Hồn ma, chiến tranh và những giấc mơ non trẻ của Shehan Karunatilaka

Thứ Bảy, 29/10/2022 04:50

Lấy bối cảnh cuộc nội chiến Sri Lanka và được kể lại bởi một người đàn ông đã chết, The Seven Moons of Maali Almeida (tạm dịch: Bảy Mặt Trăng của Maali Almeida) vừa chiến thắng giải Booker 2022 là một tác phẩm bí ẩn với việc giết người, vừa châm biếm chính trị và cũng là một câu chuyện tình yêu có phần độc đáo.

Shehan Karunatilaka trong một buổi kí tặng sách.

Shehan Karunatilaka đã thức dậy trong phòng khách sạn sáng nay sau khi đoạt giải Booker 2022. Ông có hơn 300 tin nhắn WhatsApp chưa đọc, cũng như các tweet chúc mừng từ Tổng thống Sri Lanka, thủ lĩnh phe đối lập và các chính trị gia khác. Nhưng cũng đồng thời có những phản ứng dữ dội từ những người Sri Lanka, những người tweet rằng: “Hãy tránh xa gã này. Hắn đang viết về CHÚNG TA đó”.

Đã 12 năm từ khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông được xuất bản. Tác phẩm mới này đã cần một khoảng “thai nghén” rất dài để thành hình. Karunatilaka nói: “Nó có thời gian nhen nhóm gần bằng độ tuổi con gái lớn của tôi, giờ đây bé đã tám tuổi”.

Trong quá trình viết, Karunatilaka đã từng chán nản đến mức muốn bỏ cuộc khi cuốn tiểu thuyết Lincoln ở cõi trung ấm của George Saunders nói “về một hồn ma biết nói” chiến thắng Booker vào năm 2017. Ông nói “Tôi đang vật lộn với mớ hỗn độn này, và một cuốn sách về ‘ma biết nói’ khác chiến thắng Booker”. Nhưng ông vẫn tiếp tục với “câu chuyện ma” đang dang dở của mình.

Theo Karunatilaka, những người duy nhất biết sự thật về cuộc nội chiến Sri Lanka là những người đã chết. "Vậy thì tại sao không để họ tự kể lại câu chuyện của mình?". Ông cũng không chắc có công bằng không khi gọi cuốn sách này là một tác phẩm châm biếm chính trị. Cố gắng đưa ra một bản lý lịch về lịch sử 40 năm qua của Sri Lanka, ông đã chỉ ra lý do tại sao cuốn tiểu thuyết lại là một thử thách để viết. “Nếu tôi đang lên kế hoạch cho một bộ phim kinh dị, tôi sẽ nói: ‘Kịch bản này có quá nhiều âm mưu’. Nhưng đây thực sự là những gì đã xảy ra".

The Seven Moons of Maali Almeida đã được xuất bản ở Ấn Độ vào năm 2019 với tựa đề Trò chuyện với người chết, nhưng nó được nói quá là khó đọc đối với độc giả quốc tế. Vì vậy ông đã gửi nó cho người bạn của mình là Natania Jansz, một biên tập viên người Sri Lanka, người đã sáng lập Nhà xuất bản độc lập Sort of Books ở Vương quốc Anh cùng với chồng mình, Mark Ellingham.

Khung cảnh hoang tàn trong cuộc nội chiến Sri Lanka 3 thập kỉ trước.

Natania nói rằng: “Đây là tác phẩm tuyệt vời, nhưng tôi e rằng những sự liên kết trong cấu trúc của của sách này không thật hoàn hảo,” ông kể lại điều này và rồi cười lớn. Ngay khi thế giới “bất động” vì đại dịch, thì Natania vẫn miệt mài tiếp tục biên tập, vì vậy có rất nhiều email và cuộc gọi Zoom đến từ London. “Bà ấy có thể ngưng làm việc, nhưng may là mọi thứ vẫn tiếp tục. Vì vậy, đó là hai năm làm việc vô cùng gian nan, nhưng rõ ràng là đã được đền đáp”.

Đối với một tác giả đã phải tự xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên và khá may mắn là nó thành công, thì vẫn gặp khó khăn lớn trong việc bán các cuốn tiếp theo. Mặc dù chiến thắng Booker là bước đột phá thế nhưng "cuốn sách này vẫn chìm nghỉm". Tuy thế ông không thấy đây là điều bất thường với một tác giả người Sri Lanka. Ông nói: “Chúng tôi không mong nó sẽ được in bên ngoài Sri Lanka. Nếu có thể vào được Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh, thì đó là một thành tích vô cùng đáng kể".

Đối với những nhà văn lớn và có độc giả toàn cầu như Michael Ondaatje hay Romesh Gunesekera, họ thường viết sách bên ngoài Sri Lanka, ở những nơi như Toronto hay London chẳng hạn. “Còn đối với một người đang làm việc ở Colombo… thì bạn không thể mong đợi một điều tương tự. Vẫn chỉ có số ít nhà văn Sri Lanka là được xuất bản quốc tế. Và hi vọng rằng với chiến thắng này mọi thứ sẽ được thay đổi với The Seven Moons of Maali Almeida”.

Ông cũng chia sẻ bản thân không cảm thấy thoải mái khi nói về cuộc bạo loạn bắt đầu từ năm 1983. "Tôi không thuộc về phần lớn những người đã phải chịu đựng nỗi đau kinh khiếp". Lớn lên ở Colombo vào cuối những năm 80 và thuộc tầng lớp trung lưu, Karunatilaka nói rằng mình khá xa cách với những trận giao tranh tồi tệ, nhưng vẫn nhớ rõ một vài chi tiết nhất định.

Vào những giờ giới nghiêm và khi trường học đóng cửa, mẹ ông thường xoay đầu ông nhìn sang hướng khác để tránh nhìn thấy xác chết hoặc các lốp xe vẫn đang cháy rực. Vợ ông, người cùng gia đình sống trên đồn điền, đã phải trải qua cuộc chiến tàn khốc hơn nhiều.

Mặc dù giai đoạn này đã được ghi chép đầy đủ, nhưng ông cảm thấy mọi người vẫn chưa nhìn nó theo cách cảm tính. “Những người có ký ức không nói về nó. Chúng ta nên viết về nó và cố gắng hiểu nó, bởi vì chúng ta không có xu hướng hồi tưởng ở Sri Lanka. Mọi thứ đơn giản là chỉ tiếp tục”. Như ông giải thích, quay lại trước đó hơn 3 thập kỉ thì vẫn "an toàn, vì không có phe phái nào tồn tại, không phải lo ngại ai bị xúc phạm".

Thế giới bên kia của The Seven Moons of Maali Almeida là một loại “văn phòng thuế má” đông đúc, có thể xuất phát từ việc Karunatilaka dành quá nhiều thời gian cho các hàng đợi và sự quan liêu, nơi ông sẽ dành thời gian để ghi chép lại vô số ý tưởng trong cuốn sách này.

Ông cũng nói rằng mình cố gắng viết bằng giọng nghiêm túc, nhưng lại “chán nản với cách làm đó”. Yếu tố hài đen của cuốn tiểu thuyết này không chỉ phản ánh cách nhìn của ông mà cũng còn là phẩm cách của người Sri Lanka. “Có điều đặc biệt là người Sri Lanka thường cười rất nhiều. Nụ cười xuất hiện cả khi họ đang giận dỗi hay là bối rối. Họ không thích đối đầu, luôn luôn nhún nhường cũng như hài hước. Và đó là lý do tại sao nơi này không hề khốn khổ, mặc dù nó có vô vàn lý do chính đáng để mà khốn khổ”.

Karunatilaka cho biết công việc viết quảng cáo đã giúp ông trở thành một tiểu thuyết gia. Vì rằng không thể dừng lại việc tìm ý tưởng, điều này tương đồng với các nhà văn. Mặc dù chiến thắng Booker, nhưng ông không có kế hoạch từ bỏ công việc trước đó. Ông hiện vẫn giữ thói quen viết từ 4 đến 7 giờ sáng. “Đó là thời điểm vô cùng tuyệt vời. Không ai làm ta phân tâm, mạng xã hội thì vẫn im lìm, còn những đứa trẻ thì còn đang ngủ”.

Ở tuổi 20 tuổi, ông từng mong muốn trở thành một ngôi sao nhạc rock. Ông có năm cây guitar và gần đây nhất đã tự tặng mình một bộ trống mới. Trên bàn tay mình, có một ngón tay của Karunatilaka sơn thành màu đen. Ông tiết lộ rằng “Tôi sơn móng này màu đen bởi lẽ nó trông rất đẹp khi tôi chơi guitar”. Tuy thế vợ ông lại không tán đồng với diện mạo này. Bà nói: "Anh sẽ đến buổi trao giải Booker đó, anh cũng sẽ gặp vị Nữ công tước, nên không thể để móng tay như này". Vì thế bà đưa ông đến một tiệm làm móng trước khi rời Sri Lanka.

Tuy thế ngồi trước người thợ làm móng, ông vẫn không thể cưỡng lại việc mình nên có móng tay “đen đủi”. Vì thế vợ ông đã giận và không nói chuyện với ông suốt chiều hôm đó. “Tôi rất tự hào vì đã ẵm giải Booker với vài cái móng màu đen”. Phát biểu sau buổi trao giải, Karunatilaka nói bằng tiếng Sinhalese và Tamil như ngầm ý rắng “Toàn thể người Sri Lanka hãy tiếp tục kể những câu chuyện của mình. Hãy cùng chia sẻ cũng như lắng nghe câu chuyện của những người khác”.

Mối quan tâm trước mắt của ông đối với cuốn tiểu thuyết này là thu hút được lượng độc giả càng nhiều càng tốt ở các hiệu sách quê nhà. Ông nói: “Việc mua được sách giờ đây thật là không tưởng”. Ông đã không thể đọc hết các nhà văn khác cùng được đề cử vì cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka quá tồi tệ khiến sách không còn được coi là mặt hàng thiết yếu.

Tuy thế ông đã bắt tay vào viết cuốn sách tiếp theo bởi lẽ không muốn có một khoảng cách dài như giữa hai lần đầu tiên. “Sẽ không có môn cricket và không có ma”, đó là tất cả những gì mà ông tiết lộ.

NGÔ MINH dịch theo The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)