Ống kính nhà văn

"Vàng xanh" của vùng cực Bắc

Thứ Sáu, 14/05/2021 10:40

Hà Giang là vùng nguyên liệu chè Shan tuyết lớn nhất cả nước với hàng chục vùng chè được coi là thủ phủ chè rừng. Dưới những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ lẩn khuất dưới tán cây, tàu cọ là trùng điệp những rừng chè cổ. Chè Shan tuyết có 3 vụ thu hái chính trong năm là vụ chè xuân, vụ hè và vụ thu. Những ngày chè vào vụ, núi rừng Hà Giang nhộn nhịp tiếng người dân tộc Dao, Cờ Lao, Mông, Tày… Những chủ nhân của vùng nguyên liệu thức dậy thật sớm để hái chè và cuối ngày họ mang về sao chế ngay để chè giữ được hương vị của đất trời. Những búp chè với lớp lông tơ trắng mịn này đã giúp họ có thu nhập ổn định. Với nhiều người dân vùng núi đá thì cây chè gắn bó với họ từ lúc sinh ra tới khi nhắm mắt xuôi tay. Chè Shan tuyết với đặc trưng sạch và nội chất tốt hiện nay được nhiều người sành chè trong nước tìm đến thưởng thức. Các địa danh có chè ngon như Lũng Phìn, Túng Sán, Thượng Sơn, Phương Độ, Cao Bồ… ngày càng được nhiều người biết đến hơn nhờ loại “Vàng xanh” này.

Chùm ảnh của nhà văn Nguyễn Toan, từ Hà Giang.

Dưới những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ lẩn khuất dưới tán cây là các bản làng của người Dao, Tày, Cờ Lao… Họ chính là chủ nhân của các vùng chè Shan cổ thụ.
Chè Shan quanh năm tắm nắng, ngậm sương, chắt lọc tinh túy đất trời để cho ra những búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết.
Những gốc chè mộc mạc rêu phong đã gắn bó với vùng núi cao hàng trăm năm tuổi.

Tại mỗi vùng chè Shan tuyết của Hà Giang đều có những cây chè cổ thụ có đường kính lớn, có những cây bằng vòng tay của 2 người ôm. Chúng có tuổi thọ nhiều khi hơn cả một con người.

Rừng chè Shan nằm ẩn mình dưới đại ngàn, sinh trưởng tự nhiên, được thu hái, cắt tỉa sau mỗi vụ nên hình dáng của cây đẹp không kém cạnh những cây cảnh nơi phố thị.

Vào vụ, những người phụ nữ thường thức dậy thật sớm để lên đồi hái chè, công việc này sẽ được kéo dài cả ngày cho đến khi mặt trời xuống núi.
Những búp chè được thu hái trong ngày, sau đó được đem về để chế biến ngay bằng kĩ thuật thủ công, hoặc bằng các loại máy chuyên dụng.
Với đồng bào dân tộc trên những đỉnh núi cao, chè Shan tuyết giúp họ có thu nhập ổn định. Việc thu hái và phân phối chè ra thị trường đã tạo ra một văn hóa chè, như một đặc sắc vùng cao.

Ở những khu vực có chè Shan tuyết thì việc hái chè đã gắn bó với người dân ngay từ khi lọt lòng và đó gần như là công việc thường nhật của họ trong suốt cuộc đời.

Bí quyết để có chè Shan tuyết ngon là những búp chè hái trên núi ngay sau buổi sương sớm sẽ được sao trên chảo lửa thủ công. Những búp chè xanh mượt được đôi tay của người thợ nhào nặn nhiều lần để đạt chất lượng mong muốn.

Sự tỉ mẩn cộng với những bí quyết riêng và những giọt mồ hôi của những nghệ nhân sao chè quyết định chất lượng và giá trị của mẻ chè ấy.
Người nghệ nhân lành nghề chỉ cần ngửi hương vị sẽ đánh giá được chất lượng của mẻ chè sau khi sao.
Chè Shan tuyết có thể tạo thành nhiều loại thành phẩm khác nhau. Một trong những đặc sản của Hà Giang là chè được cho vào ống nứa và sấy khô trên bếp lửa.
Có những người đã gắn bó với nghề chè Shan từ bé như người đàn ông dân tộc Cờ lao Cốc Riêu Ngấn ở thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn, Vị Xuyên này.
Cũng có những người làm chè trẻ tuổi đầy đam mê và sáng tạo là người dân tộc Kinh như anh Trần Danh Tuyên.
Ngày nay những vùng trồng chè Shan tuyết Hà Giang không chỉ phát triển về vùng nguyên liệu và tăng sản lượng mà còn được cộng đồng du khách tìm đến như một địa danh du lịch trải nghiệm về ngành nghề thủ công truyền thống.
Việc bảo tồn vùng chè cổ đã được tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện. Gìn giữ và phát triển đúng hướng cây chè Shan tuyết đang mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc nơi đây. Bên cạnh đó còn đóng góp và sự phát triển du lịch, gìn giữ văn hóa của tỉnh vùng cao cực Bắc. Bởi thế, chè Shan tuyết đang trở thành "vàng xanh"  của tỉnh Hà Giang.
Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Thực hiện: Nguyễn Toan
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)