Nghề nặn phỗng đất có từ rất lâu giữa lòng làng Đông Hồ - nơi nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian. Trong thời đại công nghệ 4.0 với nhiều đồ chơi công nghệ phát triển, tưởng chừng cái nghề cổ đã biến mất trong đời sống văn hóa, tinh thần, nhưng tại thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn còn có những nghệ nhân cặm cụi giữ lại nét hồn quê gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ vùng Đồng bằng Sông Hồng một thời.
Gia đình ông Phùng Đình Giáp ở làng cổ thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một gia đình làm nghề thủ công truyền thống từ 60 năm nay.
Kĩ thuật nặn phỗng đất tuy đơn giản, nhưng quá trình chuẩn bị nguyên liệu lại rất cầu kì và mất thời gian.Việc tạo hình cho phỗng hầu hết được làm bằng tay, chỉ vài loại được làm từ khuôn sẵn. Thành phần chính của phỗng là đất thó được lấy từ cánh đồng làng Đông Hồ dưới độ sâu 2,5m, và giấy bản ngâm trong nước. Đất thó được phơi khô, giã nhỏ, sàng lấy hạt mịn. Giấy bản là loại giấy vun ngâm trong nước 2 tuần cho mềm và có độ sánh. Các nguyên liệu được trộn đều với nhau để có độ dẻo, không dính tay khi nặn. Nhiều người thích chơi phỗng mộc ngay sau khi vừa đánh bóng xong. Cũng có người lại muốn phủ màu và tạo hồn cho phỗng bằng cách vẽ trang trí. Màu để vẽ phỗng cũng không nhiều, chỉ có vài màu cơ bản là trắng, vàng, xanh, đỏ, đen nhưng nó giúp những nhân vật phỗng trong không gian làng quê trở nên sinh động và gắn kết.Những chú phỗng được tạo hình và hoàn thiện. Những sắc màu bình dị mà thân thuộc của những đứa trẻ vùng Đồng bằng Sông Hồng một thời vẫn được một vài nghệ nhân cặm cụi để giữ lại trong sự ồn ào, hối hả của cuộc sống thời công nghệ 4.0. Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Thực hiện: Phạm Ngọc Thành
VNQD