Làng Cổ Chất (xã Phương Đình, Trực Ninh, Nam Định) nằm bên dòng sông Ninh Cơ nổi tiếng từ thế kỉ trước với nghề nuôi tằm, trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa. Thời đô hộ, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà máy ươm tơ tại đây để khai thác kĩ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Trong thời kì công nghiệp hoá, cũng giống như các sản phẩm truyền thống khác, làng nghề Cổ Chất bị thu hẹp chỉ còn một số hộ mà đa phần là phụ nữ và người già còn giữ được quy trình chế biến thủ công nhọc nhằn này. Để giữ được những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả trong nắng như thế này, người dân làng Cổ Chất phải trải qua nhiều khâu đoạn chế biến nhọc nhằn.
Kén tằm được bà con tuyển chọn, phân loại, sau đó làm tơi để ươm. Trong quá trình ươm tơ, người thợ đun kén trong nước sôi 1000C cho keo tơ tan ra, giúp cho việc rút sợi dễ dàng. Thời gian từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén mất khoảng hơn 30 ngày. Kén tằm tốt phải mẩy, dễ kéo, ít áo, không cần lớn, nhưng đồng dạng về hình dáng và kích thước. Nếu ươm tơ bằng tay, phải mất gần 2 tiếng mới được một guồng tơ nhưng với sự hỗ trợ của máy móc, một guồng tơ giờ chỉ mất 1 tiếng đồng hồ. Trước kia người Cổ Chất chỉ ươm có tơ vàng, nhưng do nhu cầu, lợi ích kinh tế và nguồn cung nên người Cổ Chất ngày nay đã ươm cả tơ trắng. Ươm tơ đã từng là nghề chính mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã. Việc trồng dâu, nuôi tằm tốn rất nhiều công lao động mà thu nhập lại không ổn định do đó thế hệ trẻ bây giờ không mặn mà với làng nghề.
Hiện tại, cả làng nghề chỉ còn 20 đến 30 hộ ươm, se tơ. Các bó tơ được đưa vào các guồng quay để se sợi. Sợi tơ thành phẩm được chia thành 3 loại, sợi tốt nhất gọi là sợi mốt, rồi đến sợi mành và cuối cùng là sợi đũi để dệt các loại vải sồi, thô.
Quy trình ươm tơ đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo.
Để có kén ươm tơ, các hộ làng nghề phải thu mua từ các tỉnh lân cận, thậm chí là tận tỉnh Lâm Đồng... Không chỉ chi phí tăng lên mà trong quá trình vận chuyển kén bị dập nát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tơ, trong khi sản phẩm tơ hiện tại khó tiêu thụ, khiến người dân càng khó giữ nghề. Với đa phần người đảm nhiệm công việc là phụ nữ và người già. Có thể sẽ chẳng còn ai làm nữa nếu như lớp người này không còn, làng nghề ươm tơ nổi tiếng, có tuổi đời hàng trăm năm của Nam Định cũng vì thế đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Trong khi chờ đợi những chính sách cụ thể của chính quyền địa phương, người dân Cổ Chất vẫn nhọc nhằn kéo tơ để giữ lại ngành nghề truyền thống.
Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Thực hiện: Hoàng Thành