Không thể phủ nhận một điều rằng, người đọc hiện nay có cảm giác đắn đo, hoài nghi, thậm chí là hoang mang trước các tác phẩm thơ đương đại. Khó đọc, khó hiểu, khó thuộc, khác với thơ truyền thống, chẳng biết có phải là thơ… đang là vấn đề nảy sinh trong quá trình tiếp cận thơ hiện nay. Để hiểu rõ hơn thực trạng ấy cũng như có được cái nhìn bao quát hơn về cảnh quan của thơ ca đương đại, phóng viên VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh - tác giả được tặng thưởng thơ của VNQĐ năm 2019. Hiện chị là Tiến sĩ - Nghiên cứu viên Văn học nước ngoài tại Viện Văn học - Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam.
Bài trò chuyện nhan đề Hoan nghênh mọi thể nghiệm và lắng nghe những lối nghĩ phản thường sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 943.
Phần Văn xuôi sẽ được tiếp tục với các truyện ngắn: Bên triền sông Rạng của Phương Trà, Kẻ thừa kế của Hương Văn, Biên niên phố 198x của Nguyễn Anh Vũ; bút kí Trở lại Phú Yên của Nguyễn Trọng Luân; kí ức người lính Kí ức tuổi thơ của Trình Quang Phú.
Bên triền sông Rạng đem đến câu chuyện xúc động về một người phụ nữ có chồng hi sinh trong chiến tranh. Từ khi còn xuân sắc cho đến khi về già, người phụ nữ ấy vẫn không nguôi nhớ về người chồng - người lính đã không thể trở về. Ẩn bên trong sự thuỷ chung một dạ ấy là những nỗi niềm sâu kín, là những nỗi đau, khuyết thiếu mà người phụ nữ phải chịu đựng, đánh đổi. “Làm sao mà dàn dựng được ánh mắt của một người đã yêu thương, đã dành cả cuộc đời cho một người đàn ông mãi mãi ra đi trong lửa đạn”.
Kẻ thừa kế không đơn thuần là những khúc mắc, mâu thuẫn muôn thuở giữa mẹ chồng - nàng dâu. Truyện kể chân thực, tinh tế, có giá trị nhân văn khi đào sâu vào những chi tiết mang đậm tình người; giải quyết khúc mắc bằng những ứng xử tử tế của con người. Những buồn đau, nhỡ nhàng trong đời Nhạn đã được Phùng chở che, bao bọc nhưng những khoảng trống, những luẩn quẩn của Phùng, nếu không có sự chịu đựng, cao cả của Nhạn, liệu anh có vượt qua?
Biên niên phố 198x là những kí ức của một chàng trai về Hà Nội thời anh niên thiếu. Buổi sớm những năm 198x là một màu xám bạc. Màu xám ấy đã gợi dẫn nhà văn, dẫn dụ bạn đọc tìm về với những vui buồn, những dấu ấn một thời của phố. Như những thước phim quay chậm, những con người, cảnh trí, câu chuyện… cứ lần lượt hiện ra. Qua đó ta thấy rõ hơn đời sống cũng như tâm hồn của những thị dân Hà Nội một thời. Những nỗi buồn ám ảnh, những vẻ đẹp khôn nguôi và điều gì nuối tiếc cứ dào lên trong ta.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Vũ Bình Lục, Trương Thị Bách Mỵ, Nguyễn Minh Cường; Nguyễn Giúp, Trần Lê Anh Tuấn, Lê Hào, Hà Phi Phượng, Bùi Việt Phương, Cát Võ. Mỗi vùng đất đối với người làm thơ không chỉ là một nơi để ở, một nơi để đến. Vùng đất ấy còn là vùng của lịch sử, văn hoá, bản sắc, yêu thương, kí ức; là nơi để người viết tìm đến tận thẳm sâu trong mỗi vỉa tầng để tìm ra hồn cốt của đất, của người. Mỗi câu thơ viết về mỗi vùng đất là những chứa đựng, ôm mang, chắt lọc để vẻ đẹp ngời lên. Bên cạnh những câu thơ mang đậm dấu ấn vùng miền, thơ số này sinh động với nhiều đề tài, nhiều phong cách thể nghiệm.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, giới thiệu về thi tập Bấm chân qua tuổi dại khờ của nhà thơ Cao Xuân Sơn.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Hướng dẫn thực hành phép khinh công của nhà văn José Eduardo Agolusa do Hải Ngọc dịch từ bản tiếng Anh trên “Words Without Borders”. José Eduardo Agolusa là nhà văn Angola, ông đại diện cho một nhánh của văn học châu Phi có mối liên hệ gần với khuynh hướng tiền phong của văn học Mĩ La tinh, cũng là bộ phận văn học châu Phi chưa được giới thiệu nhiều ở các nước Anh Mĩ.
Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Cao Thị Bích Vân, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thị Thu Trang, Đoàn Minh Tâm, Phúc Nguyễn, Minh Ngọc.
Y phục - một kí hiệu đa nghĩa trong “Nghệ Nhân và Margarita” của M.Bulgakov là một bài viết độc đáo bàn về y phục trong tiểu thuyết “Nghệ Nhân và Margarita”. Một trong những yếu tố góp nên sức hấp dẫn của thiên tiểu thuyết là sự xuất hiện của một số nhân vật với y phục kì lạ và một số nhân vật trong trạng thái khoả thân. Khám phá nội dung tác phẩm không thể không giải mã hiện tượng thú vị này.
Bên cạnh đó là những bài viết, những luận bàn sâu sắc về những chân dung văn học, những tác phẩm ấn tượng, những vấn đề của văn học nghệ thuật đương đại hôm nay.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 943 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/6/2020. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Nguyễn Thanh Tâm
Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh: Hoan nghênh mọi
thể nghiệm và lắng nghe những lối nghĩ phản thường
Phương Trà
Bên triền sông Rạng
Nguyễn Trọng Luân
Trở lại Phú Yên
Trình Quang Phú
Kí ức tuổi thơ
Hương Văn
Kẻ thừa kế
Nguyễn Anh Vũ
Biên niên phố 198x
Thơ
Vũ Bình Lục
Vũng Rô; Tiếng kèn; Cổng chữ
Trương Thị Bách Mỵ
Ơi, Tuy Hòa; Một chiều. Quên;
Những mùa sương gõ lá âm vang
Nguyễn Minh Cường
Biên giới;
Bức tranh tập thể của trẻ con trên đảo Phú Quý
Nguyễn Giúp
Tiếng gà dưới chân Đồi Thơm; Lớn lên cùng gió
Trần Lê Anh Tuấn
Phố trọ; Sông Ba
Lê Hào
Cù lao Mái Nhà; Di ảnh
Hà Phi Phượng
Trở gió; Chuyến xe đêm
Phạm Xuân Nguyên
Bấm chân qua tuổi dại khờ
(Đọc Bấm chân qua tuổi dại khờ của Cao Xuân Sơn)
Bùi Việt Phương
Thêu; Cây gạo của mường; Hiển nhiên
Cát Võ
Khói; Xuyến chi
Văn học nước ngoài
José Eduardo Agolusa
Hướng dẫn thực hành phép khinh công (Hải Ngọc
dịch từ bản tiếng Anh trên “Words Without Borders”)
Bình luận văn nghệ
Cao Thị Bích Vân
Y phục - một kí hiệu đa nghĩa trong Nghệ Nhân
và Margarita của M.Bulgakov
Đoàn Ánh Dương
Khước từ Nguyễn Đình Thi, thơ Việt Nam lỡ một nhịp
tiến vào hiện đại
Nguyễn Thị Thu Trang
Nhớ Nguyễn Mỹ
Đoàn Minh Tâm
Bản sắc văn hóa Việt trong tiểu thuyết lịch sử
của Phùng Văn Khai
Phúc Nguyễn
Đi dưới trời xanh
Minh Ngọc
Điện ảnh trong đại dịch
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Mũi Cá Mập - Côn Đảo Tranh: Lê Kinh Tài
Minh họa: Lê Trí Dũng, Đỗ Dũng, Phạm Minh Hải,
Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Đăng Phú, PV.
VNQD