Khi một người phụ nữ gom những nghi ngại, rụt rè, do dự để làm tin yêu đó là khi một ý chí đã được xác lập. Cũng như thơ, những hư vô, mơ hồ không thể gọi thành tên lại làm nên giọng điệu, phong cách. Tôi đã thấy tất cả những điều này khi đọc Lê Thanh My.
Sự kiên định của một người không được chứng minh bởi những lựa chọn mang tính lí trí. Lê Thanh My đã kiên định trong việc đi theo sự vẫy gọi của cảm xúc. Dường như tất cả đã ngủ mê/ bóng đèn đường rụt rè bật sáng/ ở giữa lối thông hành lãng mạn/ chỉ những người thương nhớ dắt nhau đi. Thực tại đã được quên đi hoặc mang một hiện diện khác. Đó chính là khi nhà thơ tìm thấy được mình và thốt lên ngôn ngữ của chính mình. Đây cũng là chìa khóa để chúng ta bước vào thơ chị và không ít lần bị mê đi bởi những cơn sóng lẻ nhưng triền miên, riết róng. Đợi chờ làm em mòn mỏi/ đợi chờ làm em tan ra/ kiêu hãnh trong em vụt tắt/ lạ lùng từ đâu sinh ra. Bị dẫn dụ bởi cảm xúc nhưng chị không bị nhấn chìm vào dòng chảy ấy mà Lê Thanh My biết cách để cho dòng chảy mạnh mẽ ấy trôi về đâu. Bởi vậy cảm xúc trong thơ chị là thứ cảm xúc có màu sắc và tạo ra ánh sáng. Cảm xúc đưa đến sự hiểm nguy cho người phụ nữ khi đặt họ trên bờ vực của sự đa đoan. Nhưng Lê Thanh My đã biết cách xoay chuyển tình thế cho mình: này đôi mắt chứa si mê ngờ vực/ hãy dành cho em phần ánh sáng tin yêu.
Cảm xúc sẽ chỉ là buồn vui đơn thuần nếu không được diễn đạt, dẫn dắt bởi ngôn từ để tạo nên một cảm nhận khác. Đó là đường đi của thơ, là cách để thơ được sinh ra. Tôi nghe những bước chân tìm nhau/ trong tiếng lanh canh của người gõ mì cuối phố/ điều gì đang nghiêng đổ/ mà lụt tràn đêm thâu. Nếu nói chỉ nhà thơ mới nhìn thấy những sụp đổ, phân rã, lạc loài từ những chỉnh thể bình thường thì cũng không hẳn nhưng nhà thơ sẽ biết cách để nói lên dự cảm ấy và mang nó đến với người khác bằng cách làm cho chính người ấy cũng cảm thấy như vậy. Và tất nhiên, nhà thơ sẽ luôn là người dùng những ý nghĩ, cảm nhận của riêng mình để xác quyết một điều gì đó: khi ta yêu nhau/ bóng tối làm lu mờ xác thịt/ lại rực rỡ xúc cảm phần người; mong manh là thứ cầm bằng như câu hứa/ nửa thắt chặt lòng, nửa buông thả phía xa xăm.
Lê Thanh My không đem đến một điều gì rõ rệt, một cái gì chắc chắn, mà từ những điều hư vô ấy chị đã tạo tác ra một thế giới khác của riêng mình. Ở đó người đọc thấy được chị trong một dáng vẻ khác. Không còn nông nổi, dè dặt mà điềm tĩnh, quả quyết hơn. Em là cửa sổ có treo vầng trăng/ anh là ngọn đèn cháy trong im lặng. Thơ là một quá trình để ta thấy được người viết đã đi như thế nào, đã sống ra sao và đã chọn cách nào để tạo dấu ấn.
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu
Xuyên mùa
Nắm níu thế nào cũng sẽ rời xa
tháng chạp bỏ đi
nụ hoa nép vào đêm hờn dỗi
ảo giác chạy long rong trong bóng tối
sợ ánh trăng cuối cùng ló dạng lá sẽ về trời
Ô cửa thời gian rập rình
chồi non nứt vách
em khoe đường cong làm ánh sáng lu mờ
tôi úp mặt vào đêm mơ mình linh lang chiếu mộng
khi mùa đông cất bước sang sông
Tháng chạp ru hoa huệ nở
nhớ nhau tôi chạy xuống sân đình
mái ngói lêu nghêu khói trắng
giao thừa rụng một hồi kinh
Mùa xa
mùa đi
vời vợi
Phương Nam
xa trông
mây trôi...
Chờ bên cửa
Tôi vẫn chờ bên cửa
như gốc si già ngó ra đồng vọng
phía chiếc thuyền bé bỏng
sông bình yên mà sóng gợn trong lòng
Tàn sen đứng dầm chân hư không
lá không thể cúi nhìn làm sao thấy
ánh trăng lập lờ
màn đêm bịn rịn
Bóng tối đếm từng bước chân trong đêm tối
người lạ lùng như mưa bay
tôi say
vành môi treo giữa trời...
Thao thức
Mùa điên điển nở
yêu anh
chợt thấy màu vàng lung linh hơn nắng
chiều nhạt là chiều ta xa nhau
Vuốt ve ý nghĩ mình là con chim trên cành
hót vì ngày trôi
em là cửa sổ có treo vầng trăng
anh là ngọn đèn cháy trong im lặng
Hàng cây trên đường nói điều gì không rõ
chân nhẹ nhàng đi
tay nhẹ nhàng ấm
trăm năm sẽ có đôi ngày lạ lẫm
Trong cơn sóng dịu dàng
ngoài hiên trăng vẫn sáng.
VNQD