Dòng chảy  Văn nghệ

Cơ hội để tác phẩm mĩ thuật đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật

Thứ Năm, 27/12/2018 23:39

Ngày 27/12/2018, tại 32 Hào Nam - Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio) đã khai mạc Triển lãm ĐAO PHÁP.

Theo thông lệ, trước thềm Tết Âm lịch hàng năm, Vicas Art Studio tổ chức một cuộc triển lãm để đông đảo các họa sĩ có thể tham gia. Năm nay, cuộc triển lãm có tên là ĐAO PHÁP, trưng bày những bức tranh không được vẽ bằng cọ, mà là bằng bay, bằng tay hay bằng những dụng cụ khác với cọ thông thường.

Chớm xuân, tranh acrylic (100 x 90) của hoạ sĩ Nguyễn Văn Thể 

Hơn 90 tác phẩm mới nhất của 80 nghệ sĩ từ nhiều vùng miền trên cả nước tham gia triển lãm đa dạng về phong cách (hiện thực, biểu hiện, trừu tượng, biểu hiện mới), về chất liệu (phấn màu, mực trên giấy dó, acrylic, sơn dầu, sơn mài, chất liệu tổng hợp, tượng gỗ) và về đề tài (tĩnh vật, phong cảnh, những vấn đề xã hội, những cảm xúc, suy tư của nghệ sĩ...).

Cánh đồng hoa, tranh sơn dầu (70 x 100) của hoạ sĩ Nguyễn Quang Hoan

Một trong những điểm nhấn của triển lãm hấp dẫn người xem là bộ tượng tranh lợn của nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát. Nghệ sĩ đến từ Sơn Tây này chia sẻ: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Suốt cả tuổi thơ, tôi chưa từng được sở hữu một chú lợn đất, chỉ biết những chú lợn bằng xương bằng thịt trong chuồng nhà giúp đời sống kinh tế của gia đình giảm bớt khó khăn. Với tôi hình ảnh những chú lợn rất ý nghĩa, rất đẹp. Tôi đã vẽ, nghiên cứu về lợn rất nhiều, tuy nhiên lần này tôi muốn thể hiện hình ảnh lợn đặc biệt hơn: điêu khắc lợn gỗ mít rồi vẽ sơn mài. Sắp sửa bước sang năm Hợi, bản thân cũng tuổi Hợi nên tôi sáng tác bộ 5 chú lợn với nhiều sắc thái, gam màu mang đến triển lãm này, ra mắt công chúng để tôn vinh những chú lợn đáng yêu, cũng là lời cầu chúc của tôi đến mọi người một năm mới sung sướng, nhàn hạ”.

Bộ tượng tranh lợn, sơn mài trên gỗ mít của Nguyễn Tấn Phát là nghệ phẩm "đắt hàng" tại triển lãm

Mục đích chủ yếu của triển lãm là góp phần phát triển đối tượng thưởng thức, thụ hưởng nghệ thuật, mở rộng thị trường nghệ thuật ở Việt Nam, bằng vào việc trưng bày và bán những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt với mức giá thấp nhất có thể.

Về ý tưởng và tên gọi của triển lãm, PGS.TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật của VICAS Art Studio chia sẻ: “Đao pháp là một cách nói phóng dụ về lối vẽ bằng bay, phóng khoáng và đầy cảm xúc. Tôi mở rộng từ đao pháp này thêm: Các họa sĩ tham gia không vẽ bằng cọ, mà vẽ bằng tay, bằng que hay bằng thứ gì đó khác đều được tham gia triển lãm. Với trải nghiệm cá nhân, tôi biết rằng, vẽ bằng những phương tiện như vậy, người họa sĩ sẽ không thể sử dụng kĩ thuật vờn tỉa của tả thực, điều mà nếu không giỏi sẽ dễ bị sến hoặc bắt chước ảnh chụp. Trên thị trường nghệ thuật ở ta hiện nay, tranh tả thực đang chiếm ưu thế, tôi muốn thông qua triển lãm này, khán giả của chúng ta biết được thêm những lối biểu hiện đa dạng và lí thú của hội họa hơn. Khán giả tiềm năng của tác phẩm nghệ thuật không phải ít, nhưng không phải ai cũng có nhiều tiền để sở hữu. Triển lãm này là cơ hội để tác phẩm mĩ thuật đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật”.

Một số hoạ sĩ và khách yêu tranh tại triển lãm

Triển lãm ĐAO PHÁP sẽ kéo dài tới ngày 30/1/2019.

ĐĂNG HOÀNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)