Thơ viết dễ hay khó

Thứ Năm, 31/03/2022 16:18

Vậy là Cuộc thi Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021-2022 đã đi được một phần hai chặng đường. Trong thời gian qua đã có hàng nghìn tác phẩm gửi đến dự thi, có nhiều tác phẩm chất lượng đã được chọn in, gây ấn tượng với bạn đọc, đó là niềm vui đối với Người Biên Tập. Thơ chưa bao giờ là dễ dàng với người viết dù thơ luôn gọi về những gì gần gũi, thân ái, rung cảm nhất với mỗi chúng ta. Để mỗi bài thơ có được điều đó thì trước hết người viết cần có được sự chín muồi trong cảm xúc và biểu đạt cảm xúc ấy một cách tinh tế, trọn vẹn.

Tác giả Tuyết Phan ở Nam Định đã gửi đến toà soạn chùm thơ viết cho con trai ngày nhập ngũ, trong đó có những câu thơ: con đi bóng nắng đổ theo/ mắt người bạn gái trong veo thoảng buồn/ cô ấy sẽ đến thưa hơn/ mẹ ngồi tiếc những dỗi hờn thơ ngây. Người mẹ như trẻ lại trong những kỉ niệm tình đầu của con mình và không khỏi suy tư về những ngày đang tới. Nếu như duy trì tiếp được mạch thơ ấy, có thể tác giả Tuyết Phan đã có một bài thơ trong trẻo. Tuy nhiên, ở phần sau của bài thơ tác giả không còn giữ được cảm xúc ban đầu: Cô ấy sẽ thôi đến đây/ còn bao mời gọi đắm say bên ngoài/ tình đầu rồi cũng nhạt phai/ cuộc đời người lính, tương lai nước nhà… Có lẽ câu chuyện tác giả đề cập ở đoạn thơ sau cũng chưa được “thoả đáng” phần nào. Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều mối tình đầu đẹp đẽ và bền lâu giữa người lính và người con gái hậu phương. Việc người mẹ khuyên nhủ con trai có thể với mong muốn con đừng quá nặng lòng riêng để hoàn thành nhiệm vụ của người lính. Tuy nhiên, cách động viên này có thể không đem lại hiệu quả như mong đợi, không chỉ trong thơ mà cả trong đời sống thực.

Tác giả Quốc Anh ở Ninh Bình đã viết những câu thơ giàu trắc ẩn khi chứng kiến dòng người hồi hương bởi đại dịch: chang chang nắng/ ròng rã mưa/ đoàn người đi dọc đất nước/ những con đường xa ngái// đêm buông tấm màn/ có đủ che những kiếp người cơ nhỡ/ đường về hút xa// đất quê nghèo nên họ phải ra đi/ nay tình quê ấm áp đón họ về… Có lẽ mỗi chúng ta ai cũng không khỏi ngậm ngùi, xúc động chứng kiến những đoàn người trở về phương bắc khi mà phương nam vừa trải qua một đợt dịch khốc liệt. Tác giả Quốc Anh đã phần nào biểu đạt được những khó khăn của đời sống và những nỗi niềm sâu kín mà rất nhiều người đã gặp phải trong biến cố của đại dịch. Thơ chính là sự thấu hiểu ấy. Tuy nhiên, đây mới là những xúc cảm được gợi lên từ thực tại, dường như bài thơ bị thiếu đi mạch ngầm sâu xa ở phía sau mỗi hình ảnh. Mạch ngầm ấy phải được nuôi dưỡng bằng những suy tư và độc thoại, truy vấn đến cùng của người viết để tìm ra được điều gì cần khơi gợi đến phía sau thực tại.

Tác giả Vi Thanh Hoàng ở Thanh Hoá gửi đến toà soạn một chùm thơ, trong đó, đáng chú ý hơn cả là bài Hoa muống biển: Loài hoa vẫn thắp lên sắc tím thủy chung như tình cảm của dân biển chân chất hiền hòa/ hoa nở trên cát rồi lụi tàn trong cát/ vòng đời hoa hay vòng đời của ngư dân/ mọc lên từ cát rồi lại trở về làm cát/ xây nên những đồi cát bất tận ngóng nhìn đại dương da diết nhớ thương… Có thể thấy tác giả đã lập được tứ thơ, thể hiện góc nhìn và cảm quan của mình. Sức sống, vẻ đẹp, số phận của loài hoa muống biển đã tạo nên nhiều liên tưởng, đối sánh với con người. Để làm được điều này người viết đã dụng công quan sát, suy ngẫm, tìm tòi… Và cảm xúc của người viết là điều mà Người Biên Tập thấy được xuyên suốt bài thơ dài này. Tuy có sự dẫn dắt của cảm xúc nhưng tác giả Vi Thanh Hoàng cũng cần lưu ý, người viết có thể thể hiện bài thơ theo phong cách mộc mạc, bình dị nhưng ngôn ngữ thơ khác xa lời nói thông thường. Một bài thơ có ý tưởng và cảm xúc nhưng không tìm được ngôn ngữ của nghệ thuật để diễn đạt ý tưởng, cảm xúc ấy thì thật đáng tiếc.

Trong thư gửi về toà soạn, tác giả Kalang giới thiệu mình là người dân tộc Ka-tu ở huyện Tây Giang, Quảng Nam. Trong bài thơ Bí mật của cha, tác giả Kalang viết: Cha!/ Giữ những bí mật/ Nơi những cánh rừng thiêng/ Trong trống, chiêng, tù và/ Trong tiếng cồng quê ta// …Cha!/ Giữ những bí mật/ Cất ở nơi cột Gươl/ Cất ở nơi nhà Dài/ Cất ở nơi nhà Mồ.… Tác giả Kalang thân mến! Khi đọc những dòng thơ đầu tiên Người Biên Tập đã ấn tượng bởi sự hàm súc, cô đọng. Dường như người viết đã nén những cảm xúc và ý tưởng của mình trong những câu thơ dung dị và Người Biên Tập vừa đọc, vừa hồi hộp đợi chờ sự bung ra của cảm xúc, hay sự bất ngờ nào đó của ý thơ. Nhưng tiếc là điều đó chưa xảy ra. Tác giả duy trì cách viết, nhịp thơ, kết cấu ấy từ đầu cho đến khi kết thúc bài thơ dài khiến cho bài thơ trở nên đều đều, dàn trải. Với ý thơ này, tác giả có thể đào sâu hơn vào những vỉa tầng văn hoá, tâm thức tộc người, hay đơn giản hơn, khai thác khía cạnh tình cảm với người cha thì bài thơ sẽ có nhiều điều đáng nói hơn.

Tác giả Hà Minh ở Hà Nội trong thư gửi về toà soạn viết: “Khi em đọc một bài thơ hay em có cảm giác như chính cái hay đó thôi thúc em cầm bút viết. Và em cảm thấy như mình cũng có thể viết hay được như vậy. Nhưng đến khi cầm bút thì em lại loay hoay khá lâu mặc dù cảm xúc trong em đang đong đầy. Có lúc tưởng viết là rất dễ nhưng khi thực viết thì em không biết phải bộc lộ cảm xúc ấy bằng thơ như thế nào. Các anh, chị có thể cho người mới tập viết như em một vài lời khuyên không ạ? Và qua đây em muốn gửi đến tạp chí bài thơ đầu tay của mình.”

Tác giả Hà Minh thân mến! Cảm giác/cảm xúc mà bạn gặp phải khi đọc một bài thơ hay là điều mà rất nhiều người trong chúng ta cũng đều cảm thấy, đó chẳng phải là sự xao động, rung cảm mà thơ đem đến hay sao. Có điều, để viết được thơ lại là chuyện khác. Hàng triệu người đều cảm thấy được một tác phẩm hay nhưng để viết được một tác phẩm như thế thì chỉ có rất ít người. Tác giả Hà Minh hãy cứ tìm đọc những tác phẩm hay, trau dồi những kĩ năng về sáng tác và nuôi dưỡng cảm xúc của mình, đến một lúc nào đó ngôn ngữ sẽ tự tìm đến để cho tác giả biểu đạt cảm xúc của mình. Về bài thơ Mùa đông của mẹ, Người Biên Tập ấn tượng hơn cả với khổ thơ: Lại là những đêm mất ngủ/ Mẹ thức đợi nghe tiếng gà/ Những ruộng rau đang cằn cỗi/ Mẹ tưới nước dội sương sa. Còn những câu như: Mùa đông mẹ là hơi ấm; Mùa đông mẹ ngồi đan áo; Mùa đông mẹ nhen bếp lửa… là những hình ảnh đã rất quen thuộc trong văn học Việt Nam, người viết nên tránh sự quen thuộc này.

Có thể cảm xúc mà chúng ta có được là rất giống nhau nhưng người làm thơ thì luôn phải tìm những cách biểu đạt riêng khác để thể hiện cảm xúc ấy. Làm thơ dễ hay khó, mỗi người viết sẽ có câu trả lời của riêng mình. Nhưng có lẽ ai cũng hiểu, điều quan trọng cuối cùng với người viết vẫn là tác phẩm

NGƯỜI BIÊN TẬP

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)