Hành trình tìm lại bản nguyên

Thứ Sáu, 28/05/2021 00:43

(Đọc Ngày hạt mầm toả hương, Lê Vi Thuỷ, Nxb Hội Nhà văn, 2020)

Thơ Lê Vi Thuỷ không phải là những hình ảnh hay ngôn ngữ thiên về sự trừu tượng xa lạ, tuy nhiên cũng không dễ đọc với nhiều người. Những câu thơ trực diện, gai góc một phần thể hiện cá tính người viết, một phần như muốn tìm về với nguyên bản của mọi lẽ: con sẻ nâu trơ mắt đi tìm/ dòng suối/ chỉ còn là bệt bùn nhão trong đáy chai thuỷ tinh. Thơ là một giấc mơ hay thơ là hiện thực?

Lí giải điều đó liệu có ích gì khi mà những khát khao tìm về lại dẫn ta vào một cuộc hành trình khác: trên hành trình tìm về của gió/ em gái nhỏ/ từng bước chân/ xiêu vẹo/ vẽ đường mòn trên tường gai nhọn.

Trong không gian sáng tạo, người viết thường có thiên hướng đi tìm cái sâu thẳm. Điều này dẫn người viết tìm đến tận cùng không gian sáng tạo của chính mình: ngọn cỏ tranh trơn tuột mặt thời gian/ thả cuộc đời vào rỗng/ cao nguyên trở mình sau một ngày dài… Cao nguyên, vùng đất mang đến sự phóng khoáng và tự do cho giọng thơ Lê Vi Thuỷ, nhưng chị không hời hợt đón nhận điều đó, mà đáp lại, bằng những gì chị đau đáu nhất: đôi mắt mẹ loà nhoà trong sức nóng nhựa đường/ mùa rẫy năm nay oằn lên những cơn mơ xa thẳm/ ruộng cạn trơ xác lúa đang nằm.

Ngày hạt mầm toả hương trì níu người đọc bởi những mảnh ghép tưởng như rời rạc, phân mảnh nhưng được sắp đặt, liên kết với nhau bởi tư duy của người viết. Nếu nỗi cô đơn tật nguyền đôi tay non trẻ từng là nguồn cơn cho những khổ đau, thất vọng, âu lo của tuổi trẻ: như con thú hoang bị bỏ rơi bên đường thì cũng có những khoảnh khắc của niềm vui và hạnh phúc: mẹ hạnh phúc quên những lo âu/ những nhọc nhằn mang tên quá khứ; những giấc mơ không còn nước mắt/ buổi sáng tinh mơ mẹ cảm nhận được tiếng hót trong veo/ của đàn sáo sậu đang nhảy múa ngoài hiên. Thơ không làm nhiệm vụ của cổ tích, mọi câu chuyện đều kết thúc có hậu. Ở đây, thơ mở ra những khả năng khác.

Những khoảnh khắc trong thơ là bất tận. Lê Vi Thuỷ cho thấy thế mạnh liên tưởng của mình trong việc nắm bắt những khoảnh khắc, để cái ngắn ngủi, cái vô hình lại trở nên rõ ràng, mạch lạc trong một hình dung khác: tiếng gõ cửa/ lăn tròn trên bức tường thời gian/ chạm vào đám rong rêu cũ/ chơm chớp xanh. Những khoảnh khắc sẽ làm nên sự ám ảnh và bất trắc khi nó ở giữa ranh giới của được và mất: khi người đàn bà trong em cố bước qua/ ban mai sẽ tắt. Thật may, Lê Vi Thuỷ luôn dừng lại ở sự tiệm cận, đó là vị trí mà người viết quan sát được nhiều nhất sự đa chiều của đời sống phong nhiêu này: ranh giới giữa nụ cười/ và nước mắt/ mỏng như cái chớp mắt.

Trong hành trình thơ của Lê Vi Thuỷ, chị đã từng đặt mình trong những không gian sáng tạo khác nhau. Nhưng có thể nhận ra, bản nguyên mà chị tìm về cũng là nơi chị thuộc về: những khuôn mặt không trang điểm/ nắng gió cao nguyên đen sạm/ rạng ngời giấc mơ màu trắng.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu



Những khuôn mặt không trang điểm

Những khuôn mặt không trang điểm
nắng gió cao nguyên đen sạm
rạng ngời giấc mơ màu trắng

Em gái Ba Na, Ja Rai, Giẻ Triêng, Xơ Đăng
bên đồi cỏ xanh màu
nụ cười sương mai văn vắt
gùi đầy hoa, đầy cà phê
rộn rã bước chân về

Những khuôn mặt không trang điểm
đỏ trên đất bazan
nhúng mình màu trắng hương hoa
hát khúc ca mùa về

Những khuôn mặt không trang điểm
lấp lánh hạnh phúc.

Cao nguyên

Cao nguyên
mảng buông thõng núi
những cánh rừng không cây
trơ hẫng xối gốc từng giọt
cánh nắng gùi hong khô cánh rừng nhỏ nhoi lá
cặm cụi mẹ già lau cọng lạc khô
đan quá khứ vào hiện tại

Giữa đời
viên gạch ném vào thinh không
đám ngũ sắc màu tím héo rũ
ngọn đồi hum húp trọc tràn cười
mùa rẫy đốt con ong không có mật
hàng thông xanh thông thốc hõm tối
reo mặt tượng tát gỗ đá rong rêu
mưa màu chát gắn vào con gái

Thời gian hoen mắt mẹ
thêm tuổi
lời thầm thì, thiếu nữ gõ vào tim
khét vàng mùi gió lưng bò đi dọc
gặm sườn đồi rơi hạt sương mai

Bàn tay nắm
nụ nồng cuống quýt
thả rơi đêm tiếng níu hoang
ngọn cỏ tranh trơn tuột mặt thời gian
thả cuộc đời vào rỗng
cao nguyên trở mình sau một ngày dài...


Ban mai

Trong em - người đàn bà đã từng khóc hạnh phúc
khi mỗi giấc ban mai, nụ cười anh ấm áp màu xuân hiền nắng
giọt tình yêu đúc kết hình hài
đôi mắt tròn tràn hạnh phúc
bi bô gọi tiếng

Bức tranh em vẽ chưa kịp khô màu
vết ố nhấn đen từng phần thân thể
rạn nứt

Hoàng hôn xanh lá tím tái đôi môi run lạnh
sợi dài mưa lả phả gió
lần mò sợi bạc lăn tròn rơi đêm
con chữ lộn xộn kín mặt giấy A4 rỗng rễnh không tiếng
chập chùng dài tiếng thở

Người đàn bà trong em bật khóc
người đàn ông của em mờ dần sau loang lổ màn sương
sợ hãi - bức tranh thảng thốt kêu lên từng tiếng khi vệt vặn vện
đan nhau sau cái chấn song
khuôn mặt méo xệch, đứa trẻ khóc thét
bốn phía là tường
trước mặt cánh cửa khóa
sau lưng lối mòn
khi người đàn bà trong em cố bước qua
ban mai sẽ tắt.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)