Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 939 (cuối tháng 4/2020)

Thứ Tư, 15/04/2020 09:48

 

“Tiến sĩ Nguyễn Việt hiện là Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Gặp ông, tôi nhận ra một điều, trong con người ta, một tư duy khoa học hoàn toàn có thể hòa quyện với một tâm hồn lãng mạn chứ không phải rất mâu thuẫn như tôi vẫn hình dung.

Trước khi gặp tiến sĩ Nguyễn Việt thì tôi đã nhiều lần nghe nhắc đến tên ông, đặc biệt là với những sự kiện gây xôn xao trên báo chí. Gần đây nhất, trong một chuyến lên thăm hang Xóm Trại ở huyện Lạc Sơn, Hòa Bình - một di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng đối với ngành khảo cổ - thì một lần nữa lại nghe nhắc đến tên ông, người có công lớn trong việc phát hiện ra những dấu vết quan trọng của người tiền sử các đây 21 nghìn năm tại Hòa Bình”.

Đó là một phần trong bài trò chuyện mang tên Tôi muốn đưa khảo cổ đến gần với công chúng giữa nhà văn Đỗ Bích Thúy và TS. Nguyễn Việt. Bài trò chuyện thú vị xoay quanh khảo cổ học sẽ mở đầu tạp chí VNQĐ số 939.

Gà nước tìm nhau là truyện ngắn của nhà văn Bảo Thương. Chiến tranh đã lùi xa nhưng dấu ấn của nó trong lòng những người trong cuộc thì còn mãi. Bảo Thương đã khơi sâu vào những tầng vỉa còn nhiều khuất lấp của chiến tranh với câu chuyện về mối quan hệ giữa các nhân vật thuộc hai chiến tuyến. Giữa ranh giới của đúng sai, trắng đen, sống chết, được mất… họ đã chọn cho mình một cách riêng. Mọi thứ rồi sẽ có kết thúc, nhưng dư âm còn lại cùng những gì họ đã dành cho nhau sẽ lại làm nên những câu chuyện khác.

Quái Vật là truyện ngắn mang màu sắc hiện thực huyền ảo của Đỗ Quang Vinh. Bạn đọc sẽ tìm thấy mình và cuộc sống hiện tại trong truyện với những biến cố, bất trắc, hoang mang và cách nhìn, cách ứng xử của mỗi người với những điều đó. “Quái Vật là một chuyện hoang đường, vớ vẩn và nhảm nhí. Nhưng nếu thực sự không có cơ sở gì thì tại sao tất cả mọi người đều tin vào nó”. Truyện gợi lên nhiều suy ngẫm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiềm ẩn và gây nhiều hiểm họa cho nhân loại.

Hầu rượu cho chồng của Thu Trân là câu chuyện buồn bã về số phận bất hạnh của người phụ nữ, số phận của những đứa trẻ ở miền núi khi có người chồng, người cha nghiện rượu. Nhưng sâu xa hơn là câu chuyện về những quan niệm, hủ tục thâm căn cố đế đã bó buộc con người nơi đây. “Nhưng cái ma nào đã bắt đôi chân cô quay về với nó… Giãn sợ lắm chuyện bỏ hai con nằm bơ vơ trên núi… Giãn cũng cảm thấy thật sự là đàn bà khi có một người đàn ông tìm cho mình bó quế to đùng bán được rất nhiều tiền vào mỗi phiên chợ. Cô hài lòng khi được giống những người phụ nữ làm vợ có ngôi nhà cheo leo trên triền núi”. Liệu Giãn có đủ can đảm để vượt thoát khỏi những điều đó?

Phần Văn xuôi còn có ghi chép Biên cương những ngày chống dịch của Nguyên Nhi, đó là những câu chuyện, những chia sẻ về những người lính Biên phòng đang ngày đêm thầm lặng góp phần to lớn vào cuộc chiến chống dịch Covid-19. Kí ức chiến trường là bài Đêm tháng Tư ấy của Đỗ Văn Nhâm.

Phần Thơ ấn tượng bởi những thi phẩm mang đậm cảm xúc, suy tư về lịch sử, đất nước, con người. Tháng Tư này chúng ta cùng nhắc nhớ đến chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Thơ số này không nằm ngoài nguồn cảm thức ấy nhưng mỗi tác giả sẽ đem đến cho bạn đọc một suy nghiệm rất riêng. Số này có sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Trác, Nguyễn Trọng Luân, Vũ Quần Phương, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thanh hải, Phạm Thị Thanh Quyên, Nguyễn Biên, Hoàng Đình Bường, Nguyễn Thị Liên Tâm, Trương Thiếu Huyền, Phùng Thị Hương Ly, Lê Vũ Trường Giang, Nông Thị Hưng. Bên cạnh những tác phẩm suy tư về lịch sử còn có những tác phẩm mang hơi thở của đời sống, con người hôm nay được các tác giả trưng hiện một cách sinh động, ăm ắp trong thơ.

“Thơ trong những tập thơ” giới thiệu thi tập Lãng mạn 4.0 của nhà thơ Hải Đường do nhà thơ Nguyễn Hữu Qúy chọn và giới thiệu.

Phần Văn học nước ngoài giới thiệu nhà thơ người Canada - Mark Strand cùng chùm thơ ấn tượng của ông do dịch giả Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ từ bản tiếng Anh.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Thanh Tâm, Phong Ca, Trần Thị Phương Phương, Văn Chinh, Nguyễn Văn Thuấn, Lê Thị Hường.

Ai cũng xứng đáng nhưng ai đủ điều kiện là bài viết sâu sắc, đa diện trong bối cảnh đất nước và nhân loại đang đứng trước đại dịch Covid-19. Là con người ai cũng xứng đáng được hưởng những quyền lợi tối ưu, nhưng, như một phản biện tổng thể, ai đủ điều kiện để gia nhập cộng đồng tối ưu ấy? Câu hỏi này dành cho mỗi chúng ta.

Văn hóa đọc đang xuống cấp - một nhận định hàm hồ bàn về văn hóa đọc hiện nay. Có đúng là văn hóa đọc đang xuống cấp hay không? Căn cứ vào đâu để chúng ta đưa ra lời chất vấn cho quan điểm văn hóa đọc đang xuống cấp? Bài viết sẽ đưa ra những nhận định, kiến giải cùng bạn đọc.

Maxim Gorky với chủ nghĩa tiền phong và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cho thấy sự gần gũi giữa cha đẻ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa M.Gorky với các nghệ sĩ tiền phong, và phần nào có thể lí giải được mối quan hệ giữa hai xu hướng nghệ thuật tưởng chừng như đối lập nhưng thực ra đều là những đứa con của cùng một thời đại.

Chim én bay - càng đọc càng hay là bài viết tinh tế, kĩ lưỡng về tiểu thuyết Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân, tác phẩm từng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1988-1989.

Phức hợp thiện ác và lựa chọn luân lí trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là cái nhìn xuyên suốt nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp về vấn đề đạo đức con người, qua đó khẳng định Nguyễn Huy Thiệp có cái nhìn tân nhân văn về thân phận con người.

Delete - một dấu chỉ của phi lí phận người là bài viết về cuốn tiểu thuyết Cô độc của nhà văn Uông Triều. Delete là một trong những cái nhìn hậu hiện đại. Trong Cô độc của Uông Triều, delete ẩn dụ những chủ đề hiện sinh: sự xa lạ, lưu đày và cái chết…

Tạp chí VNQĐ số 939 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 20/4/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Đỗ Bích Thúy

TS. Nguyễn Việt: Tôi muốn đưa khảo cổ đến gần với công chúng

Bảo Thương

Gà nước tìm nhau

Nguyên Nhi

Biên cương, những ngày chống dịch

Đỗ Văn Nhâm

Đêm tháng Tư ấy

Đỗ Quang Vinh

Quái Vật

Thu Trân

Hầu rượu cho chồng

 

Thơ

Nguyễn Trác

Những bóng cây xưa; Nơi ban mai ta đã có thật nhiều; Đêm Mường Khương

Nguyễn Trọng Luân

Rừng đá cũ; Sóng ở cửa Đà Rằng

Vũ Quần Phương

Khởi hành; Gửi Thanh Tùng; Chè sen

Nguyễn Thanh Hải

Nghe màu đã liền xanh; Mỗi độ tháng Tư

Nguyễn Việt Chiến

Đồng quê trong lành; Ngày và đêm; Hoa loa kèn

Phạm Thị Thanh Quyên

Chiếc gậy ngoại tôi; Chị

Nguyễn Biên

Từ những điều rất nhỏ

Hoàng Đình Bường

Thăm lại hang Tám Cô

Nguyễn Hữu Quý

Vọng từ muôn dặm sóng thơ (Đọc Lãng mạn 4.0 của Hải Đường)

Nguyễn Thị Liên Tâm

Nơi bình yên chim hót

Trương Thiếu Huyền

Bây giờ gió những đẩu đâu

Phùng Thị Hương Ly

Mùa dưa chín

Lê Vũ Trường Giang

Kinh đắng

Nông Thị Hưng

Một chiều xa

 

Văn học nước ngoài

Mark Strand

Hộ mệnh; Vụ tự sát; Vài lời cuối; Bàn tay bẩn

(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Thanh Tâm

Ai cũng xứng đáng, nhưng ai đủ điều kiện?

Phong Ca

Văn hóa đọc đang xuống cấp - một nhận định hàm hồ

Trần Thị Phương Phương

Maxim Gorky với chủ nghĩa tiền phong và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa

Văn Chinh

Chim én bay càng đọc càng hay

Nguyễn Văn Thuấn

Phức hợp thiện ác và lựa chọn luân lí trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Lê Thị Hường

Delete - một dấu chỉ của phi lí phận người

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Nhành hoa xuân Ảnh: Tưởng Hồng Dương 

Minh họa: Bùi Quang Đức, Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Anh Minh, Chiết Tô, PV.

VNQD
Thống kê