SƠN TRẦN
Giấc mơ ngày hạn
Tôi mơ cánh đồng chết, dòng sông cạn, ngọn gió ám mùi khói
Nước mắt chảy ngang chiều
Cơn ho tức ngực
Tiếng mèo hoang xé toạc màn đêm
Giấc mơ trượt ngã trước kỉ niệm rơi tàn
Cọng rơm nỏ nắng thơm vị mùa màng
Con nước dịu dàng len qua nỗi nhớ
Bờ cỏ xanh chú dế ngủ ngon lành
Cánh đồng khô hạn
Bùn đóng vỉa khoeo chân
Mẹ nâu sồng bước qua kì giáp hạt
Cây lúa nghẹn đòng xơ xác trước hoàng hôn
Dòng sông mắc cạn chân cầu
Váng phèn găm sâu lồng ngực
Con cá trốn vào hốc tối
Bầy kiến bu đen
Ngọn gió thét gào tìm nơi trú ngụ
Âm u cây cối trụi cành
Nồng nã chút hương sót lại
Không đủ hồi sinh
Tôi mơ thấy cánh đồng, dòng sông, ngọn gió
Giấc mơ đến từ ban ngày
Tôi hối hả trước mùa gieo hi vọng
Phía làng quê chiều nghiêng nắng yên bình...
HOÀNG ANH TUẤN
Y Tý
Em gặt lúa ruộng bậc thang Y Tý (1)
Lù cở(2) trĩu hạt tháng năm, quẩy tấu căng hạt tháng mười
Cho anh bơi lên trời
Bạt ngàn hương nếp mới
Thềm nhà trình tường em ngồi khâu váy cưới
Có nghe đàn La Khư (3) anh gảy
Có nghe khèn lá anh thổi
Gọi núi chìm, mây nổi
Giục trăng tỏ, sao mờ
Con nai, con hoẵng ngẩn ngơ đi lạc trong hoàng hôn đại ngàn
Con mi, con khuyên thẫn thờ quên hót trong sớm mai vòm lá
Em ngẩng đầu, em đừng hoá đá
Như đỉnh Nhìu Cồ San
Anh thương em từ lễ Gà Ma Gio sang tết Hồ Sự Chà(4)
Từ lúc núi non thành núi già
Mà hồn anh không tuổi
Từ lúc suối Lũng Pô thay dòng
Mà vía anh chẳng đổi
Em đi lấy chồng
Làm ma nhà họ Ly
Khăn thêu bông hoa đỗ quyên trùm nụ cười răng vàng
tỏa nắng
Em trôi giữa vùng hoa cải trắng
Em bay giữa miền hoa cải vàng
Nước mắt em hai hàng
Rụng xuống đá tai mèo
Như mẹ, như chị gieo ngô mùa đốt nương khói đắng
Thôn Hồng Ngài mưa lặng
Em nằm ngủ với chồng
Trên đệm bông lau nẹp đen, gối bông gạo nẹp đỏ
Má em hồng sực mùi rượu ngô
Môi em thơm bóng nhờn thịt mỡ
Nếu em hết yêu chồng
Hãy trốn cửa sau về nhà anh ở thôn Lao Chải
Có cây mận già nở đoá sương ngoài chái
Mình sẽ làm ra những mùa con trai, những mùa con gái
Bời bời biêng biếc lúa ngô...
--------
1. Xã biên giới thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
2. Vật dụng để đựng đồ đeo trên vai.
3. Nhạc cụ truyền thống của người Hà Nhì.
4. Lễ cúng rừng cấm và tết cổ truyền của người Hà Nhì.
VNQD