Đọc Và ngọn gió cuộc đời còn thổi mãi của Trần Đình Việt, Nxb Hội Nhà văn, 2018
Tôi ngoái lại và dòng sông ngoái lại… là câu thơ chấm lửng ở cuối bài Chiều rời xa thành phố. Lần đầu thoạt đọc, ta cứ ngỡ đó là sự hoài niệm, nhưng đọc lần nữa, rồi lần nữa, thì thấy sự ngoái lại ấy đã vượt và đi xa khỏi những hoài niệm đơn thuần. Bởi, không chỉ là tôi, mà tôi đi liền với dòng sông - dòng sông thực và dòng sông trữ tình, đã mở ra, khêu gợi, cấp cho ngoái lại có thêm vỉa tầng ngữ nghĩa ngoài/ lớn hơn hoài niệm. Nhưng khi những câu thơ đã vượt quá không gian của hoài niệm cũng là lúc ta nhìn thấy rõ nhất dòng sông của thực tại đang chảy trôi trong lòng tác giả mềm mại và xanh sâu hơn:
Vì một con đường, một góc phố vừa mới qua
trong khoảnh khắc thoảng màu chiều lay động?
dòng sông ấy đã chảy vào tôi thành một dòng sông khác
mềm mại hơn và xanh sâu hơn?
Thơ Trần Đình Việt trong tập Và ngọn gió cuộc đời còn thổi mãi có chút miên man của chữ. Cũng bởi vậy có ý kiến cho rằng thơ Trần Đình Việt nhiều chữ. Tuy nhiên, khách quan mà nói trong thơ anh sự nhiều chữ ấy luôn “chật ních” xúc cảm và đó cũng là cách để người thơ chiêm nghiệm về đời sống của mình.
Tôi muốn thơ tôi được rải trên mặt đất
chạm được vào thịt da người
vào thịt da cây cỏ
và sẽ vô cùng hạnh phúc
nếu một câu thơ, thậm chí một chữ thôi
được nước mang theo vào đất
để đến mùa cùng cây cỏ lại trồi lên
(Một chút nghĩ về thơ)
Không chỉ với Và ngọn gió cuộc đời còn thổi mãi mà ở những tập thơ khác như Gió trên những con đường (2003), Lặng lẽ bên đời (2006), Cây bên đường và nắng và gió (2011), Con đường rợp bóng sa mu (2014), Năm tháng mãi còn xanh (2017) đã cho thấy ở Đại tá, nhà thơ Trần Đình Việt luôn có sự song hành với dòng sông, nắng trời, ngọn gió, với con đường hay lá cây ngọn cỏ… Như thể anh muốn hòa mình vào đó, muốn khỏa đầy không gian và thời gian để làm một cuộc trở về với thiên nhiên trong thơ.
Và còn đấy là sông. Mỗi dòng sông, dù là dòng chính hay nhánh phụ, đều có đời sống riêng của nó. Cái riêng ấy xuất phát từ nguồn xác định, để rồi trải dài suốt cuộc hành trình trở về biển khơi với những nhọc nhằn, lúc ầm ào thét vang kiêu hãnh nơi thung sâu hiểm trở, khi êm đềm lặng lẽ uốn khúc quanh co, trườn mình trên châu thổ mênh mang bờ bãi. Đời sông cũng là đời người. Cái ngoái lại của dòng sông hay chính là cái ngoái lại của kiếp người khi trước mỗi chúng ta có ngọn gió cuộc đời luôn thổi mãi.
CAO NGỌC THẮNG chọn và giới thiệu
Chiều rời xa thành phố
Tặng một khuôn mặt buồn
Chiều rời xa thành phố
tôi mang theo khuôn mặt buồn của em
hun hút gió trên đường
và bầu trời chuyển màu ảm đạm
Nơi thành phố tôi đã nhiều lần qua
đến rồi đi như bao thành phố khác
sao chiều nay có điều gì khác biệt
để nhiều lần tôi ngoái lại lúc rời xa
Vì một con đường, một góc phố mới vừa qua
trong khoảnh khắc thoảng màu chiều lay động
Dòng sông ấy đã chảy vào tôi thành một dòng sông khác
mềm mại hơn và xanh sâu hơn?
Hay thành phố cũng đã thành một thành phố khác
khi mang theo khuôn mặt em buồn
Và buổi chiều như chợt lạ chợt quen
tôi ngoái lại và dòng sông ngoái lại…
Viết trong mùa hè rớt của nước Nga
Bạn bảo sao không đợi đến tháng sau
thăm nước Nga
khi mùa thu trải thảm vàng lộng lẫy…
Tôi cũng tiếc
nhưng lại sợ
đụng vào cây mùa rụng lá (1)
làm cây đau
và đau cả mùa thu
Bạn bảo sao không đợi đến tháng sau
thăm mùa thu nước Nga…
Tôi cũng tiếc nhưng lại sợ
trước vẻ đẹp rừng sồi rừng bạch dương mùa thay lá
như đứng trước một giai nhân tóc vàng quá đẹp
trái tim nhà thơ khó giữ được bình yên
Và tôi muốn được một lần trong mùa hè rớt (2)
thấm cái đằm thắm dịu dàng thoáng chút lo âu
thơ Olga Berggoltz đã đọc ngày nào
với chút nắng muộn hè còn sót lại
Tháng tám
tôi chưa đến được nước Nga lúc vào thu
nhưng may mắn được đi qua
những cánh rừng xưa mùa thu Levitan (3) đã vẽ
lúc này cây lá còn xanh
để bên dòng Oka (4)
một lần thầm hẹn
sẽ có một ngày trở lại giữa vàng thu.
——
1, 2. Tên những bài thơ của Olga Berggoltz.
3. Danh hoạ nước Nga với bức tranh Mùa thu vàng nổi tiếng.
4. Nhánh lớn nhất của sông Volga, chảy qua các tỉnh Nizny, Novgorod, Riazan, Tula, Moskva…
Gửi một nhà thơ
Tặng Thanh Quế
Bạn tôi, một nhà thơ
trong phút đầy dự cảm
thấy mình như đang ngồi bên này bờ rào thời gian
dõi theo những cánh chim âu lo
cận kề cái phút bay vào vô tận…(1)
Có thể anh sẽ mang hết đi
có thể tất cả anh để lại
nhưng trước khi bay vào vô tận
xin anh hãy quay lại nhìn
Một mặt đất mênh mông
cánh rừng và đồng cỏ
anh sẽ bay nhẹ nhàng hơn
nếu thấy có những bông hoa nhìn theo anh vẫy
Những bông hoa anh để lại
bên này bờ rào thời gian…
———
1. Ý thơ Thanh Quế trong bài Tôi ngồi bên này bờ rào thời gian.
VNQD