Chùm thơ của tác giả Thanh Thảo

Thứ Sáu, 14/05/2021 16:16

Mai sớm quê nhà

Mai sớm quê nhà nhìn sâu về phía biển
bóng tối vuốt ve ánh sáng
đám mây hình con ngựa
tung vó về đâu
sao lòng con
mãi nhớ thương cha mẹ già khuất bóng
cứ kể hoài những câu chuyện
bên thành giếng
nơi giờ máy bơm thay gàu
không còn nghe tiếng nước chảy
không còn thấy mặt giếng rơi vài chiếc lá
vú sữa
không còn mắt mẹ nhìn lên
những quả tím lấp lánh
không ai thay được tiếng con cuốc kêu
buổi sáng
giọng vang mà buồn
con nghe những vòm cây nhà mình
xạc xào thinh lặng
khi bắt đầu có nắng
đột ngột, mây
mưa trút nước
bầu trời nghiêng vại đổ
lúc con cầm bàn tay
đầy những nốt sần chai
của anh Kiểm, người nông dân hàng xóm
con hiểu, vì sao thầy đã chọn
bàn tay chai ấy là tri âm
vì sao thầy suốt ngày ngoài vườn
chăm sóc từng bụi chuối
con đã đi gần hết cuộc đời, mới thấu
bàn tay nói với con vài điều
và màu nắng xanh kia
không nói mà tường minh
như nói

Nhà mình đã từng là ngôi nhà hạnh phúc
nơi mỗi khi con về lòng hồi hộp
mong gặp ngay thầy mẹ ở nhà
mong gặp cây hồng xiêm đang quả
cây vú sữa đang hoa
mong nhìn thấy dáng cha mẹ già
như mong hạnh phúc

Có bao điều bất chợt
từ từ mới nhận ra
bao nỗi niềm trôi xa
bỗng một ngày thấy lại

Mai sớm quê nhà
con chỉ ngồi và hít thở.


Quê ngoại

Có một nhà văn già, bạn tôi (1)
suốt đời thương mãi những hàng cau quê ngoại
ngày trẻ, tôi chưa tỏ
hình ảnh cây cau là hình ảnh mẹ mình
cứ mảnh mai nhẫn nhịn hiền lành
mà bão xô không gãy

Hạnh phúc cho ai một đời thương quê ngoại
nơi những hàng cau vút thẳng nhu mì
nơi mẹ chợ chiều bóng ngả chân đi
phần con miếng mít
con cá viễn nhỏ nhoi phần chị
mà tôi gọi bằng dì
dì Ngoa
quê mẹ ở hai bờ con đập
ngày xưa kêu là đập Bến Thóc
bao năm tôi nhớ người dì
dì Điện
ở Hành Thịnh
dáng xóm làng như dáng cây cau
giặc đốt cháy bao lần, lại mọc
dáng người làng nhỏ như hạt thóc
bao năm đùm túm nuôi nhau
quê ngoại tôi
nơi ông bà ngoại tôi nằm
nơi dì Ngoa dì Điện tôi nằm
ngọn đồi vang vọng tiếng chim
“khổ thế làm sao khắc phục”
rốn lũ mỗi mùa lai láng nước
bão tràn qua tốc mái trăm nhà

Nghĩa Hành, quê ngoại tôi
ngày xưa ấy mắt mẹ buồn rười rượi
tôi làm sao hiểu
căn cớ má buồn
bao may mắn ngọn nguồn má trút cho con
con làm thơ vì có mẹ
khi về già quay về tìm gốc rễ
mới mơ màng nửa biết nửa không

Quê ngoại tôi, Nghĩa Hành
những mùa trái quả ngọt dần
đắng cay như cũng bớt phần đắng cay.
--------

1. Nhà văn Trang Thế Hy, quê Bến Tre (1924-2015), tác giả tập truyện
Nắng đẹp miền quê ngoại và nhiều tác phẩm khác.


Nếu một ngày có ai ngang qua cửa

Thì đó là cơn gió
có thể là cơn gió đó thôi
ngang qua cửa đùa chơi
như trẻ nhỏ

Lẽ gì khi về già
mình lại ngóng có ai ngang qua
cửa, như một niềm vui
nho nhỏ

Ngày chiến tranh nhiều đêm đi một mình giữa rừng
không hề cô đơn
sao bây giờ ở phố
cứ nhìn mãi cơn gió ngang qua cửa

Nhớ một đêm ở căn cứ bên sông Vàm Cỏ
chợt thấy một cây cổ thụ
cháy bùng bùng toàn thân đuốc hoa
tàn lửa như sao bay tung tóe khắp trời
lòng chợt bình yên
nghe con cù lần kêu khắc khoải
gõ miên man vào thân gỗ

Cảm giác ấy
gần như hạnh phúc
dù chỉ một mình nằm trong lều

Bây giờ ánh sáng giả thật nhiều
chợt thèm bóng tối
bây giờ bóng đêm như tơ rối
mong ngó toàn-thân-cây-lửa ấy một lần

Khi chúng ta tình cờ gặp nhau trong rừng
thân nhau như những người dưng
như cây cỏ
ta nghĩ gì đâu
nếu một ngày
có ai ngang qua cửa
ai đánh thức màu xanh, ai quay lại
tìm những dấu chân mình.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)