Những cuốn sách hay cho Halloween

Chủ Nhật, 30/10/2022 20:25

Từ những bậc thầy như Le Fanu, Stevenson … cho đến mới hơn như Ray Bradbury Alice Marshall… Halloween sẽ trọn vẹn hơn với những tiểu thuyết “giật gân”, “gây sợ” và “choáng ngợp” sau.

Carmilla – Sheridan Le Fanu

Carmilla của Le Fanu - nhà văn viết truyện kinh dị nổi bật của thế kỉ 19.

Được mệnh danh là “cha đẻ của truyện ma nước Anh”, nhà văn người Ireland Le Fanu có một sự nghiệp dài rộng với các truyện ma mang nhiều màu sắc siêu nhiên. Trong số đó Carmilla là truyện ngắn nổi tiếng nhất, và cũng được coi là lần đầu tiên hình tượng ma cà rồng xuất hiện. Tác phẩm kể về 2 cô thiếu nữ Laura và Carmilla, trong tòa lâu đài có phần cổ kính nước Áo.

Trong đêm tối trời vào một ngày nọ, Carmilla bỗng đến nơi ấy trong một tai nạn xe ngựa. Cô gái không nói được gì về chuyện quá khứ, ngay cả nguồn gốc xuất thân. Kể từ hôm đó, hai cô thiếu nữ có mối liên hệ vô cùng sâu sắc. Tuy nhiên ác mộng về một vật thể đen ngòm, bò từ gầm gường, để lại những vết thương đau ở phía dưới cổ liên tục diễn ra. Nó đã trở thành một thứ bệnh dịch ám ảnh cư dân xung quanh lâu đài vốn luôn ảm đạm, và giờ đe dọa cả 2 cô gái, khi cơn "đồng mộng dị sàng" liên tục diễn ra.

Tuy thế vị khách dần dần khỏe hơn và luôn vắng mặt trong vài giờ khắc. Cô là ai? Và khi vắng mặt thì đã đi đâu? Carmilla đã cho thấy được tầm nhìn tiến bộ của Le Fanu, về hình tượng ma ca rồng cũng như đề cao khoái cảm nữ giới. Ma cà rồng trong tác phẩm của ông không là motif được lập trình sẵn, mà được xây dựng vô cùng phức tạp giữa các cảm xúc, gây ảnh hưởng lớn lên những nhà văn sau này, như Anne Rice, Bram Stoker, H.P. Lovecraft và các tên tuổi khác.

Truyện tối trăng mưa (Hẹn mùa hoa cúc) – Akinari Ueda

Tác phẩm liêu trai, kinh dị nổi tiếng bậc nhất của văn học Nhật Bản.

Được gọi là truyện thần kì Nhật Bản, Truyện tối trăng mưa hay Hẹn mùa hoa cúc chứa nhiều yếu tố siêu nhiên, tâm linh của những câu chuyện gây ám ảnh mạnh hay sởn gai ốc; nhưng cũng đồng thời hàm chứa cái đẹp và ý nghĩa riêng, lý giải vì sao Ueda Akinari trở thành tác giả vô cùng quan trọng trong văn chương Nhật Bản.

Nhắc đến siêu nhiên, người ta vẫn nghĩ chúng thường đại diện cho phía cái ác, nhưng với Ueda, yếu tố siêu nhiên cũng rất có thể chính là cái đẹp, và cùng cái xấu luân phiên xoay chuyển. Tác phẩm đồng thời cũng tổng hòa về đời sống Nhật Bản đương thời với chính trị, nội chiến liên miên… Phông cảnh, không khí, thơ haiku hay những yếu tố khác cũng được vận dụng rất linh hoạt; khiến đây không chỉ đơn thuần là truyện thần kì, mà còn cho thấy một Nhật Bản rất khác với phông nền văn hóa đa dạng.

Là tác phẩm lớn được viết trong bầu không khí ám màu ma quái, lạnh lẽo của những đêm sương và trăng; đọc vào người ta như đang lang thang trong một đêm trường tăm tối, nhìn thấu vào nội tâm mình nhờ những gì đang hiển hiện trước mắt. Lạ lẫm bởi truyện thần kì, nhưng lại đẹp đẽ một cách cô đọng trong từng chi tiết nhỏ.

Olalla - Robert Louis Stevenson

Tác phẩm kinh dị và đầy khác thường của Stevenson.

Là một nhà văn Scotland nổi tiếng với truyện du hành, Olalla có thể nói là một trong những truyện ngắn có phần độc đáo của Stevenson. Thấm đẫm tính chất “Latin” hiện thực kì ảo của nhữngJuan Rulfo, Isabel Allende, Garcia Marquez, Carlos Fuentes… Olalla mang đậm màu sắc gothic vô cùng khác biệt.

Kể về người lính bị thương trong thời chiến tranh, cần không khí trong lành, do đó anh đã đến một gia sản từng rất giàu có trên vùng núi cao của Tây Ban Nha nhưng giờ khánh kiệt. Trong tòa thành rộng lớn, anh đã chứng kiến những việc kì lạ, từ tiếng gào thét của loài thú dữ, những bức chân dung có phần đáng sợ, cho đến ngoại hình của những con người nơi dinh thự ấy như mơ màng ngủ…

Trong tác phẩm này, Stevenson đã tạo được tính gothic rất riêng, trong bối cảnh có phần ma quái dẫn dụ người đọc, cùng đó là thứ âm thanh của sự cưỡng bức và đầy điên loạn. Khép lại tác phẩm, bi kịch cận huyết vẫn là mồ chôn cho những cuộc tình, để rồi từ đó trên ngôi mộ cao, một cây thánh giá bỗng nhiên xuất hiện như đang đại diện cho thứ tình yêu một lần đã mất.

Xứ tháng Mười – Ray Bradbury

Xứ u minh của Ray Bradbury.

Với Xứ tháng Mười, Ray Bradbury đã dựng nên cõi u minh chứa nhiều kinh sợ và sự run rẩy. Ở cõi người mùa thu đó, bằng nhiều giọng văn và các câu chuyện sởn gai ốc khác nhau, nhà văn của 451 độ F đã mang đến một tác phẩm vừa châm biếm, vừa giễu nhại theo từng vòng tròn đồng tâm: từ con người phát tán thành một bức tranh xã hội rộng hơn, và bao trùm trên hết là những “trò lố” định nghĩa con người.

19 câu chuyện từ ngắn đến dài trong Xứ tháng Mười vẫn mang những đặc trưng rất riêng của Ray Bradbury. Như giải thích của ông, Xứ tháng Mười là một cảnh trí luôn luôn biến động. Nó là thế giới nội tâm của những linh hồn khi ông ở trong bụng mẹ đến hơn 10 tháng, và dường như có sự kết nối đặc biệt với cuộc đời này.

Tháng Mười trong tác phẩm này chính là thời điểm của trời lập đông và của ma quỷ. Sương giá, hương táo và những mặt hồ đọng sương trở đi trở lại suốt tác phẩm này. Nói về yếu tố kinh dị, Ray Bradbury ngoài việc khơi gợi nỗi sợ; ông cũng nhấn mạnh thêm vào tội ác và những trò lố. Yếu tố nghịch dị được ông mang vào như nhát cắt gọn, khi ta dần dần tiến tới sự thật, thì chỉ thấy đó là sự lọc lừa đang dần lớn lên.

Vẫn dùng những đặc trưng của xác ướp, nghĩa trang, ma quỷ, ma cà rồng, bí tích hay những con chiên thừa phụng lệnh Chúa; Ray Bradbury mang đến người đọc cảm giác của một xứ sở chỉ có hai mặt, Cõi trần và Địa ngục. Thiên đàng trong tác phẩm này dường như chỉ là trò đùa, khi chính những người phụng sự cho nó cũng bất lực trước con người đương đại.

Đi qua bóng tối – Kate Alice Marshall

Đi qua bóng tối thách thức mọi chiều không - thời gian.

Là cuốn tiểu thuyết như trò “truth or dare” người xem vẫn hay tìm thấy trong những cuốn phim kinh dị, Đi qua bóng tối đầy sáng tạo, căng thẳng và hồi hộp trong cách xây dựng cốt truyện biến ảo liên tục. Đi theo truyền thuyết về một con đường chạy suốt mà rất nhiều người một đi chưa từng trở về, liệu những cô cậu học sinh có dũng cảm để dấn bước theo và cứu thoát được người bạn của mình?

Kate Alice Marshall đã cho thấy được sự sáng tạo của bản thân, khi sử dụng những sự dịch chuyển không gian, thời gian, kết hợp truyền thuyết đô thị cùng những sử thi từ trong quá khứ. Không gian của Đi qua bóng tối liên tục co dãn, từ những thị trấn với bầy quạ moi xác, người dân bất động… đến con quái vật hình nhện và người đàn bà tay cầm ngọn nến chỉ còn bộ xương với những chiếc chuông bước đi trong ngôi nhà vắng…

Liên tục xoay chiều giữa thực và ảo, Alice Marshall đưa ra thử thách nhìn lại bản dạng, giữa những giả tạo và vô xác quyết Liệu ta có là chính ta trong cuộc đời này, hay mỗi người lại là một song trùng đang sống trong thế giới khác? Cuốn tiểu thuyết đầy căng thẳng và hồi hộp này sẽ giữ chân độc giả cho đến sau cùng.

LINH TRANG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)