VNQĐ giới thiệu thơ Nguyễn Xuân Việt

Thứ Tư, 19/06/2024 14:02

 Sinh năm 1954
Quê Nghệ An
Đại tá, sĩ quan biên phòng
Hiện sống tại Hà Nội

Thơ đã xuất bản:
Để nhớ một thời, Nxb Công an nhân dân
Tình thơ, Nxb Hội Nhà văn
Mắt nhớ, Nxb Hội Nhà văn
Thanh âm vùng biên, Nxb Hội Nhà văn


"Thơ đến với tôi và tôi đến với thơ như một duyên tình. Thơ và tôi trên mỗi chặng hành quân, trên mỗi nẻo biên cương mây vờn, gió núi… Những năm tháng bồng súng đứng canh trên vùng giới tuyến, rồi sau đó, đặt chân đến khắp mọi miền biên cương và hải đảo, được chứng kiến sự hi sinh thầm lặng của những người lính ngày đêm đứng gác nơi miền biên viễn; hay trong cuộc chiến đấu khốc liệt bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc… Tất cả, đã dồn lên trong tôi những cảm xúc để viết về họ. Từ đó, tôi nghĩ rằng, mình cần viết về biên cương, về chiến tranh và người lính, để lưu lại quá khứ bi hùng…"

Hành quân vào giới tuyến

Chúng tôi đi giữa ngàn trùng
Đêm âm u không nhìn rõ lối
Đường hành quân vời vợi
Trên đầu ngan ngát gió mây
Khẩu lệnh hành quân
Truyền nhau đếm một, hai
Đội hình lúc đi, lúc chạy
Súng đạn, ba lô, lương khô, gạo sấy
Cõng trên lưng chẳng thiếu thứ gì
Một cung đường, một tọa độ qua đi
Cây cháy thành than, đất nung thành đá
Làng mạc xác xơ. Cánh rừng trơ lá
Tội ác quân thù… dằng dặc núi, sông

Vượt “tọa độ lửa” Truông Bồn, Đồng Lộc, Hương Sơn…
Pháo sáng địch treo dày. Lơ lửng
Đêm rõ như ngày
Những đoàn quân
Băng qua núi cao vực sâu, chông gai sỏi đá
Sáng tinh mơ nghỉ lại giữa rừng già
Mắc võng ngả lưng nằm chợp mắt
Gió Trường Sơn vi vu ru mát
Chợt nhớ quê nhà đến da diết, nôn nao

Mẹ giờ này đang ở nơi đâu
Dưới hầm sâu hay nơi sơ tán
Quê hương giữa thời bom đạn
Đất nghèo. Ngô sắn thay cơm

Em thân yêu! Ngày chia tay nhau
Cuốn sổ em trao giờ là trang nhật kí
Trên những chặng hành quân
Hay dừng chân ngơi nghỉ
Có bóng em
Theo suốt chặng đường dài
Ngày hôm nay dòng nhật kí còn đây
Ngày mai biết đâu… khép lại
Nhưng em ơi! Lửa hành quân vẫn cháy
Cháy trong tim… Những người lính biên thùy
Bước quân hành còn nhiều lắm gian nguy
Phía trước là Quảng Bình, Quảng Trị
Đêm cứ đi. Ngày dừng nghỉ
Đôi dép cao su thay quai đến mấy lần

Gặp cơn mưa giữa rừng Trường Sơn
Tấm ni lon. Không che nổi mùa giông bão
Sốt rét, ốm đau… thay nhau cáng, cõng
Tốp mười người cứ thế bám theo nhau
Bến phà Xuân Sơn. Bom Mĩ dội ầm ầm
Đội hình hành quân chia cắt
O Quảng Bình chưa nhìn rõ mặt
Chèo thuyền đưa bộ đội vượt sông
Đoàn quân qua rồi vẫn ngoái lại trông
Trên sông con thuyền vẫn chạy
O gái ơi! Sao anh hùng đến vậy
O tên gì mà chẳng kịp xin tên?

Dải đất miền Trung gian khổ dày thêm
Mất mát, hi sinh… chẳng gì đo đếm được
Sức của, sức người. Vì miền Nam ruột thịt
Đến bà mẹ lưng còng cũng dành gạo nuôi quân
Đất nơi đây. Chỗ nào cũng đạn bom
Mảnh vỡ thép gang… ken dày trên cát sỏi
Đồng ruộng thành ao hồ... nham nhở
Con thú, con chim… chẳng còn có lối về!

Đi hết Quảng Bình dừng lại trạm giao liên
Đồng đội tiếp thêm lương khô, nước uống
Chặng dừng chân chớp nhoáng
Lại giục nhau lên đường…

Gặp những cô gái thanh niên xung phong
Tuổi xuân xanh giữa rừng sâu, núi thẳm
Lấp hố bom cho những đoàn xe ra trận
Họ nghĩ gì đâu hạnh phúc riêng mình
Bỏ lại những năm tháng thanh xuân
Bạn cùng rừng thiêng, nước độc
Mái tóc dài thưa thớt
Đôi mắt tròn thâm sâu!
Chúng tôi hành quân
Các cô lặng đứng nhìn
Tay vẫy tay nhau khuất dần sau bóng tối
Các cô là những bông hoa
Giữa Trường Sơn rực cháy
Là ngọn hải đăng trước giông tố bão bùng

Ven cánh rừng những nấm mộ không tên
Quê quán họ từ đâu. Không ai biết
Họ nằm lại giữa Trường Sơn bát ngát
Như khúc quân hành họ từng hát bên nhau
Họ là những người lính
Ra đi từ mảnh đất nghèo
Bỏ lại đằng sau khoảng trời trống vắng
Chiến tranh… Đưa họ nằm lại
Giữa rừng sâu thăm thẳm
Biền biệt quê hương chẳng biết ngày về!
Ngẩng đầu lên nhìn ánh sao khuya
Chân cứ bước. Bước dài phía trước
Có bao nhiêu vì sao trên trời?
Không thể nào đếm được
Như những bước hành quân
Có đếm được bao giờ!

Đêm biên giới

Ta tựa lưng vào đêm
Gối đầu vào gió
Giá lạnh thấu xương, sương dày hơn cỏ
Nòng súng căm hờn... chờ giặc đêm nay

Trận đánh hôm qua
Mùi đạn bom còn khét lẹt quanh đây
Máu đồng đội tưới ướt đồi cỏ cháy
Đạn nhọn, thép gang vương vãi
Cắn răng… nhìn bạn nát bàn chân

Đơn vị còn lại mươi người
Chẳng đứa nào lành nguyên
Băng vết thương quanh đầu
Thay “vòng tang” đồng đội!
Chẳng biết ngày mai đứa nào nằm lại
Nhưng tất cả đồng lòng
“Vì biên giới thiêng liêng”

Tiếng côn trùng rả rích trong đêm
Chúng chẳng ngủ yên… bởi mùi xương thịt
Trong từng cơn gió rít
Có cả mùi “xâm lăng”

Quanh lưng đồi là xác của cả “đạo quân”
Thằng còn sống bỏ lại thằng đã chết
Máu xâm lăng muôn đời vạn kiếp
Vẫn chưa khô… dọc dải đất biên thùy!

Đêm vẫn dài lê thê
Quê nhà xa xa lắm
Những phút giây tĩnh lặng
Nhớ mẹ đến vô cùng!


Tháng hai trở lại Hà Giang

Tháng hai trở lại Hà Giang
Biên cương mùa giá lạnh
Núi cõng núi. Ngoằn ngoèo dốc thẳm

Cao nguyên ngập tràn gió và mây
Đồn biên phòng mọc giữa rừng cây
Cờ đỏ sao vàng rực hồng trên đỉnh cột
Người lính trẻ. Súng trong tay đứng gác
Anh có thấy điều gì khi Tổ quốc gọi tên?

Mấy chục năm rồi tiếng súng đã lặng im
Mà Thanh Thủy, Vị Xuyên vẫn hằn nguyên kí ức
Biên giới tháng hai muôn đời không quên được
Cuộc chiến này ghi tạc núi sông

Rừng Vị Xuyên đã thắm lại màu xanh
Sông Nho Quế không còn màu đục
Qua rồi một thời đánh giặc
Người lính cũ lặng nhìn về phía bên kia!

Đồng đội gặp nhau kể trận đánh năm xưa
Lính trẻ biên phòng mắt lắng nghe không chớp
Tổ mười người chống cả đoàn quân giặc
Giọt máu cuối cùng tô đậm dọc đường biên

Tháng hai trở lại Hà Giang
Thắp nén hương lên đài tưởng niệm
Dụi mi mắt. Ngước theo vòng khói lượn
Nhớ về một thời. Biên giới tháng hai…

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)