Hội họa hiển thị thế giới này, nhưng đồng thời nó cũng sáng tạo nên những thế giới khác. Những bức tranh trong triển lãm Gió thổi mây bay của Nguyễn Công Hoài cho chúng ta thấy một thế giới luôn luôn, thường trực đứng trước sự biến mất. Ở đó tôi vẫn thấy rõ Hoài mà lâu nay tôi biết qua hội họa, nhưng cũng ở đó tôi thấy sự khác biệt hiện diện rõ nét hơn bao giờ hết. Anh đã đi xa hơn chính anh mà lâu nay tôi được biết. Với Nguyễn Công Hoài, mỗi triển lãm cá nhân là một phiên bản sáng tạo thành thực nhất thể hiện quan niệm của anh trong đời sống và trong nghệ thuật tại thời điểm đó.
Nếu trước đây, anh thiên về sự đặc tả, khắc hoạ hình khối, dáng vóc cụ thể và chăm chút những yếu tố ấy một cách đầy cảm giác, thì triển lãm Gió thổi mây bay lại như một sự vỡ lẽ khác của anh. Đó không chỉ là sự vỡ lẽ từ đời sống được hoạ sĩ biểu đạt vào trong tác phẩm, mà như một bước chuyển mang nhiều dấu ấn, đó còn là sự vỡ lẽ của con người sáng tạo trong anh.
Tác phẩm "Một bóng hình".
Vẫn là những bức tranh khắc hoạ những dáng hình thân yêu mà Nguyễn Công Hoài luôn yêu thương, khắc khoải, nâng niu; vẫn là những hình bóng thoáng qua, những khoảnh khắc vĩnh cửu của đời sống và nghệ thuật nhưng Nguyễn Công Hoài đã biểu đạt theo một lối khác. Nhìn thật sâu, thật lâu vào những tác phẩm ấy, tôi thấy những dáng hình ban đầu thật rõ nét, thật sống động, đủ biết hoạ sĩ đã khắc cốt ghi tâm, đã thâu trọn những hình ảnh ấy vào tâm thức mình như thế nào. Nhưng không chỉ có thế, và nếu chỉ thế thì Nguyễn Công Hoài vẫn đang là Nguyễn Công Hoài của trước đây, đầy cảm xúc, đủ kỹ thuật và vô cùng ấn tượng. Những chấm hoạ đã xuất hiện liên tục và dày đặc phủ lên những hình thể, những tạo tác ban đầu, làm mờ đi, nhoè dần, bôi đi những đường nét kỳ công. Tôi nghĩ, sự vỡ lẽ nằm ở yếu tố này. Và nỗi ám ảnh thời gian của Nguyễn Công Hoài cũng vậy.
Gió thổi mây bay của Nguyễn Công Hoài gợi đến ám ảnh thời gian bởi thời gian luôn có mặt, luôn chi phối con người. Mỗi chúng ta đều có một dòng thời gian chung, đó là thời gian của vật lý. Thời gian đó quy ước chúng ta vào những giới hạn chung như sinh ra, lớn lên, già đi và khuất bóng. Tuy nhiên, thời gian trong tâm thức, thời gian trong nghệ thuật lại là dòng chảy khác. Mỗi người sẽ sống trong thời gian tâm thức, thời gian nghệ thuật theo một cách riêng. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Công Hoài đều biểu đạt sự mất mát, sự phai mờ của hiện thực trước thời gian. Tuy nhiên những thể nghiệm, sáng tạo nghệ thuật của anh lại là cách để sự dần mất đi ấy trở thành cái bất tử và vô cùng biến ảo trong con mắt người xem tranh. Cái đang dần mất đi, cái biến ảo ấy chính là sự liên tưởng, là những đời sống khác, những phiên bản khác mà hội hoạ của Nguyễn Công Hoài tạo nên cho chúng ta. Nguyễn Công Hoài đang vẫy vùng kháng cự hay đang buông xuôi chấp nhận trước sự lãng quên khủng khiếp của thời gian, điều đó không quan trọng. Điều đáng nói là cách anh thể hiện những cảm xúc những suy tư của mình về sự tan biến, mất mát một cách chân thực trong tranh.
Tác phẩm "Gió thổi mây bay".
Những tác phẩm được biểu đạt với những chấm hoạ ngẫu hứng nhưng cũng ở đó ta thấy rõ nhất cảm xúc của hoạ sĩ. Anh vẽ và suy nghĩ những gì đang diễn ra xung quanh mình. Tình cảm con người, tình yêu, gia đình, niềm tin tôn giáo, cái đẹp... Trước cái vĩnh cửu của thời gian, mọi thứ đều trở nên tạm thời, mong manh. Nguyễn Công Hoài đã khám phá điều đó bằng sự quan sát, cảm nhận, ngẫm nghĩ của một nghệ sĩ đích thực, vừa nhạy cảm vừa quyết liệt, giàu trải nghiệm và đầy dấn thân.
Hoạ sĩ chia sẻ: Tôi nghĩ về sự tồn tại còn lại như những điểm hoạ, rời rạc, mong manh và dễ dàng tan biến. Tôi không còn đặc tả hay tôn lên những biểu hiện cụ thể mà thay vào đó tôi hướng đến sự kết nối bằng những vệt, chấm, như những tồn đọng trong chính mỗi nhân vật chỉ trực chờ bung phá hoặc tan biến vào hư không. Như là cách bày tỏ về cái nhìn của sự tan vỡ, sự tàn phai trong mỗi thân phận. Chúng ra rồi sẽ mờ nhòa, cả những khổ đau và muộn phiền cũng không còn nữa. Chúng ta, trong quá trình trưởng thành vốn dĩ tập hợp từ rất nhiều thứ để hình thành cái “cá nhân”. Nhưng rốt ráo, hiểu biết của chúng ta về bản thể và thế giới xung quanh vẫn chỉ là những mảnh ghép hữu hạn, chỉ trực chờ tan biến và trở về trạng thái nguyên thuỷ hòa tan vào đất mẹ. Tựa như một giấc mộng thoảng qua rồi biến mất vào hư vô…”
Với phong cách chấm hoạ, hoạ sĩ đặt những chấm màu trái ngược, ngẫu hứng liên tiếp cạnh nhau tạo hiệu ứng ánh sáng, tạo ra cảm giác về màu sinh động. Cái sinh động ấy lại sinh ra những liên tưởng về buồn vui, còn mất, hợp tan, thực ảo… Qua mỗi triển lãm cá nhân Nguyễn Công Hoài lại tiếp tục chọn một lối đi khó. Những lớp màu, phác thảo cho đến lớp hoàn thiện chủ thể bức tranh đều cần sự tỉ mỉ, kỹ thuật để vừa lột tả được cảm xúc mà không khiến những lớp màu bị rối, không khiến những đường nét bị chồng lấp nhau, lấn át nhau. Có thể thấy rõ, Nguyễn Công Hoài đã tâm huyết, đã xúc cảm, đã hết mình với nghệ thuật như thế nào qua cách mà anh biểu đạt trong tác phẩm. Khác với nhiều hoạ sĩ đương đại, dường như anh đang hướng đến việc làm mờ hay xoá bỏ dần cái tôi của chính mình. Cái tôi do nhiều sự cố công đắp bồi. Nhưng trước thời gian, mọi thứ cứ rã dần ra, điều cốt tuỷ còn lại, thực chất chỉ là cảm giác của chúng ta về những trải nghiệm sống, trải nghiệm sáng tạo. Sự kết hợp giữa cảm xúc, tinh thần và kỹ thuật làm sao để biểu đạt được điều mà hoạ sĩ cảm thấy, đó là một thách thức. Nguyễn Công Hoài đã làm được điều đó một cách tự nhiên như thể anh chỉ đang kể câu chuyện của chính mình. Nhưng cũng ở đó ta thấy được sự đầu tư dày công về thời gian, tư duy, và cảm xúc của hoạ sĩ.
Tác phẩm "Về với hư không".
24 bức tranh sơn dầu cỡ lớn trong triển lãm Gió thổi mây bay cho thấy nội lực sáng tạo và khả năng làm việc liên tục, tập trung của Nguyễn Công Hoài. Luôn mới mẻ, anh đã bước qua những rào cản trong kỹ thuật để tự do biểu đạt. Sắc màu và ánh sáng trong tay anh trở nên biến ảo vô cùng. Những ý tưởng cũng là điều mà anh luôn có, luôn đặt ra để thách thức chính mình. Đặc biệt là cảm xúc với nghệ thuật luôn là điều mà Hoài cho thấy một cách rõ nét, bền bỉ. Sự độc đáo mà Nguyễn Công Hoài có được xuất phát từ chính nỗ lực khám phá, thử nghiệm, dấn thân của mình.
Tất cả rồi sẽ gió thổi mây bay, rồi sẽ trôi vào miền vô tăm tích. Ngay cả những điều ở hiện tại ta tưởng như là quan trọng, rồi cũng sẽ dần trở nên như những điểm nhạt mờ, rời rạc. Hội hoạ của Nguyễn Công Hoài đặt chúng ta sống trong tình thế của những câu hỏi. Hết mình với những câu hỏi tự đưa ra ấy chúng ta sẽ sống trọn vẹn hơn trong những câu trả lời từ chính nội tâm mình dội lại.
Triển lãm Gió thổi mây bay diễn ra từ ngày 18-27/10/2024 tại Huyền Art House, số 7 Đặng Tất, Q1, TP Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984 tại Quảng Trị, là một trong những gương mặt họa sĩ đương đại nổi bật. Anh đã có nhiều triển lãm nhóm trong nước và nước ngoài, cùng nhiều triển lãm cá nhân tiêu biểu như: Những người xung quanh tôi (2015) tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM; Mặt (2016) tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du - Hà Nội); Ngột ngộp (2018) tại Gallery Đông A Ba Đình Hà Nội; Những ngày không mơ mộng (2021) tại 29 Hàng Bài, Hà Nội; Nghe những tàn phai (2022) tại Mây art space Tp.HCM; Đi biển có đôi (2023) tại Alpha artstation Tp.HCM; Gửi gió theo mây ngàn (2023) tại Mây art space Tp.HCM. Giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi “Hàn Quốc dưới con mắt họa sĩ trẻ Việt Nam”.
THU LAN
VNQD