Dòng chảy

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã xong dự thảo

Thứ Tư, 17/05/2023 13:51

 Sáng 17/5/2023, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo giới thiệu dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng chủ trì họp báo có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam); Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam).

Tại họp báo, đại diện Ban Soạn thảo dự án Luật, Thiếu tướng Lưu Quang Vụ cho biết về sự cần thiết xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo đó, ngày 19/5/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đồng chí chủ trì họp báo thông tin về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tuy nhiên, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, như: Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ; việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ…

Đồng thời, Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có các quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định, hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung; trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, như: Luật Đất đai năm 2013; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020…. Tuy nhiên, do Pháp lệnh được ban hành từ năm 1994 nên có nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thực tiễn cho thấy, qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gần đây, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.

Buổi họp báo có sự tham dự của đại diện 47 cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Quân đội.

Từ những lí do trên, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh; đồng thời, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng từ giữa năm 2022. Quá trình xây dựng dự luật, Ban Soạn thảo dự án luật đã tiến hành khảo sát, hội thảo tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lấy ý kiến của 48 ban, bộ, ngành, địa phương; xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước.

Dự luật được xây dựng gồm sáu chương, 34 điều; với bốn nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kĩ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tại họp báo, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và Anh ninh Quốc hội đã thông tin những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật; đại diện các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh quá trình xây dựng và nội dung dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Theo kế hoạch, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến đối với dự án luật lần đầu tiên tại Kì họp thứ 5 tới và thông qua tại Kì họp thứ 6.

AN CHI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)