. HẢI MIÊN
Khi tôi còn là hạt bụi
Người đã lên tàu đi xa
Khi quê hương còn chìm nổi
Người đã lên tàu đi xa
…
Bác đã là người đi trước
Khai rừng băng sông mở lối
Cho tôi có cả cuộc đời…
Giai điệu bài hát Dấu chân phía trước, thơ Hồ Thi Ca, nhạc Phạm Minh Tuấn, cứ vang vọng trong tôi suốt hành trình đọc cuốn truyện - kí Theo dấu chân Người, của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú. Cuốn sách vừa được Nxb Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2024, và ngay lập tức được tái bản (có bổ sung) chỉ trong vòng hơn một tháng.
![](http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-480-2025-2-7/cuon-sach-theo-dau-chan-nguoi-cua-nha-van-trinh-quang-phu-17246878372761736220495.jpg)
Trong cuộc đời cầm bút của mình, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú dành phần lớn thời gian, tâm sức để sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và sáng tác văn học về Bác Hồ. Ông đã xuất bản 8 tác phẩm viết về Bác Hồ: Người là niềm tin (Nxb Thanh niên, 1973), Miền Nam trong trái tim Người (Nxb Thanh niên, 1974), Bác Hồ ở Phan Thiết (Nxb Thuận Hải, 1980), Đường Bác Hồ đi cứu nước (tái bản 8 lần, nhiều nhà xuất bản), Theo Bác đi kháng chiến (tái bản 8 lần, nhiều nhà xuất bản), Đường Bác Hồ đi cứu nước (in gộp cả Theo Bác đi kháng chiến, tái bản 17 lần, nhiều nhà xuất bản), Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (tái bản 22 lần, nhiều nhà xuất bản), Theo dấu chân Người (Nxb Hội Nhà văn, 2024). Có thể nói, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú là một chuyên gia về Bác Hồ.
Trong một cuộc trò chuyện gần đây trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi có hỏi nhà văn Trình Quang Phú: Việc tiếp cận vấn đề Hồ Chí Minh từ góc độ nhà nghiên cứu và nhà văn, với ông, có gì khác biệt? Trả lời câu hỏi này, nhà văn Trình Quang Phú cho rằng, thực ra, chỉ cần viết chân thực về Bác Hồ đã rất hay, rất ý nghĩa rồi. Tuy nhiên, văn chương khác với báo chí và nghiên cứu ở chỗ, nó làm cho hình tượng, câu chuyện, sự kiện trở nên sinh động, mềm mại hơn, từ đó, dễ thấm thía vào lòng người hơn.
Có thể thấy rằng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một di sản vĩ đại. Di sản đó cần được chuyển hóa một cách nhuần nhị vào nhiều hình thức khác nhau của đời sống chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng. Từ văn học nghệ thuật, theo cách đặc thù của diễn ngôn nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ càng thấm sâu và bền bỉ hơn trong tâm hồn con người. Quan điểm của Trình Quang Phú, như vậy, đã cho thấy ý thức đầy khác biệt của một nhà văn trước đối tượng vĩ đại của lịch sử và văn chương nghệ thuật. Sự dịch chuyển từ một nhà báo, nhà nghiên cứu - sưu tầm tư liệu về Bác sang một nhà văn viết về Bác là hành trình tất yếu của một người viết hiểu con đường mình đi, đồng thời đáp ứng tiếng gọi tha thiết từ trái tim, tâm hồn của một nhà văn luôn ngưỡng vọng trước hình tượng Bác Hồ.
Theo dấu chân Người, được định danh thể loại là một cuốn truyện - kí. Như vậy, bên cạnh những tư liệu đảm bảo tính khách quan, xác thực, sẽ có thêm phần sáng tạo, gửi gắm của nhà văn, làm cho nhân vật, sự kiện trở nên sống động, linh hoạt, khắc phục tính xơ cứng, khô khan của kí sự, lịch sử.
Từ những tư liệu lịch sử, Trình Quang Phú đã nối kết, xâu chuỗi, tạo thành một văn bản đậm tính nghệ thuật. Qua đó, hình tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Văn Ba), Nguyễn Ái Quốc, Chen Vương (Trần Vương), Lý Thụy, Tống Văn Sơ (những bí danh của Bác khi hoạt động ở nước ngoài), cùng những nhân vật khác như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Phan Bội Châu, Thuyền trưởng Louis Édouard Michel của tàu Amiral Latouche Tréville, Marcel Cachin (người cầm lái Đảng Xã hội Pháp), Albert Sarraut (trước đó là Toàn quyền Đông Dương, thời điểm gặp Nguyễn Ái Quốc là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp), những đồng chí đại diện của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc, vợ chồng luật sư Loseby, Lared (nữ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp), Lý Phương Liên, Lâm Muội (những nữ đồng chí tham gia hoạt động cùng Bác, vừa làm liên lạc, vừa che mắt mật thám), Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đã lần lượt hiện lên một cách sinh động, như là những nhân vật văn học, với lời nói, hành động, tính cách rất rõ rệt. Tổ chức được một thế giới truyện kể với rất nhiều nhân vật, sự kiện, trải rộng trong không gian từ Á sang Âu - Phi - Mĩ Latin và quay về Trung Quốc, Hồng Kông, Xiêm, Malai, Singapore, Việt Nam… kéo dài hơn 30 năm, đòi hỏi một tư duy bao quát, có hệ thống, mạch lạc, và quan trọng hơn cả là phải hiểu con người, sự kiện, vùng đất, văn hóa - lịch sử - xã hội ở những nơi mà nhân vật đã sống và làm việc. Điều đó không dễ một chút nào. Vậy mà, Trình Quang Phú đã làm được, để đem đến một truyện kể hấp dẫn. Tại đây, phẩm chất nhà văn của ông cũng được bộc lộ rõ nét.
Theo dấu chân Người là một truyện - kí với cấu trúc đan xen quá khứ - hiện tại. Quá khứ là những sự kiện - vùng đất - con người, nơi Bác Hồ đã đi qua, được tái hiện một cách hình tượng. Sau mỗi phần tái hiện quá khứ, là một phần ghi chép của hiện tại (“theo dấu chân Người”), nơi nhà văn ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của mình trên hành trình tìm đến những địa danh đã in dấu chân Bác Hồ. Cấu trúc đan xen này tạo nên sự linh hoạt về điểm nhìn trần thuật, hóa giải áp lực của sự kiện - nhân vật lịch sử có tính tư liệu. Đồng thời, từ điểm nhìn hôm nay, Theo dấu chân Người làm hiện lên chân dung nhà văn Trình Quang Phú, một người tận tâm, dành cả đời mình để đi theo dấu chân Bác.
Đọc tập truyện - kí Theo dấu chân Người của Trình Quang Phú, nương theo dòng sự kiện, thời gian, không gian, diễn biến cuộc đời nhân vật trung tâm (Nguyễn Ái Quốc), khép cuốn sách lại, ta giật mình nhận ra, đó không hẳn chỉ là một tập truyện - kí. Chính xác hơn, đó là cuốn tiểu thuyết về một con người vĩ đại cùng hành trình 30 năm bôn ba “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Cơ sở nào để ta có thể đoan quyết điều đó? Hãy bắt đầu từ Làng Sen, đến Bến Nhà Rồng, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã để lại bên bờ sóng những tình cảm riêng tư (tình cha, tình yêu) bước chân lên tàu Amiral Latouche Tréville với khát vọng duy nhất là tìm ra con đường độc lập, tự do cho nước nhà. Kể từ đó, hành trình qua “những đất tự do, những trời nô lệ”, trên xứ tuyết trời Âu hay những vũng tối tăm lầm than nô lệ, đã khắc họa thật sinh động chân dung một con người với ý chí cao cả, với nghị lực phi thường và quyết tâm không gì lay chuyển nổi, nhằm tìm ra phương pháp - con đường giải phóng dân tộc. Những bước đầu tiếp xúc với phương Tây, những mối quan hệ từ ban sơ đến thâm giao trong tình bằng hữu và tình đồng chí, những tìm kiếm chân lí từ trong mịt mù trứng nước, những khó khăn gian khổ của hoàn cảnh sống, của khí hậu khắc nghiệt, tù đày, ám sát, sự đe dọa trực tiếp (và cả gián tiếp) từ các thế lực chính trị - đảng phái ngăn trở con đường hoạt động cách mạng… càng làm ngời sáng thêm hình tượng Nguyễn Ái Quốc. Cùng với đó, tổ chức truyện kể theo thời gian, không gian tuần tự, đã tạo tính liên tục cho mạch tự sự. Đi suốt cuốn sách, người đọc sẽ hình dung ra 30 năm bôn ba hải ngoại của Nguyễn Ái Quốc, từ 5/6/1911 ra đi trên Bến Nhà Rồng, đến ngày 28/1/1941 khi Người trở về Việt Nam, đặt chân lên mảnh đất quê hương: Ôi sáng xuân nay, xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về… Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ/ Bác đã về đây, Tổ quốc ơi/ Nhớ thương hòn đất ấm hơi người/ Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi… (Theo chân Bác - Tố Hữu), Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên).
Theo dấu chân Người vừa là một công trình nghiên cứu công phu, vừa là một cuốn tiểu thuyết (trong hình hài tập truyện - kí) tâm huyết của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú. Hầu như, những địa danh mà Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến đều được Trình Quang Phú lần tìm trở lại, với những câu chuyện, nhân vật của đương thời, trong tuổi trẻ sôi nổi, đầy hoài bão và khát vọng tìm đường cứu nước, cứu nhà của Bác. Để làm được điều đó, Trình Quang Phú đã dành rất nhiều thời gian đi và sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép, đối chiếu cảnh cũ người xưa với những biến chuyển của lịch sử, thời gian, hiện tại. Bằng lối viết giản dị, ngôn ngữ cô đọng, chân thành, những ghi chép, xâu chuỗi, kết nối của nhà văn đã mang đến một câu chuyện dài, nhiều tình tiết, tình huống, nhân vật, sự kiện diễn ra của gần 100 năm trước. Đó là những câu chuyện, nhân vật, có nhiều ảnh hưởng đến cục diện chính trị - quân sự - ngoại giao thế giới, trong giai đoạn đầy biến động (1911 - 1941). Điểm rất thú vị là, bằng trí tưởng tượng của nhà văn, thông qua việc tìm hiểu tư liệu, có khi đó là những tư liệu quý hiếm, mới giải mật hoặc lưu trữ trong thư khố của các nước sở tại, Trình Quang Phú mô tả lại được dấu vết xưa một cách sinh động. Đặc biệt, bằng trái tim giàu trắc ẩn của một nhà văn, ông thâm nhập vào tâm lí nhân vật, làm hé lộ những góc riêng tư, thầm kín, đời thường của Nguyễn Ái Quốc cùng nhiều nhân vật lịch sử khác. Họ hiện ra sinh động hơn, có ngôn ngữ, hành động, tính cách mà thường các ghi chép lịch sử không mấy khi lưu ý. Đó là miền đất của văn chương nghệ thuật mà Trình Quang Phú đã khéo léo gây dựng trên nền của những sự kiện, nhân vật lịch sử. Như thế, đóng góp của Trình Quang Phú không chỉ trên lĩnh vực nghiên cứu - trình ra sử liệu, mà còn là của một nhà văn với khả năng xây dựng thế giới nghệ thuật, khắc họa tính cách - số phận nhân vật cùng ngôn ngữ văn chương giản dị, chân thành mà thấm thía.
Thời gian gần đây, tôi rất lưu ý đến hai khái niệm trong nghiên cứu văn học - văn hóa. Đó là khái niệm “bản sắc chuyển động” và “quản chế tự sự”. Với Trình Quang Phú, bản sắc chuyển động của ông là từ một liên lạc viên tập kết ra Bắc, trở thành một học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, sau đó dần trưởng thành, làm báo, làm ngoại giao, tham gia vào nhiều sự kiện chính trị của Việt Nam, được làm việc và gặp gỡ nhiều nhân vật lịch sử quan trọng của Nhà nước, được gặp Bác Hồ, được Bác Hồ khen thưởng… Cuộc đời làm báo, làm ngoại giao, với lòng kính ngưỡng dành cho Hồ Chí Minh đã đưa Trình Quang Phú đến với nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới từng in dấu chân Bác Hồ. Đó là cơ hội để ông tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu và viết về Bác. Bản sắc ấy ngày càng định hình một cách tầm vóc hơn khi trong tư cách nhà văn, ông nhận ra khả năng, sức mạnh của văn chương nghệ thuật trong việc chuyển tải tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư cách ấy không phải ngày một ngày hai mà có được. Đó là kết tinh của hơn 60 năm bền bỉ đi, kiếm tìm, nghĩ và viết về Bác Hồ vĩ đại.
Khái niệm quản chế tự sự có thể hiểu là những yếu tố chi phối cả ý thức và vô thức đối với chúng ta trong việc kể chuyện (rộng hơn là trong cách thức tạo lập diễn ngôn). Tự sự, ghi chép về Bác Hồ, rõ ràng đã tiềm tàng một hệ quản chế rất chặt chẽ, mà có lẽ Trình Quang Phú là người hiểu hơn ai hết. Từ những cuốn sách đầu tiên viết về Bác, đến cuốn truyện - kí Theo dấu chân Người, Trình Quang Phú thực sự đã làm việc trong một hệ quản chế vừa nghiêm cẩn, đòi hỏi chính xác, trung thực, khách quan; vừa phải mở rộng trí tưởng tượng của mình để chất nghệ thuật có điều kiện nảy nở, thăng hoa. Cái này bổ sung cho cái kia, cả hai nương tựa vào nhau để có một cuốn truyện - kí về 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài của Nguyễn Ái Quốc vừa đầy ắp tư liệu, vừa mềm mại, thấm thía. Tôi nghĩ rằng, đó là một lựa chọn thành công của nhà văn Trình Quang Phú.
Những con đường mở ra dưới chân người đi. Những con đường mở ra trong trái tim, với khát vọng lên đường, với nhịp đập mạnh mẽ đòi hỏi cất bước… Có những con đường trở thành biểu tượng, thành chân lí, như con đường vĩ đại mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Theo dấu chân Người là hành trình tìm lại những dấu vết xưa ấy, để các thế hệ hôm nay hiểu hơn về một con người vĩ đại, làm vững vàng hơn điểm tựa cho hiện tại, hướng tới tương lai. Với GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú, tôi tin rằng, ông sẽ còn tiếp tục “theo chân Bác”, để nuôi dưỡng tình yêu bất diệt dành cho Bác Hồ kính yêu.
H.M
VNQD