Lắng nghe nốt trầm trong cỏ…

Thứ Năm, 20/06/2024 10:55

(Đọc 68 nốt trầm trong cỏ của Vũ Ngọc Thư, Nxb Hội Nhà văn, 2023)

Tập thơ lục bát 68 nốt trầm trong cỏ của Vũ Ngọc Thư, được Nxb Hội Nhà văn ấn hành quý 3, năm 2023. Mỗi bài thơ là một nốt trầm. Cả tập thơ là bản hòa âm của những nốt trầm, thủ thỉ vọng lên từ phận người - phận cỏ.
Khi hình thức căn bản của thể loại (ở đây) không còn là câu chuyện phải bàn nữa, thì sức hấp dẫn của thơ lục bát nằm ở cái thần, cái hồn vía gửi trong thanh âm, nhịp điệu và tâm tư giấu trong chữ nghĩa, hình tượng. Bình đã cũ thì rượu phải ngon, có như thế mới giữ người ở lại say cùng những nốt trầm đang dìu dặt tỏa lên.
Men say của lục bát Vũ Ngọc Thư trước hết hiện ra trong dáng vẻ chừng mực của người từng trải. Đã nếm đủ dư vị của những chặng đời bão gió, thơ quay về tìm mình trong nhịp điệu vỗ về, an ủi. Trong cỏ cũng là trong sự sống đời thường nhật. Gửi mình trong cỏ, xem phận mình như phận cỏ, cất lời trong cỏ, ấy là sự lựa chọn vị trí, cái nhìn và tâm thế của dân gian. Dân là cỏ, cỏ là dân, ta là dân, là cỏ sống trong nhịp vĩnh hằng của thời gian. Bình dị mà hóa ra lại trường tồn, tất cả đều từ dân mà ra, rồi tất cả lại trở về với dân thôi. Hồn vía của dân gian chính là lục bát, dẫu biến đổi thế nào, cuối cùng cũng hồi quy trong điệu du dương như thuở ban đầu: Ngồi chơi với cỏ đêm nay/ Ngàn năm cỏ vẫn xanh dày đất nâu/ Cỗi cằn cỏ bám rễ sâu/ Dãi dầu cỏ vẫn đậm màu cỏ xanh (Chuyện trò với cỏ); À ơi khúc hát dịu êm/ Hàng tre làng đứng gọi tên từng người (Lời ru nghĩa trang).
68 nốt trầm trong cỏ ngân lên bằng nhịp điệu của lời ru. Có lẽ, với mỗi người Việt Nam, đây là nhịp điệu thân thương nhất, ban sơ nhất. Đó là nhịp khởi đầu sự sống, vỗ về giấc ngủ lành ngoan thơ trẻ, dìu đỡ để lớn lên, để ra đi, quăng mình vào những nhịp đời xa lạ khác. Ngày kia, khi chênh vênh rối nhịp, lỡ nhịp, lạc nhịp, kẻ đã ngậm lời ru mà đi chợt quay quắt nhớ về thơ ấu trong nôi, trong lòng mẹ, trong lòng quê dân dã hiền hòa: Về làng nhặt tiếng ơ ầu/ Đêm dài lạnh cả canh thâu mẹ nằm/ Cha đi chiến trận nhiều năm/ Mái nhà lạnh cả đêm rằm ngày xa (Nhặt được ở làng); Trăng ơi xí xóa những lời/ Ngày xưa khờ khạo đánh rơi cánh diều/ Về làng chỉ ước một điều/ Bàn tay chạm được thật nhiều ngày xưa (Về làng)…
68 nốt trầm trong cỏ đều đặn, nhịp nhàng như điệu sàng sảy, vốn là nét quen thuộc trong lao động của người dân quê. Nhịp ấy cũng là nhịp của mùa màng, nhịp sống nơi ruộng đồng thôn ổ. Sàng sảy để chắt chiu, chọn lọc, gìn giữ, thu thém, nên tất cả rất cần sự chăm chút, đều đặn, kĩ lưỡng. Lục bát của Vũ Ngọc Thư có được sự ân cần tha thiết ấy: Về đi người ấy chưa chồng/ Vẫn vun vén ngọn cải ngồng xa xăm (Về đi); Tôi về gom khúc ca dao/ Mẹ tôi giắt ở bờ rào vườn quê/ À ơi trăm nẻo bộn bề/ Dẫu đi ngàn dặm vẫn về nghe con (Đường về).
Sống đời là cách nói dân gian về sự hiện hữu của con người trong không - thời gian. Lắng nghe 68 nốt trầm trong cỏ, chợt nhận ra, trên vạn nẻo khuyết hao của số mệnh, trên dâu bể phận người, trên đạn bom và xương máu, trên lầm lụi mà nhẫn nại, trên nát nhàu mà bền bỉ, trên thất bát mà hi vọng, trên bé mọn mà phi thường… những còn mất tượng hình nên dáng mẹ, dáng cha, dáng chị, dáng em, dáng hình đồng đội, dáng làng dáng quê, dáng hình đất nước: Miếng cơm đãi ở đất bùn/ Nhặt trong giá buốt tay run trên đồng/ Bao đời đánh bắc dẹp đông/ Thời nào gươm súng cũng trong tay cày/ Máu rơi nhuộm mảnh đất này/ Thương con bóng mẹ héo gầy chờ mong/ Dáng làng như ngọn tre cong/ Dáng người ẩn bóng vào trong tre già/ Hồn làng quện đất phù sa/ Chắt từ rơm rạ để mà thành tôi (Làng ơi).
“Thủ thỉ thù thì”, nốt trầm trong điệu ru vỗ về và nhịp sàng sảy chắt chiu là hình thái sống đời, sống thơ của Vũ Ngọc Thư. Trong thơ, ta nghe tiếng người rõ nhất. Trong lục bát, thâm trầm mà xa sâu, ta nghe tiếng quê, tiếng làng, tiếng cội nguồn vẫn âu yếm chờ ta.

NGUYỄN THANH TÂM chọn và giới thiệu

Trước bàn cờ

Bạn tôi với mấy quân cờ
Xếp cày góc bếp bây giờ cầm quân
Chiếu mỏng trải ở giữa sân
Điếu cày chén nước gác chân... gọi là

Bạn thương quân tốt xa nhà
Hồn treo đầu súng bờ hà mỏng manh
Cả đời làm lính áo xanh
Mang hồn của nước đứng canh đất trời

Điều xe kích pháo xong rồi
Ngẩn ngơ bạn lại đứng ngồi trầm ngâm
Ở trong cuộc chiến âm thầm
Đau thương là mạch nước ngầm máu xương

Đã từng là lính chiến trường
Nhìn tàn quân thấy mà thương lấy lòng
Biết là trận đánh đã xong
Vẫn vương số phận ở trong trận đồ

Thì thôi xếp lại bàn cờ
Vác cày bạn lại tinh mơ ra đồng.

Ở ngã ba Đồng Lộc

Ở đây thấy gió cũng nhiều
Hoa thơm tinh sớm tới chiều vẫn thơm
Ở đây nắng cũng vàng hơn
Mười bông huệ trắng cứ đơm nắng vàng

Ở đây vẫn có mùa vàng
Mười chiếc nón trắng gái làng nhấp nhô
Đồng quê ruộng nước ruộng khô
Mạ non cấy xuống để giờ trổ bông

Ở đây gái vẫn phòng không
Điểm trang mười đoá hoa hồng cài nhau
Vẫn là chị trước em sau
Vẫn ngôi sao ở trên đầu dẫn đi

Ở đây giờ thấy những gì
Cỏ xanh xanh tuổi dậy thì mà xanh
Đám mây vá mãi chẳng lành
Hương thơm đứng vín lấy cành tỏa hương

Ở đây người đứng ẩn sương
Nụ cười mờ trắng khói hương nổi chìm
Mẹ gọi sao mãi lặng im
Phải vì đang bước đi tìm nhân sinh?

Nén nhang tay cắm vào bình
Mà sao lại thấy mắt mình cay cay.


Mẹ tôi ru Kiều

Mẹ tôi chẳng học chữ nào
Mà câu Kiều ngấm tận vào thịt da
Mỗi lần gió bấc thổi qua
Câu Kiều mẹ lại đem ra ru buồn

Rằng đời kẻ dại người khôn
Rằng đời kẻ thiệt người hơn lẽ thường
Chỉ hờn những kẻ bất lương
Hả hê trong cái tai ương kiếp người

Ru Kiều chẳng thấy mẹ cười
Thấy giọt nước ở mắt người chảy ra
Giọt nước không thể trôi qua
Cứ mắc khoé mắt như là chứng nhân

Đã ru đến tận ngàn lần
Mà câu Kiều mãi vũ vần mẹ tôi
Mẹ rằng đã phận ở đời
Nhân đức không gắn lòng người với nhau

Đất lành đưa mẹ về đâu
Để câu Kiều gánh hai đầu nhân gian.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)