(Đọc Mây âm tính của Võ Văn Luyến, Nxb Hội Nhà văn, 2022)
Từng đi qua chiến tranh, ý thức được cái quý giá lớn lao của sự sống và cuộc đời, Võ Văn Luyến làm thơ như trả một món nợ, lại như để tận hưởng cái hạnh phúc vĩ đại của sự bình yên. Vì thế, thơ anh, cả nỗi buồn cũng ngân lên thành tiếng hát.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị, hơn ai hết, Võ Văn Luyến trải nghiệm sự ác liệt quá đỗi của chiến tranh, đến nỗi, với anh, ngay cả sống cũng đã là một ơn huệ vô cùng của Thượng đế.
100 bài thơ trong tập là diễn ngôn thơ của Võ Văn Luyến. Diễn ngôn của ngày mới. Nó hiện sinh trong từng câu chữ một ý thức về con người. Không phải là con người thân phận mà là con người công dân, con người thi sĩ, đầy trách nhiệm và nặng lòng với cuộc đời.
Võ Văn Luyến mải miết khám phá và cắt nghĩa chính mình trong sự va đập, đúng hơn là sự tiếp nhận, với những khoảnh khắc của cuộc sống. Anh không làm mới thơ mà làm mới mình, làm mới cảm xúc bằng cách lắng nghe và cảm nhận: Sau cửa sổ có điều chi rất lạ/ có điều chi nghi hoặc chút thôi (Sau cửa sổ). Lắng nghe và cảm nhận chính là cách để Võ Văn Luyến dung dưỡng và làm mới cảm xúc cho thơ mình. Bằng cách đó, thơ đi vào anh dung dị, tự nhiên và chân mộc. Có cảm giác anh làm thơ một cách hối hả: Ý xuất hiện anh ghi lên trang giấy/ chưa là thơ nhưng rồi sẽ là thơ (Thơ trên từng cây số).
Thơ Võ Văn Luyến là thơ của những khoảnh khắc nhưng đó không phải là những dấu ấn, những sự kiện trọng đại mà thường khi, những khoảnh khắc ấy, cứ mơ hồ lặng lẽ đi qua và anh chớp được bằng bản năng nghệ sĩ thường trực. Vậy nên mới có những Ngày thoáng hiện, Cơn mưa nhắc nỗi nhớ người, Trưa lắng vào anh, Hoa mở tuổi ngày, Tiếng chim trong thành phố, Chợt mưa vẽ bóng,… Nghĩa là những “phút”, những “thoáng”, nó chợt qua và lưu lại, nó giăng mắc và ám thị, và trở thành thơ.
Ngày mới đến là tín hiệu ngôn ngữ xuất hiện và lặp lại khá nhiều trong Mây âm tính. Ngày mới, với Võ Văn Luyến, không phải chỉ là sự giao mở của thời gian, mà còn là sự giao mở của lòng người. Một thái độ “mở lòng” đón những yêu thương của đất trời, từ đó mà hình thành những ý tưởng, thành thơ. Võ Văn Luyến có duyên để tìm ra tứ thơ từ những hình ảnh, những sự việc hết sức bình thường. Anh không quá cầu kì vào câu chữ, không cao đàm khoát luận. Triết lí trong thơ anh, vì thế, dường chỉ là những hồi âm trong cuộc tự sự với chính mình.
Ưu thế lớn nhất của thơ Võ Văn Luyến có lẽ là cảm xúc. Nó chi phối và lôi cuốn tác giả đến độ, khó mà cưỡng lại được. Có cảm giác anh thiên về trực giác hơn là soi xét sự vật hiện tượng bằng lí trí. Trái tim nhà thơ là một thứ ra-đa mẫn cảm, nó bắt sóng tất cả những chuyển động, từ cơn mưa ban chiều đến giọt sương buổi sáng, từ một vòng sóng trên sông đến một cánh chim thiên di, Võ Văn Luyến đều có thể “nghe” được. Thậm chí, cả tiếng tim mình đang đập trong đêm cũng làm anh thao thức và ngẫm ngợi: Đêm tôi lắng nghe/ nhịp tim mình thôi còn đều đặn/ bên này đang mưa bên kia khô hạn/ nghiêng bên nào cũng thấy buồn thương (Nghe vắng tiếng chim gõ cửa). Ở một chiều khác, cảm xúc mạnh mẽ, khó tiết chế cũng là một giới hạn mà nhà thơ, dù đã nhận thức, nhưng khó có thể khắc phục. Chính anh cũng đã từng thú nhận, tự vấn chính mình: Thơ dễ quá có chán không anh/ mỗi ngày trăm bài mà như nước lã/ biển thì thật xa nguồn thì vắng cá/ âm tính thơ em bỏ mặc em rồi (Mây âm tính).
Nhận ra giới hạn của thơ mình, suy cho cùng, đó cũng chính là điểm mạnh của một nhà thơ. Đó là cách Võ Văn Luyến ứng xử với thơ, và vì thế, tôi tin, Mây âm tính của thơ anh sẽ có chỗ đứng trong lòng người đọc. NGUYỄN KIẾN THỌ chọn và giới thiệu
Mẹ giới tuyến
Không còn núi cắt sông ngăn
mẹ thôi ngày chờ đêm đợi
đức tin gửi vào chiếc khăn
xanh như chưa hề có tuổi
Đạn bom cày nát giới tuyến
con chim thương tiếc đất lành
đò tình người xưa lỡ chuyến
trách chi mưa nắng đành hanh
Một ngày trời thôi trở gió
lời ru ấm cả mùa đông
ước ao một lần được thấy
nhưng mẹ hóa vào núi sông.
Ngồi yên nhé
Ngồi yên nhé dòng sông thôi chảy
lũ cá buồn về ngủ dưới hoàng hôn
đò gỗ mục nằm úp chèo gác mái
câu hát xưa dạt phía thác nguồn
Ngồi yên nhé cánh rừng đang trút lá
chim thương cây nín giọng gieo hò
mây biết tím ngày tóc thơm hương sả
ngọn đèn vàng thắc thỏm âu lo
Ngồi yên nhé chờ niềm vui gõ cửa
cầm con trăng đi giữa rạng ngời
đêm trở giấc sao ta lệ ứa
nghìn nguyện cầu như lá chẳng ngừng rơi.
Đời sông
Đời sông nước mấy ai nhàn hạ
nhịp chèo khua như nhịp đời buồn
sóng gió miết chưa từng yên ả
nghiêng phía nào cũng phía mưa tuôn
Em đêm xuống chong đèn hi vọng
sớm mai lên khấp khởi rời thuyền
dáng xăm xắn và nụ cười tỏa sáng
chỉ tên mình người hỏi giả đò quên
Thì kẻ chài kẻ chợ khác gì nhau
cũng mẹ đẻ cha sinh cũng áo cơm mà lớn
không thương thì thôi mắc chi đành đoạn
mắc chi nắng sớm với mưa mau
Ta như đời sông lắm khi vật vã
vừa ngụp lặn dưới mưa lại nắng quái phơi chiều
câu thơ cũ quên lâu thành mới lạ
em quên ngày giữa cơn bão thương yêu.
VNQD