Nhân kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), ngày 9/4 tại Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Tham dự hội thảo có đại diện Cục Chính trị, Cục Tuyên huấn, Ban Tuyên giáo TƯ, Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo các nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu văn học trong cả nước.
Hội thảo không chỉ đơn thuần là nơi trình bày các tham luận, đóng góp ý kiến mà còn ghi nhận nhiều phản biện có giá trị, mang tính xây dựng, góp phần vào thành công. Có thể nói đây là một buổi đối thoại về lý luận phê bình để các nhà nghiên cứu văn chương thẳng thắn đưa ra các luận cứ để cùng làm sáng tỏ các bài tham luận; điểm lại các tác phẩm văn học trong chiến tranh của Việt Nam và làm rõ giá trị văn chương trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay.

Đại tá Nguyễn Bình Phuơng, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Một cuộc nhìn lại toàn diện và phản ánh lịch sử
Phát biểu khai mạc, Đại tá Nguyễn Bình Phuơng, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhấn mạnh: “Hội thảo này nhằm mục đích phân tích, đánh giá, tổng kết và khái quát những giá trị, những thành tựu đã đạt được, đồng thời có thể chỉ ra những hạn chế, những vướng mắc của mảng nghiên cứu học thuật về đề tài này trong hơn 50 năm qua. Phạm vi của chủ đề khá rộng, đó là cả một cuộc chiến tranh kéo dài từ thời chiến sang thời bình”.
Nói về chủ đề văn học viết về kháng chiến, Thượng tá Phạm Duy Nghĩa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có tóm lược trong đề dẫn: “Là một “binh chủng” đặc biệt, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mĩ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế một anh hùng. Văn học góp phần khích lệ, cổ vũ cả nước ta đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lí tưởng cách mạng, với Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Hòn Đất của Anh Đức, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật... Văn học đã xây dựng những nhân vật như những vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lí tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng".

GS.TS. Đinh Xuân Dũng với tham luận "Giai đoạn thứ hai của văn học Việt Nam viết về chiến tranh"
Còn GS.TS. Đinh Xuân Dũng cho rằng, từ sau năm 1975, đặc biệt từ những năm 1980 đến nay, văn học Việt Nam viết về chiến tranh đang ở giai đoạn thứ hai với sự lộ diện dần những đặc điểm mới: “Văn học trở về với quá khứ chiến tranh tự đặt cho mình một nhiệm vụ: tiếp tục khám phá và cả khám phá lại để phát hiện những vấn đề còn ẩn sâu trong chính quá khứ chiến tranh đó. Khi chiến tranh đã lùi xa, mọi sự kể tả giản đơn, chỉ miêu tả lại các sự kiện, biến cố chiến tranh, hành động của con người theo dạng dựng lại hay minh họa lịch sử đều chưa thỏa mãn người viết và cả người tiếp nhận. Chiến tranh được nhìn nhận như một sức mạnh ghê gớm, khốc liệt nhào nặn, chi phối con người, biến đổi con người đến tận cùng, trên cả hai cực tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn”.
“Ở giai đoạn này, văn học đề tài chiến tranh không thể chỉ dừng lại ở việc tái dựng lịch sử chiến tranh như ta đã từng biết, mà phải khám phá sâu thêm, mới thêm trong quá khứ đó cái ta chưa từng biết. Phải chăng, đó là anh hùng và đời thường, anh hùng và bi kịch gắn bó với nhau, niềm tự hào về những phẩm giá tốt đẹp, cao cả, nỗi xót đau vì những tổn thất, mất mát không thể bù đắp, cái giá phải trả cho chiến thắng và cả sự tức giận, lên án những xấu xa, đê tiện xuất hiện trong chiến tranh… Tư duy hiện thực nghiêm ngặt ở giai đoạn hai đang vượt qua tư duy lãng mạn - trữ tình vốn giữ vị trí nổi trội ở giai đoạn một” – Ông nói thêm.

Đoàn chủ tịch chủ trì hội thảo gồm: Thượng tá Phùng Văn Khai, Phó Tổng Biên tập - Thượng tá Phạm Duy Nghĩa, Phó Tổng Biên tập và Thượng tá Hoàng Đăng Khoa, Trưởng Ban Lý luận Phê bình
Văn học – kháng chiến và kết nối
Nhà phê bình Ngô Thảo khi được mời đưa ý kiến phản biện, ông bày tỏ, các ý kiến trong hội thảo không phải là phản biện lại lẫn nhau mà là cùng nhau chia sẻ mảng đề tài mình có nhiều trăn trở, dấn thân: Kí ức chiến tranh không mất đi, nó sẽ luôn trở đi trở lại trong mỗi người. Do đó, nền văn học sau chiến tranh của chúng ta cũng đang dần cởi mở hơn theo thời gian và sự phát triển chung của đất nước. Chiến tranh tạo ra cơn địa chấn và vỉa quặng làm chúng ta tiếp tục khai thác và đào sâu hơn nữa. Chính hội thảo là một lời khẳng định tầm quan trọng của mảng đề tài này để khơi dậy tâm thế sáng tạo mới.
Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội lưu ý vai trò tư tưởng và nhân văn của văn học, bởi trong thời chiến, văn học cổ vũ tinh thần chiến đấu, còn trong thời bình, văn học tiếp tục nhiệm vụ phản ánh, chữa lành và tái thiết tinh thần dân tộc. Ông nói: Văn học cũng phân tích, đánh giá để tìm ra những bài học kinh nghiệm, cũng như những giá trị giáo dục truyền thống cho tương lai. Chúng ta cần phân tích những câu chuyện cụ thể, hay là sự vận động của các thể loại. Bởi, văn học theo truyền thống kế thừa từ ngàn xưa của người Việt, đã tích cực tham gia vào cuộc chiến này và có những giai đoạn, văn học thật sự trở thành vũ khí chiến đấu và củng cố tinh thần kháng chiến của dân tộc.
Một trong những ý kiến đáng chú ý từ phần phát biểu là sự nhấn mạnh đến tầm vóc dân tộc thông qua lăng kính văn học đó là: "Chúng ta có thể thấy cách người Việt ứng xử với hoàn cảnh, từ từng cá nhân cho đến cả cộng đồng, trong những thời khắc cam go, ác liệt nhất. Người Việt đã chấp nhận hy sinh, đổ máu, chấp nhận trở thành một trong những dân tộc chịu đựng khốc liệt nhất bởi chiến tranh trong lịch sử nhân loại”, nhà văn Nguyễn Bình Phương. Từ đó, ông cho rằng chỉ khi hiểu rõ những mất mát ấy, chúng ta mới cảm nhận trọn vẹn giá trị của thống nhất và hòa bình hôm nay.

Toàn cảnh hội thảo
Văn chương cần tinh thần học thuật nghiêm túc và nhân văn
Nhà văn Bảo Ninh xúc động khi nói về văn học trong chiến tranh: “Mạch văn học này cần phải được làm rõ, cần được chú ý và tiếp tục phát triển. Người cầm bút phải có trách nhiệm với nó. Nếu không thực hiện được điều đó, thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước lương tri, trước tấm lòng văn học của dân tộc? Bản thân tôi trước kia từng có cảm giác thế hệ trẻ ngày nay không còn hứng thú với đề tài chiến tranh. Nhưng mới đây, khi xem bộ phim Địa đạo, tôi thấy mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Thanh niên vẫn vô cùng cuốn hút, xúc động khi tiếp cận đề tài này. Vấn đề là tác phẩm đó phải thực sự gây xúc động, phải chạm tới trái tim. Chúng ta không nhất thiết phải trải qua chiến tranh mới có thể viết hay, làm phim hay về chiến tranh. Nhưng chúng ta phải sống chết với đề tài ấy, phải đặt cả trái tim và sự thấu cảm của mình vào đó. Như anh Bùi Đắc Sơn – dù chưa từng trải qua chiến tranh, nhưng anh làm phim về không gian chiến tranh rất tốt. Từ đối thoại đến diễn xuất, có lẽ còn lay động hơn nhiều bộ phim về chiến tranh của thế hệ đạo diễn đi trước, dù họ từng trải qua chiến tranh”.

Nhà văn Bảo Ninh phát biểu tại hội thảo
TS. Đỗ Hải Ninh trong tham luận của mình cũng một lần nữa phân tích những giá trị của mảng văn học này: “Các nhà văn thời kì kháng chiến chống Mỹ đã tạo được những nhân vật tiêu biểu của thời đại, những biểu tượng có ý nghĩa sâu sắc và giàu giá trị nghệ thuật. Đó là những người lính, người mẹ, người cán bộ, chiến sĩ... hiện thân cho tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu và niềm tin vào tương lai hòa bình, độc lập. Văn học giai đoạn này tuy chịu ảnh hưởng của cảm hứng sử thi, lãng mạn nhưng không thiếu những trang viết giàu chất hiện thực và nhân văn. Từ sau 1975, các nhà văn tiếp tục phản ánh cuộc sống thời hậu chiến, không né tránh những mặt trái, bi kịch của con người. Đây chính là bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp và tư duy nhân văn sâu sắc của nhà văn Việt Nam”.
Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận từ các học giả, nhà văn, nhà phê bình trên khắp cả nước – với chất lượng cao, nhiều phát hiện mới mẻ. Đây là minh chứng cho sức sống bền bỉ của mảng đề tài chiến tranh – cách mạng trong khoa học nhân văn hiện đại.
“Thậm chí, ở một chừng mực nào đó, đề tài này còn được đào sâu và phát hiện thêm những điều mới thông qua tinh thần nghiên cứu khách quan của khoa học nhân văn”, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng khẳng định, đồng thời gửi lời cảm ơn đến toàn thể các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà văn đã cộng tác và tham gia hội thảo, để lại những dư âm học thuật sâu sắc – như một điểm dừng vừa đủ để nhìn lại, và cũng là khởi đầu cho hành trình tiếp tục viết về chiến tranh bằng tinh thần nhân đạo và khát vọng hòa bình.
Một số hình ảnh trong hội thảo:


GS. TS. NGND Trần Đình Sử có tham luận tựa đề "Nỗi buồn chiến tranh, một cách viết khác về chiến tranh"

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại hội thảo
PV
VNQD