Những thanh âm vọng lại

Thứ Tư, 13/04/2022 00:53
(Đọc Thanh âm của Tạ Anh Thư, Nxb Phụ Nữ Việt Nam, 2021)

Cuộc sống là một nguồn âm vô biên, vĩ đại nhất mà không phải bất cứ ai đang sống, đang thở cũng có thể nhận ra đầy đủ. Bình thường, mỗi người sẽ tiếp nhận những âm thanh vang lên trong đời sống bằng thứ giác quan sẵn có, mắt thấy, tai nghe... Nhưng để nhận ra những âm khúc đằm thắm, tinh tế, sâu lắnghơn, thì cần phải có cả sự phổ hợp của “giác quan tâm hồn”. Và tôi muốn nói về cái “giác quan tâm hồn” ấy trong Thanh âm của Tạ Anh Thư để hiểu đây là câu chuyện tâm cảm dài mà chị muốn gửi tới bạn đọc.

Bắt đầu là không gian ở trên cao:Chiều loang rồi em/ tiếng gió dội trên tháp chuông nhắc giờ đóng cửa (Thanh âm), đến không gian ở dưới thấp: Càng không có tiếng còi xe/ báo hiệu sự đến và đi/ chỉ có tiếng côn trùng lưu trú (Ở nơi này),...được tác giả lắng lại và tạo ra những dao động của lòng mình. Lạ một điều là những dao động đó lại không bắt đầu từ “dao búa” chát chúa cụ thể, mà khởi lên từ trong tâm tưởng. Điều đó, đâu chỉ ở những đụng chạm, va đập của tự nhiên mà ngay khi có cả bóng dáng và tiếng người, thơ Thư cũng vẫn loang ra thế: Em đi đâu/ phố âm u phố đựng buồn đau/ phố hân hoan đèn giăng trên đầu/ em đi đâu/ tiếng rao loang ra con sông/ ngày tan vào sóng (Phố ). Thì “loang” và “tan” cũng lặng lẽ vậy thôi, không khuấy trộn lên, không gây chú ý riêng biệt nào mà chỉ truyền cái cảm giác tiếc nuối cho những khoảnh khắc mới vừa tồn tại.

Phía sau vùng đất trời chuyển dịch để lại những âm vọng ấy, là một Tạ Anh Thư với rất nhiều cảm xúc tiếp nối, nhiều cung bậc tâm trạng đan xen. Đã có một sự tươi tỉnh chào bình minh: Và tình yêu không là mãi mãi/ trong niềm thao thức nhớ - quên/em chỉ cần soạn một nụ cười/ chào ngày lên (Ở nơi này). Có phải là rất quả quyết không? Hình như là không! Bởi đôi mắt thơ của người nhạy cảm còn đang nhìn về phía hoàng hôn: Em có buồn mỗi khi tỉnh giấc/ ngày hôm qua đã tan mất muôn đời/ trong ánh sớm của bình minh, vốn dĩ/ có cả màu biệt li phai phôi (Em có buồn). Ở đó, có những cơn mưa dù đúng mùa hay trái mùa, dù có hay không sự chờ đợi thì đều giống nhau hồi kết cuộc: Rồi cơn mưa sẽ phôi pha/ và cả em, và cả chúng ta/ những điều hôm nay còn nhiều trăn trở/ ai đã quên và ai còn nhớ/ rồi cơn mưa sẽ phôi pha (Rồi cơn mưa sẽ phôi pha).

Đọc đến đây tôi đã lặng lại thật lâu. Hóa ra, sự không bền vững của tạo vật lại vẽ ra một khối buồn đậm nét! Dẫu cuộc sống, tình yêu có là một khung tranh sắc màu thắm tươi đến dường nào đi nữa thì cũng có lúc bị bôi xóa, nhạt nhàu. Có lúc Thư cũng tự hỏi mình, ngẩn ra, trách mình đã lãng đãng trong vệt mây mù của trí nhớ: Thành phố thăm thẳm từ lúc nào/ sao ta không nhớ rõ/ phận người buồn từ thuở chào đời/ hay từ hồi tiếc nhớ (Khoảnh khắc). Những lúc ấy thật thương, vì xót xa, hoang hoải không còn giấu giếm nổi! Nhưng chính sự thả lỏng, dễ dãi của cảm xúc như thế này đã mang đến cho người đọc những câu chữ bất ngờ, xuyên thấm.

Đi với Tạ Anh Thư, ta có cảm giác như chị vừa vén được một khoảng thì đêm tối lại đổ đầy lên một khoảng. U hoài lắm! Nhưng mà may, nhờ ý chí và cảm xúc thăng hoa, tác giả không để bị mắc kẹt lâu trong quá khứ: Nếu chỉ còn có một ngày ở lại/ mình có còn từ chối ngày mai/ hay sẽ yêu đời lại/ dù nặng buồn hai vai (Nếu). Và còn có cảm giác như người thơ Tạ Anh Thư đã nắm giữ được linh hồn của một hồi chuông thả, một chuyến tàu rời, một bóng chiều tà, một giọng côn trùng u uẩn tịch liêu… mà tạo ra thứ thanh âm riêng cho thơ mình. Rõ ràng, năng lực trong tâm của tác giả đã đánh thức buồn vui, nâng cao niềm hi vọng cho cả mình lẫn người. Thật ra, con người vào lúc đau khổ nhất sẽ không thể phát ra bất cứ thanh âm nào! Có thể, đôi lúc tác giả cũng chỉ hóa thân vào những điều đau khổ ấy thôi, nhưng độc giả cứ ngỡ chị đang là người “đau khổ nhất” - đó chẳng phải là thành công của Tạ Anh Thư hay sao?

NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH giới thiệu và chọn

Dốc

Dốc chiều nay gió bời
ta lửng lơ neo con diều đậu
lau lách nào bạt trời khuya
mà bụi trăng ta nhìn không thấu

Chiều
bò trên thịt da như một cơn hồng thủy
ngập lụt và sóng tràn
hồn đi hoang chưa thấy bến
chỉ nghe tiếng khóc trời đêm

Sóng
dền dứ nữa đi
bao đền đài ngươi che phủ
tiếc nuối chìm giữa lòng khơi
xây đắp làm sao cho đủ

Tha hương mà không rõ quê hương
hải âu bay về tứ xứ.

Lời hẹn

Mấy trăm năm
người nhớ lời hẹn từ tiền kiếp
vườn xưa nếp lá nằm
bần thần từ nẻo về thăm

Đón người
một đại lộ rỗng không
dấu hương tuyệt tích

Làm sao
trăng không là trăng cũ
tiếng không là tiếng xưa

Lẽ ra
canh Mạnh Bà(1) nên uống cạn
người ắt đã quên
như cần quên

Như đêm
sinh ra để xóa đi
lời hẹn.

--------
1. Theo nhiều truyền thuyết Á Đông, các vong hồn ở địa phủ trước khi đi đầu thai phải uống chén canh Mạnh Bà và sẽ quên hết mọi chuyện kiếp trước.

Như mới vừa qua

Ngày trôi như một nhánh sông thiếu mây trời
không ai biết rằng đã tối

Chỉ thấy đôi mắt em thắp lên một nỗi dịu dàng
tha thiết
chẳng biết vì anh hay vì trăng

Chỉ thấy núi tím giăng
tiếng gì như lời gọi bạn
có ai sửa soạn mình cho lời nguyện cầu
nỗi buồn chùng tấm áo nâu

Ngày trôi
như một đứa trẻ vừa sinh ra đời
soi gương
thấy tóc mình sương muối

Cả thế kỉ
như mới vừa qua.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)