Giữa khuất nẻo mây bay

Thứ Hai, 02/11/2020 06:57
(Đọc Gió heo may ngày nắng gián đoạn của Lê Thiếu Nhơn, Nxb Văn học, 2020)

Lật dở vài trang, đọc vài bài thơ đầu tiên trong Gió heo may ngày nắng gián đoạn, không hiểu điều gì xui khiến tôi cứ muốn tìm tới những bài thuộc mạch nguồn trong trẻo, tin yêu, sòng phẳng một chèo một lái ở đôi tập thơ đầu của Lê Thiếu Nhơn. Ví như: Gót chậm kỉ niệm; Chiều muộn miền thu; Mùa gọi Bazan; Hiên vắng mưa đêm; Bước chậm ở Hậu Giang

Ví như những câu thơ: Con tập bước đi mùa xuân thứ nhất/ Cha mẹ bắt đầu tìm lại ấu thơ (Gửi theo mùa xuân thơ ấu); Muốn tìm lại tiếng ca ai sau vành nón/ Chỉ thấy ngoại ô thăm thẳm thở dài (Tĩnh lặng lúc giao thừa). Những bài thơ, những câu thơ như vậy trong Gió heo may, ngày nắng gián đoạn đã là thưa, là hiếm bớt mà thay vào đó là cảm xúc dằn vặt, âu lo, buồn thương của một người đã “ngấm đòn” thị phi, đã trải qua bao vấp váp cuộc đời: Sự tử tế ngày càng bị đẩy vào tuyệt lộ/ Tôi tập làm quen với màu cúc trái vụ, vì sợ mùa đi bỏ rơi mình (Tĩnh lặng lúc giao thừa); Không còn đủ khát khao để nhắc sông dài biển rộng/ Tôi trồng thêm một hàng cây, cho chim về hót hắt hiu đời mình (Buổi sáng ở Thủ Dầu Một)... Là vì tuổi tác hay vì anh muốn thi ca gần với đời sống thực của mình hơn?

Lê Thiếu Nhơn năm nay bước qua tuổi bốn mươi. So với rất nhiều nhà thơ khác, tuổi ấy đâu phải là đã già? Dân văn nghệ Sài Gòn còn nhớ rất rõ, hơn hai chục năm trước, chàng thi sĩ kiêm nhà báo trên dưới hai mươi tuổi đã xông xáo, tụ bạ với đám thơ văn, báo chí đàn anh, đàn chị bên li bia sủi ga, trong những câu chuyện liên tu bất tận về thế sự sục sôi; văn chương chữ nghĩa trăn trở, bung xòe thời mở cửa. Lê Thiếu Nhơn nhập cuộc với sự tự tin, bình đẳng. Điều nổi trội hơn, nhà báo - nhà thơ hai mươi tuổi này rất thích và “lọt vào chiếu trên” của thế hệ đàn anh cao niên như Hoài Anh, Trang Nghị, Hoàng Hưng, Thanh Tùng, Trần Mạnh Hảo…

Lê Thiếu Nhơn ngang ngửa bình thơ, bình văn, phác dựng chân dung của họ một cách tinh nhạy và xác quyết… để khi lớp đàn anh đọc những bài viết ấy phải buông rơi những câu sửng sốt: “Già dặn, chuẩn xác… Đúng là một thằng sớm già”. Làm báo và làm thơ song hành. Cũng không ai nhớ nổi, thuở ấy nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nổi trội hơn nhà báo Lê Thiếu Nhơn, hay là ngược lại. Chỉ nhớ một điều: Trẻ trung đấy mà không buông tha, mà rất cụ cựa, mà thích đối đầu nói thẳng nói thật, mà không sợ tạo ra nhiều... kình địch.

Và cứ thế, thêm hai mươi năm nữa ập tới. Tôi nhấn mạnh đến tính cách thích đối đầu, thích nói thẳng của anh để cố tình tìm ra mối liên hệ với những bài thơ anh mới viết trong tập thơ Gió heo may nắng ngày gián đoạn hôm nay.

Có ai đó đã ví von rằng, hiện thực đời thường giống như chiếc giếng đang thau. Phần còn lộn lèo bùn đất, rác rến, lá ải, rêu mục là dành cho văn xuôi. Thi ca chỉ múc lấy phần nước đã tinh khiết, đã trong lọc, đã lắng đọng ở tận đáy sâu. Nhưng với đất nước mình, những sự biến cải, những cuộc binh đao, những phủ định và khẳng định tới tấp, vội vã lại giống như chiếc gậy automatique, chạy bằng động cơ điện nhiều sức ngựa đã quấy đảo, làm lộn lạo, nháo nhào qua năm này tháng khác, khiến nước trong không còn kịp lắng xuống đáy sâu… Có phải điều này mà ở xứ mình không ít nhà báo cầm bút làm thơ và ngược lại là nhà thơ không thể tránh khỏi cái nhìn và cảm quan của nhà báo.

Vì lẽ đó, với tập Gió heo may ngày nắng gián đoạn tôi cảm thông và bênh vực những ẩn ức, những thất vọng, những hoài nghi của anh trước những gì đã nghe, đã thấy: Chúng ta làm sao tự vệ được trước sắc mây bay?/ Chúng ta làm sao tự vệ trước chiều mưa muộn?/ Chúng ta làm sao tự vệ trước vệt nắng phai? (Chột dạ khi ra khỏi nhà).

Tôi thông cảm và bênh vực cả cái cảm giác bất lực vào chính ngòi bút của mình, vào những vần thơ mình viết ra, rồi bằng cách nào đây để thực hiện được thiên chức ngợi ca, làm đẹp cho cuộc đời: Người lương thiện còn bị đọa đày đến bao giờ?/ Câu hỏi chán chường không ai muốn nhắc/ Thế kỉ bán mua danh vọng/ Thế kỉ trí thức nửa mùa/ Tôi tìm cách đi lùi trong kí ức, đi lùi đến ngây thơ! (Khuất nẻo mây bay).

Ai quen biết Lê Thiếu Nhơn, đã đọc anh, đặc biệt là đọc những bài báo giàu sức nóng, sự châm ngòi cho phát nổ khi anh đề cập tới những ngang tai, chướng mắt, những gì bất cập trong cuộc sống nói chung, trong toàn cảnh văn hóa văn nghệ hiện nay, đều nhận ra sự thống nhất hữu cơ của anh giữa thơ và báo. Đó chính là đạo đức và phẩm cách cần thiết của người cầm bút hôm nay; là phần “trách nhiệm công dân” thấm đẫm trên mỗi dòng viết của anh. Cũng ở “phần trách nhiệm công dân” ấy, đọc Gió heo may ngày nắng gián đoạn vẫn thấy toát lên cái vỉa mạch chủ yếu; cái màng lọc riêng của cảm xúc của biểu hiện là dành cho thơ, giúp thơ thoát thai, nên hình hài. Chứ tuyệt nhiên tác giả không bị lạc bước sang những nẻo đường xa lạ với thi ca.

TÔ HOÀNG chọn và giới thiệu
Gửi theo mùa xuân thơ ấu
Với cu Bell - Lê Thái Hiếu
 
Con tập bước đi mùa xuân thứ nhất
Buổi sáng lon ton giữa nắng và hoa
Mẹ gửi theo bận bịu miền hạnh phúc
Cha gửi theo phấp phổng ước mong xa
 
Con bi bô sông dài ngày xanh thẳm
Con chập chững núi cao thuở nghìn trùng
Thời tương lai chưa ai dám đoán định
Lời ru nhọc nhằn giăng mắc nhớ nhung
 
Chân cứng đá mềm, thôi đành hi vọng
Khi con lớn lên, người hát bên người
Những đổ vỡ ngổn ngang năm tháng cũ
Đã tan vào tiếng kẽo kẹt đưa nôi
 
Con tập bước đi mùa xuân thứ nhất
Cha mẹ bắt đầu tìm lại ấu thơ
Đôi mắt trong veo trò chơi tạo hóa
Khấp khểnh nào cũng nhẹ nhõm giấc mơ!
 
 
Hồi âm cho thinh lặng
 
Khoảng cách hai ta xa hay gần?
Anh vội vàng khôn lanh
Anh thật thà mê dại
Không thể trả lời cho ngắn bớt một đêm
 
Nhân nghĩa thời đồng tiền sấp ngửa
Tránh ngày mai riêng ai phụ bạc
Xin người đừng thề thốt hôm nay
 
Anh nhìn gió trôi sông, nhìn mây vượt biển
Nhìn đất bốn hướng, nhìn trời tám phương
Để phập phồng đoán sấm trùng dương
Thương em dài đường mưa bé nhỏ
 
Vậy thôi, anh chẳng còn gì đáng giá
May, có câu thơ ngơ ngác nẻo buồn!
 
 
Bước chậm ở Hậu Giang
 
Dòng Xà No trôi cơn mưa rất muộn
Tiếng xuồng máy nhỏ dần
Giọng hò xa vắng hơn
Chiều Vị Thanh em như mơ như thực
 
Phố loanh quanh bàn chân lữ khách
Người về Mái Dầm hay người về Long Trị
Nhắc giùm nhau câu hát thuở khai hoang
 
Tôi bước chậm qua đêm tha hương
Sợ ngày mai lạc mất ai phiên chợ nổi
Chút gió Một Ngàn chút mây Ngã Bảy
Gửi lại nhớ nhung ánh mắt Kinh Cùng
 
Hậu Giang khuất nẻo
Hậu Giang ân cần
Mùa lúa trĩu đồng gọi bóng trăng xưa!
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)