Từ dấu chấm lửng đến con đường mê thấu đáy

Thứ Tư, 10/07/2024 09:28

(Đọc Trên lá sâu vẽ bùa của Đỗ Thượng Thế, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

          Sáng tạo nghệ thuật là hành trình của cái mới, cái đẹp, luôn có sự phủ định để tìm kiếm điều gì thêm, khác và hơn trước nhưng vẫn luôn tồn tại xương sống của sự thống nhất về phẩm chất, phong cách của người viết. Những nghệ sĩ đích thực, dù muốn hay không, đều thể hiện được tính nhất quán từ bên trong, bền vững trước mọi ba động của thế giới. Từ Trích tôi (2009) đến Dưới tấm trần rỉ mưa (2017), và mới đây là Trên lá sâu vẽ bùa ta thấy một Đỗ Thượng Thế của những khoảng lặng trên con đường in dấu chính mình.
          Tập thơ Trên lá sâu vẽ bùa được chia làm 2 phần: trong đám mây khác khúc ballad nụ hôn, có mặt trọn vẹn những tác phẩm thể hiện rõ từng bước chuyển biến, nỗ lực tìm kiếm, sáng tạo của Đỗ Thượng Thế, cũng như diện mạo của một người thơ với những quan niệm nhân sinh, quan niệm sáng tác, lối tạo hình và giọng điệu rất riêng. Có cái gì day dứt, trăn trở mà cũng đầy quyết liệt ở trong nhà thơ xứ Quảng. Ở đó luôn có những khoảng lặng như đã được xứ sở ấn định từ lâu, và có lẽ còn thiêng liêng hơn thế: Làm gì còn những vô tư/ tư thế sáng của ngọn đèn/ và tư thế...; thì làm sao/ làm sao.../ cưỡng chế một bóng mây; từng rạn/ từng rạn.../ nhờ nhợt và trơ xương/ những cánh rừng đại dương/ đang mất máu… Tập thơ có 38 bài mà tới 36 bài xuất hiện dấu chấm lửng, có những bài xuất hiện dày đặc mang đến cảm giác của sự kìm nén và ngột ngạt, có thi phẩm chững lại để hình dung, suy ngẫm, im lặng nhận diện, có bài thơ lại như chỉ dấu của sự trôi xa, mơ hồ và nhiều nghĩa. Dù ở cách thể hiện nào, thơ Đỗ Thượng Thế là cõi thơ của những dấu chấm lửng, chúng tương sinh với ngôn ngữ, tiếp tục cộng hưởng tạo ra tính đa chiều về sự đọc.
          Nếu hình dung những chấm lửng là kí hiệu, dấu vết của “bước chạy vỡ giòn” thì thế giới thơ của tác giả được mở ra như một thế giới của cung đường “mê-thấu-đáy”. Thiết nghĩ, chính tên tập thơ cũng đã ẩn dụ cho một hành trình bí ẩn, mê cung hay giếng sâu, tất cả đều không lối thoát. Thử các cách đọc như sau: Trên lá sâu/ vẽ bùa, Trên lá/ sâu vẽ bùa, Trên/ lá sâu vẽ bùa… dù ở cách hiểu nào cũng đều mở ra một lộ trình tìm kiếm để thấu hiểu và sau đó là vượt thoát. Thực ra, tên tập thơ được chọn từ tên của một bài thơ in trong tập. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa đã từng nhắc đến một vài phương cách để minh họa cho quá trình lựa chọn tên tác phẩm như là dụng ý nghệ thuật của người nghệ sĩ. Từ đấy, tên tập thơ không chỉ có ý nghĩa nằm trong một bài thơ riêng ấy mà còn là của một tập thơ, một không gian thơ mênh mông hơn, rộng lớn, đa nghĩa hơn. Có lẽ, đó là một trong những cung đường mê thấu đáy, mang tính khái quát cho tập thơ mới của Đỗ Thượng Thế.
          Thêm nữa, nhà thơ đã sử dụng trong đám mây kháckhúc ballad nụ hôn như đáy của những mê lộ lí trí và cảm xúc của mình. Để tạo được không gian đó, Đỗ Thượng Thế đã giữ được phong độ trong cách tạo hình nghệ thuật vừa gây được nét thân thuộc gần gũi vừa gợi lên điều gì là lạ, khang khác. Tôi ấn tượng với sự xuất hiện quyết liệt nhiều lần của hành động “đốt” trong thơ Đỗ Thượng Thế. Liệu chăng, trên hành trình vạn dặm mà con người luôn muốn in dấu ấn ấy, ví như ở Mỹ Sơn, Cầu Vàng, vườn nhà mẹ, Lộc Yên, hẻm Thuận Thành, bán đảo Sơn Trà, Nam Phước,… con người quá thấu rõ được điều gì như bùa ngải, mê lú, giả dối, quanh quẩn. Thấu quá nên muốn đốt, muốn xóa sạch mọi dấu vết: Ném hết/ ném hết/ cho dòng Yên trôi mãi.../ giữ lại những gì đời nhau đã tắt!
         Có thể, hành trình sáng tạo của Đỗ Thượng Thế cần nhiều hơn thế. Tôi chờ đợi sự bứt phá, vượt thoát hơn sau khi nhà thơ đi hết con đường mê thấu đáy và về với dòng Yên làm cuộc tái sinh chính mình. Nhưng, trước tinh thần này, tinh thần của một người viết ham cách tân, tôi và bạn hãy đọc và suy ngẫm Trên lá sâu vẽ bùa.

HƯƠNG GIANG giới thiệu và chọn

Bánh nổ

Chiếc bánh nổ mẹ cho
tuổi thơ ăn mãi
ăn mãi... chưa hết tết

Vị ngọt quê nghèo lặm mồ hôi thúng nia
rồi đụn than hầm từ đó cũng âm ỉ sốt

Tôi cánh chiền chiện chân trời
giấc mơ thơm khuấy đảo
con chữ bung trắng cồn cào
những khói mây

Ngày từng ngày xới lên những chiếc bánh
chiếc bánh cay vị gừng
chiếc bánh cay nước mắt

Ngày từng ngày đun sôi
chen đua như nước réo trào
úp mặt vào tiếng vít vịt
tàn khuya vẫn chưa hạ lửa

Nhiều khi ngọn bấc bã bời
tôi ngòn ngọt khói nước đường ngày áp tết
trong chái bếp nhà mẹ
lửa cười xòa
nhẹ bẫng chiều bánh nổ...

Diều

Ánh bụi thời gian
hồn bóng mây vàng
cánh chim mơ tưởng
phất!

Lên cao lên cao
gió rỡ ràng
nắng rỡ ràng
bày phơi tha hồ chớp xanh chớp đỏ

Tầng không tầng không
vi vút giấc mơ phụng hoàng
chữ trần ai bồi như lông vũ
cao xanh đọc

Mắt trố cao ba mí
chi chít chuồn kim bừa bộn lúa khoai cỏ dại
ngực cung ba gang tay
trương nước nâu phèn và hơi đất

Ngày gọi lên cao bổng
lấp chập chùng thị phi
dung dăng mãn cuộc
sợi lèo ơi... vẫn ngắn.


Trong ngôi nhà ấy

Bây giờ
ngọn đèn và tiếng lửa reo
trong ngôi nhà ấy
chìm tắt

Lâu rồi
em không cùng anh trở về
ngồi dưới hiên lá đổ

Những bậc thềm trơ lạnh
lâu rồi
hát câm lời đá

Đàn treo nách gió
giai điệu nào rung vang
sóng khát sóng
chân trời sóng...

Đêm chong đêm
đêm nhẵn những bồi hồi
tiếng mưa buồn lên giấy

Lần phơi cơn ngày cũ
bầu trời cao tiếng thở
và bồi sâu mong chờ

Thì làm sao
làm sao...
cưỡng chế một bóng mây.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)