Vụ kiện của chính phủ để ngăn chặn việc sáp nhập hai trong số các nhà xuất bản lớn nhất Hoa Kì đã phản ánh một cách tiếp cận tích cực hơn để hạn chế sự hợp nhất. Nó đã được theo dõi chặt chẽ bởi ngành công nghiệp xuất bản suốt thời gian qua.
Thứ Hai tuần này (31/10), thẩm phán liên bang đã quyết định ngăn chặn thương vụ mua lại của Penguin Random House, nhà xuất bản lớn nhất Hoa Kì, với một trong những đối thủ của nó, Simon & Schuster. Đây là chiến thắng có phần đáng kể của chính quyền tổng thống đương nhiệm Joe Biden, khi đang cố gắng thực thi luật chống độc quyền.
Thẩm phán Florence Y. Pan, người đã xét xử vụ kiện tại Tòa án Quận Columbia, cho biết việc sáp nhập này có thể "gây ra thiệt hại đáng kể" đến sự cạnh tranh trên thị trường xuất bản. Toàn bộ ý kiến phản biện của Thẩm phán Pan tạm thời sẽ được giữ kín vì chứa thông tin tuyệt mật, và sẽ được công bố sau khi hai bên hoàn tất hồ sơ.
Ở phía ngược lại, trong một tuyên bố khác Penguin Random House gọi quyết định này là "một bước lùi đáng tiếc cho cả độc giả cũng như tác giả" và cho rằng "Bộ Tư pháp đang quá tập trung vào việc đảm bảo số tiền mà một tác giả bán chạy toàn cầu có thể nhận được, thay vì quyền lợi của người tiêu dùng hoặc hướng đến tính cạnh tranh có phần khốc liệt trong lĩnh vực xuất bản."
Stephen King tại phiên tòa chống việc sáp nhập.
Chiến thắng này là một trong những điều đáng chú ý đối với Bộ Tư pháp. Trong một tuyên bố vào hôm thứ Hai, Bộ Tư pháp ca ngợi phán quyết này là một chiến thắng cho các tác giả cũng như độc giả. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Jonathan Kanter thuộc bộ phận chống độc quyền của bộ cho biết: “Việc sáp nhập có thể làm giảm đi sự cạnh tranh, tiền bản quyền cho các tác giả, làm giảm đi tính đa dạng của các tác phẩm và cuối cùng là làm nghèo đi nền dân chủ này”.
Những người nổi tiếng trong ngành, trong đó có những nhà văn bán chạy nhất đã ra làm chứng. Các giám đốc điều hành của Penguin Random House và Simon & Schuster đã lên tiếng ủng hộ thương vụ, cho rằng việc sáp nhập sẽ có tác động tích cực đến các nhà văn, bởi việc sáp nhập các nhà xuất bản dẫn đến tiết kiệm chi phí, cho phép công ty đầu tư nhiều hơn vào công việc chính.
Stephen King, một trong những nhà văn đã ra làm chứng nói rằng ông thấy “rất vui với kết quả này”. Ông nói: “Việc sáp nhập sẽ gây ra thiệt hại có thể chậm thôi nhưng là lâu dài cho các nhà văn, độc giả, nhà bán sách độc lập và các công ty xuất bản nhỏ. Việc xuất bản nên tập trung hơn vào sự phát triển văn hóa và thành tựu văn học hơn là vào bảng cân đối thu-chi”.
Các giám đốc điều hành từ các nhà xuất bản lớn khác, gồm cả Hachette và HarperCollins cũng đã làm chứng chống lại thỏa thuận này. Khi tìm cách ngăn chặn việc sáp nhập, chính phủ lập luận rằng thỏa thuận này sẽ khiến các tác giả có ít lựa chọn hơn để chọn nhà xuất bản tác phẩm của họ, dẫn đến suy giảm số lượng và sự đa dạng của các đầu sách được xuất bản.
Việc Bộ Tư pháp tập trung đánh vào thu nhập của tác giả, thay vì xem xét thiệt hại có thể gây ra cho người tiêu dùng, đã đánh dấu sự thay đổi trong cách chính phủ áp dụng luật chống độc quyền. Chính sách chống độc quyền phần lớn đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ qua để nỗ lực ngăn chặn các tập đoàn lớn áp đặt giá bán cao hơn cho người tiêu dùng. Bằng cách đề cập đến tác hại tiềm ẩn đối với các tác giả, Bộ Tư pháp cho thấy họ đang có một cái nhìn rộng hơn về tác động có thể có của việc hợp nhất.
Stephen King tại phiên tòa chống việc sáp nhập.
Quyết định này đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng mở rộng quy mô của Penguin Random House, vào đúng thời điểm nó phải đối mặt với thị phần ngày càng giảm sút và nền kinh tế thì trì trệ. Mặc dù Penguin Random House vẫn là nhà xuất bản lớn nhất Hoa Kì, nhưng nó đang phải vật lộn để duy trì được thị phần bán hàng những năm gần đây. Theo thỏa thuận đưa ra từ trước, Penguin Random House có nghĩa vụ phải trả khoản phí khoảng 200 triệu USD cho Paramount Global, tập đoàn sở hữu Simon & Schuster, nếu việc sáp nhập không tiến đến thành công.
Khi thỏa thuận trị giá 2,175 tỷ USD lần đầu tiên được công bố vào năm 2020, hầu hết ngành xuất bản đều cho rằng nó sẽ được thông qua sau khi tham chiếu qua các quy định. Nhiều người đã choáng váng khi chính phủ tiến hành ngăn chặn nó. Nhưng trong suốt quá trình xét xử, sự hoài nghi của Thẩm phán Pan đối với vị trí của Penguin Random House ngày càng rõ ràng.
Trong vài thập kỷ qua, ngành kinh doanh xuất bản đã trải qua một số vụ sáp nhập và mua lại khi các nhà xuất bản lớn mua lại các công ty vừa và các đối thủ, và số lượng các nhà xuất bản lớn giảm xuống còn năm. Khi Penguin và Random House hợp nhất vào năm 2013, thương vụ này đã thúc đẩy một cuộc chạy đua mở rộng quy mô. Các công ty đối thủ như HarperCollins và Hachette cũng tiếp tục mua lẻ, mua các công ty nhỏ hơn để mở rộng danh mục của mình.
Nhưng quyết định của Bộ Tư pháp ngăn Penguin Random House mua Simon & Schuster cho thấy rằng các vụ sáp nhập trong tương lai cũng có thể thu hút sự giám sát của chính phủ, đặc biệt nếu nó liên quan đến nỗ lực của một trong những nhà xuất bản được gọi là Big Five. (1)
Một số chuyên gia về chống độc quyền coi phán quyết này là một ranh giới có thể hạn chế những sự hợp nhất nhiều hơn nữa trong tương lai của các ngành riêng biệt. Các chuyên gia khác nói rằng kết quả của phiên tòa này cũng đã đặt ra câu hỏi về việc liệu chính phủ có quyết định thách thức một đối thủ lớn khác trong ngành kinh doanh sách là Amazon trong tương lai gần hay không.
LINH TRANG dịch từ The New York Times
---------------------------------------
1. “Big Five” trong giới xuất bản bao gồm Penguin/RandomHouse, Hachette Book Group, Harper Collins, Simon and Schuster và Macmillan.
VNQD