Chuột từ biểu tượng văn hóa đến hình tượng văn học

Chủ Nhật, 26/01/2020 09:13

Chuột là loài vật luôn hiện hữu trong cuộc sống con người, bao gồm cả đời sống vật chất lẫn đời sống văn hóa tinh thần. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, chuột trở thành biểu tượng liên/ xuyên văn hóa mang sức mạnh biểu trưng cho ý niệm đa chiều về vũ trụ, nhân sinh, tâm linh, nhân tính. Danh xưng “chuột” đã đi vào ngôn ngữ đời sống qua lời ăn tiếng nói hằng ngày, qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện cổ và trở thành hình tượng nghệ thuật trong các sáng tác văn chương.

 

Chuột - biểu tượng văn hóa nước đôi

Với đặc tính loài, chuột sinh sôi nảy nở rất nhanh và là một trong những loài có khả năng thích nghi cao với mọi môi trường sống. Chúng có mặt khắp nơi và con người không ít lần “chạm trán” với chúng. Câu chuyện của người và chuột liên quan đến cuộc đấu tranh sinh tồn diễn ra trong suốt hành trình lịch sử loài người. Chuột nghiễm nhiên trở thành kẻ thù nhỏ bé, đông đúc và nguy hiểm của nhân loại. Con người sợ hãi, ghét bỏ và tìm mọi cách tiêu diệt chúng. Song theo quy luật sinh thái tự nhiên và tinh thần, con người vẫn gắn bó với chuột, thậm chí quý chuột và thờ chuột. Đây chính là tính nước đôi trong văn hóa ứng xử của nhân loại không chỉ riêng với loài chuột.

Trong văn hóa phương Tây, chuột thường gắn với những ý niệm tiêu cực, xấu xa: kẻ phá hoại, kẻ chiếm chỗ, kẻ ăn cắp, kẻ gieo rắc tai họa - bệnh tật. Từ cổ xưa, chuột là “một biểu tượng âm ti, đóng vai trò quan trọng trong văn minh Địa Trung Hải từ thời tiền Hi Lạp”(1). Tín ngưỡng thờ chuột được cho là ra đời ở Hi Lạp từ thế kỉ XV trước Công nguyên. Trong bộ sử thi Hi Lạp vĩ đại Iliad, Homer đã kể câu chuyện về một con chuột bạch linh thiêng sống dưới bàn thờ thần Apollon trên đảo Tenedos. Cũng trong bộ sử thi này, thần Apollon được nhắc đến dưới cái tên Smintheus - phối sinh từ một từ có nghĩa là “chuột”. Ngay từ cái tên đã thể hiện tính nước đôi của biểu tượng: con chuột truyền dịch hạch là biểu tượng của Apollon - thần gieo bệnh dịch hạch; nhưng mặt khác, Apollon lại che chở loài người chống lại các loài chuột - vị thần của mùa màng. Và cũng từ đây, chuột thần có tên là Apollon Smintheus được nhiều cộng đồng tôn thờ. Các câu chuyện lưu truyền dưới thời Hi Lạp cổ đại cho thấy nhiều bộ lạc đã coi chuột là vật tổ (totem), dùng tên chuột để đặt tên thị tộc, lấy hình ảnh chuột làm biểu tượng cho cộng đồng hoặc in trên đồng tiền. Song dần dà, những nguy hại khủng khiếp mà loài chuột gây ra cho người châu Âu, nhất là các cơn đại dịch cướp đi mạng sống của nhiều người, khiến chúng mất dần địa vị và sự tôn thờ trong văn hóa phương Tây.

Thế nhưng, trong văn hóa đại chúng, chuột lại trở thành biểu tượng có sức lan tỏa lớn, nhất là với thế giới trẻ thơ. Nhân vật hoạt hình chuột Mickey và cô bạn gái Minnie đáng yêu- biểu tượng của Hãng phim Walt Disney - xuất hiện lần đầu năm 1928 chuyển tải thông điệp sâu sắc về “một anh bạn nhỏ cố gắng hết sức những gì anh ta có thể”, “tất cả sự thành công lớn bắt đầu từ một chú chuột bé nhỏ” (Walt Disney). Hay hình ảnh chú chuột màu nâu thông minh, lém lỉnh, láu cá Jerry trong chuỗi phim hoạt hình Tom và Jerry được sáng tạo năm 1945 bởi William Hanna và Joseph Barbera của Tập đoàn truyền thông Mĩ Metro-Goldwyn-Mayer đã vượt qua mối quan hệ giữa kẻ đi săn và con mồi thường thấy. Thay vì là “nạn nhân” trong sự sắp đặt của tạo hóa, Jerry đã không ít lần đánh bại và hành hạ mèo Tom. Với câu chuyện mèo và chuột, các tác giả đã chứng minh, không có gì là tuyệt đối, ngay cả quy luật của tự nhiên, con người có thể tác động để thay đổi một phần nào đó; và quan trọng hơn, mối quan hệ loài phải được khởi sinh từ sự tôn trọng lẫn nhau.

So với phương Tây, ở phương Đông, nhất là những khu vực gắn với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, dấu ấn của loài chuột in đậm trong đời sống lao động, sinh hoạt và đặc biệt là trong văn hóa tinh thần của con người. Loài chuột trong văn hóa phương Đông cũng mang biểu tượng có tính chất nước đôi rõ rệt. Trong thần thoại của một số dân tộc Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Hoa, chuột là “ân nhân” khi gắn với nạn đại hồng thủy và sự tái sinh của loài người. Bất kể loại hình chăn nuôi hay trồng trọt, từ khắp mọi miền, chuột hiện hữu như một phần của cuộc sống. Chúng chiếm vị trí đầu tiên trong mười hai con giáp và được xem là biểu tượng của sự trung thực, lòng vị tha, chí cầu tiến, tính hào phóng. Sự tồn sinh của cư dân nơi đây dựa nhiều vào thành quả trồng trọt, vì vậy, người Trung Hoa luôn ám ảnh về sức phá hoại khủng khiếp của loài chuột. Ở một khía cạnh khác, khả năng dự báo thiên tai của chúng đã giúp con người tránh được các nguy cơ, rủi ro. Do đó, trong tín ngưỡng của người Trung Hoa tồn tại tục thờ chuột, nhiều vùng còn dựng miếu, tổ chức cúng bái, dâng lễ để cầu mong mùa màng bội thu, đời sống bình yên.

Văn hóa Việt gắn liền với nền văn minh lúa nước, cố nhiên, loài chuột cũng dự phần không nhỏ vào đời sống vật chất và tinh thần của người Việt từ ngàn xưa. Do những phiền toái và nguy cơ mà loài chuột gây ra, người Việt luôn tìm cách chế ngự và tiêu diệt chúng. Hình ảnh chuột thường gắn với những ý niệm tiêu cực: phá hoại, dơ bẩn, tai họa, đồng thời được vay mượn nhằm ám chỉ về thành phần “gặm nhấm”, gian lận của cải. Tuy vậy, người Việt cổ vẫn dành cho chúng một vị trí nhất định trong văn hóa tinh thần của mình. Trong mười hai con giáp, chuột được xếp đứng đầu, trên cả loài vật linh thiêng và uy mãnh như rồng, hổ, đã thế năm Tý còn là năm đầu của một kỉ - chu kì sáu mươi năm. Điều này có thể được lí giải một phần bởi đặc tính sinh sôi nảy nở của chuột phù hợp với ước vọng mùa màng bội thu của cư dân vùng trồng trọt. Về sau, khi nền nông nghiệp phát triển, cái đói không còn là nỗi ám ảnh, cùng với việc con người tìm ra nhiều phương cách tiêu diệt chuột, sự sùng bái đối với chúng giảm dần.

Tính chất nước đôi, phong phú trong văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy chuột là một trong những loài vật đồng hành với nhân loại từ thuở sơ khai. Do những đặc tính loài, chuột vừa khiến con người sợ hãi, ghét bỏ, vừa được con người tôn quý, thờ phụng. Từ biểu tượng văn hóa, hình ảnh chuột đã dịch chuyển, khúc xạ vào đời sống con người. Nó chuyên chở nhiều biểu trưng độc đáo, thú vị trong ngôn ngữ và văn hóa nhân loại, trở thành chủ đề được không ít nhà văn quan tâm khai thác.

 

Chuột - hình tượng văn học độc đáo

Trên thế giới, so với các loài vật khác, mặc dù chuột ít khi được lựa chọn làm nhân vật trung tâm trong văn học, song không vì thế mà hình tượng này trở nên ít đặc sắc. Từ rất xưa, các câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine đã mượn chuột làm hình ảnh để ẩn dụ về kiểu họp phù phiếm, phát biểu vu vơ rồi giải tán, không mang lại kết quả gì: … Té ra cuộc luận bàn thật hão/ Có lạ gì bàn láo xưa nay/ Chẳng là việc chuột thế này/ Việc dân việc nước cũng hay bàn xằng (Hội đồng chuột - Nguyễn Văn Vĩnh dịch).

Chuột luôn xuất hiện trong hành trình lịch sử nhân loại, trở thành chứng nhân và tác nhân ám ảnh con người. Tiểu thuyết nổi tiếng Dịch hạch (1947) của Albert Camus đã tái hiện về thảm họa do loài chuột gây ra, cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu con người. Những cái chết phi lí để lại trong nhân loại nỗi hoang mang, lo âu, sợ hãi về những điều bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Câu chuyện về nạn dịch hạch còn mang những dự cảm bất an, rằng bất kì hình thức bạo lực hoặc phi bạo lực nào cũng trở thành mối đe dọa cuộc sống loài người. Tiểu thuyết Của chuột và người (1961) của John Steinbeck mượn hình ảnh chuột để ẩn dụ về số phận lang bạt, trôi nổi vô định, hoang mang lạc lối của những kẻ làm thuê trong thời kì đại khủng hoảng. Sau cuối, “những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”.

Trong số những tác phẩm viết về thế giới loài chuột, có lẽ tiểu thuyết Gió qua rặng liễu (1908) của Kenneth Grahame mang màu sắc tươi sáng hơn cả. Tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Anh này được mệnh danh là “Cuốn sách của mọi nhà”. Bốn người bạn Chuột Nước, Chuột Chũi, bác Lửng cùng ngài Cóc trái khoáy với những cuộc phiêu lưu kì cục trên và bên sông, và cả trong tòa lâu đài hoành tráng của ngài Cóc đã vẽ nên một thế giới thiên nhiên kì thú. Đằng sau câu chuyện của chuột và những người bạn, tác phẩm truyền đi thông điệp sâu sắc về tình bạn, lòng vị tha, cao thượng, về tình yêu thương, về thế giới đại đồng.

Dân tộc Việt vốn thoát thai từ nền văn hóa lúa nước, hình ảnh con chuột cũng trở nên gần gũi, thân thuộc trong tâm thức mỗi người dân Việt. Chuột và những đặc tính của nó đã đi vào lời ăn tiếng nói dân gian. Dựa vào hình dáng và các bộ phận của chuột, người Việt đã sáng tạo kho từ vựng phong phú liên quan trong đời sống: dưa chuột (loại quả thon dài có hình dáng con chuột), rễ chuột (chiếc rễ cái của cây giống chiếc đuôi chuột đâm sâu xuống đất), trò chơi bắt chuột (dùng ngón cái và ngón trỏ bấm vào bắp thịt cánh tay, nơi đó sẽ nổi lên một cục giống hình con chuột nhỏ). Hay chuột được dùng trong thuật ngữ y học - chuột rút, chỉ tình trạng cơ bị co rút khi hoạt động nhiều. Có khi dân gian còn dùng để chỉ mối quan hệ nam nữ bất chính, lén lút, không đàng hoàng: chim chuột.

Trong kho tàng văn học dân gian, người Việt thường khai thác những đặc tính không mấy tốt đẹp của loài chuột để nói chuyện loài người. Hình ảnh chuột được ví von với tình trạng con người khốn đốn, khổ sở, thất bại: “Ướt như chuột lột”, “Chuột chạy cùng sào”, “Chuột sa cũi mèo”, “Lôi thôi như mèo sẩy chuột”, “Ném chuột vỡ lu”... Đặc biệt, chuột được dùng để ám chỉ về những thói hư tật xấu của con người: vong ơn bội nghĩa, làm ơn mắc oán (“Chuột cắn dây buộc mèo”); hợm hĩnh, tự cao tự đại, đài các rởm, đua đòi không phải lối, trở nên lố bịch (“Chuột chê xó bếp chẳng ăn/ Chó chê nhà dột sang nằm bụi tre”, “Chuột chù đeo đạc”, “Chim chích mà đậu cành sồi/ Chuột chù trong ống đòi soi gương Tàu”, “Voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng”, “Mèo khen mèo dài đuôi/ Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo”); khoe khoang, khoác lác, phô trương, vô tích sự (“Chuột chù lại có xạ hương”, “Đầu voi đuôi chuột”); không biết mình biết ta (“Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm”); ngu dốt còn ra vẻ ta đây (“Chuột chù nếm giấm”); vô kỉ luật, lợi dụng làm bậy (“Mèo ra cửa, chuột xướng ca”); giả tạo, che đậy bản chất thật, cuối cùng cũng bị lộ tẩy (“Chuột đội vỏ trứng”, “Mèo già khóc chuột”, “Cháy nhà ra mặt chuột”, “Chuột chạy hở đuôi”); liều lĩnh, dại dột, phiêu lưu vô lối (“Chuột gặm chân mèo”, “Mèo nhỏ bắt chuột to”); cơ hội, phất lên nhờ vận may chứ không phải bằng thực lực hay cố gắng (“Chuột sa chĩnh gạo”, “Chuột sa bồ nếp”); chậm chạp, lù đù (“Lù đù như chuột chù phải khói”); gian xảo, lấm lét, chực chờ hại người (“Mắt dơi mày chuột”, “Len lét như chuột ngày”); lười biếng, trốn tránh trách nhiệm (“Lủi như chuột”); mập mờ, gian dối, lai căng (“Nói dơi nói chuột”, “Nửa dơi nửa chuột”)…

Trong văn học viết, hình tượng chuột cũng xuất hiện khá nhiều với những màu sắc đa dạng. Trinh thử (Con chuột trinh tiết) là truyện thơ Nôm dài tám trăm năm mươi câu lục bát và hai bài thất ngôn Đường luật, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về tác giả và thời điểm ra đời(2). Câu chuyện kể về con Chuột Bạch đang đi kiếm ăn bỗng nghe thấy tiếng chó sủa, sợ hãi chạy nấp vào hang Chuột Đực. Chuột Đực bèn tìm mọi cách gạ gẫm, dụ dỗ, nhưng Chuột Bạch kiên quyết từ chối, kháng cự. Biết không thể lay chuyển, Chuột Đực đành chữa thẹn và để cho Chuột Bạch ra về. Nhưng vừa ra đến cửa, nó gặp Chuột Cái về hang. Chuột Cái nổi máu ghen chạy đến nhà Chuột Bạch xỉ vả, nhục mạ. Mèo ở đâu xuất hiện, Chuột Bạch chạy thoát, còn Chuột Cái sa xuống ao. May lúc đó có Hồ Sinh cứu giúp, đuổi Mèo đi và vớt Chuột Cái lên, sau đó minh oan cho Chuột Bạch, đồng thời khuyên nhủ Chuột Cái cần biết cách khuyên dỗ chồng. Có thể thấy, Trinh thử mượn câu chuyện loài vật để ca ngợi hình ảnh người phụ nữ góa chồng chung thủy, đả kích bọn dâm dật giở trò ong bướm và phê phán người đàn bà ghen tuông mù quáng. Một số sự kiện còn ẩn ý hướng về tình hình chính sự triều Trần, chĩa mũi nhọn vào bọn quyền thần luồn cúi, bán rẻ lương tâm đổi lấy danh vọng, địa vị.

Văn học trung đại còn xuất hiện một tác phẩm rất đáng chú ý của Nguyễn Đình Chiểu lấy hình ảnh chuột làm chất liệu sáng tác - Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột). Tác giả đã dùng hình ảnh họ nhà chuột nhằm đánh vào thực dân Pháp, vạch trần tội ác cướp nước hại dân của chúng: Cớ sao lại đem lòng quỷ quái?/ Cớ sao còn làm thói gian tham?/ Túi Đông Pha thường bữa tha gừng;/ Ruộng Nam Quách ghe phen cắn lúa./ Nếp gạo của trời nuôi mạng, ăn phá rồi còn kéo xuống hang;/ Nệm mềm của chúng che thân, cắn nát lại tha về tổ.

Đến văn học hiện đại và đương đại, hình ảnh chuột tuy xuất hiện không nhiều, song cũng thể hiện chất ngụ ngôn, giễu nhại, tiêu biểu như O Chuột, Truyện gã chuột bạch (1942, Tô Hoài) và SBC là săn bắt chuột (2011, Hồ Anh Thái). Viết về loài chuột, Tô Hoài đã không theo định kiến thông thường - ghét bỏ, coi khinh - mà với một quan niệm mới mẻ, ít nhiều có thiện cảm. Câu chuyện về thế giới loài chuột phảng phất hình ảnh của con người với những tập tục sinh hoạt, những cảnh buồn vui, những tính cách phức tạp. Với khả năng quan sát tinh tường và sự nhập vai biến hóa, tác giả đã lồng vào những phận người nhiều nỗi đời bé mọn, cơ cực, tù túng trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Còn trong SBC là săn bắt chuột, với bút pháp hiện thực huyền ảo cùng lối viết giễu nhại, trào lộng sâu cay, Hồ Anh Thái đã phác họa một thế giới chuột và cuộc chiến với con người. Hình tượng chuột trong tác phẩm của Hồ Anh Thái mang bóng dáng của tranh Đông Hồ Đám cưới chuột, những chú chuột nổi tiếng của văn hóa đại chúng phương Tây và cả những chú chuột quang máy tính hiện đại. Lấy hình ảnh chuột để quy chiếu về nhân sinh, nhân tính, nhân tình và nhân vị với biết bao trớ trêu, nghịch cảnh, phi lí, thô lậu, xấu xa, Hồ Anh Thái đã trực diện lột tả sự tha hóa, phi nhân, đồi bại của con người đương thời.

 

*

* *

Với tư cách là một biểu tượng liên văn hóa, chuột đã in “dấu chân” trong tín ngưỡng, phong tục, đời sống nhân loại nói chung và người Việt nói riêng từ thuở xa xưa. Biểu tượng chuột đã nối kết những kí ức văn hóa nhân loại với cuộc sống hôm nay

N.V.H

 

--------

1. Chevalier Jean, Gheerbrant Alain (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Nhiều người dịch), Nxb Đà Nẵng, tr.192.

2. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên, 2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, tr.1820.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)