Thời đại luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhà thơ. Họ không chỉ quan tâm đến thời đại mình đang sống, thời đại mình sẽ sống. Một phần không thể thiếu, các nhà thơ thường viết về thời đã qua với cái nhìn hôm nay. Như thế, có vẻ như mọi sự sẽ sáng tỏ hơn, nhưng cũng chủ quan hơn. Viết về thời đã qua luôn đặt ra thử thách vô hình cho người làm thơ hôm nay. Tiêu biểu là việc viết về đề tài chiến tranh, người lính.
Thời gian qua Người Biên Tập đã nhận được rất nhiều sáng tác gửi về tòa soạn, trong đó, có một dung lượng lớn bài vở hướng đến đề tài chiến tranh và người lính. Tác giả Trần Giảo Kim, một cựu chiến binh ở Hà Nam đã viết về nỗi đau và sự mất mát của chiến tranh rất xúc động:
Con trai mẹ mãi không về
Mẹ ngồi tựa cửa, mẹ chờ bao năm
Chờ từ khi gió nồm nam
Tới gió tây thổi rát ran mặt mày
Heo may thêm chiếc áo dày
Cứ thế mẹ đợi năm này, năm qua.
Người mẹ trong thơ Trần Giảo Kim đã có đôi chút khác biệt để không bị lẫn vào những hình ảnh bà mẹ Việt Nam từng xuất hiện ở thi ca - những bà mẹ mỏi mòn chờ đợi con mình trở về từ chiến tranh. Rõ ràng chiến tranh không được nhắc đến nhưng nó luôn hiện diện. Tác giả đã chọn những mùa gió để làm nền cho sự đợi chờ của người mẹ, để hàm ẩn về thời gian, đó cũng là một yếu tố nghệ thuật đáng ghi nhận. Nhưng những câu thơ sẽ trở nên đơn điệu và thiên về miêu tả nếu chỉ có như vậy, mong rằng tác giả sẽ tạo dựng cho mình được những ngôn từ nghệ thuật và hình ảnh nghệ thuật nhiều hơn để những vần thơ trở nên sinh động và ấn tượng hơn.
Tác giả có địa chỉ email là ngocmai9435@gmail.com, không rõ tên và địa chỉ đã gửi về tòa soạn một chùm thơ viết về người lính trở về sau chiến tranh với những câu thơ giàu hình ảnh, ẩn chứa tình yêu thương sâu đậm:
Anh về
mỗi buổi sớm tinh
giơ tay quờ quạng nghe bình minh lên
vườn em trải tiếng chim êm
bước chân, nạng gỗ buông mềm nỗi khơi
Thương em, xót mẹ đầy vơi
oằn vai em gánh gió bời long đong
mẹ cho anh vịn lưng còng
em dâng anh cả mênh mông dáng chiều...
Những hao khuyết do chiến tranh cướp đi của người lính đã được tình cảm của gia đình và tình yêu đôi lứa bù đắp, lấp đầy. Tác giả đã tạo ra một thế cân bằng giữa mất và còn, khổ đau và hạnh phúc, chênh vênh và điểm tựa, tối và sáng, bất lực và hi vọng... Điều này đã mang đến cho người đọc cảm giác vừa xót xa nuối tiếc vừa nồng ấm, thương yêu. Một bài thơ đem lại những cảm xúc như vậy kể như cũng đã là đạt. Tiếc là, tác giả đã không duy trì được những cảm xúc và hình ảnh ấy một cách tròn trịa nên người đọc vẫn bắt gặp những câu thơ có phần nôm na dễ dãi: Anh đi lúc tóc xanh mây/ Đầy trời lửa đạn lốc xoay cuộc người/ Tuổi xuân anh những nụ cười/ Sức trai cứu nước, bật ngời sắc xanh. Bản chất của bài thơ luôn đòi hỏi ở một văn bản chỉnh thể, nhất quán cả về nội dung cũng như nghệ thuật. Mong rằng tác giả sẽ lưu ý để chỉnh sửa lại và có những sáng tác mới trọn vẹn hơn. Người Biên Tập cũng xin lưu ý tác giả và các bạn, khi gửi bài cộng tác xin vui lòng ghi rõ ràng đầy đủ họ tên, địa chỉ để bài vở không bị lẫn hoặc nhầm, và để Ban Biên Tập có thể liên hệ được khi cần. Tác phẩm gửi đến, các bạn lưu trên một file word riêng và đính kèm vào thư.
Tác giả Trần Thanh ở Hà Nội gửi về tòa soạn một lá thư viết tay rất dài, trong đó tác giả cho biết: “Tôi là một người lính đã kinh qua đạn lửa. Nay sống trong thời bình nhưng vẫn không nguôi nhớ về thời binh lửa đã qua. Bạn bè của tôi, đồng đội của tôi đã nằm lại vĩnh viễn trong giai đoạn lịch sử ấy”.
Bước đến Thành Cổ xin khẽ thôi
Dưới từng tấc đất bạn tôi đang nằm
Có tuổi thanh xuân xanh như cỏ
Để cho đất nước hiện màu xanh.
Người Biên Tập không khỏi rưng rưng với những lời chia sẻ cũng như những câu thơ tưởng nhớ đồng đội của tác giả Trần Thanh. Những nuối tiếc, xót đau và sự vĩnh cửu đã được tác giả viết lên trong những câu thơ đầy xúc động. Người Biên Tập rất trân trọng tình cảm đó của tác giả. Tuy nhiên, khi đọc lại, Người Biên Tập nhận thấy những câu thơ này có ý tứ khá giống với bài thơ Lời gọi bên sông của nhà thơ Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm. Người Biên Tập mong rằng tác giả Trần Thanh sẽ duy trì được cảm xúc sáng tác và tránh được sự lặp lại câu chữ cũng như ý thơ của các nhà thơ khác.
Từ Học viện Quân y, Người Biên Tập nhận được thư của một tác giả còn rất trẻ, bạn Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1997 với bài thơ Bước chân người lính. Đó là lời tâm sự của người lính trẻ hôm nay với những khó khăn thử thách, qua đó thể hiện ý chí, lí tưởng thiêng liêng, cao đẹp của mình. Người Biên Tập xin chia sẻ những điều này với bạn Nguyễn Văn Tuấn, mong rằng bạn sẽ luôn giữ vững được niềm tin của mình.
Rải dọc đường hành quân
Là đồng hành nỗi nhớ
Là tình yêu tuổi trẻ
Tản mạn bao ước mơ
Qua đây Người Biên Tập cũng muốn nói với các bạn điều mà lòng mình luôn canh cánh. Viết về người lính hôm nay là một chủ đề sáng tạo lớn và còn nhiều mạch nguồn để người cầm bút khơi gợi, khám phá, bước vào. Mảnh đất ấy vẫn đang chờ đợi các nhà thơ vỡ vạc, đó là cơ hội của người cầm bút hôm nay. Với đề tài chiến tranh, đã có rất nhiều những cây bút trưởng thành trong chiến tranh tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với bạn đọc. Việc tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh và người lính, đặc biệt là người lính hôm nay luôn thực sự rất cần đối với văn chương nghệ thuật. Nhưng cũng hãy cố gắng để thơ mình đừng rơi vào sự chung chung đơn giản.
Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác từ đông đảo bạn viết.
NGƯỜI BIÊN TẬP