Annie Ernaux: “Đối với tôi, trí nhớ là vô tận”

Thứ Ba, 25/10/2022 06:46

Kể từ những năm 1970, Ernaux đã chiếm một vị trí đặc biệt trong văn học Pháp, nhờ khả năng không chỉ khai quật ký ức cá nhân, mà còn thể hiện được cách mà chúng tương tác với trải nghiệm tập thể một cách tinh tế. Trong 20 cuốn sách đã cho ra mắt, Annie Ernaux đã dành hết tâm sức để khai quật cuộc đời chính mình.

Trong tác phẩm đầu tiên, Cleaned Out (tạm dịch: Xóa sạch, 1974) Ernaux kể về tuổi thơ trong tầng lớp lao động ở Normandy cũng như một ca phá thai trong hẻm mà mình đã trải qua. Trong khi tác phẩm đầu tay đó được hư cấu một cách “mỏng manh”, thì bà đã tập trung hơn vào hồi kí từ những năm 1980, viết về cuộc hôn nhân tồi tệ, sự giảm sút của mẹ mình vì Alzheimer, trải nghiệm của bà về ung thư, cũng như một số cuộc đam mê mà mình đeo đuổi ở tuổi trung niên.

Vào đầu những năm 1990, bà đã khiến nhiều người ở Pháp phải giật mình với A Simple Passion (tạm dịch: Một đam mê giản dị), kể về mối tình của mình với một nhà ngoại giao nước ngoài đã có gia đình. Tác phẩm này khám phá những ham muốn thuần nguyên nhất bằng những chi tiết gợi cảm, cởi mở mà không xét đến đạo đức. Đến thời điểm đó, Ernaux đã loại bỏ mọi hành vi giả vờ hư cấu, và cuốn sách này đã bán được 200.000 bản chỉ trong hai tháng.

Sách của Ernaux thường ngắn, giản dị và hiếm khi vượt quá 200 trang. Trong mỗi tác phẩm của mình, bà luôn tự hỏi làm thế nào để chắc chắn rằng những kí ức mà mình đang viết là chính xác. Trong A Woman's Story (tạm dịch: Hồi ức của người đàn bà), bà nói về cái chết của mẹ mình. Gần một thập kỉ sau đó, trong I Remain in Darkness (tạm dịch: Tôi vẫn ngồi trong bóng tối, 1997), bà một lần nữa quay lại khoảnh khắc đó và tuyên bố rằng hồi ức trước đó của mình là không trọn vẹn. Bà đã không mô tả đủ về sự suy giảm nhận thức kéo dài của mẹ mình cũng như nỗi kinh hoàng của chứng mất trí nhớ đó.

Trọng tâm trong công việc của bà là nhận thức được những khoảnh khắc thân thiết luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh mà chúng xảy ra - rằng việc thăm dò ý chí cá nhân cũng liên quan đến việc điều tra lịch sử. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong Happening (tạm dịch: Điều đã xảy ra, 2000), tường thuật về một vụ phá thai mà bà đã thực hiện vào năm 1963. Đầu cuốn sách, bà đã mô tả về việc đi gặp một người quen được biết như một nhà hoạt động xã hội với các biện pháp kiểm soát sinh sản. Thế nhưng hắn ta cố gắng lên giường với bà, để rồi sau đó nói rằng mình không thể giúp gì được.

Một số tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2022.

Sau khi đến Paris để phá thai, bà nghe nói rằng “một người phụ nữ sống quanh quẩn gần đó sẽ làm việc này với giá ba trăm franc”. Thế nhưng, bà viết tiếp “Bây giờ tôi không còn cần đến họ nữa, đột nhiên, hàng loạt những kẻ phá thai đang xuất hiện từ trái, từ phải và cả trung tâm". Vào thời điểm Ernaux xuất bản cuốn sách, việc phá thai đã được hợp pháp hóa. Nhưng một chiến thắng về luật pháp không làm cho việc tiết lộ thông tin trở nên dễ dàng hơn. Bà viết: “Khi luật mới xóa bỏ phân biệt giới tính được thông qua, các nạn nhân cũ có xu hướng giữ im lặng với lý do 'bây giờ mọi chuyện đã kết thúc'. Vì vậy, những gì đã xảy ra được bao quanh bởi bức màn bí mật giống như trước đây".

Phong cách của Ernaux có thể nói là rất điển hình, khi bà thường đọc lại nhật ký cũ để so sánh những gì mà mình vẫn nhớ với những gì thực sự đã trải qua vào thời điểm đó: “Để truyền đạt tình trạng khó khăn của mình, tôi không bao giờ sử dụng các thuật ngữ hoặc cách diễn đạt mang tính mô tả như ‘tôi đang mong đợi’ hoặc là ‘mang thai’. Tôi luôn nghĩ rằng một sự kiện trong tương lai rất có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Không có lý do gì để đặt tên cho một thứ gì đó mà tôi đã định loại bỏ. Trong nhật ký của mình, tôi sẽ viết, ‘nó’ hoặc ‘thứ đó’, nhằm ám chỉ một lần ‘mang thai’”.

Viết từ một tương lai rất khác, bà thường bị ấn tượng bởi những “cách viết và cách nói ngắn gọn” từ trong quá khứ của mình. Các trang nhật ký, bề ngoài là bản ghi chép an toàn nhất, trung thực nhất về bản thân bà, nhưng ngay ở đó Ernaux cũng thấy câu chuyện nội tâm mình bị định hình bởi những áp lực bên ngoài, chẳng hạn như luật lệ thời đó. Những trải nghiệm riêng tư nhất của bà giờ đây cũng không thực sự thuộc về riêng bà.

Có một chút nữ quyền trong ý tưởng này. Ernaux thường đề cập đến Simone de Beauvoir, người mà bằng cuốn Giới tính thứ hai đã tìm đủ cách để chỉ ra những lựa chọn, quyết định và thậm chí là suy nghĩ của một người phụ nữ đã được nhào nặn bởi các điều kiện kinh tế và xã hội như thế nào. Những điều kiện này tạo ra một loại hành lang mà cuộc đời của một người đi qua. “Một người không được sinh ra, mà là trở thành một người phụ nữ,” de Beauvoir viết. Một cách để đọc các tác phẩm của Ernaux là cố gắng hiểu được quá trình “trưởng thành” không rõ ràng, đau đớn và thiết yếu đó. (Ernaux đã gửi hai cuốn sách đầu tay cho de Beauvoir, và de Beauvoir đã phản hồi rằng bà thích cuốn đầu tiên hơn).

Nhưng nếu de Beauvoir mô tả sự phân cực về giới trên lý thuyết, thì Ernaux thể hiện nó một cách có phần chi tiết hơn: thức ăn mà bà đã ăn, tàn dư mà bà đã cho thoát ra khỏi miệng mình… hay thậm chí là những vệt máu khô từ trong đồ lót.

Mặc dù Ernaux đã được ca ngợi từ lâu ở Pháp, nhưng bà vẫn ít được biết đến trong thế giới nói tiếng Anh, chỉ cho đến năm ngoái khi một trong những bức chân dung tự họa gần đây nhất, The Years (tạm dịch: Những năm tháng ấy), lọt vào danh sách bình chọn cho Giải thưởng Booker Quốc tế. Cuốn tiểu thuyết này giống như một loại hồi kí của nước Pháp trong thời hậu chiến. Nó di chuyển theo trình tự thời gian từ Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến đầu thế kỷ 21, nhưng phạm vi và quan điểm của câu chuyện vẫn luôn thay đổi.

Nó mô tả về sự kết thúc của cuộc chiến, viết lại lời kể về lần đầu tiên trải nghiệm thủ dâm của một cô gái tuổi teen. Nó cũng xoay quanh sự nổi lên của Internet, nơi “chúng tôi có thể nghiên cứu các triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng, công thức nấu ăn moussaka, tuổi của Catherine Deneuve hay thời tiết ở Osaka... Thời đó người ta cũng có thể mua bất cứ thứ gì từ để mà thử nghiệm, từ khẩu súng lục ổ quay đến Viagra và dương vật giả”.

Sự pha trộn hình ảnh và hiểu biết sâu sắc này có thể giống như một vòng xoáy hỗn loạn, nhưng đó là cách mà các cuốn sách của Ernaux gợi ý, là cách xác thực duy nhất để đan xen giữa cá nhân và lịch sử. Trong Hồi ức thiếu nữ, Ernaux thấy mình phải vật lộn giữa những hiểu biết mà bà đã đạt được ở tuổi 70 và những bối rối mà bà từng có khi còn là một thanh thiếu niên. Chỉ mười năm sau khi rời khỏi trại S, nước Pháp đã bị lật đổ bởi cuộc “cách mạng tình dục”. Tình dục trở thành thứ đáng để tán dương, không phải là thứ để mà che giấu.

Ernaux nói, phải mất gần 6 thập kỷ để làm sáng tỏ sự kiện, “bởi vì nó quá phức tạp. Nếu đó là một vụ cưỡng hiếp, tôi có thể đã có thể nói về nó sớm hơn, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về nó theo cách đó”. Thay vào đó, cuốn sách của bà đi sâu vào vùng xám của sự đồng thuận tình dục, vào thời điểm mà khái niệm đó không được giảng dạy hay là thảo luận.

Mười năm là một khoảng thời gian rất ngắn trong kế hoạch vĩ đại của lịch sử, nhưng lại vô cùng to lớn khi cuộc đời của một cá nhân. Nó đại diện cho hàng ngàn, hàng ngày và cả hàng giờ mà ý nghĩa của những điều mà một người đã trải qua vẫn không thay đổi.

Có vẻ như nỗi sợ hãi duy nhất của Ernaux là mất đi khả năng hướng nội và quay ngược vè những năm tháng, sau khi chứng kiến ​​những ký ức về mẹ của chính mình biến mất vào những năm 1980. “Thành thật mà nói, tôi thà chết ngay bây giờ còn hơn là mất đi tất cả những gì mà mình từng thấy cũng như nghe được. Đối với tôi, trí nhớ là vô tận”.

LINH TRANG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)