Thơ của Nguyễn Minh Khiêm

Thứ Bảy, 01/06/2024 09:16

Vết thương đá

Xin đừng tính những vết thương của đá
Nơi Thành Cổ này không tính nổi đâu
Cái còn lại là cái còn nhận ra, có thể
Sau những vết thương chồng chất lên nhau

Xin đừng tính những vết thương của đá
Nếu biết mỗi giây, mỗi phút của đất này
Mấy ngàn quả bom, mấy trăm ngàn quả đạn
Mặt đất đã rung như thế mấy ngàn ngày

Xin đừng tính những vết thương của đá
Pháo dập, bom khoan hay lựu đạn, súng trường
Rốc-két na-pan hay dùi cui súng lục
Đến từ đất từ trời và từ phía đại dương

Xin đừng tính những vết thương của đá
Khi lớp lớp xương vùi chưa biết gái hay trai
Chưa tính hết những người nằm trong đất
Những mẩu xương gom về không nói tên ai!

Có thể chỗ rêu kia đang mọc
Là chỗ vết thương duy nhất đá yên bình
Nên rêu hoá thành râu thành tóc
Hát rằng chỗ này đá chưa hi sinh

Hát rằng chỗ này dẫu trăm nghìn vết đạn
Nhưng còn rêu lên nỗi đau chẳng thấm gì
Và cả những vụn xương kia nữa
Vẫn êm dịu hơn nhiều nơi đá đã tan đi

Những người mẹ đến tìm con nơi Thành Cổ
Gói đất rưng rưng như gói thịt da mình
Cởi áo lau những vết thương của đá
Nước mắt nhoà: Sao đá lại hi sinh

Xin đừng tính những vết thương của đá
To nhỏ nông sâu dài ngắn vuông tròn
Dưới bàn tay mẹ đá không đau nữa
Những người mẹ đi khắp thành gọi đá bằng con!

Đi dọc Thu Bồn
Tặng nhà văn Nguyễn Văn Thâm

Cứ mỗi lần đi dọc Thu Bồn
Tôi lại nghe vọng dội
Lại như thấy gương mặt các chị các anh hiện lên trong phù sa cát sỏi
Có mười một nhà văn đã hi sinh ở dọc sông này

Tôi nghe vọng ra từ hương quả hương cây
Từ tia nắng trong suối khe chim hót
Từ quả chín trên vành môi thơm ngọt
Có mười một nhà văn ngã xuống dọc Thu Bồn

Tôi nghe vọng ra từ tiếng hát tiếng đàn
Từ ngọn gió mặn mòi buồm nâu cát trắng
Từ ngõ quê từ củ khoai củ sắn
Có mười một nhà văn ngã xuống dọc Thu Bồn!

Các chị các anh đã đeo dón đeo gùi
Cùng nhân dân làm nương làm rẫy
Cùng nhân dân vót chông cài bẫy
Cùng ở địa đạo hầm sâu tải gạo chống càn

Hồn các chị các anh dào dạt sóng Thu Bồn
Hiện từ thánh địa Mỹ Sơn đến đèn lồng phố cổ
Từ điệu múa Áp-sa-ra đến màu hoa màu quả
Từ điệu hò sông quê đến câu hát bài chòi

Đất ngân lên những bản nhạc không lời
Giai điệu máu xương phù sa quánh đặc
Trang sử hào hùng một thời đánh giặc
Có những nhà văn hiển hiện dọc Thu Bồn.

Giọt sương khuya

Lặng ngồi ngắm giọt sương khuya
Lung linh bóng mẹ đầm đìa mồ hôi
Bao nhiêu hương quế một thời
Ủ trong vỏ trấu thơm nơi đất bùn

Đời như lưỡi cuốc vẹt mòn
Bước chân đom đóm vẫn còn chênh chao
Loeo ngoeo ngọn mướp bám rào
Dưới màu lá biếc chỗ nào cũng gai

Một đời chẳng vượt qua ai
Chỉ vượt qua những sần chai nhọc nhằn
Dựng lên bao thánh bao thần
Hồ sơ lí lịch vẫn dân “hộ nghèo”

Còn một cái bục băm bèo
Để trong gia sản chia đều cho con
Làm bùa vượt núi trèo non
Khảm vào kí ức sơn son thếp vàng

Phố chen nhau chạy về làng
Dưa cà chống gậy xếp hàng à ơi
Con cò khăn xếp áo tơi
Đem miền kí ức biệt dời xóm quê

Nén hương nửa tỉnh nửa mê
Lung linh bóng mẹ hiện về sương khuya...

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)