Sau khi đi xem vở Chú mèo dạy hải âu bay được nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng dựa theo Câu chuyện về con mèo dạy hải âu bay của nhà văn người Chile Luis Sepúlveda, một bạn nhỏ nói với bố: “Bố ơi, con muốn bay!”
Trẻ em luôn ấp ủ thật nhiều ước mơ, trong đó có mong muốn được nhấc mình khỏi mặt đất buồn chán để bay về phía bầu trời kì lạ và đầy bí ẩn nơi xa. Nó đồng nghĩa với khao khát được trải nghiệm, sẵn sàng bước vào những cuộc phiêu lưu mới, chấp nhận thử thách để có thêm nhiều khám phá. Tinh thần sôi nổi ấy cũng là một thứ lý tưởng cần được cổ vũ, vun đắp để giúp những người trẻ trong tương lai dám làm dám sống, mở ra được những con đường mới mẻ chưa có dấu chân in. Những giấc mơ bé bỏng bây giờ đang được chắp cánh, nuôi dưỡng bằng nhiều cách. Và lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ nhà hát Tuổi Trẻ cũng đang góp phần vào công cuộc ấy.
Anh Tú trong vai chú mèo Zorba và Lệ Quyên trong vai cô hải âu Lucky đều nhập vai duyên dáng.
Sân khấu hoá các tác phẩm văn học thiếu nhi
Vở kịch Chú mèo dạy hải âu bay (Biên soạn: Nguyễn Công Đức; Đạo diễn: Đào Duy Anh) được công diễn vào tháng Thiếu nhi đang mở ra một hướng đi thú vị mới, trực tiếp kết nối sân khấu với văn hoá đọc. Cách tiếp cận này có thể mang đến cơ hội giải quyết cả hai vấn đề đang khiến chúng ta băn khoăn: xây dựng thói quen đọc và thói quen thưởng thức nghệ thuật kịch nói. Nhiều em bé đến xem kịch còn mang theo cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay. Sau buổi xem kịch, các em bàn nhau sôi nổi về tạo hình của từng nhân vật, xem có giống như mình hình dung khi đọc truyện không. Một số em chưa đọc thì giục “Bố mẹ tìm sách cho con đọc nhé!”. Việc đọc sách rồi, biết cốt truyện rồi khiến các em xem kịch hào hứng hơn. Và ngược lại. Ngắm bọn trẻ hào hứng tương tác với nhân vật trên sân khấu, kêu lên lo lắng khi mèo hoang định tấn công bé hải âu Lucky, cười khúc khích khi hải âu non chạy theo chú mèo Zorba và gọi: “Mommy!”, tôi chợt nghĩ đến một loạt các tác phẩm khác cho thiếu nhi của các tác giả trong nước và thế giới. Thông qua sân khấu kịch nói, trẻ hoàn toàn có thể tiếp cận theo một cách riêng thú vị với những nhân vật như Peter Pan (J.M. Barrie), Alice trong xứ sở kì diệu (L. Carrol), Mít Đặc và Biết Tuốt (N. Nosov), Dế mèn (Tô Hoài), các cư dân xóm Bờ Giậu (Trần Đức Tiến), chú Gấu và các con vật trong vòng đu quay (Xuân Quỳnh), ông Ba Bị (Lạc An), cá linh và các cư dân tôm cá của vùng đồng bằng sông Cửu Long (Lê Quang Trạng)… Đương nhiên, ở đây cần đến cái tài của nhà biên kịch: không bê toàn bộ tác phẩm lên sân khấu mà khai thác một câu chuyện, một khía cạnh, trao gửi đến các em một thông điệp đáng yêu, một ẩn ý sâu xa về cuộc đời, cổ vũ trí tưởng tượng bay bổng của các em, kể cho các em nghe về thế giới ngoài kia rộng lớn để khuyến khích những giấc mơ táo bạo của con người. Lời thoại được lựa chọn trích từ tác phẩm văn học kết hợp với âm nhạc và những phương tiện tạo ấn tượng thị giác sẽ mang đến cho khán giả nhỏ tuổi những cảm xúc mạnh mẽ, gieo vào tâm hồn các em những hạt mầm của lòng nhân ái và cái đẹp.
Những giấc mơ bay cùng cánh hải âu
Trở lại với vở kịch Chú mèo dạy hải âu bay, tôi nhớ, ấn tượng đầu tiên là những cánh hải âu xao xác trên bầu trời bến cảng Hamburg khiến các cô bé cậu bé nín thở và sau đó có đôi chút hoảng hốt bất an trước những âm thanh xôn xao đầy xáo trộn của bầy chim. Cảnh mở màn được dàn dựng công phu về mặt thị giác: tấm màn mỏng được đẩy dần ra phía khán giả, mở ra mặt biển bao la. Những cánh chim chấp chới ẩn hiện trong ánh chớp. Một cảnh lộng lẫy dù ẩn chứa nhiều bất trắc. Tôi ước nó được kéo dài hơn đôi chút và âm nhạc mạnh mẽ, da diết hơn đôi chút, chưa vội ồn ào tiếng con người - để tặng cho tâm hồn bọn trẻ những câu hỏi… Đây là đâu? Chuyện gì đang xảy ra? Có phải…?
Những chú mèo trên bến cảng Hamburg cùng trợ giúp mèo béo Zorba thực hiện lời hứa với hải âu mẹ.
Trong khoảng 1 tiếng 20 phút diễn ra vở kịch, những tiếng cười khúc khích vang lên, tiếng đáp trả rộn ràng các câu hỏi tương tác của diễn viên… Các em nhỏ hoàn toàn bị cuốn hút vào vở kịch. Diễn xuất của Anh Tú (mèo béo Zorba), Nhật Quang (mèo Cesectalia), Anh Thơ (mèo Đại tá), Thanh Bình (mèo Einstein)… đều rất duyên dáng, hợp vai, lời thoại ngộ nghĩnh, dí dỏm. Bạn nhỏ ngồi cạnh tôi chỉ có chút nhận xét: “Zorba chưa đủ béo!”…
Có một vài khoảnh khắc cao trào như màn xuất hiện của lũ chuột và cảnh cô bé hải âu cất cánh trong đêm giông gió. Bầy chuột của… nhà hát Tuổi Trẻ thật có một không hai! Tạo hình đẹp, vũ đạo nhịp nhàng. Có thêm nét chấm phá của màn hình led với những đôi mắt loé sáng trong đêm. Đây cũng là một cảnh khó quên. Với cảnh bé hải âu Lucky (diễn viên Lệ Quyên) bay lên cùng dây đu, tạo hình của nhân vật tuyệt đẹp khiến các bạn nhỏ xuýt xoa thán phục. Cánh hải âu đã bay lượn được trên bầu trời đêm giông gió. Hoá ra, chỉ trong mưa gió, giông bão, chúng ta mới có cơ hội trưởng thành!
Thật cảm kích trước sự nỗ lực của tập thể nghệ sĩ nhà hát Tuổi Trẻ. Các cô chú đã mang đến một khởi đầu tuyệt đẹp cho mùa hè của các em nhỏ. Hơn thế nữa, cho cả gia đình, cho những người lớn tuổi. Lựa chọn tác phẩm này để chuyển thể, có thể nói, là một lựa chọn trúng đích. “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn..” - thông điệp ấy không chỉ làm trẻ em rung động mà người lớn đi cùng cũng có điều để nghĩ ngợi, bâng khuâng. Và tôi tin, những vở kịch sau của nhà hát sẽ được cả các em và bố mẹ các em mong đợi. Những “mùa hè yêu thương” với “giờ vàng” thứ bảy mỗi cuối tuần mà nhà hát vẫn dành cho các em mấy năm nay hẳn sẽ kết nối tình cảm các thành viên trong gia đình, khiến cả nhà có nhiều câu chuyện chung để thảo luận, thủ thỉ cùng nhau.
Một số hình ảnh trong vở Chú mèo dạy hải âu bay:
Diễn viên Anh Tú trong vai chú mèo Zorba.
Dàn mèo hoang trên bến cảng Hamburg cũng khá ấn tượng.
Và những con chuột dễ thương.
Cuối cùng hải âu Lucky đã cất đôi cánh nhỏ giữa bầu trời giông gió.
THỤY ANH
Ảnh: NHTT và CTV
VNQD