Ngày 8/11 này, tác phẩm mới nhất Novelist as a Vocation (tạm dịch: Tiểu thuyết gia như một ơn gọi) của Haruki Murakami sẽ được ra mắt. Là tập tiểu luận nói về tư duy sáng tạo cũng như đặc trưng văn chương của chính tác giả, đoạn trích sau đây sẽ tiết lộ thêm về việc tìm ra tiếng nói cũng như đặc điểm triệt tiêu hết những phức tạp của một trong những “bậc thầy kể chuyện” nổi tiếng nhất thế giới.
Haruki Murakami và tiểu thuyết đầu tay của mình.
Tác phẩm đầu tay Lắng nghe gió hát của tôi được xuất bản vào năm 1979 dài chưa đến 200 trang, tuy nhiên đã mất nhiều tháng cũng như rất nhiều nỗ lực để hoàn thành được. Tất nhiên, một phần lí do là bởi thời gian của tôi lúc đó bị hạn chế. Tôi đang điều hành một quán cà phê nhạc jazz, và đã dành hầu hết độ tuổi 20 làm việc từ sáng đến tối để trả nợ. Nhưng vấn đề thực sự là tôi không biết cách viết một cuốn tiểu thuyết. Thành thật mà nói, mặc dù tôi đã đọc say mê, mà yêu thích nhất là các bản dịch tiểu thuyết tiếng Nga và sách bìa mềm tiếng Anh - thì tôi lại chưa bao giờ đọc tiểu thuyết Nhật Bản hiện đại theo bất kì cách nào. Vì vậy, tôi không hề biết tiểu thuyết Nhật Bản nào đang được đọc vào thời điểm đó, hoặc tôi nên viết tiểu thuyết bằng tiếng Nhật như thế nào.
Trong vài tháng, tôi đã thử áp dụng những gì có vẻ là một phong cách và cố gắng theo đuổi nó. Nhưng khi đọc qua những gì mình đã viết ra thì tôi không mấy ấn tượng. “Thật đau buồn,” tôi rên rỉ, “điều này thật vô vọng.” Những gì tôi đã viết dường như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một cuốn tiểu thuyết, nhưng nó nhàm chán và nói chung là khiến tôi nản.
Giờ đây nhìn lại thì thật là hiển nhiên khi tôi không thể tạo ra một cuốn tiểu thuyết hay. Thật sai lầm khi cho rằng một người chưa bao giờ viết bất cứ điều gì trong đời lại có thể tạo ra thứ gì đó tuyệt vời ngay lập tức. Có thể đã là sai lầm khi cố gắng viết một cái gì đó “mới lạ” ngay từ đầu. “Hãy từ bỏ việc cố gắng tạo ra một thứ gì đó phức tạp,” tôi tự nhủ. “Tại sao không quên tất cả những ý tưởng mang tính quy định về ‘tiểu thuyết’ hoặc ‘văn học’, mà chỉ ghi lại cảm xúc cũng như suy nghĩ khi chúng đến một cách tự do, theo cách mà chúng ta thích?”
Tuy nhiên nói dễ hơn làm, thực sự thì việc đó không dễ để mà thực hiện. Để có một khởi đầu mới, điều đầu tiên tôi phải làm là bỏ đi chồng giấy và cây bút máy của mình. Miễn là chúng còn xuất hiện trước mặt tôi, thì những gì tôi làm vẫn sẽ trông giống “văn học”. Giờ đây thay cho vị trí của chúng, tôi lôi chiếc máy đánh chữ Olivetti cũ ra khỏi tủ. Sau đó, như một thử nghiệm, tôi quyết định viết phần mở đầu cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh. Cái quái gì vậy, tôi hiểu rồi. Nếu tôi định làm một điều gì đó không chính thống, thì sao không làm hết sức của mình?
Không cần phải nói, khả năng sáng tác tiếng Anh của tôi bấy giờ không tốt lắm. Vốn từ và ngữ pháp của tôi hạn chế nghiêm trọng. Tôi chỉ có thể viết những câu ngắn, đơn giản. Điều đó nghĩa là, dù phức tạp và có vô số suy nghĩ chạy quanh đầu tôi, thì tôi cũng không thể “giải quyết” chúng một cách hoàn hảo khi chúng đến với mình. Ngôn ngữ phải thật đơn giản, ý tưởng phải được diễn đạt một cách dễ hiểu, phần mô tả phải loại bỏ tất cả các thứ không liên quan, hình thức gọn gàng và mọi thứ được sắp xếp vừa vặn với một dung lượng hạn chế. Kết quả là một loại văn xuôi thô kệch, thiếu trau chuốt ra đời. Tuy nhiên khi tôi cố gắng thể hiện bản thân theo phong cách đó thì một nhịp điệu đặc biệt bắt đầu thành hình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, vì vậy từ vựng và các mẫu câu tiếng Nhật - nói ngắn gọn là nội hàm của ngôn ngữ - đã lấp đầy “hệ thống” và ảnh hưởng ít nhiều lên tôi. Khi tôi tìm cách diễn đạt suy nghĩ cũng như cảm xúc, thì chúng bắt đầu quay cuồng như điên, và “hệ thống” đôi khi bị sập. Viết bằng tiếng nước ngoài, với tất cả những hạn chế mà tôi mắc phải, đã loại trừ trở ngại quen thuộc này. Nó dẫn tôi đến một nhận thức rằng tôi có thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình thông qua một số từ và cấu trúc nhất định, miễn là tôi kết hợp một cách hiệu quả và liên kết chúng một cách khéo léo. Cuối cùng, tôi học được rằng không cần nhiều từ khó - tôi không cần phải cố gắng gây ấn tượng với mọi người bằng những cụm từ đẹp đẽ.
Tác phẩm Novelist as a Vocation sắp ra mắt tới đây của Haruki Murakami.
Mãi sau này tôi mới biết nhà văn Ágota Kristóf cũng viết một số tiểu thuyết tuyệt vời theo một phong cách gần giống với tôi. Kristóf là một công dân Hungary và rời đất nước vào năm 1956 trong cuộc biến động để đến Thụy Sĩ, nơi bà bắt đầu viết bằng tiếng Pháp. Bà làm như vậy một phần vì cần thiết, vì không đời nào có thể kiếm sống bằng việc viết tiểu thuyết bằng tiếng Hungary. Tuy nhiên, thông qua việc viết bằng tiếng nước ngoài, bà đã thành công trong việc phát triển một phong cách viết mới lạ và độc đáo. Nó có nhịp điệu mạnh dựa trên các câu ngắn, hành động không bao giờ vòng vo mà luôn thẳng thắn, mô tả có trọng tâm và không chứa nhiều cảm xúc. Tiểu thuyết của bà được che đậy trong một bầu không khí bí ẩn ám chỉ những vấn đề quan trọng ẩn dưới bề mặt. Sau đó, khi tôi đọc những tác phẩm của bà lần đầu tiên, nó khiến tôi cảm thấy khá hoài niệm, mặc dù khuynh hướng văn học của bà rõ ràng là khác xa tôi.
Sau khi phát hiện ra tác dụng kì lạ của việc sáng tác bằng tiếng nước ngoài, từ đó có được nhịp điệu sáng tạo riêng biệt của riêng tôi, tôi đưa chiếc máy đánh chữ Olivetti vào lại chiếc tủ và một lần nữa lôi xấp giấy viết tay và cây bút máy ra. Sau đó, tôi ngồi và "dịch" những chương mà tôi đã viết bằng tiếng Anh sang tiếng Nhật. Chà, "lắp ghép" có thể là từ dùng chính xác hơn, vì nó không phải là một bản dịch nguyên văn. Trong quá trình này thì tất yếu một phong cách Nhật Bản mới đã xuất hiện. Phong cách đã trở thành của tôi, một phong cách mà tôi đã khám phá ra. “Giờ thì tôi hiểu rồi,” tôi nghĩ. "Đây là cách mà tôi nên làm."
Tôi đã viết lại cuốn tiểu thuyết “khá nhàm chán” mà tôi vừa hoàn thành từ trên xuống dưới theo phong cách mới mà tôi vừa phát triển ra. Mặc dù cốt truyện ít nhiều vẫn còn nguyên vẹn, nhưng cách thể hiện giờ đây hoàn toàn khác biệt. Tất nhiên với Lắng nghe gió hát thì tôi không hoàn toàn hài lòng hoàn toàn với cách mà nó phát triển. Khi tôi đọc lại, tôi thấy nó còn non nớt và chứa nhiều lỗi. Chỉ khoảng 20-30% là tôi cố gắng làm được. Tuy nhiên, đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, và tôi đã cố gắng viết bằng một hình thức nào đó có hiệu quả, vì vậy tôi vẫn có cảm giác rằng tôi đã thực hiện được một bước quan trọng đầu tiên.
Viết theo phong cách mới khiến tôi cảm thấy giống như biểu diễn âm nhạc hơn là sáng tác văn học, một cảm giác vẫn còn rất mạnh cho đến ngày nay. Điều đó như thể lời nói đi qua cơ thể thay vì bắt nguồn từ nơi trí não. Duy trì nhịp điệu, tìm ra hợp âm hay nhất, tin tưởng vào sức mạnh của khả năng ứng biến - điều đó thật sự thú vị. Khi tôi ngồi xuống bàn mỗi tối và quay lại làm việc với cuốn tiểu thuyết bằng phong cách mới, tôi cảm thấy như mình đang cầm trên tay một công cụ mới tiên tiến hơn.
Ngay từ đầu, tôi đã có một ý tưởng khá rõ ràng về những cuốn tiểu thuyết mình muốn tạo ra. Có vẻ như tôi đã phát hiện ra giọng nói và phong cách “nguyên bản” của mình, không phải bằng cách thêm vào những gì tôi đã biết mà là trừ đi. Hãy nghĩ xem chúng ta nhặt được bao nhiêu ý tưởng trong cuộc sống này. Và dù ta gọi nó là quá tải hay là “hành lý quá ký” thì chúng vẫn có vô số tùy chọn, để khi chúng ta cố gắng thể hiện bản thân một cách sáng tạo, thì tất cả những lựa chọn đó va chạm với nhau và rồi sẽ khiến chúng ta “sụp nguồn”, giống như động cơ bỗng dưng chết máy. Chúng khiến chúng ta trở nên tê liệt. Nên cách tốt nhất là dọn sạch hệ thống thông tin bằng cách nhồi nhét tất cả những gì không cần thiết vào thùng, và cho phép tâm trí được tự do vận động.
Vậy thì làm thế nào để phân biệt được đâu là những nội dung quan trọng, những nội dung ít cần thiết hơn và những nội dung hoàn toàn không cần thiết?
Một nguyên tắc chung là hãy tự hỏi bản thân, "Tôi có thấy vui khi làm việc này không?" Nếu bạn không cảm thấy thích khi làm những việc có vẻ quan trọng, nếu không tìm thấy niềm vui tự phát trong đó… thì rất có thể có điều gì đó không ổn. Khi điều đó xảy ra, bạn phải quay lại từ đầu và bắt đầu bỏ bất kì phần nào không liên quan hoặc các yếu tố không thật tự nhiên.
LINH TRANG
VNQD