Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 940 (đầu tháng 5/2020)

Thứ Tư, 29/04/2020 14:27

 Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra từ tháng 12 năm 2019 đến nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, trở thành đại dịch lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Nhận thức rõ tính cấp bách, tác hại khôn lường của dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đã có các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ “chống dịch như chống giặc”. Trên tinh thần ấy, ngay từ những ngày đầu, quân đội ta đã nhanh chóng chủ động nhập cuộc và luôn ở tuyến đầu chống dịch. Cục Quân y - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng chống dịch Covid-19, trong suốt thời gian qua đã làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, nêu tấm gương sáng theo lời Bác Hồ dạy “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”. Trong bối cảnh ấy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quân y. Đây cũng là dịp để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về truyền thống của chiến sĩ quân y, phẩm chất tỏa sáng của Bộ đội Cụ Hồ trong những ngày chống "giặc" Covid.

Bài đối thoại Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến chống “giặc” Covid 19 sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 940.

Phần Văn xuôi ấn tượng với các truyện ngắn: Con cá làm ra con mắm của Tống Phước Bảo, Vết xăm hình rồng của Triều La Vỹ, Tỉnh thức của Kiều Bích Hậu.

Con cá làm ra con mắm là một câu chuyện dung dị nhưng tràn đầy cảm xúc. Ở đó ta thấy tình cảm gia đình thiêng liêng với những hi sinh lặng thầm của người vợ - người mẹ, điều đó đã gắn kết các thành viên trong gia đình sum tụ, quấn túm để cùng vượt qua những sóng gió, khó khăn; tình đồng đội cao cả, nặng sâu ân tình, sẵn sàng thay nhau đỡ hòn tên mũi đạn; và tình người chan chứa, sẻ chia… Truyện sinh động, hấp dẫn bởi mang đặc trưng không gian, ngôn ngữ vùng miền.

Vết xăm hình rồng là truyện ngắn lịch sử nói về tiếng lòng trắc ẩn, nỗi day dứt, ám ảnh khó buông của vua Trần Minh Tông trong vụ án xử tử người chú ruột Trần Quốc Chẩn. Những khuất lấp của lịch sử đã được nhân vật Trần Minh Tông giãi bày. Đạo lí của kẻ làm tôi nhiều khi khác xa với lí lẽ của bậc quân vương, và điều đó đã đưa đến những mối oan không thể tháo gỡ. Hậu thế liệu có câu trả lời nào xác đáng cho lịch sử không?

Tỉnh thức được nhà văn viết trong những ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành, truyện đã khai thác được những góc nhìn đa diện về con người và xã hội phi biên giới trong bối cảnh ấy. Tình yêu, tình mẫu tử, những thương vụ làm ăn, những bất trắc…mọi thứ như đều biến động trong cơn bão dịch bệnh. Trong hoàn cảnh ấy, mỗi người đã đưa ra sự lựa chọn của mình. Việc nhường máy thở để chọn lấy cái chết của mẹ Rosa đã hồi sinh người con trai thực sự của mẹ. Sẽ là Bob hoàn toàn mới so với trước. Và phải chăng, đó là điều thúc đẩy Trà mở cánh cửa nhà mình, cho phép anh vào…

Phần Văn xuôi còn có bút kí Thăm Quảng Châu nhớ Bác của Trình Quang Phú, tản văn Mưa phùn của Lê Minh Hải.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu truyện ngắn Hồn xưa lưu lạc của nhà văn Tống Ngọc Hân.

Phần Thơ có sự góp mặt của các cây bút quen thuộc với bạn đọc như Đoàn Thị Tảo, Nguyễn Quang Hưng, Võ Văn Luyến, Trang Thanh, Lê Thanh My, Nguyễn Phong Việt, Myo, Diệu Thoa, Phạm Thanh Khương… ngoài ra còn có sự hiện diện của các cây bút lần đầu xuất hiện ở VNQĐ như Thái Hạo, Nguyễn Hữu Quyền… Quê hương, đất nước là đề tài luôn mang đến nhiều cảm xúc cho các nhà thơ, dù ở lứa tuổi nào. Một chú ngựa tuần tra biên giới, một tiếng sóng dội vào lòng, một giọng ru của mẹ… đều có thể làm lay động, khơi gợi người cầm bút. Tình yêu cũng là một chủ đề lớn cho thi ca, ở đó người viết đã đào sâu vào những tầng vỉa của câu chuyện, của cảm xúc để kiếm tìm và viết nên những thi phẩm ấn tượng.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung nhà thơ Trương Đăng Dung cùng với chùm thơ ấn tượng của ông.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Trần Thị Minh Tâm, Lê Hương Thủy, Hoàng Thị Kim Oanh, Hương Lê, Lê Tú Anh, Bùi Việt Thắng.

Bốn nghìn năm hóa núi sông một người là bài viết khái quát, gợi mở về tập sách Một người-thơ-tên gọi (Nguyễn Thế Kỷ, Nxb Hội Nhà văn 2019).

Chiến tranh nhìn từ truyện ngắn của một số cây bút nữ là bài viết mang tính khảo sát, nhìn lại về những truyện ngắn đề tài chiến tranh của các nhà văn nữ. Trong những tác phẩm ấy, nổi bật lên chính là hình ảnh, thân phận người phụ nữ trong và sau cuộc chiến.

Sự biến đổi chức năng của gia đình-lời cảnh báo từ tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam đầu thế kỉ XXI là bài viết nhiều suy ngẫm. Đô thị hóa một mặt mang lại cho nông thôn luồng gió mới, nhưng mặt khác, nó cũng tác động không nhỏ đến con người thôn quê vốn thật thà chất phác…

Vong thân cõi người cõi mình là bài viết về thiểu thuyết Đỗ Phấn. Đỗ Phấn đã đưa ra vấn đề lựa chọn cách sống của con người. Làm sao để khỏi đánh mất mình? Đây có lẽ là câu hỏi nhân văn nhất trong tất cả những câu hỏi thuộc phạm trù sống của con người.

“Lửa than càng đốt cho lòng càng son” là bài viết bình luận về hình ảnh cầu Hàm Rồng trong thơ Tản Đà. Qua đây ta không chỉ thấy được chí hướng, cảm hứng của nhà thơ mà ở đó còn ngời lên tình yêu mà ông dành cho non sông gấm vóc.

Một phương diện chiến tranh qua Lính tăng là bài viết về tiểu thuyết Lính tăng (Nguyễn Bắc Sơn, Nxb Văn học, 2019). Đây là cuốn tiểu thuyết giàu chất tư liệu, kết hợp với những hư cấu của thể loại đã làm nên một cuốn sách đầy đặn về đề tài chiến tranh người lính.

Tạp chí VNQĐ số 940 dày 120 trang với nhiều tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến phát hành ngày 5/5/2020. Thân mời quý vị đón đọc!

 

Văn

VNQĐ

Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến chống “giặc” Covid 19

Tống Phước Bảo

Con cá làm ra con mắm

Trình Quang Phú

Thăm Quảng Châu nhớ Bác

Tống Ngọc Hân

Hồn xưa lưu lạc

Lê Minh Hải

Mưa phùn

Triều La Vỹ

Vết xăm hình rồng

Kiều Bích Hậu

Tỉnh thức

 

Thơ

Võ Văn Luyến

Những chú ngựa tuần tra ở đồn La Lay

Nguyễn Quang Hưng

Thông điệp phù sa; Tiếng người tiếng sóng; Tôi thấy một con rồng ngủ lạnh

Thái Hạo

Trong hồ; Mưa

Myo

Xòe tay ra; Ầm ơi; Trở trời

Đoàn Thị Tảo

Khi tình yêu chia xa; Đường chân trời; Tan vỡ

Trang Thanh

Giới hạn; Mùa mộc hương lụi tàn

Diệu Thoa

Tìm mộ cha; Trong ta chỉ có một em và chiều

VNQĐ giới thiệu thơ Trương Đăng Dung

Hai chuyến tàu; Trên bàn mổ; Một lần nữa

Phạm Thanh Khương

Ghi ở U Ma Tu Khoòng; Tự ru; Còn không vấn vít bí bầu

Nguyễn Hữu Quyền

Giờ em ở nơi mô

Lê Thanh My

Đừng để ai đó bị bỏ lại phía sau; Nói với bông hoa cẩm cù; Những ngày tập làm con kiến

Nguyễn Phong Việt

Như hai vì sao; Sẽ có những đêm khuya

 

Bình luận văn nghệ

Trần Thị Minh Tâm

Bốn nghìn năm hóa núi sông một người

Lê Hương Thủy

Chiến tranh, nhìn từ truyện ngắn của một số cây bút nữ

Hoàng Thị Kim Oanh

Sự biến đổi chức năng của gia đình - lời cảnh báo từ tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam

đầu thế kỉ XXI

Hương Lê

Vong thân cõi người cõi mình

Lê Tú Anh

“Lửa than càng đốt cho lòng càng son”

Bùi Việt Thắng

Một phương diện chiến tranh qua Lính tăng

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Miền kí ức Tranh: Phan Nguyễn

Minh họa: Tô Chiêm, Thành Chương, Đỗ Dũng,

Công Quốc Hà, Phạm Hà Hải, Bùi Tiến Tuấn, PV.

 

 

VNQD
Thống kê