Xuân đại thắng - vang vọng những lời thơ

Thứ Năm, 20/02/2025 09:20

. MAI BÁ ẤN

 

Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử dân tộc và quá trình phát triển của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Cảm xúc như vỡ òa trong lòng những nhà thơ - chiến sĩ, từ những nhà thơ ở miền Bắc hướng về Nam đến những nhà thơ trực tiếp từ Trường Sơn đi theo bước chân chiến dịch và cả những nhà thơ trẻ sống giữa lòng đô thị miền Nam.

1. Trưa 30 tháng 4, cờ ta bay trên nóc dinh Độc lập của chính quyền Sài Gòn, báo hiệu giờ toàn thắng của cuộc kháng chiến hai mươi mốt năm đằng đẵng. Ngay trong ngày 1/5/1975, từ miền Bắc, như không kìm nổi cảm xúc của mình, đồng chí Trường Chinh, tiếp tục bằng bút danh Sóng Hồng, hạ bút viết bài thơ Sài Gòn giải phóng theo mạch cảm hứng của xu hướng thơ trữ tình - chính trị vừa cụ thể vừa vô cùng khái quát về một ngày xuân “thắng lợi huy hoàng” của toàn dân tộc: Quân dân ta ba mươi năm lửa máu/ Hôm nay đây, thắng lợi thật huy hoàng/ Bao xót xa, cay đắng, mất mát, đau thương/ Mùa đại thắng đã đền cho trái chín. Cũng ngay ngày 1/5, cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng - Tố Hữu - đã viết những vần thơ như thác réo, lũ dông, bão cuốn bằng cảm xúc cuồn cuộn của bước chân người chiến sĩ đi vào “trận cuối cùng”: Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng/ Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn/ Anh đánh như sét nổ, trời rung/ Anh chuyển như lũ dông, bão cuốn. Gần hai tháng trời của chiến dịch tính từ ngày 10/3 đến 30/4 được gom về trong mười hai câu thơ trải dài với nhịp điệu dồn dập chưa từng thấy trong thơ Tố Hữu: Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng/ Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/ Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng. Cảm xúc tỏa lan trong nắng mùa xuân đẹp giữa thành phố mang tên Người:

Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp

Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta

Chúng con đến, xanh ngời ánh thép

Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa

(Toàn thắng về ta)

Chế Lan Viên thì gọi đó là “ngày vĩ đại” bằng một cảm hứng sử thi bay bổng với tất cả niềm tự hào khi đất nước mở ra bước ngoặt lịch sử thần kì: Bước ngoặt. Ta ở vào bước ngoặt/ Mỗi điệu múa lời ca như cũng có thần. Bước ngoặt của sự nhân đôi niềm vui Nam - Bắc một nhà, non sông thu về một mối, cờ đỏ sao vàng chói lọi muôn nơi: Ngoặt một cái ta có gấp đôi đất và gấp đôi trời bể/ Hồn ta mở rộng rinh bốn phía/ Bắc lòng ta Nam lòng ta đều chói rọi sao vàng/ Ta đưa tay ôm sông núi vào mình vào gọi: Việt Nam (Ngày vĩ đại). Tế Hanh - một hồn thơ luôn đau đáu nhớ miền Nam thì cảm nhận Xuân đại thắng là một mùa xuân mà chỉ với hai mươi ngày xuân đã làm thay đổi cả hai mươi mùa xuân chia cắt:

Mùa xuân nào như mùa xuân 1975

Hai mươi ngày thay đổi hai mươi năm

(Mùa xuân 75)

Đã thực sự giải phóng Sài Gòn mà lúc đi giữa mùa xuân hòa bình, nhà thơ Xuân Sách vẫn cứ tưởng là mơ: Đường phố xôn xao đỏ rợp cờ/ Người đi vừa thật lại vừa mơ/ Nửa đời cầm súng đi đánh giặc/ Nay bỗng hồn nhiên như trẻ thơ (Trên đường phố). Chợt hiện về trong ta âm vang những lời ca trong bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh! Ôi hạnh phúc biết bao, bao năm vẫn đợi chờ/ Mà niềm vui như đến bất ngờ/ Ngày đi như trong đêm mơ tuổi lớn rồi mà như ngây thơ/ Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa hay ta đi giữa rừng cờ…

 

2. Trong khi đó, những nhà thơ Giải phóng quân từ Trường Sơn tiến về mang theo những cảm xúc trực diện với giọng thơ sảng khoái, bay bổng; tiếng chim hót hòa bình như bay ra từ tay người cầm súng, hòa trong tiếng súng tiến công: Trong giọng hót ngày hòa bình vui lạ/ Có phải chim từ nơi súng nổ bay ra/ Tôi cứ nghĩ đàn chim ở tay người cầm súng/ Trái tim vui suốt dải đất hai miền (Nguyễn Đức Mậu - Trường ca Sư đoàn). Hữu Thỉnh thì nhận ra rằng, đâu chỉ có người dân miền Nam; cả cỏ cây, mùa màng, trời đất cũng mừng vui giải phóng: Tháng tư này cây cỏ cũng ra tù/ Mùa hạ đón bằng cơn mưa nồng nhiệt (Đường tới thành phố). Và bằng hồn thơ của một chiến sĩ, Hữu Thỉnh đã có bài thơ Bữa cơm chiều trong Dinh Độc lập khá độc đáo, người lính xe tăng chiến thắng nấu thêm cơm cho cả “tổng thống ngụy đầu hàng”:

Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu

xích còn vương đỏ đất Phan Rang

vừa mới vào mâm anh nuôi bận

chia thêm tổng thống ngụy đầu hàng

Còn Vương Trọng, sau khi đồng đội “cắm cờ trên đỉnh cuối cùng”, đã hòa niềm vui và nỗi xúc động của mình trong tiếng ve rộn ràng giữa ngày toàn thắng: Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng/ Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi/ Cửa tròn vừa mới hé thôi/ Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve (Tiếng ve trưa)…

Nhưng thơ về mùa xuân 1975 không chỉ có niềm vui, vì ai cũng biết, để đến với ngày này cả dân tộc phải đi qua quá nhiều hi sinh, mất mát. Ngay trong niềm vui và tự hào của ngày Xuân toàn thắng, từ miền Bắc, Chế Lan Viên đã lắng lòng cùng những câu thơ đầy vết thương và máu mà dân tộc đã đi qua: Ôi hôm nay thắng giặc rồi, vết thương ta, ta chả giấu/ Máu đã thấm lên trang sách, bao lần/ Đánh giặc mà, đâu có phải du xuân/ Sông núi ta là nhà viết sử biên niên ghi máu ấy (Ngày vĩ đại). Những nhà thơ - chiến sĩ từ chiến trường miền Nam cũng đã cảm nhận trực tiếp những nỗi đau trong những dòng thơ chia đôi mặn - ngọt, vì chiến thắng nào rồi cũng phải trải qua mất mát, hi sinh. Có những phút giây vỡ òa niềm vui, nhưng cũng có những phút giây nghẹn ngào, im lặng: Quân phục đẫm mồ hôi bụi đất/ Chiếc bi đông chuyền tay cứu khát/ Những vòm sao cao vút trên đầu/ Cụm mây trắng tinh di động về đâu/ Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi/ Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng (Ngô Thế Oanh - Khoảng lặng yên tháng Tư). Ngày giặc tan cũng là ngày ta thực sự nhận ra một cách thấm thía nhất những nỗi đau: Giặc tan rồi em chào địa đạo/ Chỉ còn anh nằm lại đất sâu/ Trời rộng lắm không còn bom pháo/ Cỏ đã che vĩnh viễn trên đầu/ Em dắt con về thăm anh đó/ Giặc tan rồi em mới hiểu niềm đau (Trần Mạnh Hảo - Mặt trời trong lòng đất). Vui hòa bình cũng không quá reo mừng mà lặng lẽ vui thầm trong những ngẫm suy:

cậu ôm cháu cậu hôn tha thiết

từ hôm nay con vĩnh viễn Hoà Bình

vĩnh viễn là tên con

trên đất này những hố bom và

chiến hào đang khép lại

(Thanh Thảo -

Ghi trên đường số một)

Cảm nhận hết nỗi đau do kẻ thù mang đến, biết được ngọn lửa chiến tranh do bọn chúng đốt lên thì chính chúng sẽ bị lụi tàn ngay trong ngọn lửa ấy. Giờ “mừng ngày giải phóng”, chung hưởng hòa bình, ta mở rộng vòng tay yêu thương, hoá giải những nỗi đau mà bao nhiêu năm trời chia cắt chúng đã gây nên: Giặc gieo lửa chúng lụi tàn trong lửa/ Tay yêu thương tìm níu lại bạn đời/ Trong chiến đấu ngực gầy rộng mở/ Màu đỏ cờ xoá sạch mọi đơn côi (Lữ Giang - Thơ viết mừng ngày giải phóng).

 

3. Xuân Giải phóng cũng là mùa xuân tràn đầy ý nghĩa đổi đời đối với thế hệ thanh niên đã từng sống trong lòng đô thị miền Nam. Chính những nhà thơ ấy đã từng chứng kiến, cảm nhận những xót xa, đau đớn của đạn bom chiến tranh và nỗi đau ngăn đôi đất nước, đặc biệt là sự mất phương hướng của lớp trẻ chạy theo lối sống hiện sinh với đôi mắt nhìn đời bi quan, tăm tối: Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư/ Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/ Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/ Không một lần dám sống hi sinh; chỉ biết thu mình trong vỏ ốc cá nhân đa nghi, ích kỉ: Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ/ Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ/ Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh (Đinh Thị Thu Vân - Nếu không có ngày 30 tháng 4). Đó cũng là những tháng năm thế hệ trẻ miền Nam bi quan, bế tắc, suốt ngày ngồi đắm mình trong các quán cà phê để Tập triết lí, tập làm người, tập uống cà phê, và tập nhảy/ Tập điên cuồng, tập si mê và tập chết, không còn biết gì về truyền thống lịch sử của cha ông: Hỡi ly cà phê/ Đã kéo mấy thế hệ vào trong quán/ Bỏ mặc cha ông, dân tộc ở ngoại ô, ở rừng, ở Trường Sơn kháng chiến/ Những quán cà phê/ Lụt lội trong ánh nhạc đèn màu/ Hơn mười sáu tuổi đầu/ Anh biết cầm điếu thuốc Salem (Lê Thị Kim - Ra khỏi quán cà phê)… 30 tháng 4 chiến thắng, hòa bình, tuổi trẻ miền Nam mới tìm thấy chính mình cùng trái tim đầy khát vọng tin yêu. Đổi những bé mọn, đắng cay tâm hồn đón lấy những ngọt êm, rộng mở:

Từ dạo ấy tháng Tư Giải phóng

Để rồi cái vỏ ốc vỡ tan, dễ dàng

như bong bóng

Những khát vọng tin yêu em đã gặp

chính nơi mình

Em đổi những bé mọn của tâm hồn

lấy lắm ngọt êm

(Đinh Thị Thu Vân -

Nếu không có ngày 30 tháng 4)

Cũng “từ dạo ấy”, họ như choàng tỉnh để nhận chân ra chiều sâu lịch sử dân tộc: Xin anh nhớ cho rằng/ Cha ông ta không có cà phê buổi sáng/ Vẫn có Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa/ Chẳng lẽ vua Quang Trung trước giờ xuất binh đánh giặc/ Cứ phải dùng ly cà phê đen? Và cũng từ đó, họ cảm nhận ra những chân lí đơn giản của cuộc đời: Rằng sẽ không còn những người suốt đời ăn gạo mà không hề biết lúa là gì/ Rằng sẽ không còn những người suốt đời si cà phê/ Mà không biết thân cà phê là thân leo hay thân gỗ. Và từ khi bước “ra khỏi quán cà phê” mùa xuân năm ấy, họ như lần đầu biết đến mùa xuân, như mới uống ly cà phê thứ nhất: Ra khỏi quán cà phê gặp mùa xuân bỡ ngỡ/ Như lần đầu biết tới mùa xuân/ Như là ly cà phê thứ nhất (Lê Thị Kim - Ra khỏi quán cà phê).

Xuân toàn thắng đã đi qua gần trọn 50 năm (1975 - 2025), nhưng âm vang của mùa xuân vẫn còn vang vọng cho đến bây giờ và mãi mãi về sau.

M.B.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)