VNQĐ giới thiệu thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh

Chủ Nhật, 08/09/2019 09:58

NGUYỄN THỊ THÚY HẠNH
Năm sinh: 1987
Hiện là nghiên cứu viên Phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tác phẩm đã xuất bản: Di chữ (Nxb Hội Nhà văn, 2017)

“Nhà thơ, kẻ chẳng biên chế nào, duy chỉ biên chế chữ - một nghĩa địa mồ hôi.
Viết, không phải là một tồn tại mà là lũy thừa của một tồn tại.
Từ cái tôi đến thế giới luôn hiện hữu sự gián cách, một khoảng cách rất Sartre và cũng rất Camus. Vậy nên có thể (dù không muốn) biểu hiện như một kẻ bi quan chủ nghĩa, nhưng người thơ - nhờ niềm tin vào bản ngã thành thực - có thể lạc quan để tiếp tục tồn tại”.
(Trong lòng chữ - Nguyễn Thị Thúy Hạnh)

Hà Nội


Em lộ một nốt ruồi
đường cong em vừa thở
em lộ tê tái mùi
Hà Nội đêm nồng nhớ

Hà Nội của tôi
Hà Nội từ bi
Hà Nội thiu thiu nửa tỉnh nửa mê
lem nhem khói bụi và đăm đắm đêm khuya
Hà Nội em
môi hồng như vết thương he hé
giai nhân nhìn tôi màu mắt cà phê
tôi nhúng nỗi cô đơn vào sữa
truyền hình chiều nay lại một tin buồn nữa
và chúng ta sớm mai vẫn thức dậy sáu giờ

Bàn tay tôi mười ngón lắng nghe
tiếng gió đưa trên nóc nhà thờ lớn
biển hiệu quảng cáo và chữ Hán trên cửa chùa lên tiếng
tiếng bi bô của cây cỏ làm người
nhưng đêm nay ai lắng nghe tôi
khi tôi viết bằng một ngôn ngữ khác?

Hà Nội tôi và Hà Nội em
Hà Nội thơm những da thịt hở
đừng khóc nhé những đôi môi màu đỏ
chúng ta còn sống đây Hà Nội còn thở
mỗi sớm mai vẫn lộng lẫy ra đường
sau lưng tôi
một chiếc bóng bị thương.

Đêm, hoa hồng và chiến tranh


Ý nghĩ như cánh bướm đêm
múa dậy trong đầu tôi
rắc phấn hương lên vùng tối tăm
tôi nhắm mắt
những giọt sương rùng mình hóa thân
thành đàn mĩ nữ khóc lang thang
thân thể tôi lạnh buốt tiền kiếp
tôi nôn ra nỗi cô đơn của mình
không thể nào trốn chạy khỏi sự đa cảm
cây liễu trong đêm bên ngoài song trăng
ôm lấy tôi bằng những cánh tay nồng nàn
ai đó gõ cửa
hay là mưa câm

Tôi đi trên những vết máu phù sa
trong đêm
để đến với những mảnh đất đang xảy ra chiến tranh
hiện thực đốt cháy da thịt
người bạn Kazakhstan gục đầu bên cửa sổ phòng học
nghe tin tức buồn thảm về đất nước mình
ai đó bắn súng vào nỗi buồn
tôi quỳ xuống trước trang sách đầy vết đạn

Khi nào Chúa sẽ mang đến tin mừng?
tôi nằm dưới chân Người hằng sáng
nỗi buồn đánh thức
những ngón tay đang ngủ trong đêm
tôi lắng nghe từ những góc khuất
thân phận người đang rên xiết
màu hoa hồng vẫn đỏ bên đường
bình an và đau thương.

Gương mặt em


Gương mặt em
ngủ trên tay anh
như giọt sương sớm đậu trên cành
anh sợ
một sớm mai tan biến

Em đi đâu trong cơn gió lạnh
phố cổ kinh thành
tứ hợp viện
chập chờn bóng mắt
linh hồn người Hán liễu rủ mày ngài
má hồng môi thắm
tiếng cười loang loáng sắc
anh không biết
em là ai trong những mĩ nhân cố đô che mặt
khi em đọc cho anh nghe
những câu thơ viết bằng tiếng nước mình
từ ngón tay em đàn
qua cầu bay gió âm thanh

Trên mặt tuyết
nở những vết thương lạnh buốt
sương uống ánh trăng
mùa Bắc Kinh khô hanh
thân thể khát những cơn mưa dịu dàng Bắc Việt
em kể cho anh nghe
những ám ảnh
về người bạn chết trẻ nơi đất khách
linh hồn lưu lạc
về những bậc cầu thang rùng mình
giọt nước mắt chập chờn
phủ kín
những giấc mộng chìm đêm
cơn gió lật ngày
những nhan sắc tê tái
đã qua mùa
mùi nước hoa còn vương trên cây.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)