Tạ Quỳnh Tư, cái tên đã dần trở nên quen thuộc khi gắn với nhiều bộ phim phóng sự tài liệu tạo sóng dư luận trong khoảng 5, 6 năm qua. Những bộ phim của anh cùng một số đạo diễn trẻ như thổi một luồng sinh khí mới cho dòng phim tài liệu Việt vốn đã có nhiều dấu ấn trong những chặng đường phát triển. Không thể đứng ngoài cuộc trước những biến cố lớn của đất nước, trong đại dịch Covid-19 anh và đồng nghiệp đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh dấn thân vào hiện thực khốc liệt ở đây. Bộ phim phóng sự tài liệu Ranh giới vừa phát sóng trên VTV đã mang đến những ám ảnh trong dịch bệnh về cuộc chiến giành giật sự sống từ tay thần chết cho những thai phụ của các y bác sĩ. Từ Ranh giới đang được quan tâm, VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với anh về những ranh giới khác trên con đường làm phim phóng sự tài liệu không lời bình mà Tạ Quỳnh Tư theo đuổi. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Ảnh: NVCC |
Có những sự thật nếu che mờ sẽ không còn là sự thật nữa
- Khi VTV phát sóng phim “Ranh giới”, anh có lường trước được những phản hồi từ người xem, ở những nhóm đối tượng khác nhau?
Tôi cũng nghĩ mức độ tác động đến xã hội còn mạnh hơn Hai đứa trẻ, Đường về là những phim trước đây, cả ở phía đồng tình và không đồng tình.
- Một số ý kiến của những người có vị trí hoặc ảnh hưởng trên mạng xã hội về việc cần bảo vệ sự riêng tư của người bệnh trong phim, anh thấy thế nào?
Đó là điều tôi đã cân nhắc nhiều khi làm Ranh giới. Hai ngày trước khi phát sóng tôi có gửi xin ý kiến phía bệnh viện và xin ý kiến lãnh đạo đài, hỏi ý kiến một số bác sĩ trong phim xem nên để hay nên che mặt. Những ý kiến nghiêng về không che. Sự thật bị che lại một lớp màn sự chuyển tải sẽ giảm đi nhiều. Tôi muốn đưa đến một sự thật tàn khốc về covid để mọi người ý thức được về nó, cũng như câu chuyện về các bác sĩ, nếu ở ngoài nghe cũng không thể hình dung hết, chỉ có chứng kiến những gì họ làm mới cảm nhận hết sự vất vả, hi sinh, họ đã truyền năng lượng cho những người làm phim có tinh thần làm việc. Làm sao để người xem cảm nhận được hết, đặc biệt để người ta ngẫm sau khi xem phim. Nếu người ta sợ thì người ta có quyền không xem nữa. Tôi đã đắn đo rất nhiều khi làm hậu kì, cái gì bỏ, cái gì để trong Ranh giới. Tôi không che mặt nhân vật vì có những sự thật bị che mờ sẽ không còn là sự thật nữa. Cũng cần nói thêm là một số nhân vật không có sự đồng thuận tôi đã dừng lại không đưa vào phim.
- Ở những phim trước, khi phát sóng và nhận được những phản hồi trái chiều anh thường ứng xử với chúng thế nào?
Rất nhiều phim tôi đã nhận đã nhận những ý kiến trái chiều. Hai đứa trẻ khi phát đã nhận được số lượng view khủng, trong ba ngày đã đạt mấy triệu lượt xem, nhưng cũng có ý kiến nói rằng tôi lấy nỗi đau trẻ thơ để làm phim mang lại danh lợi cho bản thân, tôi biết thế chứ cũng không tranh luận gì, nhưng đôi khi ý kiến ấy cũng dai dẳng khá lâu, có những người đến bây giờ vẫn nhắc lại. Đến Đường về phản ứng có hiệu ứng lớn nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến trái chiều về việc đã đưa những hình ảnh đập mộ liệt sĩ trần trụi quá, họ cho rằng tôi muốn lấy nước mắt khán giả. Nó là số ít thôi. Sau đó để dành thời gian cho công việc tôi đã phải đóng cửa facebook, chỉ vào xem chứ không đưa gì lên nữa. Tôi là người rất muốn lắng nghe và tiếp thu, những gì tích cực đóng góp tốt cho sự hoàn thiện của bản thân, còn lại thì tôi nghe để biết vậy thôi. Ở Hai đứa trẻ tôi vẫn có ý kiến nói “nhiều cảnh trần trụi quá mà đạo diễn không biết tiết chế”, “lấy nước mắt trên nỗi đau con trẻ” mà người ta không nhìn thấy thông điệp lớn hơn, về những việc làm sơ xuất trong xã hội để dẫn đến những nỗi đau ấy. Phim Đường về tôi cũng nhận được ý kiến “bỏ cảnh thô tục, khai quật, lấy xương đi xét nghiệm hoặc che nó đi thì hơn”. Nhưng tôi không vì lí do nào đó ngoài nghề nghiệp mà cắt đi một cảnh nào trái ý muốn. Thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất.
Có những nỗi đau không nên né tránh
- Anh hay đi đến tận cùng những nỗi đau của nhân vật. Vì sao vậy?
Phim Miền đất hứa, làm về lao động bất hợp pháp, những người đưa người ta đi thu phí môi giới quá lớn, quá nhiều người hưởng lợi trên sức lao động của người ta, sang Đài Loan bị lừa, đồng lương không tương xứng, đi 5 năm mà mất 3 năm rưỡi làm để trả nợ, nỗi đau ấy ai nói hộ họ được, tôi làm về những cảnh người ta phải ra ngoài người ta làm, lao động bất hợp pháp, vì cả gia đình trông trờ vào bờ vai của họ. Cảnh đứa con trở về nằm gọn trong một chiếc ba lô do một người đồng hương mang về, nó đau xót kinh khủng. Nhưng mà tôi vẫn muốn đi đến tận cùng, người xem cảm nhận đến tận cùng nỗi đau mới đánh thức được họ. Để cho những người lao động cũng phải tỉnh táo lựa chọn khi đánh cược tương lai của mình vào những niềm tin mơ hồ. Trong phim Chông chênh về thân phận nàng dâu nơi xứ người. Lấy chồng Đài bị người ta hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà là tay trắng, đến con đẻ của mình cũng không được nhận, để gặp được con phải qua rất nhiều chông gai, bao nhiêu người giúp đỡ, gặp rồi cũng không thể đón được con ra, lại còn mang tiếng bấu víu vào đứa con ấy để ở lại. Tôi đã lần ra cả một đường dây chạy khôi phục quốc tịch cho họ ở Việt Nam. Có người nói, tôi cứ đi vào nỗi đau của người khác, khoét sâu vào nỗi đau của người khác cho người ta khổ thêm, nhưng là người làm nghề tôi muốn sống cùng nhân vật, trải tận cùng nỗi đau của nhân vật, có thể không giúp được họ nhưng giúp được nhiều người khác, bằng chính cái nỗi đau mà họ đang phải chịu đựng, để những người khác thấy tránh được gì thì người ta nên tránh.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và những nhân vật trong bộ phim "Chông chênh" của anh. Ảnh: NVCC
"Có người nói, tôi cứ đi vào nỗi đau của người khác, khoét sâu vào nỗi đau của người khác cho người ta khổ thêm, nhưng là người làm nghề tôi muốn sống cùng nhân vật, trải tận cùng nỗi đau của nhân vật, có thể không giúp được họ nhưng giúp được nhiều người khác, bằng chính cái nỗi đau mà họ đang phải chịu đựng, để những người khác thấy tránh được gì thì người ta nên tránh".
- Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư -
- Không thể phủ nhận một điều là những bộ phim của anh đều lấy nước mắt của người xem bằng việc mổ xẻ những nỗi đau từ những thân phận. Đây là một việc nên hay không nên, một lựa chọn hay chỉ là hiệu ứng phụ…
Phải chạm đến tận cùng của nỗi đau, không thể nửa vời được. Miễn sao không vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, xâm phạm đời tư cá nhân như mọi người hay nói quá lên. Nhân vật của tôi đều được biết, được chia sẻ, và đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình…
- Nhưng người ta hay nói, có những quy tắc mà nhân vật không đòi hỏi người làm phim cũng phải biết?
Những điều mọi người nói áp dụng cho điều kiện bình thường, còn trong những điều kiện đặc biệt, tác nghiệp trong thiên tai địch họa, phải đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, mình cũng phải lựa chọn thôi, có những ranh giới phải bước qua, vì những điều lớn hơn, vì thông điệp muốn chuyển tải, vì cộng đồng, không thể cứ tuân theo một cách máy móc. Trong chiến tranh, thảm họa, thiên tai, người ta vẫn phải phơi bày chứ, không phơi bày thì biết làm sao được? Có những nỗi đau không nên né tránh. Vấn đề là mình phải chứng kiến, mình phải cảm được.
Tôi đặt mình vào vị trí nhân vật
- Sẽ rất khó để lên kịch bản cho một bộ phim không lời bình. Và đôi khi hình ảnh đắt giá cho một phim tài liệu cũng là sự hên xui của mỗi chuyến đi, một ngày làm việc, mỗi cú máy, của nhân vật... Anh đã làm gì để mang về những hình ảnh, những phần lời đắt giá nhất nhưng cũng chân thật nhất nhưng vẫn trong những ranh giới cho phép?
Tôi làm phim từ trước đến nay không có kịch bản trước, nhiều khi chỉ là một cái cớ, một câu chuyện về một nhân vật nào đó tôi đã chạy theo vừa làm vừa hoàn thiện kịch bản. Tất nhiên trong quá trình làm cũng có những rủi ro, có thể dang dở, phải đặt ra một loạt các yếu tố trong quá trình làm, tôi hay đưa yếu tố cảm vào, như khi làm Hai đứa trẻ tôi phải cảm nhận nỗi đau của hai gia đình khi nhầm con, từ thơ ấu nó chỉ biết bố mẹ nó, nó chỉ biết gắn kết với bố mẹ, bây giờ tách nó ra đưa nó về người khác… Phải đặt mình vào vị trí của nhân vật, đau nỗi đau của nhân vật. Muốn làm được thế phải có thời gian, phải có cái tâm, đồng hành cũng họ, hiểu họ, chỉ hời hợt cưỡi ngựa xem hoa không ra được, phải ghi nhận các cung bậc cảm xúc của họ, nó trải qua từ ngày này qua ngày khác của quá trình làm việc. Ngay cả bản thân mình cũng vậy thôi, rất nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau. Hôm nay tôi và anh có thể rất hào hứng, ngủ dậy tràn trề sinh lực với một li cà phê buổi sớm, nhưng ngày mai uể oải vì đêm hôm trước nhận tin gì đó không vui. Con người ta là một chuỗi cảm xúc, phải cùng trải mới ghi nhận hết được, phim mới có những cao trào. Khi quay xong, chỉ cần ngồi nghỉ, hút thuốc uống nước thôi có khi cũng mất những cơ hội, mình vẫn hoàn thành công việc nhưng vấn đề là hoàn thành đến đâu, những cảm xúc, cao trào không thể như mong muốn được. Như khi làm Ranh giới, tôi theo nhân vật cả buổi sáng, nhưng chỉ ra thay đồ một chút là vuột mất cơ hội, rồi những tình huống khác như pin hết, thẻ hết không kịp thay… Nó sẽ là những nuối tiếc trong quá trình làm nghề.
Cảnh trong phim "Hai đứa trẻ" của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, một bộ phim gây nhiều xúc động cho đông đảo người xem.
"Phải đặt mình vào vị trí của nhân vật, đau nỗi đau của nhân vật. Muốn làm được thế phải có thời gian, phải có cái tâm, đồng hành cũng họ, hiểu họ, chỉ hời hợt cưỡi ngựa xem hoa không ra được, phải ghi nhận các cung bậc cảm xúc của họ, nó trải qua từ ngày này qua ngày khác của quá trình làm việc".
- Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư -
- Mở rộng ra một chút, làm phim tài liệu, tôi nghĩ câu chuyện mà một bộ phim đề cập rất quan trọng, thậm chí là quan trong hàng đầu, thậm chí quyết định mức độ “chấn động” của phim khi đến với công chúng. Điều gì khiến anh đi đến quyết định có làm phim về câu chuyện ấy hay không?
Đó chính là vấn đề của xã hội, vấn đề của con người. Tôi luôn chú ý đến tính báo chí, tính thời cuộc trong phim. Trong tính báo chí, tính thời cuộc ấy nó có yếu tố về thân phận con người, yếu tố về mặt xã hội, nó phải có một thông điệp xã hội đủ mạnh để mình làm. Tôi luôn đau đáu và mong muốn làm những bộ phim như thế, chỉ có như vậy mới đủ tác động đến xã hội. Như ở Hai đứa trẻ, thử hỏi nếu như hai đứa trẻ đặt vào hoàn cảnh nhà mình thôi, tự nhiên nuôi con đến năm ba, bốn tuổi lại có người đến bảo đấy là con tôi chứ không phải con anh thì cháu nó sẽ như thế nào và mình sẽ ra làm sao. Câu hỏi phía sau là tại sao lại để xảy ra một câu chuyện đau lòng như thế, làm sao để không làm tổn thương đến các cháu, không làm tổn thương đến hai gia đình? Những cái đấy lại dồn vào một chi tiết rất nhỏ, đó là sự tắc trách, lơ là trong một phút, một giây trong bệnh viện thôi nhưng nó để lại một hệ lụy quá lớn. Đi đến tận cùng nỗi đau đó, người xem sẽ thấy nếu như ngày xưa không thế này thì sẽ không để lại hậu quả thế này, nếu như bệnh viện cẩn trọng ở một khâu nhỏ nhất nhưng cũng quan trọng nhất thì đâu để lại một hậu quả lớn như ngày hôm nay. Xoáy vào chi tiết như thế đã khiến tôi quyết định theo đuổi câu chuyện. Với Ranh giới cũng thế, trong dịch bệnh, ngày ngày mình nhìn đội ngũ y tế, y bác sĩ, tình nguyện viên xông pha vào vùng dịch để cứu người, thế nhưng mà để mọi người hiểu về cái dịch này khốc liệt thế nào, suy từ bản thân mình thì mình cũng không hình dung ra được, chết là nằm xuống rồi chết nhưng nỗi đau để đi đến cái chết nó khủng khiếp hơn. Và cái việc bác sĩ giành giật lại sự sống, làm việc trong thiếu thốn như thế nào thì mình phải đi đến tận nơi, làm đến tận cùng mới đưa người xem đến việc nhận thức tường tận để thay đổi hành vi ứng xử với việc phòng dịch. Việc lây lan trong cộng đồng sẽ giảm, áp lực với ngành y tế sẽ giảm, cuộc sống bình thường sẽ trở lại sớm hơn. Đấy là những đề tài đang nóng, hoặc mang lại sự nhức nhối, hoặc là nó chứa đựng vấn đề gì đó của xã hội đang cần giải quyết.
Ranh giới của lựa chọn
- Mỗi bộ phim chắc chắn đều phải đứng trước những lựa chọn, ở Ranh giới, anh đã chọn để mọi thứ thật nhất, nhưng là cái thật của một hiện thực tàn khốc, có lẽ anh đã cân nhắc nhiều trước khi quyết định theo một cách nào đó. Anh có nghĩ có một “ranh giới” cho những sự lựa chọn khi đang ở những lằn ranh nhạy cảm?
Ngay cả khi ở hiện trường tác nghiệp đã phải nghĩ đến chuyện đó. Có thể trong khi quay lượng hình ảnh rất lớn nhưng khi dùng tôi đã lựa chọn, cân nhắc. Ranh giới giữa lí trí và tình cảm. Mình cũng như mọi người, mình hơn mọi người một chút là mình đang mang trọng trách của một người phóng viên đi chống dịch. Tôi luôn tự hỏi, mình làm thế đã đạt chưa, đã đúng chưa với vai trò được giao. Phóng viên chiến trường, nhiệm vụ của anh là anh phải phản ánh được cuộc chiến. Đã nghĩ thế nhưng có lúc không vượt qua được. Những lựa chọn đôi khi chìm vào giấc ngủ, có nên để đoạn ấy không, câu này có nên để hay không. Ranh giới của lựa chọn luôn diễn ra liên tục trong quá trình làm phim chứ không phải chỉ một hai lần.
- Có khi nào anh đứng trước những lựa chọn khó khăn?
Như ở Hai đứa trẻ, có những hình ảnh người thân của hai gia đình, cháu Thìn không muốn về ngôi nhà mẹ đẻ, bấu lấy thành giường khóc nhất định không đi. Người nhà bảo nếu để nó ở lại thì nó sẽ quen nó không chịu về, có người ra gỡ tay cháu ra, cháu giằng lại gào khóc thảm thiết, nhìn rất là khủng khiếp. Đang quay chúng tôi phải dừng, không thể tiếp tục được. Chính chúng tôi cũng khóc. Vẫn biết làm phim phải lí trí, nhưng có những lúc tôi vẫn bị tình cảm lấn át, đến quên cả bấm máy. Nếu đưa những cảnh ấy lên thì cộng đồng mạng sẽ dậy sóng, sẽ bị lên án “các ngươi chỉ biết giành giật với nhau chứ có nghĩ đến con trẻ đâu”. Sự thực quá đau lòng nên tôi phải tiết chế để quyết định dựng đến đâu là đủ. Đấy là đứng trước sự lựa chọn. Trong phim Đường về cũng thế, tôi cũng gặp chuyện một số người phẫn nộ trước cảnh đập ngôi mộ. Thực ra để bỏ một hai cảnh tránh được ý kiến trái chiều nó quá đơn giản, không phải mình không biết, rồi cũng có ý kiến bảo bỏ trước khi phát sóng, nhưng mà tại sao tôi vẫn quyết định để? Tôi cân nhắc mức độ tác động đến người xem và mục đích mình làm phim ấy, muốn gửi đến người xem cái gì để nhìn và suy ngẫm nên hay không nên làm việc ấy, dừng đến đâu là đủ. Ở trường hợp ấy tôi quyết định vẫn giữ lại hình ảnh và chấp nhận ý kiến trái chiều.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng nhân vật mẹ liệt sĩ trong phim "Đường về". Ảnh: NVCC
"Thực ra để bỏ một hai cảnh tránh được ý kiến trái chiều nó quá đơn giản, không phải mình không biết, rồi cũng có ý kiến bảo bỏ trước khi phát sóng, nhưng mà tại sao tôi vẫn quyết định để? Tôi cân nhắc mức độ tác động đến người xem và mục đích mình làm phim ấy, muốn gửi đến người xem cái gì để nhìn và suy ngẫm nên hay không nên làm việc ấy, dừng đến đâu là đủ".
- Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư -
Phản ánh cuộc sống trung thực nhất
- Phim tài liệu không lời bình. Có phải anh muốn phát huy tối đa những lợi thế của một đạo diễn xuất thân từ quay phim?
Cái đấy là một phần. Nếu hình ảnh mà đạt tốt đã thay cho muôn vàn lời nói rồi. Bên cạnh đó, vốn từ quay phim đi lên nên tôi không mạnh về lời bình. Một lí do nữa đó là cuộc sống diễn ra với nhiều cung bậc cảm xúc, va đập trong quá trình giao lưu trò chuyện, làm được các yếu tố giống như một bộ phim truyện thì còn gì bằng, nhưng những nhân vật của mình không phải là diễn viên, họ là những con người sống cuộc sống thực, những bùng nổ rất thật trong cuộc sống được chắt lọc lại. Phim tài liệu không lời bình phản ánh trung thực nhất cuộc sống đang và sắp diễn ra.
Như ở Ranh giới, ông bố vào nhận đồ của con. Chúng tôi quay ông bố đến từ cổng, vào trong cổng bệnh viện là ông quỳ sụp xuống lạy khiến tôi cũng lúng túng, ông quỳ lạy và gục mặt xuống tuyệt vọng. Ông không còn có thể gặp con, muốn nhìn thấy con lần cuối cũng không thể. Chỉ một điều đơn giản thế thôi cũng không thể. Lúc đó có tình huống nảy sinh là bác sĩ thông báo có chụp một số hình ảnh cuối cùng của con ông và sẽ bật cho ông xem. Chúng tôi nghe thấy mới vội vàng điều chỉnh máy để lấy được hình ảnh, chính chúng tôi cũng không biết trước tình huống này. Nên tôi nghĩ lựa chọn của tôi và các y bác sĩ không che mặt bệnh nhân để người thân xem lại được những hình ảnh cuối cùng của người thân họ là đúng đắn. Điều đó rất quý đối với họ. Đến hôm nay tôi vẫn thấy mình làm thế là đúng. Hôm qua có một người bạn chụp màn hình gửi cho tôi, nói về việc bạn ấy đã xem được những hình ảnh cuối cùng của chị mình trong phim và đã rất xúc động, bạn ấy nhận ra chị mình trong những giây phút cuối cùng, bạn ấy bảo chỉ nghe thấy tiếng ho của chị thôi đã mừng rồi, chị bạn ấy nằm bất động trên giường bệnh, bạn ấy nhận ra chị mình qua chiếc vòng đeo tay, bạn ngỏ ý muốn xin thêm những tư liệu khác nữa nếu đoàn làm phim còn, khiến tôi đọc cũng chảy nước mắt. Tôi đã xin số điện thoại để gọi cho bạn ấy…
- Việc dùng lời nhân vật thay cho lời bình đã đem lại điều gì cho anh? Nó chỉ đơn giản là cách làm theo xu hướng thế giới hay còn lí do gì khác? Bởi dù không dùng lời bình thì vẫn còn những “áp đặt” khác từ lựa chọn hình ảnh, góc quay, lời thoại nhân vật, âm nhạc, kĩ xảo… cơ mà?
Cái này không tránh khỏi được. Không dùng lời bình để đạt yếu tố chân thật mình đã làm được rồi, còn sự can thiệp của đạo diễn là điều không tránh khỏi, nhưng là những can thiệp để tạo nên câu chuyện, ý tưởng để chuyển tải nên câu chuyện ấy, anh phải biết sắp đặt, bố trí làm sao để chuyển tải được câu chuyện ấy, nhưng không can thiệp sâu làm sai sự thật ấy đi. Những yếu tố khác là vai trò cá nhân của mỗi đạo diễn, chứ cứ quay cái gì đưa cái ấy lên thì ai làm chả được.
- Làm sao để lời thoại của nhân vật được sử dụng hợp lí, đắt giá cho một câu chuyện kể theo ý đồ đạo diễn cũng không đơn giản, chưa kể mỗi bộ phim lại đòi hỏi một cách kể khác nhau. Anh có sợ sẽ lặp lại chính mình?
Thực ra lúc nào làm phim tôi cũng đặt câu hỏi phim này có lặp lại phim trước hay không, khi làm phim lúc nào tôi cũng đề ra việc đó, ngược lại, nó sẽ định hình phong cách cho mình, khiến mình trung thành với dòng phim mà mình đã theo, cái hướng mà mình đã định. Nhưng nó có một cái mà tôi nghĩ sẽ luôn luôn khác, đó chính là câu chuyện, mỗi phim là một câu chuyện khác nhau, không câu chuyện nào giống câu chuyện nào cả, không phim nào giống phim nào cả. Nếu như mình trung thành, chuyển tải trung thực nhất, mình tôn trọng nó thông qua thủ pháp, về tư tưởng mình muốn chuyển tải, tôi nghĩ là nó sẽ có sức sống riêng. Còn ý kiến bảo lấy nước mắt thì với tôi không có gì phải suy nghĩ đó là một lời chê cả, mà tôi hiểu theo nghĩa tích cực, rằng tôi đã đạt được những yếu tố muốn chuyển tải.
Tạ Quỳnh Tư tại Lễ trao giải VTV Awards. Ảnh: NVCC
"Nếu như mình trung thành, chuyển tải trung thực nhất, mình tôn trọng nó thông qua thủ pháp, về tư tưởng mình muốn chuyển tải, tôi nghĩ là nó sẽ có sức sống riêng. Còn ý kiến bảo lấy nước mắt thì với tôi không có gì phải suy nghĩ đó là một lời chê cả, mà tôi hiểu theo nghĩa tích cực, rằng tôi đã đạt được những yếu tố muốn chuyển tải".
- Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư -
Có tên phim tôi nghĩ tới sáu, bảy tháng
- Một số phim do anh đạo diễn thường có những cái tên ngắn, mở và gợi: Đường về, Chông chênh, Lời nhắn, Miền đất hứa… Đó là một chủ ý hay một sự tình cờ. Tôi có cảm giác những cái tên ấy xuất hiện trong quá trình thực hiện bộ phim chứ không phải từ trên kịch bản. Anh có thể chia sẻ về điều này.
Bao giờ tôi cũng ưu tiên đặt tên phim lên hàng đầu. Nó rất ngốn thời gian của tôi, thậm chí còn tốn hơn cả thời gian làm hậu kì. Những tên phim của tôi thường nảy ra trong quá trình làm, có những phim thì đặt tên trước rồi mới làm. Nghĩ một tên phim nào hợp lí, bao trùm được toàn bộ nội dung, chuyển tải được điều mình muốn nói, có những phim phải mất sáu, bảy tháng tôi mới nghĩ ra, và có những phim tôi nghĩ mãi không ra, như phim Hai đứa trẻ tôi đặt tên trong sự… bế tắc. Trung tâm của bộ phim là hai đứa trẻ, thôi thì đặt luôn. Hai đứa trẻ nó đi đến đâu, sẽ ra sao, thì đấy, tất cả nó dồn trong hai đứa trẻ. Còn có những phim sẽ rõ ràng từ đầu luôn, ví dụ như phim Miền đất hứa, sau khi đi làm, gặp gỡ các nhân vật, họ đều nói, trước khi đi xuất khẩu lao động trong đầu họ đều nghĩ đến một miền đất mới, một miền đất đầy mộng mơ, có thể mang lại những thu nhập rất lớn để thay đổi cuộc sống, thế thì không có gì hay hơn khi đặt là Miền đất hứa để dẫn dụ khán giả đến với câu chuyện của mình, Miền đất hứa có thành hiện thực không hay là sẽ đưa người ta đến những nỗi đau. Hay như thân phận những cô dâu Việt xứ Đài về không được, ở không xong, đúng là chông chênh thật, vậy nên nó là Chông chênh, một sự chênh vênh giữa sống và chết, không biết thuộc về nơi nào, nơi sinh ra cũng không thể về, vì còn quốc tịch đâu, lấy chồng xong phải cắt rồi, bị hất một cái là thành quả bóng lăn tròn, rất là chênh vênh, từ đó mà tôi đặt nó là Chông chênh. Còn Đường về thì đường về ấy có thuận lợi không hay gập ghềnh, khúc khuỷu, sẽ còn những gì chờ đợi, thử thách người ta sau khi chết. Có tên phim tôi đặt trước như phim Chuyện Thế Nhân mà tôi đang làm, Thế Nhân vừa là tên nhân vật, nhưng cũng là câu chuyện thế nhân, phim này chắc sang năm mới ra…
- Thế còn Ranh giới, bộ phim đang gây bão mạng…
Đến Ranh giới cũng vậy… Sự sống và cái chết giành giật trong tích tắc, thì đấy là ranh giới rồi. Nhưng còn nhiều ranh giới khác nữa. Vào đấy tôi thấy tất cả cái khu K 1 liên hệ với bên ngoài chỉ thông qua một chiếc điện thoại, đấy cũng là ranh giới. Muốn vào trong ấy phải mặc đồ bảo hộ, đi qua mấy lớp cửa cũng lại là một ranh giới. Những bác sĩ mặc đồ bảo hộ với những bệnh nhân mặc đồ bình thường có một khoảng cách, giữa họ có khoảng cách, có ranh giới hay không, thì đó là ranh giới của nghĩa vụ trách nhiệm, ranh giới của tình thương, của tình người, vượt qua nguy cơ lây nhiễm để giành giật sự sống thì cái ranh giới ấy là cái ranh giới lớn. Còn một cái ranh giới lớn hơn nữa, là cái ranh giới mà nhà văn Nguyễn Khải đã viết trong tác phẩm Mùa lạc. Tôi thấy quá tuyệt vời, nên đã mượn tứ ấy cho bộ phim này luôn.
- Vâng! Đó là một cái kết khá lắng đọng… Nó đã đến với anh trong hoàn cảnh nào?
Khi phim đã hình thành rồi thì tôi dựng có một đường link dẫn chuyện là cô hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang trong phim. Thường chúng tôi hay nói chuyện với nhau, cô ấy thích xem phim tài liệu và đã từng xem phim của tôi. Khi cô ấy kể ra 4 tên phim đã xem thì 3 cái là của tôi mà cô ấy không nhớ tên tác giả, nên cũng khá thuận lợi với tôi khi làm phim. Rất may cô ấy thích xem phim và thích chia sẻ, có tư duy rất tương đồng với tôi, tôi đã hỏi cô ấy rất nhiều chuyện để làm phim, bởi ở đó có rất nhiều người, nhiều phòng, nếu mình cứ chạy theo tất cả thì sẽ không thu được gì cả, công việc của cô ấy nắm được rất nhiều chuyện và tôi đã chọn cô ấy làm người dẫn chuyện. Khi tôi nói muốn để tên phim là Ranh giới thì cô ấy nói, ngày xưa em bước vào đây em đã nghĩ đó là ranh giới của cuộc đời em, em thấy cái tên ấy nó hợp quá. Tôi hỏi, ngày xưa em học em thích cái gì nhất, có biết cái gì về ranh giới không, cô ấy bảo em thích câu của nhà văn Nguyễn Khải, tôi thấy ý đó hay quá. Tôi nói chuyện với cô ấy và thu được mấy ý cho nhân vật dẫn truyện, vào đầu phim cô ấy có nói “đã có lúc tôi nghĩ đó là ranh giới của sự chịu đựng”, giữa phim, sau cái chết của bệnh nhân cô ấy nói “Tôi nghĩ ranh giới giữa sự sống và cái chết nó mong manh quá, nó khiến chúng ta phải sống tử tế và mạnh mẽ hơn”, bởi rất nhiều người đã buồn bã và rất dễ buông xuôi, nhưng sau khi chứng kiến những cái đau buồn đó người ta sống mạnh mẽ và yêu thương hơn, bởi người ta không mạnh mẽ thì ai sẽ là người tiếp tục cái công việc ấy để đối mặt giành giật lại sự sống trong thiên tai địch họa này, và phần kết là ý của nhà văn Nguyễn Khải mà cô ấy tâm đắc, khi cô ấy dù bị nhiễm Covid vẫn muốn sớm trở về để tiếp tục công việc của mình.
Phần kết phim "Ranh giới" trích lời văn của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm "Mùa lạc" tạo nên sự lắng đọng.
“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".
- Nhà văn Nguyễn Khải -
Mỗi bộ phim là một bài học thực tế
- Trong những bộ phim đã thực hiện, phim nào để lại cho anh cảm xúc mạnh nhất?
Phim đầu tiên mà tôi ưng ý tôi làm nó trong bối cảnh rất khó khăn để thực hiện một bộ phim không lời bình, đó là phim Lời nhắn. Bối cảnh ở Việt Nam và Cộng hòa Séc. Đau lắm. Nói về một bà mẹ chạy tiền cho 3 ông con giai sang Séc lao động với đầy ước mơ và hoài bão, nhưng rồi 3 ông con vào tù chỉ vì tội đánh nhau thôi, vì thiếu hiểu biết pháp luật thôi. Cuối cùng bà ấy ở nhà bị mang tiếng là con vào tù ra tội, cháu thì để ở nhà cho bà nuôi. Tôi đã làm được một việc là giải tỏa được cho bà mẹ về nỗi oan khỏi những lời đồn, bị cho là 3 ông con trai sang bên kia bị vào tù vì cướp của giết người. Tôi làm tiếp được một bước nữa là mang được hình ảnh của bà ấy và các cháu sang bên Séc, vào tù cho người con xem vì đã bao năm người ta có được biết, được thấy người thân đâu. Nhưng cũng có ý kiến khi ấy cho rằng tôi lấy nỗi đau của người này mang đi dúi cho người kia đau đớn để quay phim nhưng người ta có biết đâu đó là mong ước thực sự của nhân vật. Người ta dù trong nỗi đau như thế người ta vẫn cám ơn tôi vì tôi đã làm cầu nối tình cảm cho người ta. Một số khán giả ở góc độ khác thì lại bảo lấy nỗi đau của người ta đưa lên màn hình, bao nhiêu người nhìn vào đấy người ta sống làm sao. Đấy là những thứ tôi trải qua rất là nhiều trong quá trình làm phim, đó cũng là những cảm xúc khác nhau mà mỗi bộ phim mang lại cho tôi.
- Vâng! Cái quan trọng nhất là những nhân vật chính nghĩ gì, họ có ủng hộ mình hay không. Có sự thấu hiểu của nhân vật, họ cảm nhận thấy sự chân thành từ mình, để đồng hành cùng mình kể câu chuyện ấy thì đấy là lí do cuối cùng. Mỗi bộ phim của anh khép lại đồng thời cũng mở ra những câu chuyện xã hội, những vấn đề tranh luận, có bộ phim có kết thúc có hậu, nhân văn như phim Đường về, có bộ phim là một kết thúc để lại nỗi buồn lay động tâm can như phim Hai đứa trẻ, có bộ phim nhân vật phải đối diện với án tù khi là câu chuyện vi phạm pháp luật như phim về vượt biên trái phép. Còn anh, người làm ra bộ phim, chắc hẳn sẽ có một “kết thúc của kết thúc” từ những bộ phim ấy, những hiệu ứng mà bộ phim ấy mang lại…
Nó mang lại rất nhiều cho tôi sau bộ phim. Cái nhận được lớn nhất là hiệu ứng với thông điệp mà tôi muốn chuyển tải. Mà ngay trong quá trình làm đã có tác động rồi, ví dụ như trong quá trình làm phim Ranh giới, tôi chụp ảnh gửi về thông báo thực tế ở đó, môi trường lây nhiễm như thế mà các y bác sĩ chỉ có những bộ bảo hộ cấp 2, rất dễ lây nhiễm, ngay ở thời điểm ấy đã có những đơn vị gửi vào ủng hộ ba, bốn nghìn bộ trang phục đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn cho các bác sĩ, đó chính là những bộ trang phục màu trắng mà các bác sĩ ở đó mặc bây giờ. Rồi máy thở bị thiếu nhiều quá, thì mình đứng ra làm cầu nối kêu gọi, thời điểm tôi ở đó cũng đã kêu gọi thêm được một cái phục vụ công tác điều trị. Sau khi phim phát sóng xong bệnh viện cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ hơn, chung tay góp sức đúng nghĩa chứ không chỉ nằm ở chuyện làm từ thiện, hảo tâm. Ai làm phim cũng thế thôi, đều mong muốn phải đem đến hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng. Còn phim Hai đứa trẻ, sau khi phim kết thúc, 3 ngày sau anh Vũ Đình Khiên đã vào bàn bạc với gia đình chị Liên để hai nhà là một, cho cháu Thìn ra ngoài nhà học tập, cho con đỡ khổ, đỡ thiệt, giúp các con những điều tốt đẹp cho tương lai. Hai bạn ấy bây giờ đã rất lớn, học lớp 3 rồi. Điều lớn hơn là những người làm công tác đón đỡ tại các bệnh viện của mọi tuyến từ trung ương đến địa phương chắc là người ta sẽ làm việc cẩn trọng hơn.
- Anh đang trong quá trình dựng và làm hậu kì phim Ngày con chào đời, một bộ phim nói về những đứa trẻ sinh ra trong đại dịch Covid-19 tiếp sau của Ranh giới. Anh có thể nói một chút về bộ phim gần như “sinh đôi” với Ranh giới này?
Nếu như ở Ranh giới tôi chỉ đề cập đến việc bác sĩ giành giật lại sự sống cho bệnh nhân thì ở Ngày con chào đời là những tươi mới hơn, là tiếng khóc của sự sống. Nếu như ở phim trước bác sĩ hối hả, lo lắng giành giật hơi thở cho bệnh nhân thì phim sau các bác sĩ lại bình yên, chậm rãi đón các con chào đời, tất nhiên hành trình chào đời gian lao như thế nào thì sẽ được diễn giải, nhưng đâu đó vẫn hiện lên sự đón đợi, cảm xúc, sự thiệt thòi khi vắng mẹ của các con được bù đắp bởi tình cảm của các bác sĩ, của ông bà. Cuối phim là những đoàn tụ, có những đoàn tụ trong hạnh phúc, có những đoàn tụ còn dang dở. Tựu chung lại thì đó là một bộ phim về sức sống mới trong mùa dịch chứ nó không nặng nề như phim trước.
- Nó nhìn về tương lai nhiều hơn…
Vâng!
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nhận giải tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI. Ảnh: NVCC
"Đạo diễn Trần Văn Thủy từng nói, nó phải lay động tâm can đến tận cùng, nếu làm được như thế thì sẽ thành công. Với tôi thì tôi vẫn đang theo đuổi và hàng ngày học hỏi, còn trong quá trình làm tôi vẫn đón nhận những đóng góp của khán giả để phim sau làm cho tốt hơn. Chính vì thế, với tôi, mỗi bộ phim là một bài học, một bài học thực tế".
- Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư -
- Anh nghĩ thế nào về công việc làm phim phóng sự - tài liệu, khi mà vừa phải lay động khán giả nhưng lại phải đáp ứng những tiêu chí của một sản phẩm báo chí và với những lằn ranh mong manh cũng như rất dễ phạm vào những “quy chuẩn cộng đồng” về mọi phương diện? Anh nghĩ gì về con đường đã chọn?
- Từ những ngày đầu đi theo con đường làm phim này tôi rất mê, nó có một sức mạnh khủng khiếp, chỉ có mình làm chưa tới thôi, nếu làm tới được tôi nghĩ sức chuyển tải, sức lay động rất lớn. Đạo diễn Trần Văn Thủy từng nói, nó phải lay động tâm can đến tận cùng, nếu làm được như thế thì sẽ thành công. Với tôi thì tôi vẫn đang theo đuổi và hàng ngày học hỏi, còn trong quá trình làm tôi vẫn đón nhận những đóng góp của khán giả để phim sau làm cho tốt hơn. Chính vì thế, với tôi, mỗi bộ phim là một bài học, một bài học thực tế. Nó cho mình rất nhiều những nhìn nhận, cả tích và tiêu cực, nó cho mình những cái nhìn mới hơn, khác hơn, đa chiều hơn. Quá trình đi làm chứng kiến những đau thương vật vã là nhưng bài học ở trường đời không gì tốt hơn. Tôi vẫn sẽ theo đuổi dòng phim này và mong muốn sẽ làm tốt hơn nữa ở những phim tiếp theo, tất nhiên là để làm được như vậy nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải mình cứ muốn là được.
- Anh có lạc quan rằng phim tài liệu sẽ níu khán giả lại màn hình tivi?
Chúng tôi đang níu người xem ở lại bằng những sự thật đang diễn ra trong chính cuộc sống chúng ta, bằng những câu chuyện. Chỉ có sự thật được diễn tả, được đưa ra và đằng sau là cái gì, chính nhân vật trong đó đang phải chịu đựng, đang là nạn nhân, đan xen những tình thương, tình người sẽ níu kéo người xem. Cuộc sống như một đàn bồ câu nhưng đằng sau có thể là một đàn quạ. Cuộc sống có thiện, có ác, có sự tham lam đố kị, thì bên kia luôn có những điều thiện lương như một cán cân đối trọng lại.
- Cám ơn anh đã chia sẻ và chúc anh sớm có thêm những bộ phim mới giữ chân khán giả!
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư sinh ngày 1/1/1980 tại Hải Hậu, Nam Định. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Nghệ thuật Điện ảnh, Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Tạ Quỳnh Tư là tác giả của nhiều bộ phim tài liệu gây chú ý và tạo dư luận xã hội mạnh mẽ, đặc biệt là các phim Đường về, Hai đứa trẻ, và mới nhất là Ranh giới. Một số phim tiêu biểu của Tạ Quỳnh Tư: Kè chắn sóng, Trở về, Lời nhắn, Hai đứa trẻ, Chông chênh, Miền đất hứa, Đường về… Anh đã giành được nhiều giải thưởng tại các Liên hoan truyền hình toàn quốc và các giải thưởng nghề nghiệp khác cho các tác phẩm của mình như: Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn Hai đứa trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 5; Giải Nhì Liên hoan truyền hình Châu Á, Thái Bình Dương cho phim Miền đất hứa; Giải Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim Miền đất hứa; Giải Bông sen Vàng phim tài liệu xuất sắc cho phim Chông chênh. Bộ phim Hai đứa trẻ cũng nhận được giải A của Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI cho hạng mục tác giả - tác phẩm. Hiện Tạ Quỳnh Tư làm việc tại Trung tâm phim Tài liệu & Phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam. |
NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện
VNQD