivi là thuộc về gia đình và sự giao tiếp, chia sẻ thực sự. Soi chiếu vào thực tiễn, chúng ta có thể thấy, trước áp lực cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hấp dẫn, phim truyền hình Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn là món ăn tinh thần thân thuộc của người Việt và trở thành phương tiện truyền tải văn hóa có lượng khán giả lớn nhất. Vì vậy chúng ta có thể hi vọng vào sự phát triển của phim truyền hình trong những năm tiếp theo, tất nhiên thể loại này cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức hơn, nhằm đem đến cho công chúng ngày càng nhiều tác phẩm chỉn chu về hình thức và phong phú về nội dung.
L.T.D
--------
1. Xem Tự sự học hậu kinh điển, Cao Kim Lan tổ chức biên soạn và dịch thuật, Nxb Khoa học xã hội, H, 2023, tr.234.
VNQD